Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2020

Trở lại Pá Uôn

Thực ra khi thường trú trên Tây Bắc năm 1998 tôi vẫn chưa có dịp vào Quỳnh Nhai. Một hai năm sau gì đó mới cùng Nhật Minh, Tuấn (dân thổ địa) thuê con U – oát ngật ngưỡng bò vào.
Bữa đó phù sa dồn về, phà Pá Uôn không chạy được nên mấy anh em tắc ở đó. Loanh quanh thế nào buổi tối được ông chủ phà thết bữa tuý luý, hình như lòng lợn, lại được ngủ nhờ qua đêm.
Ngày đó Pá Uôn nghiện nhiều lắm! Rầm rập mua bán hút xách cả đêm. Thanh niên choai choai phê thuốc đứng lim dim như cò ngủ. Chả thấy ai bắt. Ngược sông vào huyện, đám tàu khai thác vàng, với đủ mặt giang hồ thảo khấu, ngày đêm gào thét cày xới lòng sông.
Giờ Quỳnh Nhai khác rồi! Huyện mới cách cầu Pa Uôn vài cây số, huyện cũ đã chìm nghỉm dưới lòng hồ. Những người ưa hoài niệm như tôi trở lại Quỳnh Nhai đều mong một lần trở về chốn cũ-huyện cũ, để lặng lẽ ngồi trên mặt sông bao la nghĩ về những kỷ niệm đang ngủ yên dưới kia, dưới sâu hàng chục mét nước.
Những mỏm núi cao ngất ngày xưa giờ nước dâng biến thành những hòn đảo đẹp mê hồn! Chả ai nghĩ Quỳnh Nhai làm được cả nước mắm và sống khoẻ nhờ thuỷ sản. Cá sông Đà đang âm thầm theo thương lái chở thẳng đến các bàn tiệc của các đại gia, các doanh nhân và những người sành ăn dưới xuôi. Họ thưởng thức và rỉ tai nhau “cá sông Đà”.
Thực thà mà nói du lịch, trong đó có ẩm thực ở Quỳnh Nhai còn thô mộc. Sẽ không có sự tinh tươm và tiện nghi như resort nhưng bù lại ở đây bạn sẽ nếm được nắng, ngửi được gió, sờ được sương và ngất ngây với những nụ cười, câu nói hồn hậu chất phác của người dân bản.
Khi men rượu vừa say, khi tâm đầu ý hợp, bạn có thể đứng ở một khoảng cách vừa đủ để mân mê chiếc tai piêu trên đầu em gái Thái; bạn có thể hỏi bà con trong bản đủ chuyện mà không bị nghi ngờ là... kẻ xấu, bạn có thể “lạc bước” vào bất cứ nhà nào cũng đều được đón chào trọng thị, bạn không sợ bị cân điêu, không lo lừa lọc...
Quỳnh Nhai cũng như một vài vùng ở Tây Bắc hiện chưa có khách sạn 5 sao nhưng tình người trên cả 5 sao, những điều nhân bản như thế đã hoá thạch ở nhiều nơi. Quỳnh Nhai và một số bản làng Tây Bắc vẫn vẹn nguyên bạn nhé!
Anh Cường chủ tịch, anh Thu bí thư..., những người đắm đuối và sống chết với vùng đất cứ gặp mình là say sưa kể về những dự định trong tương lai. Chuyện lớn chả dám bàn, chỉ mong các anh làm gì thì làm, cứ phải giữ cái chất người, cái phong cảnh riêng Tây Bắc mới được!
Ai muốn trở về với thiên nhiên, với sự thanh khiết, tinh khôi, trong trẻo thì lên ngay đi, kẻo sau lại tiếc!

Lâu lắm mới bị...nôn

Nhiều việc, cả tháng nay đêm qua mới từ Sơn La về thăm vợ.
5 giờ sáng, vừa về đến nhà, ngồi phịch xuống hiên, mặt gục xuống, rũ ra.
- Đêm qua lúc xe qua Mộc Châu đang nằm tự dưng rùng mình cái ra hết!
Vợ lom lom nhìn vẻ thương hại nhưng vẫn không giấu nổi sự thất vọng hiện rõ trên khuôn mặt.
- Lâu lắm mới bị!
Vợ chả nói năng gì, cứ đứng nhìn nhưng lại như chẳng nhìn gì cả.
- Nôn! Nôn! Lúc nửa đêm xuống đi vệ sinh ở quán Kỳ Duyên chắc bị gió. Tối ở đấy gió cứ hun hút, lạnh thế!
Mình ngẩng lên thấy vợ tủm tỉm quay vào. Tay lắc chùm chìa khoá như lên đồng🤣.

Nhân Hong Kong biểu tình

Lớp 4 (theo bố vào Sài Gòn công tác) mới được tiếp xúc và sở hữu chiếc đèn bàn học đúng nghĩa. Trước đó toàn học đèn dầu.
Đấy là chiếc đèn bàn cũ, hình quả cầu, nhấc bán cầu Bắc lên thành chao đèn, đế đèn có chia 24 múi giờ, tên một số quốc gia, xoay vòng tròn để xem giờ các nước. Hồi đó (1978-1979) tôi rất lạ là trên vòng tròn đó có Hồng - Kông nhưng không có...Việt Nam😎.
Tôi chưa một lần ở lại Hồng Kong, chỉ chuyển máy bay ở đó. Cảm nhận chung là thanh niên Hông Kong cao ráo sáng sủa, nhân viên sân bay khá lịch thiệp, người nào nói tiếng Anh cũng tốt.
Đến sát Hong Kong thì có một lần. Đấy là bận đi Thâm Quyến - Trung Quốc, chỉ cách Hong Kong một con sông.
Thâm Quyến xưa chỉ là một làng chài nghèo khó. Người trong đại lục không muốn nhìn sang bên kia- Hong Kong - như một thế giới khác nên đã tập trung kiến thiết đầu tư mạnh cho Thâm Quyến để vươn lên cho bằng bên kia sông.
Thâm Quyến đẹp, khá sạch và hiện đại, đường phố đầy sắc màu với đủ kỳ hoa dị thảo; cũng là một trung tâm thương mại, kinh tế, tài chính lớn; điện sáng thâu đêm để làm việc với nửa còn lại của bán cầu...
Nhưng! Nhưng! Nhưng con người ở Thâm Quyến chắc phải mất một thời gian khá lâu mới được giống như con người ở Hong Kong. Đó là điều tôi dám chắc!
Chỉ viết vậy thôi! Chúc các bạn trẻ Hongkong giữ tính mạng và tinh thần TỰ DO !
Ảnh: Poly Uni in Hongkong

Phận cô giáo miền núi những năm 90

Trước đây giáo viên nữ ở vùng sâu vùng xa có một nỗi khổ khó nói, chỉ nhìn nhau mắt ậng nước trong nỗi cảm thông sẻ chia mà thôi. Đó là chuyện lập gia đình.
Thời trước nguồn GV tại chỗ ở miền núi, vùng sâu chưa có nên GV đều ở dưới xuôi lên hoặc từ tỉnh lị vào dạy.
Con gái có thì, vèo cái xuân sắc trôi qua, khi đó tìm được tấm chồng đâu phải chuyện dễ, nhất là ở vùng sâu, vùng miền núi, nông thôn, nơi có tập quán lập gia đình sớm.
Trường nào may mắn cạnh đồn biên phòng thì mừng hết lớn! Trong leo lét ánh đèn dầu kiểu gì cũng có bóng anh bộ đội in trên vách liếp; thể nào cũng có vài cặp nên vợ nên chồng.
Lần đó trên đường vào đồn biên phòng Cốc Pàng - Cao Bằng có ghé một trường ven đường để nghỉ chân. Một thầy giáo bảo trên này thi thoảng phải “vận chuyển các cô ra các trường cạnh đường giao thông để thuận tiện việc chồng con”. Nghe ứa nước mắt!
Cách đây hơn chục năm đi vào Nacosa – Mường Nhé – Điện Biên thấy các nữ giáo viên tận Nam Định, Hưng Yên... lên lập nghiệp. Thầy cô thủ thỉ tâm sự: Dưới quê nhà nghèo, “không đủ khả năng” vào biên chế đành phải lên đây.
Ở đây, cô nào may mắn yêu được thầy cùng trường, cùng cảnh xa quê không nói làm gì, nhưng trường nào thầy ít cô nhiều, thầy đã có gia đình hết rồi thì mới khổ! Lấy trai bản cũng đâu phải dễ, hơn nữa tầm tuổi ấy trai bản có vợ hết rồi. Một số cô lo quá lứa lỡ thì đành nhắm mắt đưa chân lấy đại một ông (hay một thằng), khiếm khuyết tí cũng được, rồi vội vàng sinh con đẻ cái. Nơi lập nghiệp - ban đầu nghĩ chỉ tạm thời, lấy cái biên chế rồi tìm đường về - bỗng dưng thành bến đỗ cho cả cuộc đời. Nhiều cô con bồng con bế dẫn chồng về xuôi thăm ngoại, lúc tiễn biệt nước mắt mẹ nước mắt con, nước mắt bà nước mắt cháu cứ trào ra!
Một đời đánh phấn đeo hoa
Một đời ỉa trịn cũng qua một đời...
Ảnh: Chiều sông Đà cách đây 20 năm.

Người già và nhu cầu được nói, được nghe

Nghe người già nói chuyện với nhau buồn cười nhưng thú vị! Mẹ tôi năm nay hơn 80, học hết lớp 3 bình dân học vụ. Ký thì “vẽ” chữ GÁI to tướng nhưng cộng trừ nhân chia kiểu hàng xáo không hề nhầm.
Hôm nào cũng vậy, các bà trong làng kéo sang tụ tập ăn trầu, rồi hỏi sao thằng Trung Quốc nó ác thế nhỉ, nó đánh cả học sinh; sao họ xây cái nhà cao thế kia thì leo có mà rạc cẳng... Đại khái thế, từ chuyện nhà ông Mấm sáng mất con chó cái sắp đẻ đến chuyện tối qua Israel phóng hoả tiễn vào Syria.
Trong số các cụ đến chơi có hai cụ ông, một đại tá một đại uý, đều xấp xỉ 80. Hai ông vào sinh ra tử, cay đắng ngọt bùi nếm cả. Sự từng trải và vốn sống khỏi phải bàn, lại là sỹ quan cao cấp, dù đã ra quân 20 năm thì trình độ cũng hơn đứt mẹ tôi một cái đầu, thế mà vẫn ngồi “đàm đạo” với nhau được mới lạ🤓!
Bà : - Nhà nước lấy tiền đâu mà làm cái sân bay bao triệu đô la?
Đại uý: - Tiền là giấy, in ra khó gì!
Đại tá: - Không phải. Ông này nói hay nhỉ! Mình đóng thuế cả đấy!
Bà: - Thế à! Tôi có đóng đâu?
Đại tá: (đỏ mặt, sẵng giọng) - Chị buồn cười! Chị không đóng nhưng con tôi đóng. Chị hiểu chưa?
Bà: - Thế à!
Cả hội cười khà khà. Hết chuyện🤣!
Đấy, kiểu thế! Nhiều hôm tay vung miệng hét tranh luận như mổ bò, tưởng cạch mặt nhau nhưng hôm sau vẫn thấy tụ tập như thường😝. Hoá ra người già luôn có nhu cầu (hoặc thích) ĐƯỢC HỎI, ĐƯỢC NÓI VÀ ĐƯỢC TRẢ LỜI.
Sự “thích” bắt nguồn từ sự cô đơn của người già, hoặc mong muốn truyền lại kinh nghiệm sống cho người khác. Cũng có thể “thích” là một sự lên gân để chứng tỏ mình còn hữu ích.
Dù nguyên do nào thì sự thích ấy cũng đều đáng quý, và nói thật, trong cái đáng quý có một chút đáng thương. Biết vậy để cảm thông vì ai rồi cũng đến lúc đáng thương như thế cả thôi!

Cô Bắc và cô Giang



Hồi nhỏ sống ở Sài Gòn, trú lâu nhất tại 156-158 Võ Di Nguy, gần cầu Kiệu, giờ chả biết đổi tên thành đường gì.
Cạnh nhà có hai con hẻm song song tên cô Bắc và cô Giang. Ngày nào cũng vô hẻm ăn quà vặt nhưng không để tâm hai cô là ai.
Sau ra Đà Nẵng cũng thấy có đường mang tên cô Bắc, cô Giang. Hoá ra đây là hai chị em ruột. Cô Giang (1906-1930) là hôn thê của nhà cách mạng Nguyễn Thái Học. Cả hai cô và Nguyễn Thái Học đều thuộc tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Nghe tin Nguyễn Thái Học bị Pháp bắt, cô Giang đã nghĩ đến kế hoạch táo bạo là tấn công nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) để giải thoát cho chồng.
Sau khi đến pháp trường, tận mắt chứng kiến Nguyễn Thái Học bị xử chém, một ngày sau cô Giang cũng tự sát để về nơi chín suối cùng vị hôn phu bằng chính khẩu súng chồng tặng. Còn cô Bắc bị Pháp bắt tù vài năm rồi thả.
Có một điểm khá thú vị là tên đường/hẻm cô Bắc, cô Giang được đặt từ trước 1975...cho tới tận hôm nay.

Tan nát Sa Pa

Tôi đã lên Đà Lạt từ những năm 79-80. Thời đó cứ chiều là quân đội kéo ba-ri-e ở hai đầu đèo Bảo Lộc không cho xe qua, sợ Fulro. Kể từ đó tôi không chủ động trở lại Đà Lạt nữa trừ một lần vào chấm Liên hoan phát thanh.
Tôi đã đi chùa Hương từ năm 1983. Kể từ tôi đó chưa quay lại. Và cũng không có ý định quay lại.
Tôi đã lên Sapa cách đây gần 20 năm, trèo lên Trạm khí tượng (nằm cạnh trạm quan trắc địa chấn của Viện vật lý địa cầu) định ngủ đêm ở đó để thấm cái "Lặng lẽ Sapa" của Nguyễn thành Long. Kể từ đó tôi không còn hứng thú quay trở lại.
Tôi đã tới Quảng Ninh cách đây cũng mười mấy năm, thời mà phóng viên đến làm việc, cứ báo cơm ở nhà khách tỉnh, dù tác nghiệp đến 8-9 giờ đêm, về là thấy có mâm cơm đậy lồng bàn chờ sẵn, cứ việc ăn. Kể từ đó tôi cũng không mặn mà lắm với chuyện đi chơi ở đây ngoại trừ một lần đi ra rất xa, đảo Quan Lạn.
Lý do ư? Bởi vì những lần đầu tiên tôi đến ấy, tôi đã có được những cái gì đẹp nhất, nên thơ nhất, kiều diễm nhất, thiêng liêng nhất của chùa Hương, của Hạ Long, của Sapa, Đà Lạt... Tôi không muốn những ký ức xưa cũ ấy bị những thứ nhuôm nhoam thời hiện tại làm vấy bẩn. Tôi sợ nó khiến tôi thay đổi cách nghĩ về những miền trong trẻo tinh khôi đã đóng đinh vào tuổi thơ và một thời tuổi trẻ của tôi!
Lý do ư?... Thôi! Nhờ tấm ảnh (ở Sapa) này nói hộ.

Hạ Long hỏng rồi anh Quyết ơi!

Khi con xe dầu đểu của mình khựng lại buông ga, đạp côn, về số, rùng mình phát, rú lên tuôn ra một đống khói dài sau đít để leo lên đỉnh đồi, đến với anh Quyết FLC Hạ Long, là mình biết ngay tầm nhìn của anh Quyết còi - bạn thân Tuyết Lan- tầm cỡ thế nào!
FLC Grand Hotel toạ lạc trên cụm đồi cao nhất, được mệnh danh "nóc nhà của Hạ Long". Khách sạn 21 tầng sẽ đẩy tầm view của du khách bao trọn cả Vịnh Hạ Long mộng mơ nên thơ đã đi vào thi-ca-nhạc-hoạ, đi vào niềm mơ ước được một lần dừng chân của khách lãng du trên toàn thế giới.
Vì thế anh Quyết không ngần ngại xuống tay rót 3.400 tỉ cho công trình được ví như "niềm kiêu hãnh của Hạ Long" với bể bơi vô cực, phòng hát tầng 21 như thiên đường, sân golf 18 lỗ tiêu chuẩn, tất cả theo phong cách kiến trúc tân cổ điển trường phái Tây Ban Nha, nhân viên thì chuyên nghiệp... Phải nói là đáng phục, đáng nể với tầm nhìn của anh Quyết.
Thế nhưng giờ càng cao nhìn xuống càng chán anh Quyết ạ! Chỉ vì họ quy hoạch lởm khởm quá (ảnh đây anh)! Điều này chắc ngoài những toan tính của anh?

Bóng đá nữ vô địch SEA games 2019

Tối qua xem các cầu thủ nữ của chúng ta lăn xả trong trận CK với Thái vừa thương lại vừa lo. Nghĩ bụng đá thêm 15 phút nữa chắc căng cơ nằm sân cả loạt.
Những phút cuối các em đá bằng tinh thần, bằng danh dự của ĐKVĐ chứ nói thật hết hơi cả rồi.
Ăn uống và chế độ dinh dưỡng như thế thì làm sao có sức khoẻ được?
Bảo vệ thành công chức vô địch bằng cả máu và nước mắt, các em được tung hô, các em được nhiều tiền thưởng, nhiều vị lãnh đạo -có thể thông qua báo chí- đã quan tâm đến các em v..v và v..v.
Tuy nhiên ngẫm cho kỹ thì mấy cái đó - dù cần thiết, đáng biểu dương, rất quý báu - song nó mang tính thời vụ, nhất thời, còn để bóng đá nữ phát triển bền vững, ổn định chắc cần cái gì đó căn cơ hơn.
Đừng hy vọng bóng đá nữ có lượng fan như bóng đá nam! Đừng kêu gọi mọi người đến sân xem bóng đá nữ! Làm vậy có gì đó như xúc phạm các VĐV nữ của chúng ta vậy.
Các em và cả ban huấn luyện không cần mọi người rủ lòng thương mà cần một chính sách thực sự ưu đãi, bắt đầu từ cơ sở.
Chúng ta có cả một hội phụ nữ từ cấp xã /phường, đơn vị nào cũng có ban vì sự tiến bộ của phụ nữ... ; 8/3 rồi 20/10 rồi Lễ tình nhân... hoa hoét tung toé, ngập tràn chúc tụng; rồi đầy rẫy những phát biểu đanh thép về bình đẳng bình quyền.
Thôi! Hãy cụ thể những điều đó bằng chính sách và hành động!

Phở bà Ngọ

Theo lịch Quán 67 hôm nay làm bún riêu nhưng không có nên mình ghé ngõ bên cạnh vì thấy treo biển "phở 67" lủng lẳng phía ngoài đường. Nghĩ bụng ăn qua loa cho xong nào ngờ phở ăn được phết!
Phở bà Ngọ, trên phố Tràng Thi, trong một cái ngõ rất Hà Nội, chắc chủ yếu phục vụ hàng xóm trong ngõ và khách quen.

Mình không phải người sành ăn và quá cầu kì chuyện ăn uống, chỉ thích lê la ngắm nhìn là chính.
Ăn xong bà bảo của cậu hết 33 nghìn, 30 nghìn bát phở và 3 nghìn quẩy. Giờ chắc ít tiệm giải trình từng món như bà, và cũng ít nơi ở Hà Nội bán 3000 quẩy.
Lần đầu tiên ăn ở đây, chả biết bà Ngọ (trong ảnh) quê đâu nhưng bà có chất giọng đặc Hà Nội. Bà làm mình nhớ lại quán phở gà trong ngõ 44 Hai Bà Trưng mà ngày xưa mỗi lần thăm bà nội đều được ăn.
Giờ đi trên phố không thấy "Hà Nội" đâu, nói đúng hơn là rất mờ nhạt. "Hà Nội" đã lui vào trong ngõ, càng ngày càng sâu. Đến lúc không thể sâu hơn thì thành tứ tán.
Lâu rồi, hồi còn làm văn hoá, mình mời thầy Đặng Đình Đại (thầy giáo mình) và ông Nguyễn Vinh Phúc đến VOV bàn về "Người Hà Nội". Thầy Đại nói người Hà Nội có khả năng "Hà Nội hoá" các nhóm cư dân nhập cư. Nói nôm na là dù người ở đâu đến với Hà Nội một thời gian đều thành người Hà Nội (ở những nét tinh tế và dễ thương).
Ấy là thầy nói câu chuyện cách đây 1 -2 thế kỷ chứ giờ... chắc hơi khó, thầy nhỉ!

Chọn SGK sao mà khó!

Mình nhiều lần được trò chuyện (cả ở nhà riêng và nơi làm việc) với GS Nguyễn Khắc Phi, thân phụ doanh nhân kín tiếng Nguyễn Chí Linh, ông chủ Lioa.
Chuyện có nhiều chuyện: nhân tình thế thái, chuyện giới trí thức gốc Nghệ và chuyện làm SGK... Một hôm, nhân nói tới quyển SGK mà GS Nguyễn Minh Thuyết tổng chủ biên (năm 2000) đang có nhiều tranh luận, thầy Phi bảo "đừng đùa với anh Thuyết, lý luận ghê gớm lắm!"
Hôm nay đọc "Có những chỉ đạo ngầm về chọn sách tham khảo" trên VOV.VN thấy GS Thuyết phát hiện ra cái ý: Luật GD quy định UBND cấp tỉnh quyết định “việc chọn SGK”, chứ không nói UBND cấp tỉnh “quyết định chọn SGK”, thì thêm một lần nữa bái phục!
Có lẽ lúc soạn các nhà làm luật chắc cũng không nghĩ tới chữ "việc" nó lại có ý nghĩa to lớn như bây giờ😆?
Nói về làm SGK ở nước ta, cùng với GĐ NXB GD Ngô Trần Ái, GS Thuyết biết từ chăn đến rận, từ rận đến chăn! Ông tham gia từ đợt cải cách 2000 tới đợt làm sách hôm nay.
Liên quan đến nhiều bộ SGK (như hiện nay), tôi có dịp chứng kiến khi nó đang là dự thảo luật, đưa ra QH bị đánh tơi bời.
Hôm đó ở Ba Đình (cũ) tôi dự, có bác nghị viên hùng hổ hỏi: HS đang học tỉnh A, sách tỉnh A; lúc thi nó thi ở tỉnh B, sách tỉnh B. Thế thì thử hỏi các cháu thi làm sao😝?
Đại khái thế! Một vài đại biểu chưa phân biệt được chương trình và sách nên cứ "nẫn nộn" vậy nên hồi đó 1 chương trình nhiều bộ sách thất bại thảm hại.
Tất nhiên cũng phải nói thật, nhiều bộ sách như bây giờ thì cách ra đề thi cũng phải hết sức lưu ý, chẳng phải chuyện chơi!
Ở nhiều nước việc chọn sách đôi khi giao cho giáo viên, chả có gì phải bận tâm, vì GV họ thực sự giỏi, vì họ công tâm, minh bạch, vì... vv và vv.
Còn ở mình chọn sách đúng là phức tạp và nhạy cảm. Đến mức GS Thuyết phải lục tìm, phải vận đến cả chữ "việc" trong luật, ngõ hầu tìm ra hướng chọn sách "không có mùi", thì biết rồi đấy!

Dân tát vét Lệ Mật

Những năm 70-80 của thế kỷ trước chả ai nghĩ làng Lệ Mật (Gia Lâm, Long Biên) có nghề nuôi rắn, có đặc sản rắn như bây giờ, mà nhắc tới Lệ Mật, người dân quanh vùng nghĩ ngay tới đội quân tát vét, mò tôm cá thuộc hàng siêu đẳng.
Tôi dám cược không làng nào ở huyện Gia Lâm đọ được với dân Lệ Mật về nghề mò cua bắt cá. Chả biết tát vét là “nghề phái sinh” hay nghề chính của làng nhưng trước hết phải nói tới sự chuyên nghiệp: Chuyên nghiệp ở dụng cụ và chuyên nghiệp trong phương thức đánh bắt.
Với dân Lệ Mật, bất cứ con gì dưới nước, trong hang mà họ phát hiện được đều bị bắt sống. Đừng hòng thoát!
Đội quân tát vét có cả bà lẫn ông, nhưng bà nhiều hơn. Điểm chung là trang phục cực kỳ gọn gàng, đông hay hè đều như nhau: Từ cổ trở lên khá kín với khăn cuốn và khăn đội nhưng từ cổ trở xuống thì giản tiện đến không thể giản tiện hơn cho dễ lách vào các khe hẹp để bắt cua bắt rắn mà không làm nát lúa; lội xuống ao sâu không vướng.
Đàn ông cởi trần, chỉ bận quần đùi ngắn, áo và quần dài cuốn lên cổ vừa giữ ấm vừa giữ khô, chỉ mặc khi xong việc. Đàn bà mặc yếm, chít khăn mỏ quạ cho tóc tai khỏi loà xoà, quần thâm đất xắn đến tận bẹn non.
Tất cả đều đi chân không và đeo 2 giỏ hai bên hông. Tuỳ theo mục đích của “ngày ra quân” mà họ đem theo gầu, rổ, xảo..., còn bình thường chỉ cần hai cái giỏ và ... đôi tay là không một loài dưới nước nào thoát đôi bàn tay thần kỳ của họ!
Rét căm căm 5-6 độ, sương giăng đặc kín đồng thấy thấp thoáng bóng người dưới ao hay trên bờ ruộng thì cầm chắc dân Lệ Mật; và dù đi một mình hay thành nhóm thì cũng vẫn cực kỳ lặng lẽ, không khác gì đặc công.
Chân tiếp đất không thành tiếng, tiếp nước không thành sóng, cứ nhẹ như không; cử động vừa đủ để cá cua không thấy động mà lặn mất hay thụt vào hang. Tiếng thở cũng trở thành "yếu lĩnh", luôn được điều tiết sao cho thật nhẹ nhàng.
Tóm được con cá to họ không ồn ào hô hét; xổng con cá lớn cũng chẳng hề than, thậm chí một tiếng thở dài, cứ như biết chắc trước sau rồi cũng bắt được.
Họ có biệt tài (phối hợp đồng đội) tát bằng gầu sòng loại nhỏ cực nhanh, mỗi người mỗi việc, nhưng lại luôn để mắt hỗ trợ nhau. Và kỳ lạ hơn là cách be bờ tát nước, chỉ bằng bùn nhão nhưng ít khi vỡ cho dù mực nước hai bên chênh nhau vài ba gang.
Làng mình - Xóm Lò, nhiều hố lò ao chuôm - nên luôn là địa bàn "tác chiến" và "bình định" lý tưởng của dân Lệ Mật.
Dịp cuối năm, khi tát ao, dân các làng xung quanh rất ghét đội quân Lệ Mật. Lúc tháo khoán, chỉ cần họ càn qua một lượt thì đến con trai bé tí cũng không còn. Họ bước chân lên bờ thì sau lưng họ, dưới ao, mặt nước lặng như tờ☹️, dân làng sở tại mốc mép! Chầu trực cả ngày hy vọng hôi được mớ cua mớ ốc cải thiện bỗng chốc tiêu tan.
Sớm tinh mơ họ đi ra từ cổng nhà và trở về từ cổng chợ. Mọi thứ bắt được đều quy đổi thành tiền chứ cũng chả dám để ăn.
Giờ đến Lệ Mật toàn nhà hàng sinh thái, dân giàu có..., mấy ai còn nhớ cái thuở hàn vi năm nào!

Mũ bảo hiểm cho chị em tằng cẩu

Hồi mới dấy lên quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm mình cười khẩy, nghĩ với bà con người Thái Tây Bắc chắc thua, vì phụ nữ có chồng phần lớn tằng cẩu-búi tóc. Đó là một quy định, một nghi lễ thiêng liêng.
"Từ nay về sau, người đã có chồng
Nước không đổi dòng
Lòng không đổi hướng, con ơi”.
Đã búi tóc thì đội mũ bảo hiểm không được. Úp lên đầu cũng chỉ đối phó chứ chông cha chông chênh tác dụng gì.
Đúng là một thời gian dài bà con khó xử, CSGT cũng lúng túng. Rồi người ta cũng chế ra một kiểu mũ như hình nhưng vừa nặng vừa xấu, giá thì đắt... nên hiện Tây Bắc chả mấy ai đội, và cũng hiếm cửa hàng bán loại mũ này.
Hồi đầu mình gọi đây là sự xung đột giữa văn hoá và luật pháp. Cứ đè nghiến người ta bắt làm theo luật e khó, không khả thi, thiếu tính nhân văn.
Ờ, pháp luật cũng vì con người cơ mà! Các bác lúc làm luật cũng cân nhắc các quy phạm xã hội như đạo đức, tôn giáo, tập quán... nhưng luật là luật chung trong khi văn hóa lại đa sắc. Khó!
Có lẽ vì thế nên nhiều quốc gia có luật từng bang. Nhưng chả nhẽ giờ xây dựng luật đội mũ riêng cho bà con Tây Bắc?
Chả cứ người Thái, người Mông, người Dao... nếu đúng trang phục truyền thống-nhất là dịp lễ hội - thì trên đầu họ "hơi bị hoành tráng", với các kiểu khăn cuốn và mũ đội. Khi đó muốn ra đường đội mũ bảo hiểm kiểu gì? Bỏ đi thì mang tiếng xa rời bản sắc 🤣.
Hôm rồi chị Lường Thị Huyền lên chiếc 7 chỗ mà khom mãi mới chui vào được vì cái cẩu cao quá, đụng cửa, đụng cả trần😢.
Nghĩ mãi nghĩ mãi thấy chị em chỉ còn cách đoạn tuyệt với xe máy, bỏ qua giai đoạn quá độ, tiến thẳng lên... ô tô để khỏi đội mũ, sắm con mui trần đi cho máu, khỏi đụng đầu. Chơi lớn luôn chị em ạ 😎!
Cách đó là bền vững nhất, tuân thủ pháp luật mà vẫn bảo tồn và giữ gìn tinh hoa văn hoá dân tộc😉!

Thiện nguyện ở Nậm Nhùn

Lần này đoàn thiện nguyện của chị Lưu Hồng Hạnh, chị Yen Pham, Trường TH Thành Công B Hà Nội quyên góp và trao lượng quà trị giá hơn 150 triệu đồng giúp đỡ học sinh, người nghèo xã Nậm Pì, Nậm Nhùn, Lai Châu. Đây là xã có đông người Mảng.
Người Mảng có số dân ít nhất trong 54 dân tộc (3500 người). Hỏi hai người Mảng là quý trọng ai nhất thì 1 người trả lời "thầy cúng". Hủ tục, trong đó phổ biến là hôn nhân cận huyết khiến sức khoẻ, trí tuệ và tuổi thọ của người Mảng rất thấp. Vì thế họ được đưa vào danh sách dân tộc được bảo tồn cấp nhà nước.

Phương châm của chị Yến là điện thoại trực tiếp với bà con, thầy cô xem cần gì thì cho nấy. Chính vì thế mà quà bên cạnh ti vi, máy chiếu... còn có mấy cái nồi gang rất to, chắc để các nấu cơm cho các cháu.
VOV Tây Bắc cùng các tổ chức, cá nhân đi từ thiện nhiều, thấy cơ sở nào lúc tiếp nhận lanh lẹ và hoạt quá thì mừng vì công việc chạy lắm, nhưng nói thật lúc về trên xe cũng... lo lo😎😝.
Còn đơn vị nào từ dân đến lãnh đạo cứ ngơ ngơ ngác ngác, tháng 5 một câu tháng 10 một câu, quan tám cũng ư quan tư cũng gật, giao tiếp lấy gật và lắc làm chủ đạo thì chán mớ đời!
Nhưng chính chỗ đó mới khó khăn đấy! Thằng cơ hội, thằng khôn ranh nó nhè ra, nó chạy về chỗ thơm tho cả rồi, còn lại mấy ông "tuổi gì", chán đời suốt ngày lơ mơ với rượu, má phải chưa bong vảy vì ngã má trái lại cày tiếp xuống đường.
Vừa buồn lại vừa thương nhưng thương nhiều hơn, buồn tí ti thôi. VOV Tây Bắc và Trường TH Thành Công B biết bà con khó khăn mới vậy chứ cả dân lẫn quan đều khôn ngoan lanh lợi thì đã chả đến mức khó khăn như thế. Mong bà con và thầy cô giáo sử dụng hữu ích những món quà các nhà hảo tâm đã tặng!

Cà phê Mường Ẳng



Lần nào qua đèo Tằng Quái (Mường Ẳng, Điện Biên) mình cũng dừng ở trạm nghỉ giữa đèo. Cảnh quan không ấn tượng lắm, chủ yếu uống cà phê. Uống mấy lần rồi nhưng lần này vắng khách mới gặp ông chủ tên An, chắc vì thế nên quán tên Hải An.
Vừa uống mình vừa đòi xem các loại cà phê, từ rẻ tiền nhất đến cao cấp nhất. Đôi khi ngược lại, xem cái thượng hạng rồi đột ngột hỏi cái tầm thường.
Một số nhân viên thấy kiểu mua hàng nhà quê thế nên tỏ vẻ khinh khỉnh, thậm chí bỏ rơi đếch thèm tiếp, nghĩ thằng nhà quê chắc nhìn thấy giá tiền chột con mẹ nó rồi, mua gì.
Kỳ thực đó là cách mua hàng mình học lỏm của thầy giáo dạy logic hồi còn học ĐH Tổng Hợp. Thầy kể đi mua kem đánh răng, tuýp nào thầy cũng mở nắp ngửi rồi thè lưỡi nếm phát, liếm đến hộp thứ 10 thì tí bị thằng bán hàng nó thụi cho phát, may chạy kịp😝.
Ông chủ tên An khác, không rẻ rúng thằng nhà quê, vẫn tận tình cho mình xem từng loại, để từng nhúm hạt trong lòng bàn tay, dùng ngón trỏ khua qua khua lại, rồi lấy từng gói cà phê bột gí vào mũi mình, phịt..ịt..ịt..t.t. một phát cho mùi thơm tỏa ra qua cái van một chiều.
Vừa thưởng thức mình vừa lóe lên một ý nghĩ rất nhảm nhí: Ông này có con gái mà đem giới thiệu cho con rể tương lai thì không lấy không được🤣.
An nói nhiều người đến đây uống rồi nạt nộ rằng sao cà phê lại nhờ nhờ thế này, phải đặc sánh chứ, sao lại có vị chua chua thế này... An lặng thinh không nói, hắn muốn áp đặt văn hóa uống cà phê lên quê hương hắn, một vùng đất chưa hề có bề dày hay truyền thống thưởng thức cà phê.
Cuối cùng mình mua 2 gói loại thượng hạng, đời túi đen các bác nhé. Thuần Arabica! Thề là mùi hương của nó các bác sẽ rất rất rất ít có cơ hội gặp. Vì sao thì mình đã có lần lý giải ở trên này.
Vừa gọi cho An, bảo hôm nào ông gửi xe xuống Sơn La cho tôi vài gói (như vừa mua) đem biếu.

1.1.2020

Bật máy tính màn hình hiện lên ngày 1/1/2020.
Một chút bồi hồi xao xuyến! Tuổi thơ có những lúc nghĩ không biết bao giờ mới đến 2020? Sẽ như thế nào nhỉ? Chắc là lâu lắm!
Đã có hàng chục dự báo về ngày tận thế của loài người nhưng cuối cùng chả có ngày tận thế nào hết! Ít nhất cho tới hôm nay. Chúng ta vẫn sống với nhau trên hành tinh xanh này.
Nếu có một ngày tận thế trong tương lai thì ngày tận thế đó do chính chúng ta gây ra mà thôi.
Quá khứ đôi khi là thảo nguyên hoa hồng nhưng cũng có thể là cả một nghĩa trang mênh mông. Tương lai càng ngày càng bất định do sự tiến bộ vượt bậc của loài người trên mọi lĩnh vực.
Vì thế hãy sống cho hôm nay! Làm tốt nhất những gì thuộc về chức tránh của mình! Sống nhân hậu yêu thương ngay lúc này! Đừng bao giờ để dành yêu thương đến hôm sau!

Dọn nhà cuối năm

https://thethaovanhoa.vn/dien-dan-van-hoa/don-nha-chieu-cuoi-nam-n20191231065353706.htm

Công bằng

1.Xe vắng. Lái và lơ tất bật chạy ra tận cổng vẫy khách. Một khách trung tuổi bước lên xe. Anh quẳng đôi dép gói trong ni lông lên giường, vọt ra mở thùng lấy nước rồi lom khom chạy vào đưa tận tay cho từng người đã yên vị trên giường. Tưởng nhà xe bất ngờ chu đáo nên một số lắc đầu xua tay nhưng anh nháy mắt bảo không uống đem về, tội gì, nó tính cả vào tiền vé của mình đấy!
Hoá ra anh cũng là khách đi xe. Khuôn mặt anh gân guốc khắc khổ, ánh nhìn hiền lành, nụ cười thường trực phô hàm răng hơi vẩu xỉn thuốc lào. Chả cần tinh ý cũng biết anh là một nông dân chất phác, một người lao động thực thụ.
Vài người bắt chuyện với anh thay lời cám ơn một việc làm họ cho là hành hiệp, đầy tinh thần nghĩa cử.
Việc làm của anh thấp thoáng trong lịch sử và trong cả văn học. Rất có thể anh nghĩ nhà xe đại diện cho bọn giàu có, lực lượng cường hào ác bá bủn xỉn ti tiện, chuyên bóc lột dân lành. Dân lành ở đây - theo anh - là hành khách trên xe. Chính vì thế cần phải phân bố lại của cải xã hội cho công bằng.
Chắc chắn anh đang vui vì một việc làm anh cho là đã giúp được mọi người. Nhiều người trên xe có cảm tình với anh vì anh là người tốt, nghĩa khí. Chắc chắn thế! Tôi cũng khẳng định anh là người tốt.
Hình ảnh việc làm của anh từa tựa nội dung trong truyện Robin Hood của Anh, đã dựng thành phim; hay nhân vật Ishikawa Goemon (TK XVI) của Nhật Bản. Họ đại diện cho những cá nhân chuyên đi cướp của người giàu chia cho dân nghèo.
Cả nhân vật huyền thoại lẫn có thực nói trên đều sống ở thế chế độc tài quân sự phong kiến, có bất mãn thù hằn với chính quyền. Họ muốn giải toả bức xúc trong bối cảnh bị kềm kẹp, áp bức nên đi cướp bóc của đám chức sắc tôn giáo, quan chức để phản ứng lại xã hội và thể hiện mong ước có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đấy là chuyện thời xưa, còn giờ có nhiều cách giúp người nghèo mà không cần cướp bóc của bất kỳ ai. Xây dựng một xã hội công bằng bằng cách san gạt bất minh tài sản của người giàu cho người nghèo chưa bao giờ thành công.
Lưu ý, khi chuyển sang hoạt hình, các nhà làm phim đã hoá thân nhân vật Robin Hood thành con cáo. Cáo trong văn hoá phương tây không phải con vật đại diện hoặc tượng trưng cho những điều tốt đẹp.
2. Tôi cùng hai người bạn đi ăn tại một nhà hàng trên phố Bà Triệu (Hà Nội). Bạn tôi đi chiếc Audi, người kia chạy con Mitsubishi 7 chỗ, tôi cưỡi xe máy. Lúc về, sau khi tiễn bạn quay lại thì ông bảo vệ, như đã chăm chú theo dõi từ lâu, tiến tới khẩn khoản, “xin anh mấy nghìn”. Thấy bộ dạng khổ sở nên tôi móc túi đưa ngay trong khi trước đó một giây, hơi nóng mắt, định hỏi sao thằng kia đi ô tô tiền tỉ, đỗ chềnh ềnh cạnh tôi mà không mất tiền.
Ông bảo vệ nói giọng quê miền biển, hiền lành và thiểu não. Ông có vẻ ngài ngại hai ông bạn tôi khi thấy họ ăn mặc chải chuốt, lại bước lên xế hộp. Đúng là quen sợ dạ, lạ sợ quần áo. Dưới con mắt ông họ là người sang, ông ngợp. Không dám thu tiền của người sang ông quay sang “vặt” thằng đi xe máy lìu tìu😢.
"Chó cắn áo rách" nhưng chả trách ông! Miếng cơm manh áo cả thôi! Song vừa đi vừa ngẫm đến hai chữ CÔNG BẰNG.
Người hành khách hành xử công bằng vì cái chung, vì cộng đồng nhưng mất phương hướng thành ra méo mó và cực đoan. Ông bảo vệ nhắm mắt vứt vào xọt rác hai chữ công bằng, miễn lợi cho mình.
Dù động cơ hơi khác nhau nhưng rõ ràng hiểu và hành xử cho đúng hai chữ CÔNG BẰNG đâu dễ!