Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Hạnh phúc và âu lo.

Mẹ tôi gần 80 tuổi, sống sát thủ đô. 80 năm qua bà chưa một lần đi đâu vượt quá bán kính 80 cây số. Trước cuộc sống khó khăn, đã đành, nay tôi đi làm dành dụm được ít tiền nên hỏi bà có muốn đi thăm họ hàng trong Sài Gòn không. Bà lắc đầu. Tới bây giờ bà cũng chỉ biết biển qua màn hình vô tuyến. Hỏi bà có thích đi xem biển không. Bà lắc đầu.

Nói chính xác là muốn bà đi du lịch, nhưng hai từ đó quá xa lạ và xa xỉ với một người nông dân như mẹ tôi nên tôi nói tránh là đi thăm…, đi xem biển, vậy mà vẫn không thành công.

Cả đời bà chỉ biết tới ruộng đồng chồng con và bây giờ là cháu. Với nhiều người thì đó là sự cam chịu khổ hạnh. Nhưng bà lại sung sướng, hạnh phúc và thỏa mãn với những gì mình có.

Luận về sự sướng - khổ, nhiều người đã phân tích điều này, nhưng ở đây tôi muốn nói rằng quan niệm về hạnh phúc phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức của mỗi cá nhân và rộng ra là cả một quốc gia.

Với cách hiểu như thế, tôi không ngạc nhiên khi người ta chấm điểm Việt Nam hạnh phúc thứ nhì thế giới, chỉ sau Costa Rica.

Cách hiểu ấy càng được khẳng định khi tôi biết rằng tổ chức nọ đo hạnh phúc với các tiêu chí về tuổi thọ, mức độ thỏa mãn với cuộc sống của người dân và khai thác tài nguyên bền vững, thay vì chú trọng tới khía cạnh giàu có về kinh tế.

Nhân dân ở một quốc gia phải kinh qua ba bốn cuộc chiến tàn khốc trong suốt gần một thế kỷ, thì đến thời Đổi mới này, ai dám nói rằng không thỏa mãn. Những gì mà hòa bình và Đổi mới đem lại, với nhận thức của thế hệ mẹ tôi, là vô cùng lớn lao.

Song, cũng chẳng nên ôm ấp cái chỉ số thứ hai thế giới này mà mơ màng, kiêu hãnh. Chúng ta đang đối mặt với những trở ngại, khó khăn to lớn. Người dân, dẫu được sống trong hòa bình, nhưng vẫn phấp phỏng âu lo.

Tôi chưa bàn đến những chuyện to tát như biển Đông hay tái cơ cấu kinh tế, chỉ xin nói những câu chuyện hàng ngày của các bà nội trợ, trong đó có mẹ tôi.

Người ta nói dân Việt Nam luôn chuẩn bị sống. Tôi nghĩ đúng. Hầu hết chúng ta, và cả thế hệ như mẹ tôi nữa, chưa lúc nào sống cho mình với ý nghĩa đích thực và lành mạnh của từ này.

Chúng ta luôn trong tư thế phải đối phó với những gì bất ổn, không may sắp diễn ra. Vì thế hầu hết mọi người đều lo vun vén cho cá nhân, gia đình.

“Vun vén” với mẹ tôi là dành dụm vài chục năm để có quyển sổ tiết kiệm 10 triệu đồng, là đầu tư cho con cái học hành, là bóp mồm bóp miệng cả đời để xây ba gian nhà ngói...

Cũng có người tận núi cao “vun vén” mà mua được nhà ở Hà Nội dưỡng già; người Hà Nội “vun vén” dựng dinh cơ bề thế ở quê để vui thú điền viên trong khi lương công chức, ai cũng biết, chẳng nhằm nhò gì.

Thôi thì mỗi người một kiểu, cũng chẳng sung sướng gì đâu, mọi người đang phải “chuẩn bị sống” theo những cách riêng của mình mà thôi. Chỉ buồn là, luôn phải “chuẩn bị sống”, nên ở một hoàn cảnh thuận lợi, con người ta dễ bị tha hóa lúc nào không hay.

Một hôm mẹ tôi đi chợ về, chưa kịp đặt làn rau xuống đất, bà đã phàn nàn: Bây giờ người ta bán cả lương tâm để kiếm sống. Ngạc nhiên chưa? Hiếm khi bà diễn đạt được một câu “hàn lâm” như thế. Số là hàng xóm có chị trồng rau, hôm trước vừa thấy phun thuốc, hôm sau đã thấy đon đả ngoài chợ, nói rau sạch, rau sạch bà con ơi. Riêng cái hiểm họa từ miệng này thì ông to bà lớn cho đến dân đen ai cũng sợ, vì ai cũng phải ăn. Sợ thực phẩm nhiễm hóa chất đến mức mà một tỉnh nào đó cấm cả trái cây ngoại!? Một lệnh cấm bất chấp những nguyên tắc tối thiểu của kinh tế thị trường nhưng lại được nhiều người ủng hộ này đã phần nào thể hiện được sự âu lo đến mức quẫn bách của cả người dân và nhà chức trách.

Đến đây lại nhớ câu vè của ông Bảo Sinh, chủ khách sạn chó độc nhất ở Việt Nam: Ra đường sợ nhất công nông/ Về nhà sợ nhất vợ không mặc gì. Xin phép tác giả phóng tác ra dị bản để cho nó có tính thời sự và cũng là để kết bài này: Ra đường sợ nhất tai nạn giao thông/ Về nhà sợ nhất chổng mông bên bồn cầu./.

Ngô thiệu Phong

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ