Nhà thờ Chánh tòa Bùi Chu hạ giải!
Bảo tồn và phát triển dường như luôn có sự mẫu thuẫn không đội trời chung, chúng như hai cực của nam châm, kiên quyết không thèm hợp tác và nhìn mặt nhau?
Chúng ta luôn muốn có một Bùi Chu hơn 130 năm tuổi với rêu phong cổ kính, những mái vòm bằng vôi rơm mềm mại điệu đà, những chân cột đá tinh tế, những hoa sắt cửa sổ được đúc đậm chất Tây phương... nhưng nhiều người lại muốn một Bùi Chu hoành tráng, mới mẻ, tinh khôi và an toàn cho bà con giáo dân khi hành lễ...
Làm thế nào để thỏa mãn cả hai nhu cầu đó là bài toán cực kỳ khó không chỉ ở ta mà tây cũng thế thôi.
Tôi không trong ngành bảo tồn nhưng biết để giải bài toán trên ngoài việc nhà thờ và chính quyền cùng chụm đầu, xắn tay tham gia thì còn phải có kiến thức và có nhiều tiền.
Và nói thực, có rất nhiều công đoạn trong việc phục dựng những công trình cổ như Nhà thờ Bùi Chu cần những người thợ lành nghề, có tâm mà hiện nay bói cũng không ra.
Thời buổi công nghệ robot vẽ được tranh, làm được thơ, in được bộ phận cơ thể người... nên hoàn toàn có thể sao chép được nguyên mẫu nhưng không bao giờ sao chép được vết thời gian của hơn 130 năm qua với bao biến cố thăng trầm của nước Việt, của cộng đồng công giáo Bùi Chu.
Ở Nhật Bản khi trùng tu một ngôi chùa cổ người ta thấy có một thanh xà gỗ bị mối mọt mất 1/3 nhưng không ảnh hưởng nhiều đến kết cấu chịu lực. Thế là những người thợ bèn róc, khoét phần mọt mối, cấy vào phần khuyết đó bằng đoạn gỗ tốt, kiên quyết giữ 2/3 thanh xà xưa cũ.
Xem phim ảnh chúng ta biết Nhà quốc hội Đức bị phá hủy nghiêm trọng như thế nào năm 1945! Vậy mà sau đó Đức vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng.
Nhiều người cho rằng nên quên hẳn quá khứ của phát xít và của chiến tranh đau thương hiện diện ở tòa nhà này nhưng người Đức thì không nghĩ vậy. Xen lẫn các mảng tường được xây mới do bom đạn, họ giữ nguyên các mảng tường cũ với chi chít lỗ đạn cùng bút tích "check in" của hồng quân Liên Xô và đồng minh.
Đạo Công Giáo mới du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ XVI-XVII nhưng đã có ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống văn hóa, chính trị, xã hội nước ta.
Tôi nghĩ lịch sử 500 năm của Công giáo ở VN và 5000 năm của dân tộc Việt sẽ được kể nhiều hơn từ những tháp chuông rêu phong, những bậc đá mòn dấu chân con chiên ngoan đạo hơn là những thước phim, những tấm ảnh và những con chữ vô hồn lạnh lẽo trong trang sách.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ