Su 22 trượt khỏi phi đạo
Nhân chiếc Su 22 vừa trượt khỏi phi đạo ở Yên Bái lại buôn với các cụ về máy bay.
Nhà mình gần đường tàu lên phía Bắc nên rất mê hoả xa, gần sông Đuống nên mê những cánh buồm, gần sân bay Gia Lâm nên sinh ra đã nghe tiếng máy bay gầm rú. Lớn lên lại được học phổ thông cùng bạn Việt có bố là bác Doạt, thế hệ phi công đầu tiên nên càng kích thích niềm đam mê máy bay.
Thuở nhỏ chỉ moi đất sét ở hố bom nặn đúng hai thứ : xe tăng và máy bay. Đi chăn trâu, mỗi khi máy bay bay qua là ngửa cổ nhìn theo mê mẩn, trâu ăn lúa lúc nào không hay!
Trước đây sân bay Gia Lâm còn cất hạ cánh cho cả Mic 21. Hình như 78-79 Su22 mới nhập về cũng tập luyện ở đây? Máy bay chiến đấu bay theo đội hình- biên đội nên lên xuống liền một lúc nhiều chiếc. Mỗi lần hạ cánh thì ở ngay trên đỉnh đầu, tiếng động cơ gầm rú như xé tai.
Khi đó cả hội con trai con gái đang thả trâu đồng loạt tụt quần chổng mông vỗ ben bét về phía máy bay. Đứa nào cũng hồ hởi phấn khởi tin tưởng khoe chú phi công nhìn thấy mỗi mông mình 😂
Mình được đi máy bay lần đầu tiên năm 1979. Lúc đó đang cùng bố biệt phái trong Sài Gòn. Thường thì đi hoả xa về Bắc nhưng lần đó xin đi nhờ được máy bay quân sự.
Má ơi! Chiếc máy bay vận tải quân sự không nhớ chủng loại - hình như An26 - phải nghỉ để tiếp dầu ở Đà Nẵng, chẳng có ghế gì cả nên hai bố con ngồi bệt xuống sàn. Chắc mấy ông phi công này vừa lái tiêm kích, cường kích hay sao mà các bố ấy hạ độ cao đột ngột kiểu rơi tự do khiến hậu môn co rúm lại, cảm giác hẫng đến rợn người. Chả có giảm áp giảm eo gì cả nên điếc đặc, bố phải phải hét vào tai mình chấn an, nói các chú ấy tránh đám mây cho khỏi xóc😟.
Xuống sân bay Gia Lâm mình thở phào, đúng là như đánh vật, không bằng cưỡi trâu. Thế mới khâm phục sức khoẻ và thần kinh của phi công chiến đấu !
Ở gần sân bay nên ít nhất 2 lần chứng kiến máy bay gặp nạn. Lần 1 là chiếc phi cơ dân dụng ủi vào đường tàu, sát đường 5; lần 2 là phi cơ huấn luyện 2 chỗ ngồi đang lấy độ cao rồi thực hành bài bổ nhào bay khoan thì thấy tiếng động cơ im bặt, cắm đầu ục phát xuống ruộng, xịt khói ra đít. Thi thể hai phi công bị vùi sâu gần chục mét.
Chắc độ cao thấp quá nên 2 anh không kịp bung dù? Mà nếu bung dù thành công, lành lặn thì cứ xác định chuyển công tác làm dưới mặt đất, còn tiếp tục bay thì hơi khó!
Khối thuốc phóng (thực chất là động cơ tên lửa) đặt dưới đít nổ một nhát để bắn tung người + ghế lái lên không trung sẽ tác động một lực lớn, đột ngột vào cột sống phi công nên rất dễ bị chấn thương. Nó phọt lên với tốc độ >1300Km/h cơ mà, lực gia tốc trọng trường tác động lên phi công cực lớn!
Ai không tin cứ phỏng vấn đ/c phi công lái Su 30 MKII bị rơi ở biển Nghệ An cách đây 3 năm mà xem, ối chuyện hay!
Một kỷ niệm đáng nhớ nữa là đi Mi- 171 ra Trường Sa. Anh tư lệnh nói thủ tướng cũng chỉ đi loại này. Đây là loại hiện đại nhất VN có! Gớm chết chết, nóng bức ngột ngạt sặc sụa mùi xăng dầu, như ngồi công nông đầu dọc. Tởn đến già! Chuyến đi này có nhiều sự biến nhưng lúc này kể chưa thích hợp. Mình sẽ dành 1 dịp khác.
Không phải chê! Nói vậy để thấy phi công chiến đấu bay lượn trên trời cũng chẳng sung sướng gì! Không biết phi công Su22 gặp sự cố ở Yên Bái có sao không chứ bung dù khi máy bay đã tiếp đất khá nguy hiểm! Liều phóng đc tính toán để phi công đạt độ cao tối thiểu nhưng đôi khi dù không bung kịp thì phi công đã rơi nằm cỏng queo dưới đất. Còn bung ở trên không thì hoá ra máy bay tự hạ cánh đc à, cũng tài😎!
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ