Đừng mượn tay con trẻ.
Sáng nay nhận được cái tin: Xin gửi cho bài đầy đủ “Thi nghiêm, ngành GD làm được không?”. Nhân tiện, cho biết quan điểm về hành vi tố giác của thí sinh ở Đồi Ngô. Lưu ý: Đã đọc bài “Đừng lừa dối trẻ con” của anh trên blog vov.vn.
Tin của người lạ, định quẳng đó ngủ tiếp, nhưng thấy nội dung có vẻ ra lệnh, lại thách thức nên tò mò, tỉnh cả ngủ, có lẽ lại phải viết.
Bài “Đừng lừa dối trẻ con” ai chưa đọc xin mời theo đường dẫn ở trên. Trong bài này, tôi phản đối việc lợi dụng con trẻ để làm những việc không phải trách nhiệm, vượt quá năng lực hành vi và suy nghĩ của các cháu.
Với hành vi quay phim tố cáo tiêu cực ở Đồi Ngô - Bắc Giang trong kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi, hầu hết ý kiến trên các diễn đàn đều ủng hộ, riêng tôi có góc nhìn khác. Tôi không phê phán hành vi ấy nhưng cũng không khuyến khích, thậm chí phản đối nếu ai đó cố tình sắp đặt, chuẩn bị trước để các cháu thực hiện.
Một việc, dù mục đích có tốt đẹp tới đâu đi nữa nhưng không thuộc phạm vi trách nhiệm, không phù hợp với năng lực hành vi, tâm lý lứa tuổi… thì cũng không nên lôi kéo các em vào.
Thời chiến tranh, cho dù đã xuất hiện tấm gương Kim Đồng, có Đội thiếu niên Đình Bảng…, song Bác Hồ cũng chưa bao giờ đặt trách nhiệm chiến đấu hoặc làm gì đó quá sức với thiếu niên nhi đồng. Bác nhấn mạnh “Trẻ em như búp trên cành /Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”.
Trở lại với sự kiện Đồi Ngô, nhiều người vì quá bức xúc với GD, nhất là thi cử, nên hô hào cổ vũ cho hành vi quay lén và tố giác gian lận của thí sinh. Tôi nghĩ như thế chưa công bằng và thiếu tỉnh táo.
Nhiều vị GS đáng kính còn nói, nếu các cháu không tố giác thì ai sẽ phát hiện tiêu cực phòng thi đây. Không biết là ai nhưng nhất quyết không phải các cháu, nhất là khi thực hiện việc đó dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo của người lớn.
Thấy hòn đá to nằm giữa đường, nơi xe cộ qua lại ầm ầm, ta không thể đòi hỏi một cháu bé 5- 6 tuổi chạy ra vứt hòn đá ấy đi để tránh tai nạn. Bởi việc ấy nguy hiểm cho tính mạng của bé.
Gần đây trên mạng từng nổ ra cuộc tranh luận gay gắt về công việc của hiệp sỹ đường phố. Phần đông ý kiến cho rằng nếu đó là hành vi tự phát của cá nhân thì đáng cỗ vũ, nhưng nếu đưa vào tổ chức, phát động thành phong trào thì cần xem lại trong bối cảnh chúng ta đang hướng tới một xã hội pháp quyền.
Chúng ta từng xót xa trước bức ảnh thiếu niên ở một số quốc gia châu Phi đang có nội chiến vai khoác súng như những chiến binh thực thụ. Do đó, không lý gì, ở một đất nước hòa bình, hạnh phúc thứ nhì thế giới, có Luật bảo vệ, chăm sóc và GD trẻ em như ta lại đi sử dụng con trẻ để làm công việc của người lớn.
Ngô Thiệu Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ