Rừng thiêng ở E- ti -o -pia
Trên BBC có bài " Vệ tinh do thám phát hiện rừng thiêng ở Ethiopia". Từ vệ tinh, người ta thấy lác đác các đốm xanh ở nơi gần như hoang mạc, giữa mỗi đốm xanh là một nhà thờ (ảnh).
Các nhà nghiên cứu đặt tên cho hiện tượng này là “bảo tồn ăn theo”, tức là việc giữ rừng là kết quả ăn theo các hoạt động tôn giáo, hay nói cách khác, khu rừng đã được thiêng hóa để ngăn chặn sự xâm lấn không thương tiếc của con người.
Còn ở Việt Nam, đọc Nguyên Ngọc (về Tây Nguyên) hay Tô Ngọc Thanh (về Tây Bắc) sẽ thấy các sắc dân nơi đây có những lề luật và nghi thức tôn giáo nghiêm ngặt để bảo vệ rừng.
Nếu người làm văn hóa và nhà bảo vệ môi trường biết lợi dụng yếu tố này, nỗ lực duy trì những yếu tố thần bí phục vụ cho mục đích tốt đẹp là bảo vệ rừng thì hay biết mấy!
Các sắc dân thiểu số luôn có cách bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên theo cách riêng của họ. Tôi tin họ không phải tác nhân chính dẫn đến nạn phá rừng tan hoang như hiện nay.
Cuộc sống tự cấp tự túc từ ngàn đời buộc họ phải gắn chặt với rừng, với môi trường xung quanh.
Hơn 20 năm trước, vào các bản làng Tây Bắc, nếu nhà nào có vài luống cải phía trước thì đó là nhà cô giáo dưới xuôi lên cắm bản hoặc bộ đội biên phòng. Người thiểu số bản địa ở vùng sâu ít có tập quán trồng rau như thế. Vườn rau của họ là đại ngàn. Rừng đang nuôi họ cũng như đã nuôi sống tổ tiên họ bao đời.
Hai mươi năm sau, mất rừng, họ ngơ ngác, chơ vơ, lẻ loi và lạc lõng trên chính mảnh đất quê hương mình. Cuộc mưu sinh nhọc nhằn trong môi trường hoàn toàn mới, chưa có sự chuẩn bị, khiến họ (vốn chất phác và ngây thơ) bỗng dưng sa vào tội lỗi
Hai mươi năm sau, ngồi giữa Tây Bắc, mỗi ngày đọc đủ các loại tin buôn ma túy, vượt biên, lao động trái phép, buôn bán người qua biên giới, sang Trung Quốc lấy chồng… mới thấy cái hệ lụy khủng khiếp của mất rừng. Cái hệ lụy ấy cứ ngày mỗi dài ra và nhiều lên😢.
Ảnh : Rừng thiêng ở Ê -ti-ô-pi-a (BBC)
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ