Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

Hãy để giáo dục là giáo dục !



Trong buổi họp báo sau đợt thi thứ 2 vào ĐH-CĐ, lãnh đạo Bộ khẳng định mấy điểm bổ sung vào quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ là cần thiết. Cá nhân tôi vẫn thấy có điều gì gờn gợn. Việc Bộ tái khẳng định đây là chủ trương đúng khiến tôi phải tự cật vấn xem mình có định kiến, cổ hủ và khắt khe. Vẫn biết cái cũ lạc hậu bỏ đi đã khó, cái mới xuất hiện đâu dễ được chấp nhận ngay, thói đời là vậy. Chính vì thế, tôi cố gắng khách quan khi nhìn nhận sự việc này.

Giới chức ngành GD nói trước nay xã hội không biết cái gì diễn ra sau cánh cổng trường thi nên việc bổ sung quy chế (cho phép thí sinh đem thiết bị ghi âm ghi hình vào phòng thi) nhằm minh bạch hóa. Thực ra xã hội không biết là do ngành GD chứ đâu phải do cái thiết bị kia. Nói thế khác nào coi việc làm của hàng ngàn thanh tra, giám thị là công dã tràng?

Trên chục năm nay, Bộ GD-ĐT chưa công bố một vụ việc gian lận nghiêm trọng nào xuất phát từ phía giám thị trong kỳ thi tuyển sinh vào ĐH-CĐ. Và trên thực tế, dư luận xã hội cũng hoàn toàn yên tâm và tin tưởng vào kỷ luật phòng thi trong kỳ tuyển sinh này. Bộ chắc chắn biết điều đó! Vậy thì bổ sung quy chế vào “cái chỗ” mà Bộ biết thừa là “chẳng phát hiện ra cái gì đâu” để làm gì? Cú đòn gió ấy thực ra là để “gãi ngứa” dư luận vốn đang không hài lòng sau vụ Đồi Ngô. Tôi rất tiếc là trong cuộc họp báo không thấy phóng viên nào hỏi sắp tới Bộ có bổ sung điều khoản ấy vào Quy chế thi tốt nghiệp THPT hay không.

Tạm gác chuyện “mẹo mực” ấy lại, cái đáng lo hơn, theo tôi, là quan điểm GD. Tôi không phải là nhà sư phạm nhưng xin kể câu chuyện của một nhà sư phạm người Việt sang định cư ở Đức (mà tôi đọc được trên mạng) để minh chứng cho sự lo ngại về lối dạy của chúng ta.

Ở VN, chức danh sao đỏ và lớp trưởng có nhiệm vụ gì? Ai cũng biết đó là các việc như theo dõi, ghi tên học sinh đến muộn, không trực nhật, không mặc đồng phục; hô các bạn đứng dậy chào thầy cô, lo trực nhật, lau bảng, nhắc các bạn giữ trật tự, khi các bạn nghịch ngợm, chế diễu nhau ngoài lớp thì báo cô chủ nhiệm… Nói tóm lại là quyền năng của sao đỏ, lớp trưởng rất lớn. Lớp trưởng có sai thì hầu như chẳng học sinh nào dám mách cô cả và lớp trưởng đương nhiên được ưu ái.

Ở Đức, cũng như các nước có nền GD tiên tiến lại khác, không có chức danh sao đỏ và lớp trưởng với nhiệm vụ luôn đi soi mói và tố cáo, thậm chí còn được quyền thay cô phạt đòn bạn như ở ta.

Nhà sư phạm người Việt mà tôi nói ở trên có lần hỏi bà giáo người Đức rằng năm nay ai được chọn làm lớp trưởng. Bà giáo trả lời nguyên văn như sau: “Vì ông là đồng nghiệp nên tôi nghĩ tôi đã hiểu câu hỏi của ông. Lớp chúng tôi không có học sinh nào được chọn làm lớp trưởng cả. Ở tuổi cấp một, chúng còn quá bé để phải chịụ thêm trách nhiệm về hành vi của một bạn khác, dù chỉ là nhắc nhở hoặc để ý rồi trình báo với thầy cô. Nếu phải chịu trách nhiệm thêm về một bạn khác, đứa trẻ dễ ngộ nhận nó có thêm quyền lực và ngược lại, đứa bị giám sát sẽ có cảm giác yếm thế, lệ thuộc. Tất nhiên chữ “nếu” chỉ là hãn hữu, nhưng dù 1% chúng tôi cũng không cho phép xảy ra. Trong lớp, mọi em đều được cô giáo phân công trách nhiệm với lớp như nhau. Khi phụ huynh đều đóng phần thuế học cho con bằng nhau, ông có chấp nhận khi con ông bạn hàng xóm tự nhiên lại là “trưởng" của con mình không? Tất cả các vị phụ huynh của chúng tôi đều không chấp nhận, họ đòi hỏi sự công bằng. Mới vào cấp 1 mà đã có đứa được là "sỹ quan”, đứa là “lính" ư? Xin ông nhớ rằng, dù có tạo ra được một thủ lĩnh thì chúng ta đã đồng thời tạo ra một loạt những đứa nhút nhát và a dua, phụ thuộc thủ lĩnh. Đấy là chưa kể đứa trẻ - được tin cậy kia có nguy cơ bị nhiễm thêm thói xấu: nhòm ngó, mách lẻo, chỉ điểm...”

Công bằng mà nói thì cuối cấp 1 và cấp 2, do học sinh ở Đức đã lớn, nên trong tổ chức của lớp có thêm một chức danh “phát ngôn viên” (Klassensprecher).

“Phát ngôn viên” là cầu nối chỉ truyền đạt những thông tin được các bạn nhờ chuyển đến thầy cô hoặc ngược lại, không được truyền những thông tin cá nhân không được nhờ. Nếu vi phạm bị coi là xâm phạm đời tư! Và chức danh này do lớp bầu trên cơ sở các ứng viên phải viết một bản cam kết sẽ làm gì, phải đạt được gì trong cương vị đó. Bản cam kết để “tranh cử” được cả lớp bỏ phiếu mà không có sự tham gia của giáo viên.

Kể lại câu chuyện trên, tôi lại càng thấm thía câu nói của GS sử học Phan Huy Lê: “Hãy để GD là GD, đừng để cái gì nó chi phối vào GD” khi ông bức xúc nói về chương trình môn sử và cách dạy sử tại một hội thảo với sự có mặt của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển.

“Cái gì” (theo cách nói của GS Phan Huy Lê) thì nhiều thứ lắm, nhưng cái mà mọi người thấy rõ nhất hôm nay là qua sự kiện Đồi Ngô và việc Bộ chủ trương khuyến khích thí sinh tố cáo gian lận phòng thi./.

Ngô Thiệu Phong


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ