Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2020

Dân tát vét Lệ Mật

Những năm 70-80 của thế kỷ trước chả ai nghĩ làng Lệ Mật (Gia Lâm, Long Biên) có nghề nuôi rắn, có đặc sản rắn như bây giờ, mà nhắc tới Lệ Mật, người dân quanh vùng nghĩ ngay tới đội quân tát vét, mò tôm cá thuộc hàng siêu đẳng.
Tôi dám cược không làng nào ở huyện Gia Lâm đọ được với dân Lệ Mật về nghề mò cua bắt cá. Chả biết tát vét là “nghề phái sinh” hay nghề chính của làng nhưng trước hết phải nói tới sự chuyên nghiệp: Chuyên nghiệp ở dụng cụ và chuyên nghiệp trong phương thức đánh bắt.
Với dân Lệ Mật, bất cứ con gì dưới nước, trong hang mà họ phát hiện được đều bị bắt sống. Đừng hòng thoát!
Đội quân tát vét có cả bà lẫn ông, nhưng bà nhiều hơn. Điểm chung là trang phục cực kỳ gọn gàng, đông hay hè đều như nhau: Từ cổ trở lên khá kín với khăn cuốn và khăn đội nhưng từ cổ trở xuống thì giản tiện đến không thể giản tiện hơn cho dễ lách vào các khe hẹp để bắt cua bắt rắn mà không làm nát lúa; lội xuống ao sâu không vướng.
Đàn ông cởi trần, chỉ bận quần đùi ngắn, áo và quần dài cuốn lên cổ vừa giữ ấm vừa giữ khô, chỉ mặc khi xong việc. Đàn bà mặc yếm, chít khăn mỏ quạ cho tóc tai khỏi loà xoà, quần thâm đất xắn đến tận bẹn non.
Tất cả đều đi chân không và đeo 2 giỏ hai bên hông. Tuỳ theo mục đích của “ngày ra quân” mà họ đem theo gầu, rổ, xảo..., còn bình thường chỉ cần hai cái giỏ và ... đôi tay là không một loài dưới nước nào thoát đôi bàn tay thần kỳ của họ!
Rét căm căm 5-6 độ, sương giăng đặc kín đồng thấy thấp thoáng bóng người dưới ao hay trên bờ ruộng thì cầm chắc dân Lệ Mật; và dù đi một mình hay thành nhóm thì cũng vẫn cực kỳ lặng lẽ, không khác gì đặc công.
Chân tiếp đất không thành tiếng, tiếp nước không thành sóng, cứ nhẹ như không; cử động vừa đủ để cá cua không thấy động mà lặn mất hay thụt vào hang. Tiếng thở cũng trở thành "yếu lĩnh", luôn được điều tiết sao cho thật nhẹ nhàng.
Tóm được con cá to họ không ồn ào hô hét; xổng con cá lớn cũng chẳng hề than, thậm chí một tiếng thở dài, cứ như biết chắc trước sau rồi cũng bắt được.
Họ có biệt tài (phối hợp đồng đội) tát bằng gầu sòng loại nhỏ cực nhanh, mỗi người mỗi việc, nhưng lại luôn để mắt hỗ trợ nhau. Và kỳ lạ hơn là cách be bờ tát nước, chỉ bằng bùn nhão nhưng ít khi vỡ cho dù mực nước hai bên chênh nhau vài ba gang.
Làng mình - Xóm Lò, nhiều hố lò ao chuôm - nên luôn là địa bàn "tác chiến" và "bình định" lý tưởng của dân Lệ Mật.
Dịp cuối năm, khi tát ao, dân các làng xung quanh rất ghét đội quân Lệ Mật. Lúc tháo khoán, chỉ cần họ càn qua một lượt thì đến con trai bé tí cũng không còn. Họ bước chân lên bờ thì sau lưng họ, dưới ao, mặt nước lặng như tờ☹️, dân làng sở tại mốc mép! Chầu trực cả ngày hy vọng hôi được mớ cua mớ ốc cải thiện bỗng chốc tiêu tan.
Sớm tinh mơ họ đi ra từ cổng nhà và trở về từ cổng chợ. Mọi thứ bắt được đều quy đổi thành tiền chứ cũng chả dám để ăn.
Giờ đến Lệ Mật toàn nhà hàng sinh thái, dân giàu có..., mấy ai còn nhớ cái thuở hàn vi năm nào!

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ