Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2020

Phận cô giáo miền núi những năm 90

Trước đây giáo viên nữ ở vùng sâu vùng xa có một nỗi khổ khó nói, chỉ nhìn nhau mắt ậng nước trong nỗi cảm thông sẻ chia mà thôi. Đó là chuyện lập gia đình.
Thời trước nguồn GV tại chỗ ở miền núi, vùng sâu chưa có nên GV đều ở dưới xuôi lên hoặc từ tỉnh lị vào dạy.
Con gái có thì, vèo cái xuân sắc trôi qua, khi đó tìm được tấm chồng đâu phải chuyện dễ, nhất là ở vùng sâu, vùng miền núi, nông thôn, nơi có tập quán lập gia đình sớm.
Trường nào may mắn cạnh đồn biên phòng thì mừng hết lớn! Trong leo lét ánh đèn dầu kiểu gì cũng có bóng anh bộ đội in trên vách liếp; thể nào cũng có vài cặp nên vợ nên chồng.
Lần đó trên đường vào đồn biên phòng Cốc Pàng - Cao Bằng có ghé một trường ven đường để nghỉ chân. Một thầy giáo bảo trên này thi thoảng phải “vận chuyển các cô ra các trường cạnh đường giao thông để thuận tiện việc chồng con”. Nghe ứa nước mắt!
Cách đây hơn chục năm đi vào Nacosa – Mường Nhé – Điện Biên thấy các nữ giáo viên tận Nam Định, Hưng Yên... lên lập nghiệp. Thầy cô thủ thỉ tâm sự: Dưới quê nhà nghèo, “không đủ khả năng” vào biên chế đành phải lên đây.
Ở đây, cô nào may mắn yêu được thầy cùng trường, cùng cảnh xa quê không nói làm gì, nhưng trường nào thầy ít cô nhiều, thầy đã có gia đình hết rồi thì mới khổ! Lấy trai bản cũng đâu phải dễ, hơn nữa tầm tuổi ấy trai bản có vợ hết rồi. Một số cô lo quá lứa lỡ thì đành nhắm mắt đưa chân lấy đại một ông (hay một thằng), khiếm khuyết tí cũng được, rồi vội vàng sinh con đẻ cái. Nơi lập nghiệp - ban đầu nghĩ chỉ tạm thời, lấy cái biên chế rồi tìm đường về - bỗng dưng thành bến đỗ cho cả cuộc đời. Nhiều cô con bồng con bế dẫn chồng về xuôi thăm ngoại, lúc tiễn biệt nước mắt mẹ nước mắt con, nước mắt bà nước mắt cháu cứ trào ra!
Một đời đánh phấn đeo hoa
Một đời ỉa trịn cũng qua một đời...
Ảnh: Chiều sông Đà cách đây 20 năm.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ