Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2020

Mũ bảo hiểm cho chị em tằng cẩu

Hồi mới dấy lên quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm mình cười khẩy, nghĩ với bà con người Thái Tây Bắc chắc thua, vì phụ nữ có chồng phần lớn tằng cẩu-búi tóc. Đó là một quy định, một nghi lễ thiêng liêng.
"Từ nay về sau, người đã có chồng
Nước không đổi dòng
Lòng không đổi hướng, con ơi”.
Đã búi tóc thì đội mũ bảo hiểm không được. Úp lên đầu cũng chỉ đối phó chứ chông cha chông chênh tác dụng gì.
Đúng là một thời gian dài bà con khó xử, CSGT cũng lúng túng. Rồi người ta cũng chế ra một kiểu mũ như hình nhưng vừa nặng vừa xấu, giá thì đắt... nên hiện Tây Bắc chả mấy ai đội, và cũng hiếm cửa hàng bán loại mũ này.
Hồi đầu mình gọi đây là sự xung đột giữa văn hoá và luật pháp. Cứ đè nghiến người ta bắt làm theo luật e khó, không khả thi, thiếu tính nhân văn.
Ờ, pháp luật cũng vì con người cơ mà! Các bác lúc làm luật cũng cân nhắc các quy phạm xã hội như đạo đức, tôn giáo, tập quán... nhưng luật là luật chung trong khi văn hóa lại đa sắc. Khó!
Có lẽ vì thế nên nhiều quốc gia có luật từng bang. Nhưng chả nhẽ giờ xây dựng luật đội mũ riêng cho bà con Tây Bắc?
Chả cứ người Thái, người Mông, người Dao... nếu đúng trang phục truyền thống-nhất là dịp lễ hội - thì trên đầu họ "hơi bị hoành tráng", với các kiểu khăn cuốn và mũ đội. Khi đó muốn ra đường đội mũ bảo hiểm kiểu gì? Bỏ đi thì mang tiếng xa rời bản sắc 🤣.
Hôm rồi chị Lường Thị Huyền lên chiếc 7 chỗ mà khom mãi mới chui vào được vì cái cẩu cao quá, đụng cửa, đụng cả trần😢.
Nghĩ mãi nghĩ mãi thấy chị em chỉ còn cách đoạn tuyệt với xe máy, bỏ qua giai đoạn quá độ, tiến thẳng lên... ô tô để khỏi đội mũ, sắm con mui trần đi cho máu, khỏi đụng đầu. Chơi lớn luôn chị em ạ 😎!
Cách đó là bền vững nhất, tuân thủ pháp luật mà vẫn bảo tồn và giữ gìn tinh hoa văn hoá dân tộc😉!

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ