Công bằng
1.Xe vắng. Lái và lơ tất bật chạy ra tận cổng vẫy khách. Một khách trung tuổi bước lên xe. Anh quẳng đôi dép gói trong ni lông lên giường, vọt ra mở thùng lấy nước rồi lom khom chạy vào đưa tận tay cho từng người đã yên vị trên giường. Tưởng nhà xe bất ngờ chu đáo nên một số lắc đầu xua tay nhưng anh nháy mắt bảo không uống đem về, tội gì, nó tính cả vào tiền vé của mình đấy!
Hoá ra anh cũng là khách đi xe. Khuôn mặt anh gân guốc khắc khổ, ánh nhìn hiền lành, nụ cười thường trực phô hàm răng hơi vẩu xỉn thuốc lào. Chả cần tinh ý cũng biết anh là một nông dân chất phác, một người lao động thực thụ.
Vài người bắt chuyện với anh thay lời cám ơn một việc làm họ cho là hành hiệp, đầy tinh thần nghĩa cử.
Việc làm của anh thấp thoáng trong lịch sử và trong cả văn học. Rất có thể anh nghĩ nhà xe đại diện cho bọn giàu có, lực lượng cường hào ác bá bủn xỉn ti tiện, chuyên bóc lột dân lành. Dân lành ở đây - theo anh - là hành khách trên xe. Chính vì thế cần phải phân bố lại của cải xã hội cho công bằng.
Chắc chắn anh đang vui vì một việc làm anh cho là đã giúp được mọi người. Nhiều người trên xe có cảm tình với anh vì anh là người tốt, nghĩa khí. Chắc chắn thế! Tôi cũng khẳng định anh là người tốt.
Hình ảnh việc làm của anh từa tựa nội dung trong truyện Robin Hood của Anh, đã dựng thành phim; hay nhân vật Ishikawa Goemon (TK XVI) của Nhật Bản. Họ đại diện cho những cá nhân chuyên đi cướp của người giàu chia cho dân nghèo.
Cả nhân vật huyền thoại lẫn có thực nói trên đều sống ở thế chế độc tài quân sự phong kiến, có bất mãn thù hằn với chính quyền. Họ muốn giải toả bức xúc trong bối cảnh bị kềm kẹp, áp bức nên đi cướp bóc của đám chức sắc tôn giáo, quan chức để phản ứng lại xã hội và thể hiện mong ước có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đấy là chuyện thời xưa, còn giờ có nhiều cách giúp người nghèo mà không cần cướp bóc của bất kỳ ai. Xây dựng một xã hội công bằng bằng cách san gạt bất minh tài sản của người giàu cho người nghèo chưa bao giờ thành công.
Lưu ý, khi chuyển sang hoạt hình, các nhà làm phim đã hoá thân nhân vật Robin Hood thành con cáo. Cáo trong văn hoá phương tây không phải con vật đại diện hoặc tượng trưng cho những điều tốt đẹp.
2. Tôi cùng hai người bạn đi ăn tại một nhà hàng trên phố Bà Triệu (Hà Nội). Bạn tôi đi chiếc Audi, người kia chạy con Mitsubishi 7 chỗ, tôi cưỡi xe máy. Lúc về, sau khi tiễn bạn quay lại thì ông bảo vệ, như đã chăm chú theo dõi từ lâu, tiến tới khẩn khoản, “xin anh mấy nghìn”. Thấy bộ dạng khổ sở nên tôi móc túi đưa ngay trong khi trước đó một giây, hơi nóng mắt, định hỏi sao thằng kia đi ô tô tiền tỉ, đỗ chềnh ềnh cạnh tôi mà không mất tiền.
Ông bảo vệ nói giọng quê miền biển, hiền lành và thiểu não. Ông có vẻ ngài ngại hai ông bạn tôi khi thấy họ ăn mặc chải chuốt, lại bước lên xế hộp. Đúng là quen sợ dạ, lạ sợ quần áo. Dưới con mắt ông họ là người sang, ông ngợp. Không dám thu tiền của người sang ông quay sang “vặt” thằng đi xe máy lìu tìu😢.
"Chó cắn áo rách" nhưng chả trách ông! Miếng cơm manh áo cả thôi! Song vừa đi vừa ngẫm đến hai chữ CÔNG BẰNG.
Người hành khách hành xử công bằng vì cái chung, vì cộng đồng nhưng mất phương hướng thành ra méo mó và cực đoan. Ông bảo vệ nhắm mắt vứt vào xọt rác hai chữ công bằng, miễn lợi cho mình.
Dù động cơ hơi khác nhau nhưng rõ ràng hiểu và hành xử cho đúng hai chữ CÔNG BẰNG đâu dễ!
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ