Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

CẢM XÚC ĐỒI NGÔ.




Cách biểu hiện các trạng thái cảm xúc xem ra cũng thật nghèo nàn. Cùng một cách biểu hiện nhưng đôi khi lại diễn tả hai trạng thái tình cảm, cảm xúc trái ngược. Buồn – khóc, nhưng vui cũng khóc, thậm chí say cũng khóc; đau đớn – rên, nhưng sung sướng cũng… rên.

Sự kiện Đồi Ngô trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua là một cảm xúc. Và Bộ GD-ĐT đã cố gắng biểu hiện cái cảm xúc mạnh mẽ ấy bằng việc sửa đổi, bổ sung một vài điểm trong quy chế thi ĐH-CĐ. Theo đó, thí sinh có thể đem theo phương tiện ghi âm, ghi hình nhưng không với mục đích gian lận. Một vị lãnh đạo ngành cũng tuyên bố với báo chí rằng “khuyến khích phát hiện và tố giác gian lận thi cử”.

Những tuyên bố và sửa đổi ngay trước giờ thi như vậy ít nhiều hâm nóng dư luận. Đã là quy chế thì cơ sở phải y lệnh, song không phải không có điều ra tiếng vào. Chính vì thế mà ông Phó Cục Trưởng Cục Khảo Thí và Kiểm định chất lượng GD lại một lần nữa phải lên tiếng đính chính và làm cho rõ rằng các thiết bị ấy “không thể nghe và xem được tại chỗ ”.

Kể ra một văn bản pháp quy mà cứ phải giật mình “nói lại cho rõ” thì cũng hơi nguy. Nhưng thôi, trở lại với hành vi quay phim tố cáo tiêu cực ở Đồi Ngô - Bắc Giang, cảm xúc chủ đạo để Bộ đưa ra một vài thay đổi trong quy chế. Hầu hết ý kiến trên các diễn đàn ủng hộ việc này, riêng tôi có góc nhìn khác. Tôi không phê phán nhưng không khuyến khích, thậm chí phản đối nếu ai đó cố tình sắp đặt, chuẩn bị trước để các cháu thực hiện.

Có lẽ nhiều người, vì bức xúc với GD, nhất là thi cử, nên hô hào cổ vũ thí sinh quay phim và tố giác gian lận. Tôi nghĩ như thế chưa công bằng và thiếu tỉnh táo.

Một việc, dù mục đích có tốt đẹp, nhưng không thuộc phạm vi trách nhiệm, không phù hợp với năng lực hành vi, tâm lý lứa tuổi, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ… thì không nên lôi kéo các em vào. Thấy hòn đá to nằm giữa đường, nơi xe cộ qua lại ầm ầm, ta không thể đòi hỏi một cháu bé 5- 6 tuổi chạy ra vứt hòn đá ấy đi để tránh tai nạn. Bởi việc ấy nguy hiểm cho tính mạng.


Gần đây trên mạng từng tranh luận gay gắt về công việc của hiệp sỹ đường phố. Phần đông ý kiến cho rằng nếu đó là hành vi tự phát, tự giác của cá nhân thì đáng cỗ vũ, nhưng nếu đưa vào tổ chức, phát động thành phong trào thì cần xem lại trong bối cảnh chúng ta đang hướng tới một xã hội pháp quyền.
Chúng ta từng xót xa trước những bức ảnh thiếu niên ở một số quốc gia nội chiến vai khoác súng như những chiến binh thực thụ. Do đó, không lý gì, ở một đất nước hòa bình, hạnh phúc thứ nhì thế giới, có Luật bảo vệ, chăm sóc và GD trẻ em như ta lại đi khuyến khích sử dụng con trẻ làm công việc của người lớn.

Con người, nếu chỉ qua các biểu hiện cơ thể, thì cảm xúc thể hiện rất nghèo nàn, cố lắm là vài cử chỉ như khóc, cười cho tới rên rỉ. Có lẽ vì thế mà thơ ca nhạc họa mới ra đời? Tức là phải vận dụng tới lý trí. Cảm xúc Đồi Ngô cũng nên vận dụng lý trí một chút chứ chẳng nên gãi ngứa dư luận bằng mấy điều bổ sung vào quy chế./.

Ngô Thiệu Phong

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ