Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Xem bài về GD Thuỵ Điển của Lê Tự Hỷ

http://honvietquochoc.com.vn/Giao-duc/Nen-giao-duc-ThuyDien-tien-tien-nhat-the-gioi.aspx

http://honvietquochoc.com.vn/Giao-duc/Nen-giao-duc-ThuyDien-tien-tien-nhat-the-gioi.aspx

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

Sao chỉ so mình với chính mình-GS. Tương Lai( nói về kinh tế tiểu nông)

Tạp chí Tia Sáng, 2006
09:07' AM - Chủ nhật, 28/11/2010
Lối sống bằng lòng với cái hiện có có thể thấy qua những quan niệm như ngại bứt dây động rừng, tự an ủi tránh voi chẳng xấu mặt nào, chủ trương cơm sôi nhỏ lửa, một điều nhịn là chín điều lành.
Đọc Người thường gặp của Trần Đăng Khoa, tôi cứ suy ngẫm mãi, băn khoăn mãi về cái mà nhà văn gọi là “trong vắt một bầu khí quyển nông dân” và ở trong bầu khí quyển trong vắt ấy họ chỉ biết so sánh mình với chính mình thôi. Phải chăng chính cái tập quán đó là một lực cản rất đáng sợ cho sự phát triển, vì nó đang thực hiện điều mà có thể chính nó cũng không hiểu được, cái nguy hại của việc thần thánh hóa cái trạng thái cũ đã suy đồi để cho con người quỳ lạy, khấn vái.
Nếu mô hình xã hội, làng xã là một trong những yếu tố quyết định để dân tộc ta tồn tại và phát triển qua bao hy vọng và thử thách, thì bên cạnh những giá trị cần bảo lưu và đổi mới, cần phải thấy rõ chính đó là nguồn mạch của sự thiển cận và thủ cựu. Mô hình ấy dễ làm nảy sinh và duy trì một lối sống dễ bằng lòng với cái hiện có, dễ thỏa hiệp. Cái đã có vốn quen thuộc và có uy lực vì nó mang tính ổn định trì trệ.
Cái đã định hình ấy khước từ mọi sự canh tân. Nó củng cố tính bảo thủ được khoác cho những tấm áo đủ mọi màu sắc để xoa dịu những số phận bị kìm hãm, để đánh lừa những đầu óc muốn đổi mới. Tâm lý trâu ta ăn cỏ đồng ta ngăn chặn mọi sự đổi mới, vươn xa, bóp chết những khát vọng giải phóng cá nhân, kích thích tìm tòi phát huy năng lực mới, cổ vũ những suy nghĩ táo bạo và sáng tạo.
Cung cách sông lâu lên lão làng, cái trật tự lão quyền, ông bảy mươi phải hỏi ông bảy mươi mốt đã làm thui chột sức trẻ và sự năng động sáng tạo của tuổi trẻ, mặc dầu vẫn tự nhủ rằng con hơn cha là nhà có phúc. Nhưng "hơn" là hơn danh vọng, tước vị, hơn ở sự giàu sang, phú quý, chứ lại không cho hơn về trí tuệ sáng tạo, vì sợ chệch khỏi phương châm nối tiếp, làm theo, không thay đổi những điều mà cha ông đã cho là thiên kinh, địa nghĩa!
Chính đấy là mảnh đất nuôi dưỡng sự trì trệ, an phận thủ thường được củng cổ bằng chủ nghĩa bình quân, chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa quan liêu! Chủ nghĩa bình quân gắn liền với lối sống tiểu nông của nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, năng suất quá thấp, không có tích lũy xã hội, triền miên trong sự thiếu thốn. Chủ nghĩa giáo điều gắn liền với lối học từ chương, mọt sách trong rập khuôn theo Tứ thư, Ngũ kinh, không vượt ra ngoài những điều Khổng Tử viết. Chủ nghĩa quan liêu gắn liền với bộ máy cầm quyền rất xa dân, không chú trọng mấy đến SXKD, chỉ sống bằng tô thuế, vì vậy chỉ cần giữ yên chứ không cần phát triển.
Tập quán được thần thánh hóa ấy nuôi dưỡng một tâm lý xấu đều hơn tốt lõi, khôn độc không bằng ngộc đàn, dễ nảy sinh sự đố kỵ với người ngoi lên hơn mình, dẫn đến tâm lý ghét giàu, ghét người giàu, lại được củng cố bằng việc đối lập nghĩa với lợi, coi khinh chữ lợi của đạo đức học Khổng Mạnh. Trong bảng giá trị xã hội theo trình tự thứ bậc sĩ, nông, công, thương thì người đi buôn, tức là người có khả năng lầm giàu nhất bị xếp ở cuối bảng.
Trong quá khứ, tâm lý này đã góp phần kìm hãm tính cơ động xã hội, làm chậm sự phát triển kinh tế. Tâm lý này cũng dễ dàng hậu thuẫn cho những giải pháp duy ý chí muốn xóa bỏ tư sản trong công tư hợp doanh và cải tạo tư bản tư doanh, làm triệt tiêu một nguồn lực cần cho sự phát triển kinh tế sau chiến tranh. Khi bước vào quá trình hội nhập, cần phải cổ vũ và phát triển một đội ngũ những nhà doanh nghiệp giỏi, có bản lĩnh dám chịu rủi ro, mạo hiểm để đầu tư vào sản xuất và kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu và mở rộng không gian kinh tế thì tâm lý đó sẽ là một trong những lực cản mà theo tôi, còn ít được nhìn nhận một cách thấu đáo đế tìm ra những giải pháp khắc phục.
Trong cái xã hội dĩ nông vi bản ấy, doanh nghiệp và doanh nhân (đội quân chủ lực của sự hội nhập kinh tế quốc tế hôm nay) bị miệt thị, không có điều kiện phát triển. Sau năm l954 doanh nhân đồng nghĩa với giai cấp tư sản, đối tượng của cách mạng XHCN, phải xóa bỏ bằng công tư hợp doanh, bằng cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh.
Giờ đây, rõ ràng là không thể quan niệm việc xây dựng một nền kinh tế thị trường văn minh và vững mạnh lại không có những doanh nghiệp phát triển, không có những doanh nhân tài giỏi, có kinh nghiệm và nhất là có trí tuệ, có bản lĩnh để có thể trở thành những đối tác ngang tài ngang sức với các nhà đầu tư nước ngoài mà chúng ta đang trải thảm đón mời.
Để chủ đông tiến hành quá trình hội nhập kinh tế trong bối cánh toàn cầu hóa thì tiền đề cực kỳ quan trong là phải có một đội ngũ những doanh nhân như vây. Muốn có được cái đó thì đường lối, chính sách, pháp luật và thể chế cần phải tương thích với yêu cầu mới đương nhiên là cực kỳ cần thiết. Nhưng cùng với những cái đó, việc chuyển đổi tâm lý và dư luận xã hội còn chịu ảnh hưởng những tàn dư của quan điểm trọng nông ức thương trước đây có ý nghĩa lâu dài và cơ bản. Mặt khác phải khắc phục sự thiếu hiểu biết, thâm chí còn giữ lại những định kiến của một thời về vai trò quan trọng của tài năng kinh doanh, của tri thức và kinh nghiêm quản lý sản xuất và kinh doanh trong cuộc cạnh tranh trên thương trường.
Cần nói rằng, một phần không nhỏ những quan hệ xã hội cứng đờ và hoen rỉ với cả những quan niệm và tư tưỏng vốn được tôn sùng từ ngàn xưa đi kèm những quan hệ ấy chưa tiêu tan, chúng vẫn được thần thánh hóa và có tác động lớn đến quá trình hội nhập kinh tế trong bối cảnh của toàn cầu hóa.
Để thấy cho hết, cảm nhận cho sâu cái gánh nặng quá khứ đó, cần phải có sự đối sánh với tầm suy nghĩ và phương pháp tư duy của thời đại mới, chẳng hạn như ý tưởng: cần được tư duy lại cho tương lai của những nhà khoa học có tầm cỡ của thế giới hiện đại tập trung quanh 3 chủ đề lớn được nêu lên từ năm 1997.
Con đường cũ dừng ở đây, tương lai không phải là sự tiếp tục của quá khứ, thế giới đã thay đổi và kiểu tư duy tuyến tính không còn thích hợp với một thế giới phi tuyến thời đại mới đòi hỏi những cách tổ chức mới, người thắng cuộc trong thế kỷ XXI sẽ là những người có năng lực biến tổ chức của mình thành một cái gì đó thật linh hoạt, có khả năng phản ứng nhanh, chuyển hướng nhanh trong một miền đất đầy trắc trở và bất định.
Rồi chúng ta sẽ đi về đâu, ta cần có một tầm nhìn, một định hướng mục tiêu về tương lai, nhưng không phải bằng cách nhìn vào một bản đồ có sẵn. Không có bản đồ nào cho miền đất chưa khám phá thay vào đó, những người đi đầu sẽ nhìn về phía trước, sáng tạo những ý tưởng mới, phát hiện những chân trời mới, vạch đường để hấp dẫn mọi người cùng đi(1)
Tôi chợt nhớ đến một ý của Đồng chí Phạm Văn Đồng từng nêu lên trong Văn hóa và Đổi mới từ 1994 : "Chúng ta đang đi trên một con đường chưa có bản đồ, chúng ta đang suy nghĩ và nghiên cứu về lý luận, đồng thời chúng ta phải hàng ngày, hàng giờ giải quyết những vấn đề thực tiễn, những bài toán đầy phức tạp và ẩn số...". Quả là khi có được một tầm cao văn hóa và trí tuệ thì người ta dễ bắt gặp những khám phá và sáng tạo của thời đại. Tiếp vào mạch ý trên, tác giả của văn hóa và đổi mới đòi hỏi "chúng ta phải lớn lên và đây chính là sự lớn lên của văn hóa và trí tuệ".
Không thanh toán tận gốc cái căn tính tiểu nông hạn hẹp và thiển cận được nuôi dưỡng trên mặt bằng dân trí thấp thì khó nhận thức được “không có bản đồ nào cho miền đất chưa khám phá" do vậy mà phải có bản lĩnh (nhìn về phía trước, sáng tạo những ý tưởng mới, phát hiện những chân trời mới" và hiểu được rằng "chuẩn mực chính là sự thay đổi"(2)
Chính vì thế, nếu vẫn tự nuôi dưõng và hít thở trong cái bầu khí quyển nông dân cho dù nó trong vắt đến đâu, nếu vẫn chỉ thỏa mãn với cái kiểu tư duy chỉ so sánh mình với chính mình thôi thì không thể đứng vững, hội nhập và phát triển trong cái thế giới đầy biến động khó lường này.

Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2010

Chương trình tiểu học thiết kế dạy 1 buổi ?

Ông Lê tiến Thành Vụ trưởng Vụ tiểu học trả lời tác giả Nguyên Minh báo Lao động ngày 26/11/10 rằng "Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT) khẳng định, chương trình tiểu học hiện nay thiết kế cho việc dạy học 1 buổi/ngày chứ chưa phải là 2 buổi/ngày. Bộ GDĐT cũng đã ban hành tài liệu chuẩn kiến thức, kỹ năng để những địa phương nào khó khăn về điều kiện giảng dạy, về khả năng tiếp thu của học sinh có thể điều chỉnh cho phù hợp. Bộ khẳng định là chương trình không hề nặng, càng không nặng đến mức mà học sinh học cả ngày ở trên lớp rồi tối về lại phải học thêm ở nhà cô giáo."

Khuyến khích dạy 2 buổi/ngày ( 2/11/10 ) Gia dinh.net

GiadinhNet - Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tỷ lệ các trường tiểu học dạy học 2 buổi/ngày trên cả nước hiện đạt 40%, song không đồng đều ở các địa bàn.
Tỷ lệ trường dạy học 2 buổi/ngày ở khu thành phố, thị xã, thị trấn đạt tới trên 85%.

Theo kế hoạch của Bộ, trong năm học 2010-2011, ngành giáo dục phối hợp với các ban, ngành và phụ huynh học sinh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, khuyến khích, tạo điều kiện để các trường có thể tổ chức dạy học 2 buổi/ngày


Dự kiến, đến năm 2015 sẽ có khoảng 70% HS học cả ngày. Bộ GD-ĐT cũng xác định sẽ có chính sách đầy đủ cho việc học 2 buổi/ ngày theo nguyên tắc Nhà nước hỗ trợ tuyệt đối cho những đối tượng khó khăn và tăng cường xã hội hóa ở vùng thuận lợi; xây dựng chương trình kế hoạch dạy học thống nhất trong cả nước cho mô hình học 2 buổi/ ngày. Vùng khó khăn đảm bảo chuẩn kiến thức kĩ năng các môn học; vùng thuận lợi thực hiện giáo dục toàn diện và phát triển năng khiếu.

Ở một cuộc hội thảo (Hội thảo tìm giải pháp và mô hình chuẩn cho việc học cả ngày đối với các trường tiểu học- 8/2010.) cũng xác nhận CT hiện hành dành cho học 1 buổi .

Thật không thể hiểu nổi.

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

Mở ngành học, tăng chỉ tiêu và giảm bạo lực

(VOV) - Mở mã ngành, đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh cho năm 2011 và giảm bạo lực trong học sinh là những vấn đề thời sự GD được dư luận quan tâm thời gian qua.

Đây là những công việc bình thường trong quản lý nhà nước và điều hành các công việc cụ thể trong lĩnh vực GD. Tuy nhiên, xem xét cụ thể, chi tiết từng việc thấy nổi lên một số vấn đề sau.

Tiếp thu ý kiến dư luận và đề xuất của các trường ĐH, CĐ, Bộ GD&ĐT đã cải tiến khâu giao chỉ tiêu tuyển sinh nhằm ngăn chặn tình trạng xin – cho, tiềm ẩn nhiều tiêu cực. Do đó, từ cách đây vài năm, các trường tự đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh cũng như mở mã ngành dựa trên những tiêu chí mà Bộ đã đưa ra, sau đó Bộ sẽ duyệt mức chỉ tiêu đề xuất của các trường.

Chưa có con số cuối cùng nhưng thông tin cho thấy xu hướng chung của các trường là xin tăng thêm chỉ tiêu trong mùa tuyển sinh năm tới và có một số trường xin mở mã ngành.

Câu hỏi đặt ra là, trong mùa tuyển sinh 2010, mặc dù Bộ GD-ĐT đã gia hạn tuyển sinh cho các trường ngoài công lập, song cái “phao” gia hạn ấy vẫn không thể cứu giúp các trường khỏi tình trạng thiếu sinh viên. Nguy cơ một số ngành học bị xoá bỏ là có thực khi số lượng sinh viên theo học không đủ. Vậy trong bối cảnh đó, tại sao hầu hết các trường đều muốn tăng chỉ tiêu, một số còn mở thêm mã ngành đào tạo?.

Qua trao đổi, một số trường ĐH, CĐ công lập cho biết, mặc dù kinh phí cho trường phụ thuộc vào số sinh viên nhưng họ không quan tâm lắm, bởi với kinh phí trên đầu sinh viên như hiện nay, nhiều trường còn bị lạm chi trong quá trình đào tạo. Vậy phải chăng việc muốn thêm chỉ tiêu như một phong trào, xin cứ xin, còn có cho hay không là việc của Bộ?.

Trên thực tế, nếu Bộ duyệt cho phép tăng chỉ tiêu như đề xuất trường sẽ có rất nhiều thuận lợi trong việc thu hút sự quan tâm của thí sinh khi nộp hồ sơ trong mùa tuyển sinh tới. Bởi khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi, hầu hết thí sinh vẫn căn cứ vào chỉ tiêu của trường để lượng sức mình.

Chỉ tiêu tuyển sinh- mở mã ngành và đào tạo tại chức có mối liên hệ qua lại. Cách đây 4 năm, trên diễn đàn Quốc hội, với cương vị Bộ trưởng Bộ GD –DT, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói rằng, đào tạo tại chức là “nồi cơm của các trường”. Cho đến nay, nhiều trường vẫn phải trông vào “nồi cơm” ấy. Tăng chỉ tiêu tuyển sinh đồng nghĩa với tăng chỉ tiêu tại chức, tất nhiên khi mở hệ tại chức thì có tỷ lệ và một số điều kiện nhất định.

Mở mã ngành cũng liên quan đến “nồi cơm” của các trường. Theo quy định, ngành phải đào tạo chính quy ít nhất 3 năm mới được mở hệ tại chức. Vậy thì rõ ràng các trường đã có những tính toán dài hơi để sau 3 năm, kịp thời hút được một lượng lớn sinh viên tại chức trong bối cảnh thiếu nguồn tuyển như hiện nay.

Bởi thế, chất lượng giáo dục còn là bài toán khó giải cho giáo dục Việt Nam. Bên cạnh đó, sự xuất hiện mới của nhiều trường ĐH cùng với chỉ tiêu mỗi năm một tăng sẽ gây khó cho việc giải quyết sự hài hoà, hợp lý giữa đào tạo nghề và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghiên cứu, hàn lâm.

Một vấn đề thời sự nữa vừa diễn ra là Bộ GD-ĐT có công văn về phòng chống học sinh đánh nhau. Công văn này yêu cầu cơ sở GD làm nhiều việc, nhưng trong đó có nội dung nổi bật là “chủ động làm việc với cơ quan công an, hội cha mẹ học sinh, đoàn TNCS HCM, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, hội khuyến học, hội cựu giáo chức... ở địa phương xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai quyết liệt các giải pháp phòng ngừa từ xa và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng học sinh đánh nhau mang tính bạo lực và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…”.

Những “kế hoạch”, “giải pháp” mà Bộ gợi ý cho các trường thực hiện là cần thiết. Nhưng liều thuốc đấy may ra trị được chứng chứ khó mà trị khỏi bệnh. Một nền GD thực sự nhân văn và vì học sinh sẽ là cái căn cốt để xây dựng trong học sinh lòng nhân ái, hướng tới cái thiện, rời xa cái ác; yêu mến hoà bình, tránh xa bạo lực; muốn đối thoại thay cho đối đầu…/.
Ngô Thiệu Phong

Chuyện kỳ khôi ( xem mù văn hóa)-NQL

Vụ tờ rơi ATGT có nội dung tục tĩu, đầy tính khiêu dâm của sở GTVT Kiên Giang xảy ra vào tháng 9 năm nay là một trong những vụ kì khôi nhất của văn hoá nước nhà. Thiên hạ bàn tán xôn xao cả tháng, tui cũng có bài Mù văn hoá trên tờ Phụ nữ tp. HCM.

Lâu ngày nhiều chuyện lùm xùm rồi cũng quên. Chiều ni vô VnExpress đọc bài: ”Cán bộ ban an toàn giao thông bị kỷ luật vì in tờ rơi sex” tui cười sặc nước. Té ra có một chuyện kì khôi khác, ấy là việc xử lý kỉ luật của chính vụ kì khôi này.

Ban ATGT tỉnh Kiên Giang, chủ sản xuất 50.000 tờ rơi bị phạt 15 triệu, trong khi ông Trẩn Văn Thủy, chủ cơ sở in, quảng cáo ở phường Rạch Sỏi, thành phố Rạch Giá chỉ làm việc theo đơn đặt hàng của Ban ATGT thì bị phạt 22,5 triệu.

Chưa hết. Ông Nguyễn Văn Phương, cán bộ Ban an toàn giao thông tỉnh bị cắt hợp đồng lao động trước thời hạn vì can tội “đem nội dung tờ rơi xuống cơ sở in ấn.”

Ông Nguyễn Văn Chánh

Còn đồng chí Nguyễn Văn Chánh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Phó trưởng Ban Thường trực Ban an toàn giao thông tỉnh Kiên Giang, người trực tiếp ký hợp đồng in ấn tờ rơi với cơ sở in ấn thì sao?

Xin thưa: đồng chí “đã tự kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách.”





Bi hài bi hài! Kì khôi kì khôi! Ặc ặc!

Mù văn hóa ( PNTPHCM -NQLap)

17/09/2010 8:31

PN - Cách đây ít lâu, thiên hạ được trận cười bể bụng về một ông giám đốc sở công thương ký văn bản đề nghị các cơ quan chức năng trung ương sớm ban hành quy định xử phạt hành chính đối với người dùng dây to trói cua biển nhằm nâng trọng lượng cua.

Ông cho đó là hành vi gian lận thương mại mà không hề biết sở dĩ người ta dùng dây to thấm nước trói cua là để giữ cho cua sống lâu. Và nếu người bán dùng dây rất to để trói nhằm nâng trọng lượng cua lên từ 20% đến 25% so với trọng lượng thật như ông nói thì tự khắc người mua sẽ trừ bì 20% đến 25%, rất đơn giản. Ông cũng không hề biết Chính phủ đã có Nghị định Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại. Tóm lại, cả luật lẫn đời sống lẫn văn hóa thương mại ông không hề biết, thế mà ông cầm chịch ngành công thương của một tỉnh.

Cái sự mù văn hóa đến nỗi làm quan mà không biết dân là ai, lại bảo “dân là gian”. Thảm thương thay, một vị đại biểu Quốc hội thấy trẻ con qua sông bằng cáp đu để đến trường đã không hề đau xót, lại còn vui mừng nói đó là một... sáng tạo của nhân dân! Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể: có lần tại một buổi mít-tinh truy điệu đồng bào bị thiệt mạng trong mấy trận lũ lụt, vị quan nọ đọc điếu văn xong lại vỗ tay hoan hô. Ông ta vỗ trước, rồi mọi người ngơ ngác vỗ theo. Rõ là cười ra nước mắt.

Nhưng tấn bi hài rõ nhất về sự mù văn hóa có lẽ là vụ một ông giám đốc sở GTVT mới đây đã chi 181 triệu đồng cho phép Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh in và phát hành 122.000 tờ rơi phát cho các cơ quan, ban ngành... trong toàn tỉnh, đối tượng được tuyên truyền là các em học sinh về ATGT, nội dung ghi dưới các biển báo miêu tả cuộc mây mưa của đôi trai gái với lời lẽ vô cùng tục tĩu: “Tôi đang đi xe đạp. Thì nhìn thấy một cô gái đang nằm. Chúng tôi vờn quanh nhau. Cho đến khi cô ấy chịu... Chín tháng sau cô ấy gọi từ bệnh viện. Tôi đã được làm bố...”. Những câu khác còn thô tục, khiêu dâm gấp nhiều lần mà chúng tôi không thể trích lại (theo báo Nhân dân).

Chưa nói đến sự khiêu dâm thô bỉ mà ai cũng thấy, người ta quá ngạc nhiên khi biết ông quan này khi ký duyệt cho phát hành các tờ rơi trên đã không hề biết tuyên truyền là gì. Đến một đứa con nít cũng biết bịa đặt, bóp méo nội dung tuyên truyền là một hành động phản tuyên truyền, thế mà ông không hề biết.

Càng ngạc nhiên hơn khi các ông quan khác đã giải thích cho việc này là do đơn vị chưa nhận được tài liệu tuyên truyền của Ủy ban ATGT Quốc gia gửi đến nên mới... sưu tầm trên mạng. Không lẽ chú thích các biển báo cũng phải chờ cấp trên, không lẽ chưa có tài liệu cấp trên thì lấy tài liệu bậy bạ để thế vào? Nực cười thay, một quan trong tỉnh đã nói: “Hiện chỉ có thể nói nội dung trên tờ rơi tuyên truyền ATGT không lành mạnh, còn có phải khiêu dâm hay không phải chờ kết quả thẩm định”(!?).

Thế là đã rõ, từ việc trói cua bằng dây to đến việc tuyên truyền ATGT bằng ngôn từ sex… tất tần tật phải chờ trên phán xét, chỉ duy nhất việc tầm bậy thì trên không cho làm vẫn cứ làm. Không hề phân biệt được tuyên truyền với phản tuyên truyền khác nhau chỗ nào, không hề phân biệt đùa vui với thô bỉ khác nhau ra sao, đến khiêu dâm là gì cũng không hề biết! Than ôi!

Nguyễn Quang Lập

Phòng học bộ môn: Suy nghĩ qua giờ thao giảng (22/01/2009-NĐBN)

Mới đây, Bộ GD-ĐT, Dự án Phát triển GD THCS II, Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc tổ chức hội thảo về phòng học bộ môn (PHBM). Các đại biểu được đi dự một số tiết học của các trường THCS (được xem là) tổ chức tốt PHBM. Đây là những trường đạt chuẩn quốc gia. Ở đây chúng tôi không đề cập chất lượng giờ dạy mà chỉ có một vài lời bàn về tổ chức giờ giảng ở PHBM.

Cách đây 4 năm, Bộ GD-ĐT ra mắt một đề tài nghiên cứu về PHBM. Và cũng trong năm đó, thông qua một dự án do Bộ GD-ĐT quản lý, PHBM đã được thí điểm ở một số tỉnh như Hà Tây, Vĩnh Phúc… Nói nôm na, trong phòng học truyền thống, học sinh (HS) ngồi một chỗ còn thiết bị, đồ dùng dạy học “di chuyển”. Với PHBM thì ngược lại: HS di chuyển, thiết bị và đồ dùng dạy học ở một chỗ cố định.
Một trong những giải pháp để xây dựng PHBM là cải tạo lại phòng học truyền thống bằng cách đặt thêm các tủ đựng thiết bị và đồ dùng dạy học phía sau phòng học; bỏ hệ thống bàn ghế gỗ thông thường và thay bằng hệ thống bàn ghế phục vụ riêng cho từng phòng bộ môn (sinh, hóa, lý, tin…). Những thiết bị tối thiểu cần có ngoài bàn ghế, tủ, thiết bị, đồ dùng học tập… thì vận hành nó cần có điện, máy tính, máy chiếu, bút viết bảng… Nói chung là phải có tiền. Kinh phí đó là cả một vấn đề đối với các trường ở vùng khó khăn.
Tuy nhiên, khó khăn về kinh phí có thể giải quyết, nhưng điều khiến chúng tôi suy nghĩ nhiều hơn là hình như có gì đó mâu thuẫn. Theo cách bố trí, sắp xếp trong PHBM thì rõ ràng phục vụ thí nghiệm, thực hành. Nhưng PHBM không chỉ để thực hành mà còn phải giảng bài, phải ghi chép. Với cách dạy này thì việc kê bàn ghế theo lối truyền thống (bàn ghế hướng lên bảng) là hợp lý. Nhưng với phương pháp dạy học mới, theo hướng tích cực, người ta yêu cầu HS phải làm việc nhóm và thế là cách ngồi truyền thống không phù hợp. Hơn nữa chiếc bàn dài cho 5 HS (cùng bàn) thì chỉ 4 em chụm đầu làm việc, còn em ngồi ngoài cùng đành nghển cổ ngó vào. Sau giờ thao giảng, các đại biểu cũng thấy bất hợp lý và bàn thảo nhiều đến việc kê xếp bàn ghế cho hợp lý hơn. Song tất cả hệ thống bàn cho PHBM sinh-hóa đều có hệ thống thoát nước, hệ thống điện. Hệ thống này đã gắn cố định dưới sàn nhà, làm sao di chuyển? Trong quá trình giảng dạy ở PHBM, do dùng máy chiếu nên phải tắt đèn, đóng cửa. Vì thế phòng học không đủ sáng.
Cách dạy, nhất là những cái đang được gọi là phương pháp dạy học mới, tích cực, chưa thực sự nhuần nhuyễn trong PHBM. Nếu làm tốt phần thí nghiệm, thực hành thì dường như phần giảng lý thuyết căn bản cho HS lại hơi đuối. Và ngược lại, nếu giảng (như bài sinh vật ở Trường THCS Liên Châu) thì chẳng cần đến PHBM, phòng học thông thường cũng thừa sức làm tốt.
Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện mô hình trường THPT chuẩn quốc gia. Theo đó, trường đạt chuẩn phải xây dựng PHBM dành riêng cho từng môn học. Vẫn biết PHBM có những ưu thế nhất định trong cách dạy ứng dụng. Nhưng phòng thí nghiệm, thực hành (với đúng nghĩa) có những chức năng rất riêng, mà theo tôi, nó chỉ làm tốt, chỉ phục vụ tốt chức năng đó mà thôi. Khi kèm thêm một nhiệm vụ khác thì, hoặc một trong hai nhiệm vụ không hoàn thành tốt, hoặc cả hai nhiệm vụ đều sống sượng.
PHBM như một giải pháp tình thế trong điều kiện chưa có đủ cơ sở vật chất trường học. Đã là tình thế thì có nhất thiết phải đưa vào tiêu chí trường chuẩn hay không?
Một tiết dạy hiệu quả, có chất lượng, nói cho cùng, là tiết học mà HS hiểu bài. Đây mới là điều cốt lõi. Phương pháp dạy hay phòng học kiểu gì đi nữa thì cũng chỉ phục vụ cho việc hiểu bài của HS. Quá sa đà và lạm dụng, đi từ thái cực này sang thái cực khác thể hiện kiểu tư duy thời vụ, đầu cơ dự án. Với PHBM, có cảm giác như một sự lồng ghép chưa thực sự ăn khớp. Có thể ý tưởng và phương pháp làm việc ở PHBM, giáo viên và HS chưa nắm được, nên giảng dạy có phần khiên cưỡng, cọc cạch. Nhưng biết đâu, chỉ vì kinh phí của dự án mà các trường, địa phương đã “nói hay” hơn nhiều lần thực tiễn? Do đó, hiệu quả của PHBM tới đâu hãy để thực tế trả lời. Và quan trọng hơn, thực tế đó diễn ra như thế nào sau khi dự án kết thúc.
Ngô Thiệu Phong

“Thầy” Phong ( bài này báo TNVN đăng )

Nhà báo Ngô Thiệu Phong: Làm báo mà để có được sự nể trọng trong ánh mắt đồng nghiệp, để hữu ích cho xã hội… thì còn phải tiếp tục dấn thân, học hỏi

“Tôi cũng chẳng biết anh em trong cơ quan gọi tôi bằng “thầy” từ khi nào nữa. Có người còn hào phóng phong cả hàm “giáo sư”?! Chắc họ thấy tôi khắc khổ, hiền lành, hao hao Giáo Thứ nên gọi vui như thế. Tôi biết họ quý mới gọi vậy. Không chỉ anh em trong Đài mà ngay cả thính giả khi gọi điện đến Chương trình Giáo dục và Đào tạo cũng gọi anh chị em trong phòng là thầy, cô. Có lẽ họ tưởng chương trình này là một cơ quan thuộc ngành giáo dục nên gọi thế. Họ tin tưởng mình, gửi gắm tâm sự nơi mình. Nó là nguồn động viên và là động lực thôi thúc mình tiếp tục viết trong những lúc khó khăn, chán nản và thất vọng… Nhưng bên cạnh đó, mình cũng thấy cần có trách nhiệm hơn, thấy mình cần “phải thầy” hơn nữa trong những bài viết của mình” - Nhà báo Ngô Thiệu Phong vui vẻ kể lại, khi tôi hỏi về bí danh của anh…
Hổ thẹn khi chạm vào những “điều chưa biết”


Nhà báo Ngô Thiệu Phong
Không như nhiều đồng nghiệp khác, khi tác nghiệp, Ngô Thiệu Phong thường không tỏ ra vội vàng hay quá nóng ruột để săn tin. Trái lại, anh luôn giữ vẻ đủng đỉnh, thậm chí có vẻ hơi chậm chạp, nhưng đôi mắt anh thì không ngừng “xăm soi”, tai thì căng lên và những câu hỏi anh đặt ra thường “bắt bí” người có trách nhiệm.

Ngô Thiệu Phong mới chuyển sang chuyên viết về lĩnh vực giáo dục (GD) từ năm 2003. Trước đó anh còn “làm” cả mảng y tế, thể thao và văn hoá. Đó là chưa kể thời gian đi thường trú Tây Bắc, viết đủ cả. Có lẽ, chính sự lăn lộn này đã giúp cho anh có một kiến thức nền tảng văn hóa - xã hội tương đối vững và kho vốn sống phong phú, nên những bài viết về giáo dục của anh vừa có độ sâu, vừa có cái nhìn ở nhiều góc cạnh khác nhau và khả năng thuyết phục cao. Nhưng anh lại tự nhận: “Vài ba năm theo dõi GD chưa phải là nhiều. Còn ối điều chưa biết. Mỗi lần chạm đến những “điều chưa biết ấy” bản thân lại có cảm giác từa tựa như hổ thẹn. Lại đi lục tìm những “điều chưa biết”. Trên hành trình đó, nếu để mắt, để tai, cũng ra được ối đề tài thú vị. Tôi thích viết về GD vì GD đang là một mặt trận nóng bỏng hiện nay”.

Nhà báo Ngô Thiệu Phong bày tỏ quan điểm: Một phóng viên không nên viết về một lĩnh vực trong một thời gian quá lâu. Sau 3 - 4 năm cần phải đổi sang lĩnh vực nào đó gần gũi hơn. “Làm báo muốn hay, muốn giỏi phải dựa trên nền văn hoá và kiến thức vững chắc. Các lĩnh vực của đời sống xã hội chẳng bao giờ tồn tại độc lập mà luôn tương tác, ảnh hưởng, giao thoa lẫn nhau. Khi phóng viên hiểu nhiều lĩnh vực thì viết mới có độ sâu, độ đằm; mới có cái nhìn toàn cục và sự liên tưởng phong phú…” - Nhà báo Ngô Thiệu Phong tâm niệm như thế.

Là người từng đoạt nhiều giải báo chí quốc gia, với các huy chương đủ màu sắc, thế nhưng khi hỏi về bí quyết, anh vui vẻ bật mí: “Mình chẳng có bí quyết gì ghê gớm. Mỗi phóng viên nên tự biết mình có những thế mạnh gì để khai thác, phát huy và có cách làm việc riêng sao cho hiệu quả nhất”. Anh thẳng thắn chia sẻ: “Tôi đã 40 tuổi, có gia đình, con cái; có bố mẹ già yếu bệnh tật… nên biết sức mình không thể “chạy đua” với các bạn thời 7X, 8X còn son trẻ. Vì thế tôi có cách làm việc riêng của mình. Nếu để chạy moi tin, tôi thua các bạn trẻ, nhưng tôi đã lợi dụng các bạn đồng nghiệp một cách lành mạnh và tích cực. Tôi “ngắm nghía” thông tin (mà đồng nghiệp vừa sục sạo được) ở nhiều chiều khác nhau và tôi xử lý nó trong mối liên hệ nhiều chiều, cả không gian và thời gian. Chương trình GD - ĐT mà tôi làm không có thế mạnh về tin nên tôi thấy, cách làm như thế tạm ổn. Dĩ nhiên trong quá trình “ngắm nghía” và “xử lý” những thông tin ấy thì mình phải tiếp tục lặn ngụp ở cơ sở chứ không phải ở ghế sa-lông máy lạnh. Có điều khác là ở đó mình đã xác định được mục tiêu cũng như phương pháp tiếp cận nên đào khoét vấn đề sâu hơn thôi”.
Cần sử dụng cả 5 giác quan

Anh nói: Mình tự biết bản thân mạnh - yếu chỗ nào nên quá trình làm việc hạn chế tối đa điểm yếu. Tương tự như vậy, loại hình phát thanh có những bất lợi và ưu thế nhất định. Khi bạn đến một trường học để viết bài về thiết bị dạy học chẳng hạn. Bạn thấy đồ dùng dạy học mạng nhện chăng, phủ đầy bụi. Điều đó chứng tỏ chúng chưa, hoặc ít được sử dụng. Báo hình hoặc báo ảnh có lợi thế hơn báo nói rất nhiều trong những hoàn cảnh như thế này. Còn với phát thanh thì sao? Một vài tiếng nói của học sinh, rằng các em chưa nhìn thấy ở trên lớp những thiết bị này thì sẽ sinh động, khách quan và thuyết phục hơn là một bài văn dài tả về mạng nhện. Tuy nhiên anh cho rằng, cũng chẳng nên lạm dụng quá cái máy ghi âm làm gì, vì nó có thể là con dao hai lưỡi. Anh nghiệm ra nhà báo khi tác nghiệp phải sử dụng cho đủ cả 5 giác quan của con người. Có một chuyện làm nghề mà anh luôn coi đó như một bài học cho mình, đó là: Một đài phát thanh nước ngoài, khi làm chương trình giới thiệu một món ăn đã để cho phóng viên tự tay đi mua và chế biến đúng món ăn đó nhiều lần. Sau đó mới bắt tay vào xây dựng kịch bản, viết, mời khách và lên sóng. Thế đấy, có sờ thấy, nếm thấy, ngửi thấy… viết nó mới lọt tai được, không thì thính giả chê cười.
Giải thưởng là vinh dự nhưng không phải là điểm đến của thành công, không phải là chặng chót và là dấu chấm hết của sự nghiệp. Làm báo mà để có được sự nể trọng trong ánh mắt đồng nghiệp, để hữu ích cho xã hội… thì còn phải tiếp tục dấn thân, học hỏi. Trên chặng đường dấn thân ấy, dĩ nhiên là đầy sỏi đá, lắm mồ hôi và nhiều nước mắt.

Nhà báo Ngô Thiệu Phong chia sẻ: “Mặc dù nhiều lần đoạt các giải cá nhân báo chí toàn quốc của Hội Nhà báo Việt Nam, nhưng mình thấy rằng đây chính là công lao của tập thể. Từ việc góp ý sửa chữa của lãnh đạo cho tới giọng đọc và kỹ thuật viên âm thanh. Với anh: “Giải thưởng là vinh dự nhưng không phải là điểm đến của thành công. Làm báo mà để có được sự nể trọng trong ánh mắt đồng nghiệp, để hữu ích cho xã hội… thì còn phải tiếp tục dấn thân, học hỏi”. Anh Phong kể một kỷ niệm mới đây, khi gặp GS. Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) để phỏng vấn, ông nói ngay: “Cậu là Thiệu Phong phải không? Tôi vẫn nghe cậu và nhận ra giọng nói của cậu”. Đấy! Mỗi cuộc điện thoại, mỗi sự quan tâm, từng lá thư, cái bắt tay hồ hởi của bạn nghe đài, mỗi ánh nhìn lộ vẻ tôn trọng của đồng nghiệp giúp mình vui và thấy bản thân phải có trách nhiệm với họ nhiều hơn.

Bước vào năm học mới, Ngô Thiệu Phong cũng không giấu được sự băn khoăn lo lắng trước những khó khăn, thách thức mà ngành giáo dục đang phải đối mặt. Anh cho rằng: Ngành GD đang cố gắng làm rất nhiều công việc cụ thể, có cái tương đối thành công, có cái thất bại hoặc dở dang. Nhưng vấn đề mấu chốt ở chỗ là tất cả những công việc cụ thế ấy có làm cho nền GD - ĐT nước nhà khởi sắc hay không. GD nước nhà như mười con kiến cõng một củ lạc mà mỗi con lại đi một hướng, hoặc như người tát nước be bờ, nước thì cao còn bờ thì yếu, be chỗ này chỗ kia lại tràn.

“Là một PV theo dõi mảng GD, là một phụ huynh có hai con đang đi học, tôi thấy thực sự lo ngại. Nhìn vào đâu cũng thấy lo. Tôi đã từng va vấp và thấy được góc tối trong quản lý GD; tôi đã từng tiếp xúc với các giáo sư đáng kính, những thầy, cô mà sự hy sinh của họ cho GD, nhiều ít khác nhau nhưng rất ý nghĩa. Tôi luôn bảo mình cần tỉnh táo và khách quan nhưng quả thực “quốc sách hàng đầu” đang có vấn đề, từ phổ thông cho tới đại học. Thầy, cô thay cha mẹ khi học sinh ở trường, thế nhưng đâu đó đã xuất hiện sự thiếu tin tưởng, thậm chí không tôn trọng vào người cha, người mẹ thứ hai này nữa. GD mà để mất lòng tin thì còn cái gì ?”- Nhà báo Ngô Thiệu Phong trăn trở./.

Hoàng Dũng (Báo TNVN)

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Mầm mống bạo lực ngay tuổi lên 3?

vnn: Cập nhật lúc 25/11/2010 01:16:13 PM (GMT+7)



- Như một sự trêu ngươi, ngay sau khi Bộ GD-ĐT có công văn yêu cầu các địa phương, các cơ sở GD chấn chỉnh bạo lực trong học sinh, thì một tác giả vô danh nào đó tung ra một đoạn băng ghi hình cảnh một bảo mẫu hành hạ bé ba tuổi tại nhóm trẻ của mình, ở huyện Thuận An, Bình Dương.



Chỉ có hơn một phút, nhưng đoạn băng đã làm cả nước phẫn nộ. Những phụ huynh có con đang gửi mẫu giáo, mầm non càng bức xúc và lo lắng hơn. Không ít người tự đặt câu hỏi: Không biết con mình có lúc nào bị đối xử tàn tệ, dã man như thế không?

Cho dù nơi hành hạ cháu bé là nhóm trẻ, cơ sở giữ trẻ tư nhân hay là gọi là gì đi nữa, thì trách nhiệm của địa phương, trong đó có ngành giáo dục (GD) là không thể chối bỏ.

Được biết, ngành đã có những quy định về tổ chức, thành lập và hoạt động của nhóm trẻ tư nhân. Tuy nhiên vấn đề nổi cộm hiện nay là khâu giám sát. Ngành GD là đơn vị thanh tra, kiểm tra chuyên môn, nhưng trên thực tế, các cơ quan quản lý GD ở địa phương hầu như không thể kiểm soát hết và thường xuyên các hoạt động GD tư nhân vì không đủ người, không có thời gian, do phải tập trung vào nhiều công việc khác.


Qua sự việc hành hạ bé ba tuổi ở Thuận An, Bình Dương có thể thấy: Nếu như bảo mẫu có nghiệp vụ chuyên môn, hiểu biết luật pháp, biết rõ trách nhiệm và quyền hạn của mình…thì không xảy ra chuyện đáng tiếc. Nếu như địa phương và ngành GD thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở thì chắc cũng có tác dụng răn đe nhất định.


Cách đây chục năm, vị hiệu trưởng của Trường CĐSP nhà trẻ - mẫu giáo trung ương 1 đã phát biểu tại một hội nghị của ngành, có sự tham dự của nguyên thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai rằng, ông thực sự lo ngại khi nhiều trường ồ ạt mở các khoa sư phạm mẫu giáo.

Ông biết rằng điều kiện ở những nơi đó chưa thể mở được ngành học đặc thù này. Quá bức xúc, ông thốt lên, dạy mầm non là viết lên trang giấy trắng tinh, giai đoạn này có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành tâm hồn và nhân cách của một con người.

Có đại biểu trong hội nghị đó cho rằng ông hiệu trưởng không chấp nhận cạnh tranh, nhưng thực tế sau chục năm đã trả lời. Chất lượng giáo viên mầm non rất không đồng đều.


Quay trở lại vụ việc vừa xảy ra ở một nhóm trẻ tư nhận tại Thuận An, Bình Dương. Khi được hỏi: “Cô giáo tắm cho con như vậy, con có đau không?”, cháu bé chỉ cúi mặt và lắc đầu. Có nghĩa là sự sợ hãi đã làm cho không dám nói thật. Các bậc phụ huynh hãy thử hỏi con mình xem các cháu có thực sự cởi mở kể những chuyện xảy ra ở trường mầm non không? Tôi để ý một số cháu, khi có vết xây xước, bầm tím nhẹ trên người thì cha mẹ hỏi thế nào cũng không nói. Tại sao vậy?


Phần lớn phụ huynh hôm nay đều muốn làm bạn với con, chia sẻ những vất vả trong học tập, những khó khăn sinh hoạt ở trường, nhưng thực hiện việc này không dễ vì nhiều lý do, trong đó có thái độ thiếu cởi mở của các con. Không dám nói, không thể chia sẻ thì nỗi uất ức sẽ chồng chất và dồn vào quả đấm. Đấy có phải là một trong những nguyên nhân của bạo lực?


Tôi để ý thấy cháu nhà tôi dạy búp bê học với cái roi trên tay, quật bôm bốp xuống bàn rồi lại chỉ vào mặt búp bê quát nghe chưa, nghe chưa; im ngay, im ngay…mà hoảng quá! Toàn những câu mệnh lệnh rất đặc thù.

Nếu như các cháu được GD theo kiểu tuân lệnh và vâng lời, không có chút đối thoại nào như thế thì sau này lớn lên các cháu đâu dễ chấp nhận đối thoại. Cách GD hà khắc, độc đoán không chỉ ảnh hưởng tới tự do, sáng tạo… mà càng làm hằn sâu trong học sinh suy nghĩ: Chỉ có mệnh lệnh buộc đối tượng phải nghe. Không nghe thì dùng biện pháp bạo lực.

Cứ nghe đoạn băng một giáo viên sỉ vả học trò ở Hải Phòng cách đây hơn tháng thì mới thấy trái tim người mẹ trong mỗi người thầy sao ngày càng hiếm hoi.


Chuyện xưa ai cũng biết, mẹ của Mạnh Tử, một triết gia nước Tàu đã phải dời nhà 3 lần vì muốn có một môi trường GD tốt cho con mình.

Có lẽ vì mang nặng tư tưởng quân - sư - phụ nên cổ nhân không nói ra, nhưng môi trường GD trong chuyện không chỉ bó hẹp ở cái chợ, ở nhà viên đồ tể, mà nên hiểu rộng ra là chính trong mỗi mái trường.

Đấy phải là nơi nhân ái, bao dung; là nơi thanh khiết không có sự dung tục và sự can thiệp trắng trợn của đồng tiền. Nuôi dưỡng lòng nhân ái, yêu thương đồng loại hay để mầm mống của bạo lực tích tụ rồi bùng phát là ở mỗi người lớn chúng ta, trong đó quan trọng bậc nhất là những người thầy./.

* Ngô Thiệu Phong

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

So sánh liên tưởng thú vị

Trên Blog Đông A có sự so sánh rất thú vị: Bắt ông Cụ Huy Hà Vũ và vụ bắt các cô gái mại dâm ở Quảng Ninh. Cùng một sự việc, bản chất như nhau nhưng...Sao lại đăng hình ông Vũ ở trần ? Có đúng quy trình ? Trong khi đó các cô mại dâm được bảo vệ.

Rồi một viên tướng Pháp muốn được rắc tro xuống ĐBP khi chết. VN không nghe . Tại sao? Có viên tường VN nào muốn nằm xuống cùng đồng đội ở Trường Sơn hay chỉ thích vào Mai Dịch

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

Kỷ luật GV nhận phong bì? Báo TN 20/11/10

Báo TN 20/11 /2010 phỏng vấn xếp Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT:

- Nhiều ý kiến cho rằng, tình cảm thầy - trò hiện nay không được “thắm” như xưa bởi nhiều lý do. Tại sao vậy thưa Thứ trưởng?

Tôi cho rằng, quan hệ thầy - trò hiện nay chịu tác động của nền kinh tế thị trường, quan hệ này không chỉ ảnh hưởng riêng đến thày cô giáo mà còn tác động đến mỗi học sinh, phụ huynh.
Có nhiều phụ huynh cho rằng, mình có nhiều tiền là có thể mua được lòng thầy cô giáo. Theo tôi, đây là suy nghĩ sai lầm. Phụ huynh phải nhìn nhận lại, đừng lấy vật chất để làm hỏng thầy cô giáo.
Nếu phát hiện được có tình trạng giáo viên nhận phong bì thông qua nhiều kênh như báo chí hay thư phản ánh thì ngành giáo dục sẽ xử lý thật nghiêm khắc. Phải giữ được uy tín của nhà giáo là quan trọng nhất.

-Xin trân trọng cám ơn Thứ trưởng!Hồng Hạnh (thực hiện)


Bác Nghĩa làm GV lâu năm mà xem ra “chưa” nắm được tình hình. Thế bây giờ tôi có chút tiền biếu thầy giáo cũ của tôi vì nhà thầy quá nghèo thì chắc xếp Nghĩa cũng kỷ luật?

Nói như xếp Nghĩa thì cững hơi bị mạnh mồm đấy . Nhưng mạnh quá hoá làm cho người ta không tin . Cứ nhận phong bì mà kỷ luật thì thử xem bao nhiêu GV hôm nay sẽ bị kỷ luật ? Chết …chết… lấy đâu ra cán bộ đây ?

Khổ GS Châu. Đâu đầu chuyện nhà cửa.

Lại chuyện nhà cửa làm cho tác giả Bổ đề cơ bản đau đầu. Xưa có câu: Anh hùng không qua được ải mỹ nhân. Còn chẳng biết với vụ này thì gọi là gì : Anh hùng không qua được nhà …Vincom.

Khổ cho GS Châu ! Cách đây hơn chục năm, tôi có viết một mẩu phiếp đàm về nhà cửa đất đai ở VN. Nó làm cho đạo đức băng hoại, anh em chém giết lẫn nhau vì vài mét đất… Chuyện nay vẫn thời sự gớm!

Nhưng chuyện nhà của GS Châu có lẽ chỉ là cái cớ thôi. GS đừng bận tâm. Có lẽ người ta muốn nói đến cái lớn hơn mang tính hệ thống. Đấy là những quy định khen thưởng của nhà nước, kể cả những trường hợp đặc biệt như GS.

Dân tình đặt câu hỏi rằng tại sao tài sản của chính phủ, tức là của dân, mà mấy ông lãnh đạo cứ khơi khơi đề tên mình vào đó. Có phải ông bỏ tiền túi của mình đi cho dân không? Cái này không phải tôi phát hiện ra đâu mà trên các blog, đầy.

Khổ, bác nhận nhà chính phủ cho đúng vào giai đoạn nhậy cảm.

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

Thư Cả Chiêm 2

Hà Nội ngày 18/11

Gửi mẹ cái Mùa.

Lời đầu tiên hỏi thăm sức khoẻ mẹ nó và cả nhà. Mọi việc bình an cả chứ? Có gì biên thơ cho tôi biết nhé! Tôi trên này vẫn khoẻ. Chuẩn bị ngày Nhà giáo VN (20/11), cánh xe ôm chúng tôi thể nào cũng kiếm được. Đã rục rịch có bậc phụ huynh đến thăm thầy cô giáo rồi đấy mẹ nó ạ. Hầu như vị phụ huynh nào cũng tết thầy cô bó hoa, nhưng nghe đâu đều có phong bì kèm theo. Họ bảo cái thời tặng tặng phẩm qua rồi. Vả lại biết thầy cô cần thứ gì, thôi thì cứ “phong bì” cho tiện.

Thấy nhà thầy, cô giáo nơi phố xá tấp nập kẻ ra người vào dịp này mà chạnh lòng cho mấy thầy cô giáo làng mình mẹ nó ạ. Như cô Hương, cô Thuỷ, thầy Tuấn… đấy, dạy cả ngày rồi phụ đạo không công cho đám trẻ trâu trong làng mà chẳng biết dịp này có được cái quà gì ra tấm ra món không?
Đi xe ôm tôi biết, ngày này, nhiều học sinh, phụ huynh đến với thầy cô bằng tấm lòng kính trọng, nhưng cũng có không ít coi đấy là nghĩa vụ, đến để thầy cô nhớ mà nâng đỡ, quan tâm hơn đến con mình. Tôi nghiệm thấy số này ngày càng đông.

Mẹ nó à, riêng vụ đi tết thầy cô này tôi đã có cuộc tranh luận ra trò với bác giáo Bình. Cả Chiêm tôi ít học nhưng cũng muốn tìm hiểu cho đến đầu đến đũa cái việc tết thầy. Một ngày lễ trọng, bỗng dưng biến thành ngày lo âu phiền muộn của phụ huynh, thậm chí của cả một số nhà giáo thì đáng xem xét lắm chứ phải không mẹ nó?

Bác giáo Bình bảo trong cuốn “Việt Nam phong tục” của cụ Phan Kế Bính, viết năm 1915, cũng đã nói đến việc này, tất nhiên hồi đó chưa có ngày Nhà giáo VN-20/11. Tôi chép ra đây 1 đoạn cho mẹ đọc nhé, văn cổ đấy, phải đọc kỹ mới hiểu: “Mấy ông đồ quèn học hành chưa hiểu vỡ mạch sách, văn chương chưa thuộc đủ lề lối, mà đã đi về các vùng nhà quê tìm nơi thiết trường, gõ đầu năm ba đứa trẻ để hộ khẩu cho qua ngày, vậy mà cũng dám lên mặt đạo mạo ( “hộ khẩu” chắc là “kiếm ăn” đấy mẹ nó ạ). Động một tí thì bổ cho đồng môn, nào khi nhà thầy có giỗ, nào khi thầy có việc mừng vui, nào khi thầy lấy vợ, nào khi thầy lên lão làng cũng lôi đồng môn ra mà bắt gánh vác, ấy lại là cái mọt của thiên hạ.”

Bác giáo Bình giảng giải cho tôi rằng cái hiện tượng mà cụ Phan Kế Bính miêu tả được nhà văn hoá Vương Trí Nhàn lý giải là bi kịch của một xã hội dựa trên kinh tế tiểu nông. Khi chưa tìm ra được cách thanh toán công xá với nhau, người ta phải nghĩ ra nhiều thứ gọi là lễ để thay thế. Và cái bi kịch ấy vẫn còn, khi điều kiện kinh tế đẻ ra nó vẫn còn!

Chắc mẹ nó thể nào cũng cật vấn tôi tại sao thời buổi hội nhập, cơ chế thị trường rồi thì làm gì còn kinh tế tiểu nông như thời cụ Phan Kế Bính cách đây tròn một thế kỷ? Bác giáo Bình bảo, tâm lý tiểu nông và tư duy duy tình có mối quan hệ với nhau. Người Việt tư duy theo kiểu duy tình. Người Âu, Mỹ thì tư duy duy lý. Tư duy duy tình xuất phát từ nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ lạc hậu. Bởi vì trong quá trình đấu tranh sinh tồn, người Việt luôn phải đối phó với thiên tai giặc giã, sống hôm nay không biết ngày mai ra sao. Vì sự sinh tồn đầy cam go và đôi khi bế tắc, nên trong tư duy, dân ta cần ứng phó nhanh, giải quyết cái trước mắt. Người Việt ít lo lắng xa vời, đôi khi “nước đến chân mới nhảy”. Nền văn minh lúa nước song hành cùng văn hoá làng xã. Trong khi đó, lối tư duy duy tình lại rất hợp với mảnh đất làng xã này. Cái tư duy duy tình ấy ăn sâu, thấm vào máu, đến thời hội nhập này vẫn còn.

Thôi thì mẹ nó cứ hiểu nôm na duy tình là dùng tình cảm để giải quyết công việc chứ không dùng lý trí và lý lẽ. Tất nhiên duy lý hay duy tình đều có hai mặt. Nhưng tôi thấy cái vụ tết thầy tết cô như một lễ hội tự phát mà căn nguyên từ tâm lý tiểu nông, duy tình thì cần xem lại. Ngày xưa, bà nội dẫn tôi đến thầy, nói: “Thôi thì trăm sự nhờ thầy”. Rồi dân gian luôn miệng: “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Thế nào là “yêu”? Tại sao phải “trăm sự nhờ”? Phải chăng mọi thứ ở ta rất không rõ ràng, không quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của từng vị trí trong xã hội nên mới sinh ra những kiểu tết thầy, tết cô một cách khổ sở như hôm nay?
Tôi còn nhớ lần chở ông khách Việt Kiều về thăm quê, ông ấy kể chuyện đi học ở nước ngoài. Khi đứa con gái ông ấy bước vào lớp 1, ông ấy đã đem chút quà đến nhà cô giáo chủ nhiệm, với mong muốn cô giáo quan tâm hơn tới con ông – một học sinh khác màu da, thì bị bà ta đuổi về và nói rằng: Dạy con ông là trách nhiệm của chúng tôi. Ông đã trả tiền chúng tôi qua thuế. Mặt khác, ông làm thế này tức là chính ông đã tách con ông ra khỏi môi trường chung của học sinh trong lớp, rất không có lợi cho việc học của cháu và việc dạy của chúng tôi.

Thế đấy mẹ nó ạ, cái tư duy duy lý của người tây nó có ưu điểm là rất rõ ràng, minh bạch. Mẹ cái Mùa thấy có phụ huynh nào mà con học trường quốc tế, trường tư thục phải lo ba cái vụ tết thầy tết cô này không? Không! Bởi vì ai có nhiệm vụ của người đó. Việc đến thầy hay không lúc này chỉ còn lại ở tấm lòng trân trọng và biết ơn mà thôi.

Cái việc đi tết thầy cô để cầu lợi cũng là một kiểu duy tình. Mà duy tình thì gây đủ thứ hệ luỵ! Mẹ nó có nhớ cái hồi nhà mình thuê ông phó đến đóng cối xay không? Chẳng hợp đồng rõ ràng gì cả, cứ bác giúp bác giúp, cuối cùng ông phó cối ăn dầm ở dề nhà mình đúng một tháng, cung phụng, cơm bưng nước rót mà cái cối xay vẫn lỏi.

Tôi cam đoan với mẹ nó, ngày nay, một số thầy cô giáo không muốn vì cái phong bì mà khó xử trong ngày tết của giới mình. Họ muốn được trân trọng. Song, bất chấp những phản ứng lẻ loi (kiểu như thư tôi viết cho mẹ nó hôm nay) guồng máy vẫn quay, bởi xã hội ta vẫn bị đè nặng bởi văn hoá làng xã, chưa thoát khỏi tâm lý tiểu nông, gốc rễ của lối tư duy duy tình.

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

Sinh viên Việt Nam du học Mỹ tăng 2,3%

Theo thông tin từ Phòng Văn hóa và Giáo dục Hoa Kỳ (ECA) trực thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, số lượng sinh viên Việt Nam theo học tại các trường ĐH, CĐ tại Hoa Kỳ trong năm học 2009-2010 tăng nhẹ từ 12.823 lên 13.112, tăng 2,3% so với năm học trước.

Mấy ý này là của ông Pham Toàn trên DN SGCT

Tôi nói thêm chuyện bên lề thế này. Năm 2000, để bắt tay vào dự án cải cách giáo dục với dự án trị giá 1-1,5 tỉ USD, họ đã "đảo chính" phương pháp dạy cùng bộ sách giáo khoa thực nghiệm của anh Hồ Ngọc Đại (đã được nghiệm thu năm 1990 và áp dụng ở nhiều trường phổ thông ở 43 tỉnh, thành). Bộ sách cải cách ra đời, sau gần 10 năm (năm 2008), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải huy động 20 triệu học sinh chữa 90 triệu quyển sách nằm trong dự án 1 tỉ USD đó. Tôi không tin là Bộ Giáo dục và Đào tạo không có người giỏi, nhưng hầu hết dường như thiếu một tấm lòng, một tấm lòng tử tế với sự nghiệp trồng người... Vì nếu không, tại sao trong suốt bao nhiêu năm "vật vã" cải cách như thế, với khối lượng tiền như thế, tại sao họ không dám đối thoại với những tư tưởng đương đại để tìm một cách làm chuẩn xác, như ý kiến của GS Hoàng Tụy chẳng hạn. Phải lắng nghe, chỗ nào thấy chưa đồng thuận thì phải phản biện, làm thử và tiếp thu...

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

Bài báo quốc tế: sức ép và hệ luỵBài báo quốc tế đang tạo sức ép nhiều phía lên cộng đồng khoa học và rất có thể dẫn đến những hệ luỵ không mong muốn.

SGTT.VN - Bài báo quốc tế đang tạo sức ép nhiều phía lên cộng đồng khoa học và rất có thể dẫn đến những hệ luỵ không mong muốn.

Sức ép

Không rõ, liệu có ở đâu việc xét phong giáo sư được “số hoá” một cách triệt để như ở ta. Ngoài “số” năm công tác, “số” năm giảng dạy, “số” luận án đã hướng dẫn, “số” đề tài đã chủ trì, “số” ngoại ngữ v.v., còn có một con số rất gay cấn – đó là “số” điểm công trình. Những người làm việc ở các viện nghiên cứu muốn trở thành giáo sư phải có ít nhất 20 điểm. Số điểm này chủ yếu lấy từ các bài báo. Một bài báo quốc tế (BBQT) bình bình có trong danh mục của ISI (Institute of Scientific Information) được 1 điểm. Số điểm này chia đều cho số đồng tác giả, chẳng hạn năm người thì mỗi người được 1/5 điểm (làm lý thuyết số đồng tác giả có thể ít hơn, nhưng với thực nghiệm con số này có thể lên tới cả vài chục, nghĩa là số điểm dành cho mỗi người có thể chỉ là vài phần trăm). Như vậy, trung bình, muốn có 20 điểm, ứng viên phải là đồng tác giả của cỡ 100 bài báo. Thế là phải guồng, càng nhiều bài càng tốt, không cần biết nội dung là gì, chất lượng ra sao, miễn là có mác ISI (bài đăng trong nước thì dù thế nào vẫn cứ ít điểm hơn và do đó cần có nhiều bài hơn). Cái sự “số hoá” lạ lùng ấy đã tạo một sức ép vô hồn về số lượng bài báo và, tệ hại hơn, làm cho quy trình đăng ký và phong tặng chức danh giáo sư đáng lẽ là rất đẹp, rất văn hoá, thì lại trở thành, một bên (ứng viên) thì lo “nhặt điểm” một cách đáng thương, còn bên kia (hội đồng chức danh) thì lo cộng – cộng, trừ – trừ rất buồn tẻ.

Gần đây quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia cũng lấy BBQT “chuẩn” ISI làm tiêu chí đánh giá các đề tài: mỗi đề tài phải có ít nhất hai BBQT. Và, cũng không cần biết chất lượng ra sao, miễn là có mác ISI. Ở nhiều cơ quan nghiên cứu và trường đại học, BBQT đang trở thành tiêu chí “cứng” số một để đánh giá cán bộ. Anh có thể chẳng cần đến cơ quan, chẳng cần làm gì khác, miễn là có nhiều BBQT, và cũng chẳng quan trọng nội dung và chất lượng ra sao, miễn là “có” ISI. Cụm từ BBQT “chuẩn” ISI xuất hiện ở mọi nơi, từ câu chuyện bàn trà, cuộc họp cơ quan, báo mạng báo giấy, đến các văn bản pháp quy có tính quốc gia. “Số” BBQT đang thực sự trở thành sức ép đối với cộng đồng khoa học.

Hệ luỵ

Đính chính quan trọng

Gần đây nhiều báo đưa tin về BBQT “đạo văn” bị gỡ khỏi EPL. Một đồng tác giả của bài này là N.T.Hung với địa chỉ ghi trên bài là Institute of Physics (Hanoi). Thông tin địa chỉ này là sai. Ở Hà Nội chỉ có một Institute of Physics (thuộc Viện khoa học và công nghệ Việt Nam) tọa lạc tại số 10 Đào Tấn, quận Ba Đình và N.T.Hung không phải là người của Institute này. Nếu không là một nhầm lẫn vô ý, thì đây là một hiện tượng đánh cắp thương hiệu rất đáng báo động và cần được chấn chỉnh.

Ở một mức độ nhất định và khía cạnh nào đó, sức ép BBQT có tác dụng tích cực, nó thúc bách người ta làm việc nhiều hơn và hiệu quả hơn. Nhưng ở đây tôi xin phép không bàn về mặt tích cực ấy, mà chỉ nói về những hệ luỵ không mong muốn đã, đang, và chắc sẽ còn xảy ra. Cái sức ép “số” BBQT dễ dẫn đến tình trạng “quý hồ đa hơn quý hồ tinh” và thậm chí cả gian lận trong khoa học nữa. Gần đây báo chí đưa tin nhiều về hiện tượng “đạo văn”, tức là lấy kết quả của người khác xào xáo làm thành bài của mình, gửi đăng lấy “điểm”. Tất nhiên, việc này là không thể chấp nhận được. Nhẹ hơn một nấc là, cùng một nội dung, cắt ghép lại thành nhiều bài gửi đi các tạp chí khác nhau, cũng để kiếm thêm “điểm”.

Một hình thức nữa là tổ chức hội nghị quốc tế. Thường thì, văn hoá tổ chức hội nghị là, mình tổ chức hội nghị cho người khác, nghĩa là, người đứng ra tổ chức hạn chế tối đa việc đưa báo cáo của mình vào hội nghị. Thế nhưng, có vị là “chair” (chủ toạ) của hội nghị tổ chức ở sân nhà lại “submit” (đăng ký) một lúc cả chục báo cáo và tất nhiên tất cả đều được “accepted” (chấp nhận), rồi tất cả đều được đăng dưới dạng “Proceedings” (tuyển tập hội nghị) trên một tạp chí tầm tầm có mác ISI. Thế là, chớp mắt có cả chục BBQT (mặc dù nội dung gộp lại chưa chắc đã xứng một bài). Những hệ luỵ không mong muốn không chỉ đang làm vẩn đục môi trường khoa học đương đại mà còn có thể ảnh hưởng xấu đến cả các thế hệ khoa học tương lai.

Và gì nữa?

Thực ra, ISI không phải là “chuẩn” gì cả, mà chỉ là một tổ chức thống kê. Các số liệu thống kê là quan trọng để đánh giá, dự đoán và định hướng. Nhưng, đã là “thống kê” thì luôn mang tính tương đối và vì vậy không thể dùng làm “chuẩn” để phán quyết “có” hay “không” hoặc để “cho điểm” một cách máy móc. Chỉ một bài báo về thuyết tương đối tổng quát năm 1915 đã đủ làm cho Einstein trở thành bất tử. Nhưng theo cách “cho điểm” của các hội đồng ở ta thì “chiếu cố” lắm bài này cũng chỉ được hai điểm. Bản chất khoa học là trung thực và đẹp. Muốn được vậy, không chỉ người làm khoa học phải luôn trung thực và tài hoa, mà hệ thống quản lý cũng phải biết tạo dựng một môi trường lành mạnh nuôi dưỡng sự trung thực và tài hoa ấy. Khi chưa có khả năng định giá chất lượng (biết người, biết của), người ta buộc phải dựa vào số lượng. Nhưng đó chỉ là biện pháp tình huống, không nên sa đà vào đó. Không nên đánh giá khoa học (và người làm khoa học) bằng đếm câu, đếm chữ, chấm chấm, phẩy phẩy. Quản lý khoa học là một việc rất tinh tế và văn hoá, nó chỉ có thể thực hiện bằng tư duy và biện pháp rất khoa học.

Nguyễn Trần,
viện Vật lý, viện Khoa học và công nghệ Việt Nam

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

Số liệu giáo dục đại học VN: liệu có so sánh được với ai? blog NCGDVN

Như các bạn đều biết, công tác chính của tôi hiện nay là ... đánh giá chất lượng giáo dục (nghe to tát quá, phải không). Và mặc dù công tác đánh giá chất lượng chủ yếu dựa trên những phán đoán (định tính) của các chuyên gia (=thành viên đoàn đánh giá ngoài), nhưng cơ sở cho những phán đoán đó luôn luôn phải là những số liệu cụ thể, chính xác và so sánh được. Nhưng hình như số liệu giáo dục VN không có được hai tính chất đó - chính xác và so sánh được. Trong bài này tôi chỉ nói đến một loại số liệu là số sinh viên trên giảng viên (tính theo số quy đổi).

Ai đang làm công tác tại các phòng ban trong trường đại học VN, đặc biệt là các phòng như phòng đào tạo (cần tính toán chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm) hoặc phòng đảm bảo chất lượng (cần báo cáo số liệu về thực trạng nhà trường hàng năm) thì đều không xa lạ gì với các hệ số quy đổi giảng viên của VN.

Nhưng cũng có thể có những người không biết, nên xin ghi lại vắn tắt một số điểm ở đây trước khi tôi ghi lại những băn khoăn của tôi về các hệ số quy đổi này.

Trước hết, cơ sở pháp lý của việc quy đổi. Công văn hướng dẫn cho việc quy đổi này được Bộ Giáo dục ban hành vào năm 2007 (công văn số 1325/BGDĐT ngày 09/02/2007). Có thể tìm được văn bản này tại địa chỉ: http://vanban.moet.gov.vn/?page=1.1&c2=HD (trang web của Bộ Giáo dục).

Một số hệ số quy đổi theo học vị cần nhớ:

Cử nhân = 1
Thạc sĩ = 1.3
Tiến sĩ = 2
Phó giáo sư = 2.5
TSKH = 3
Giáo sư = 3

Ngoài các hệ số quy đổi theo học vị vừa nêu, văn bản hướng dẫn của Bộ còn đưa ra quy định về hệ số quy đổi dành cho giảng viên toàn thời gian, giảng viên kiêm nhiệm, và giảng viên thỉnh giảng như sau:

Cơ hữu (giảng dạy toàn thời gian) = 1
Kiêm nhiệm (= các cán bộ phòng ban) = 0.3
Thỉnh giảng (=ngoài khoa/trường, tức đã tính cơ hữu ở nơi khác) = 0.2

Về quy mô đào tạo cho phép, cần chú ý những quy định tổng quát sau:

1. Số lượng giảng viên cơ hữu phải đảm bảo tối thiểu 60% khối lượng giảng dạy của khoa/trường.

2. Chỉ tiêu tuyển sinh các hệ đào tạo phi chính quy không vượt quá 70% chỉ tiêu sinh viên chính quy đối với khối ngành xã hội-nhân văn, hoặc đa ngành; không quá 90% đối với khối ngành kỹ thuật, và không quá 40% đối với khối ngành y tế.

3. Quy mô đào tạo tính theo tổng số sinh viên quy đổi trên tổng số giảng viên quy đổi vào năm 2012 là 18 sv/gv cho khối ngành xã hội-nhân văn và 15 sv/gv cho các ngành khác, không kể y tế và thể dục thể thao có quy định riêng về quy mô.

(Nhận xét thêm: nếu ai không hiểu sự rối rắm về số liệu giáo dục của VN và sự "khác người" trong công thức quy đổi chi li trong văn bản nói trên thì sẽ thấy những con số về quy mô nói trên là khá ổn, không có gì đáng than phiền. Vì tỷ lệ svqđ/gvqđ của UC Berkeley năm 2009 cũng chỉ là 15.5 - xem ở đây: http://cds.berkeley.edu/pdfs/PDF%20wBOOKMARKS%2009-10.pdf).

4. Hệ số quy đổi sinh viên: sinh viên đại học có hệ số 1, nghiên cứu sinh có hệ số 2.

Tất nhiên những điều tôi liệt kê ở trên chỉ là khái quát, còn chi tiết (khá chi li, tỉ mỉ) thì cần đọc thêm trong văn bản tôi đã nêu và đưa link.

Áp dụng những tỷ lệ trên vào thực tế một khoa mà tôi có số liệu, tôi thấy như sau:

Quy mô sinh viên của khoa: 600 sv cho 4 năm học (chỉ tiêu hàng năm là 150 sv)

Tổng số giảng viên cơ hữu của khoa:

- 4 tiến sĩ (trong đó có 1 trưởng khoa, 1 phó khoa đang đi học nước ngoài, 1 giám đốc trung tâm trực thuộc trường, và 1 giảng viên công tác ở nhiều nơi). Nói cách khác, trong 4 tiến sĩ đó (thực tế chỉ có 3 vì một người đang công tác dài ngày ở nước ngoài) thì chỉ có một người có mặt và là trưởng khoa, tức cũng có chức vụ quản lý, còn lại 2 người chỉ có thể xem là bán thời gian.

Nhưng trên báo cáo thì con số 4 tiến sĩ này vẫn quy đổi ra thành 8 giảng viên (hệ số tiến sĩ là 2).

- 11 thạc sĩ trực tiếp giảng dạy --> quy đổi ra thành 14.3 (hệ số thạc sĩ là 1.3).

- 4 cử nhân tham gia giảng dạy (!) --> quy đổi thành 4.

Như vậy tổng số giảng viên quy đổi là 26.3, tính tròn là 26. Nếu áp dụng công thức về quy mô của năm 2010 cho khối ngành xh-nv là 22svqđ/gvqđ thì tổng số sinh viên hiện nay của khoa là hoàn toàn nằm trong quy mô cho phép, vì riêng giảng viên cơ hữu của khoa đã có thể đảm đương gần hết khối lượng giảng dạy rồi (22*26 = 572), chưa cần mời thêm ở ngoài. (Trên thực tế là có mời, nhưng ít, và chỉ mời những môn khoa chưa có người dạy, hoặc báo cáo chuyên đề vv.)

Khoa này có đào tạo không chính quy, quy mô hiện nay tôi không có số liệu nhưng tạm tính theo quy mô cho phép là 70% số sinh viên chính quy, khoảng 400 sinh viên nữa (600*0.7). Như vậy, tổng số sinh viên của khoa là 1000 cả 2 hệ chính quy và không chính quy. Tất cả đều trong mức quy định, và thậm chí còn phải được xem là rất tốt trong tình trạng tuyển sinh tràn lan tại VN hiện nay.

Tuy nhiên, nếu xét trên thực tế thì khoa hiện nay đang đảm đương một khối lượng công việc rất nặng, và điều đó có thể thấy rõ qua sự tất bật của khoa, cũng như qua việc quan sát và phỏng vấn trong mấy ngày tôi tham gia đoàn đánh giá tại khoa.

Trước hết là việc phải đảm nhiệm không chỉ việc giảng dạy chính quy mà còn cả không chính quy để tăng thu nhập, tức phải làm việc gấp đôi (việc giảng dạy phi chính quy không được tính vào trách nhiệm mà chỉ được xem là để tăng thu nhập - để bù vào thu nhập ... chết đói khi dạy chính quy). Ngoài ra, toàn bộ giảng viên của khoa đều phải tham gia vào các công tác phụ thêm khác như giáo vụ (các hệ khác nhau), công tác đoàn thể (đảng, công đoàn, đoàn thanh niên), tư vấn và hỗ trợ sinh viên, vì khối phòng ban làm không xuể và lương thấp - thấp hơn lương giảng viên - nên thường rất lạnh lùng hoặc cau có và tắc trách đối với sinh viên.

Vậy có phải chăng các quy định của VN không hợp lý? Vâng, tôi có thể khẳng định là những số liệu hiện nay về quy mô đại học VN là ... không giống ai. Vì tôi cũng vừa đi đánh giá một khoa của ĐH Indonesia, một trường công lập lớn hàng đầu của Indo. Ở đó, cách quy đổi giảng viên và sinh viên sang FTE (full-time equivalent, tức tương đương toàn thời gian) cũng trùng với cách tính trong Bộ dữ liệu chung (Common Data Set) của Mỹ, theo đó việc tham gia toàn thời gian hoặc bán thời gian là sự khác biệt duy nhất giữa các loại giảng viên, chứ họ không hề phân biệt bằng cấp, học hàm học vị. Vì bằng cấp học hàm học vị đã được tính vào những chỉ báo về chất lượng, không thể vừa tính chất lượng rồi lại nhân đôi, nhân ba lên để tính vào số lượng nữa!

Công thức tính của CDS là như sau:
- Giảng viên, sinh viên toàn thời gian hệ số là 1
- Giảng viên, sinh viên bán thời gian hệ số là 1/3.

Khi áp dụng công thức của CDS vào khoa mà tôi mô tả ở trên, ta sẽ có:

- Số giảng viên FTE: 19 (19*1; hệ số của giảng viên cơ hữu là 1)
- Số sinh viên FTE: 600 + 133 (=400*1/3) = 733
--> Tỷ lệ svqđ/gvqđ = 38,58 (gần 40 svqđ/gvqđ, tức gấp đôi con số hiện nay).

Nghĩ lại thì thấy cũng dễ hiểu thôi: hiện nay giảng viên muốn đủ sống (cầm hơi) thì phải dạy ngày, dạy đêm, tức là làm với khối lượng gấp đôi. Thì tính theo số sv/gv cũng là gấp đôi đó, chính xác quá rồi còn gì! Đấy là chỉ mới tính có một chỉ số, chứ còn một chỉ số khác, dễ hiểu và cũng không kém phần quan trọng, là số lượng cán bộ và nhân viên quản lý/phục vụ (tiếng Anh là non-academic) so với số lượng giảng viên. Ở VN, hiện không có quy định về điều này, nhưng thực tế cho thấy là tỷ lệ non-academic staff trên tổng cán bộ, giảng viên/nhân viên cơ hữu chỉ vào khoảng 30-35% tổng số cán bộ, giảng viên/nhân viên cơ hữu. Còn ở các nước thì con số này phải khoảng 50-55%.

Nếu không đủ non-academic staff thì hoặc là khoa phải làm (tức các giảng viên phải chia nhau làm, nếu muốn sinh viên cảm thấy được quan tâm và hài lòng với khoa), vậy ước chừng khoảng 20% công việc của khối phục vụ đã được đẩy qua cho giảng viên. Áp dụng vào khoa mà tôi vừa nêu thì phải mất đi 2 giảng viên toàn thời gian để làm công tác phục vụ, vậy số liệu bây giờ sẽ là:

1. GV quy đổi: 17 người
2. SV quy đổi: 733 người
3. Bình quân svqđ/gvqđ = 43.12, một con số quá cao, cao hơn mức của giáo viên tiểu học nữa! Hỏi sao mà chất lượng giáo dục đại học của mình không thấp?

Và đây là câu hỏi, cũng có thể xem là khuyến nghị, của tôi: Chúng ta đang muốn đổi mới quản lý, hội nhập thế giới, và ... xếp hạng đại học, tức so sánh với thế giới để xác định vị trí của mình. Vậy chúng ta có nên tiếp tục sử dụng những con số có tác dụng ... an thần như thế này hay không, hay nên nhìn thẳng vào sự thật?

Vì có biết sự thật thì mới biết cái dở của mình là gì và cải thiện một cách có hiệu quả được chứ, phải không?

Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

Đề tài

1/Tân trang di tích lịch sử =diễn đàn; Ô Quan Chưởng, thành nhà Mạc

Không biết suất ăn của các cháu học sinh thế nào nhỉ ? = GD-ĐT Hỏi các phụ huynh có dám nói không.

Trường chuyên là trường gì?

(VOV) - Phải chăng mô hình của trường chuyên vẫn còn mờ mờ ảo ảo, chưa thống nhất, nên ngành Giáo dục vẫn chưa đưa ra được một định nghĩa về trường chuyên?

Trong báo cáo của Chương trình Phát triển giáo dục trung học (đọc tại Hội nghị triển khai Đề án phát triển trường chuyên vừa diễn ra) có đoạn viết: “Theo định nghĩa của Wikipedia, trường chuyên là trường trung học, trong đó đào tạo toàn diện và nâng cao một số môn học gọi là môn chuyên”. Trong bài viết này, người viết chưa bàn đến mấy từ rất đáng quan tâm là “đào tạo toàn diện” mà chỉ xin đề cập một khía cạnh khác. Đó là, định nghĩa này được lấy ở từ điển mở trên mạng - Wikipedia.

Từ năm 1966, Việt Nam đã có trường chuyên. Và bây giờ chúng ta đang thực hiện một đề án trường chuyên giai đoạn 10 năm (2010 - 2020), với số kinh phí lên trên 2.300 tỷ đồng, vậy mà không có được một định nghĩa về trường chuyên do chính ngành Giáo dục đưa ra thì kể cũng lạ.

Phải chăng mô hình của trường chuyên vẫn còn mờ mờ ảo ảo, chưa thống nhất, nên Chương trình phát triển giáo dục trung học cứ lấy cái định nghĩa ở Wikipedia cho nó… an toàn? Nếu quả thực dáng dấp của trường chuyên chưa rõ ràng thì việc đầu tư một phần trong số 71 triệu USD của chương trình này (thực chất là dự án) cho trường chuyên cần phải cân nhắc.

Chưa rõ mô hình trường chuyên mà đầu tư nhiều tiền như thế liệu có phát hiện ra nhiều học sinh năng khiếu, bồi dưỡng được nhiều nhân tài?

Để chứng minh cho việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị thí nghiệm là cần thiết, Báo cáo của Chương trình Phát triển giáo dục trung học viết: “Học sinh Việt Nam thông minh hơn học sinh nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên học sinh của chúng ta chịu nhiều thiệt thòi do phải học tập trong một môi trường chưa đầy đủ điều kiện…”.

Đã có một điều tra nào về “sự thông minh” chưa mà ngành GD lại đưa ra nhận xét này nhỉ? Nói “học sinh Việt Nam thông minh hơn…”, e rằng hơi chủ quan. Mặt khác, thông minh là một khái niệm còn nhiều tranh cãi. GS Hồ Ngọc Đại có lần đã nói, thế kỷ 20, người ta đã giải mã bộ gen người, có tới 99,999% là giống nhau. Vì thế, sự thành công ở mỗi người, về cơ bản, do lao động quyết định.

Liên quan tới đầu tư phòng thí nghiệm cho các trường chuyên, Chương trình Phát triển giáo dục trung học diễn giải: “học sinh Việt Nam dự các kỳ thi quốc tế đạt điểm chưa cao do không làm tốt các bài thực hành thí nghiệm…”. Trong khi, lãnh đạo Bộ GD-ĐT từng nói: “Thi quốc tế không phải là mục đích chính của trường chuyên.” Chính vì thế, khi nêu ra những luận điểm trên để làm căn cứ cho việc đầu tư, dẫu đúng, cũng khiến dư luận quan ngại.

Tại Hội nghị triển khai Đề án Phát triển trường THPT chuyên, đại biểu cũng nhiều lần thấy lãnh đạo Bộ đưa ra khái niệm trường chất lượng cao ở bậc THCS. Không hiểu mô hình trường này như thế nào, hay đây là cách nói tránh để nhằm xác lập hệ thống trường chuyên ở bậc THCS khi mà Luật Giáo dục đã bỏ mô hình chuyên ở cấp học này?

Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI có đề cập việc phải “thay đổi cơ bản chương trình giáo dục phổ thông” trong những năm tới. Ngành Giáo dục cũng đã xác nhận mốc thay đổi là năm 2015. Trường chuyên nằm trong hệ thống giáo dục phổ thông. Việc triển khai đề án trường chuyên ngay từ lúc này liệu có dẫn đến tình trạng “xung đột”, gây lãng phí khi mà giáo dục phổ thông có sự thay đổi mạnh mẽ trong những năm tới?./.
Ngô Thiệu Phong

Nghề dạy học và tấm lòng yêu trẻ

(VOV) - Khi giáo viên đến với lớp, với học sinh không bằng tình yêu nghề nghiệp thì thật khó làm tròn phận sự của một người thầy….

Gần đây liên tiếp xảy ra những vụ việc phản sư phạm trong nhà trường như tình trạng bạo hành, bạo lực; cư xử thầy trò thiếu lành mạnh, thiếu tôn trọng, không đúng với truyền thống tôn sư trọng đạo khiến dư luận bức xúc.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên, song ở đây chúng tôi chỉ phân tích nguyên nhân từ người thầy.

Với quan điểm “Giáo dục là quốc sách” nên chúng ta đã có rất nhiều ưu đãi với ngành sư phạm. Thứ nhất là hệ thống trường sư phạm có ở các tỉnh, sinh viên sư phạm không phải đóng học phí… Chính sách ưu đãi này có hai mặt. Thu hút được nguồn tuyển, nhưng cũng chính vì thế mà chưa thực sự chọn lọc được nhiều sinh viên giỏi; nhiều thí sinh thi vào sư phạm nhưng chưa thực sự yêu nghề dạy học. Học sinh thấy trường sư phạm được miễn học phí, đầu vào tương đối dễ, đầu ra lại khá rộng mở nên cứ làm hồ sơ đăng ký thi mà chưa thực sự hình dung ra tính chất và những gian khổ trong nghề dạy học.

Cú sốc đầu tiên thường đến với các tân sinh viên sư phạm ngay sau khi ra trường là việc làm. Trường ở khắp mọi nơi. Nhưng để xin vào dạy ở một trường nào đó thì không dễ dàng chút nào. Sự ổn định của ngạch viên chức trong nghề giáo lại cũng có hai mặt. Nó giúp giáo viên an tâm làm việc, nhưng cũng là cái lô cốt cho những người thiếu năng lực trú ngụ.

Mỗi năm số sinh viên sư phạm ra trường cả chục ngàn, trong khi số về hưu lại quá ít ỏi. Giáo viên vừa ra trường dồn cục lại và họ phải cạnh tranh nhau, bằng năng lực, thậm chí bằng đủ mọi cách, kể cả tiêu cực, để tìm được một chỗ dạy, ổn định cuộc sống.

Với những giáo viên phải “đầu tư” quá lớn, “chi phí” quá nhiều cho việc có được một chỗ dạy thì điều gì sẽ xảy ra? Dĩ nhiên là họ phải quyết thu lại số tiền mà họ đã bỏ ra để đổi lấy cái vị trí viên chức trong ngành. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới dạy thêm học thêm tràn lan, vô tổ chức, diễn ra hàng chục năm nay mà không có “thuốc” chữa.

Đứng trên bục giảng một cách quá dễ dàng hoặc khó khăn, vất vả đến mức phi lý đều không tạo ra một trạng thái làm việc tốt cho người thầy.

Khi giáo viên đến với lớp, với học sinh không bằng tình yêu nghề nghiệp thì thật khó làm tròn phận sự của một người thầy. Nghề nào cũng vậy, để có chút thành công, cần có niềm say mê; với nghề dạy học còn hơn thế: Nếu thuần tuý chỉ nghĩ đến kế mưu sinh thì người thầy khó lòng mà thốt lên được một lời nói yêu thương với học sinh của mình.

Nhiều khi chúng ta tự hỏi vì sao người mẹ hay rầy la, thậm chí còn phạt vài cái roi vào đít nhưng con cái vẫn cứ sà vào lòng mẹ? Có điều ấy là vì lòng yêu thương đã bao trùm lên tất cả. Học sinh, từ nhà trẻ cho tới hết phổ thông, đều có những giác quan cực kỳ nhạy bén để tiếp nhận những tình cảm yêu thương ấy từ người thầy. Những chiếc “ăng ten” thu nhận tín hiệu yêu thương ấy thường chính xác và hiếm khi sai. Điều này lý giải vì sao có những người thầy nghiêm khắc nhưng chúng ta vẫn kính trọng, nể phục.

Nếu như với học sinh, thời gian qua, chúng ta mải mê nhồi nhét kiến thức mà quên mất dạy làm Người, thì với giáo viên, chúng ta lại chạy đi tìm kiếm đủ thứ chuẩn mà cái chuẩn quan trọng nhất là lòng yêu nghề, thương trẻ thì lại chưa được quan tâm đúng mức./.
Ngô Thiệu Phong

Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2010

Tập đoàn kinh tế nhà nước - cần một cái nhìn thực chất -Vietsciences-Nguyễn Quang A

30/10/2010

Những bài cùng tác giả
LTS.Thực chất hoạt động, vai trò và sức mạnh của các tập đoàn kinh tế nhà nước ra sao? Đó là một trong những câu hỏi đang nóng trong dư luận những ngày này. Các tập đoàn kinh tế nhà nước của chúng ta được thành lập khi chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý tương ứng và hoạt động không hiệu quả - Đó là cảnh báo được đưa ra từ hơn bốn năm nay của các chuyên gia kinh tế.
Sự đổ vỡ (thực chất là phá sản) của Vinashin với khoản nợ có tin là tới 120 nghìn tỷ đồng (không phải 86 nghìn tỷ đồng như thông báo lúc đầu) cùng hàng loạt quan chức cao nhất của tập đoàn bị khởi tố, bắt tạm giam đã quá đủ của một lời cảnh báo. Do đó đã đến lúc cần một cái nhìn thực chất về vấn đề các tập đoàn kinh tế nhà nước theo đúng tinh thần mà ngay từ khi khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước (Đại hội Đảng lần thứ VI- 1986) Đảng cộng sản Việt Nam đã đề ra. Đó là nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật. Trên tinh thần đó, báo điện tử Tổ Quốc giới thiệu bài viết của GS-TS Nguyễn Quang A nhằm tham góp những ý kiến mang tính đề xuất để các cấp có thẩm quyền và bạn đọc rộng đường tham khảo, suy ngẫm. Rất mong nhận được ý kiến của các nhà nghiên cứu và bạn đọc về chủ đề này.

Sự đổ vỡ (thực chất là phá sản) của Vinashin đã quá đủ của một lời cảnh báo
Kỳ I: Vai trò của khu vực kinh tế nhà nước & Vài sự thực
Bài báo này của tôi cập nhật nội dung của một báo cáo đã được trình bày từ vài năm qua mà nội dung của nó vẫn còn rất thời sự.
Vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước luôn chiếm tỷ lệ cao (trên dưới một nửa) trong tổng đầu tư xã hội nhưng tỷ lệ đóng góp vào GDP không cân xứng chỉ ở mức 37-39% và tạo công ăn việc làm cho khoảng 4,4% của tổng số lao động. Suốt hàng chục năm khu vực kinh tế nội địa, mà có lẽ chủ yếu là khu vực kinh tế nhà nước, luôn nhập siêu ở mức cao, khu vực đầu tư nước ngoài lại xuất siêu, nói cách khác các doanh nghiệp nhà nước đã tiêu dùng và đầu tư hơn mức nó tạo ra rất nhiều trong thời gian dài. Sự kém hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước là một trong những nguyên nhân chính gây bất ổn kinh tế vĩ mô, tăng lạm phát. Đấy là những con số thống kê biết nói về thành tích của khu vực kinh tế giữ vai trò “chủ đạo”.
Đã đến lúc phải nghiêm túc nhìn nhận lại vai trò “chủ đạo” của khu vực kinh tế nhà nước. Ý tưởng về có các doanh nghiệp quốc doanh, các tập đoàn mà nhà nước đầu tư và bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo để làm công cụ cho Nhà nước “điều khiển” là một cám dỗ quyền lực hấp dẫn. Song liệu đó đã là sự lựa chọn khôn ngoan chưa khi Nhà nước không phải lúc nào cũng điều khiển được chúng (vấn đề về người ủy thác, người chủ (nhà nước) và những người được ủy thác).
Nên tận dụng cơ hội khó khăn hiện nay để xem xét lại tận gốc rễ thực chất vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước để đẩy nhanh việc cải tổ chúng.
I. Vai trò của khu vực kinh tế nhà nước
Vai trò của khu vực kinh tế nhà nước đã có những thay đổi trong quan niệm của Đảng CSVN và được ông Trần Đức Nguyên tóm tắt lại như sau:
Đối với kinh tế quốc doanh[1], nhận thức về vị trí của khu vực kinh tế này được điều chỉnh từng bước trong tiến trình đổi mới. Đại hội VI (12-1986) gắn vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh với việc “chiếm tỷ trọng lớn cả trong sản xuất và lưu thông”; Hội nghị Trung ương 6 khoá VI (3-1989) vẫn đặt quốc doanh vào vị trí chủ đạo, nhưng “không nhất thiết chiếm tỷ trọng lớn trong mọi ngành, nghề”. Vào đầu thập kỷ 90 (thế kỷ trước), kinh tế quốc doanh đang nắm vai trò chi phối nền kinh tế với 12 nghìn xí nghiệp (toàn bộ vốn đều thuộc Nhà nước), chiếm tỷ trọng lớn và giữ những vị trí then chốt trong các ngành phi nông nghiệp[2]. Cương lĩnh 1991[3] chỉ nêu gọn “Kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế”. Chiến lược 1991[4] nói rõ hơn : “Kinh tế quốc doanh được củng cố và phát triển trong những ngành và lĩnh vực then chốt, nắm những doanh nghiệp trọng yếu và đảm đương những hoạt động mà các thành phần khác không có điều kiện hoặc không muốn đầu tư kinh doanh... Những cơ sở không cần giữ hình thức quốc doanh thì Nhà nước chuyển hình thức kinh doanh, hình thức sở hữu hoặc giải thể, đồng thời có chính sách giải quyết việc làm và đời sống cho người lao động”.
Quan điểm này một mặt tạo tiền đề cho sự phát triển khu vực kinh tế ngoài nhà nước, nhất là kinh tế tư nhân; mặt khác, không coi vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh là điều mặc nhiên mà phải gắn với việc “sắp xếp lại, đổi mới công nghệ và tổ chức quản lý, kinh doanh có hiệu quả, liên kết và hỗ trợ các thành phần kinh tế khác, thực hiện vai trò chủ đạo và chức năng của một công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Các xí nghiệp quốc doanh hoạt động theo nguyên tắc tự chủ kinh doanh, tự trang trải và tích luỹ trong môi trường hợp tác, cạnh tranh; Nhà nước chỉ tài trợ có thời hạn cho một số cơ sở thật sự cần thiết”.
Chủ trương đó đã thúc đẩy việc đổi mới khu vực kinh tế quốc doanh, giảm mạnh số xí nghiệp[5], tiến hành cổ phần hóa và đổi mới cơ chế, nâng cao tính tự chủ của xí nghiệp quốc doanh. Tuy nhiên, khu vực quốc doanh chưa thật sự đảm nhiệm được vai trò chủ đạo vì nhìn chung kém hiệu quả hơn các khu vực khác, vẫn còn dựa dẫm, ỷ lại vào các chính sách ưu đãi của Nhà nước dưới nhiều hình thức và còn bị ràng buộc bởi cơ chế “chủ quản” của cơ quan hành chính.
Từ thực tế đó, để định hướng, dẫn dắt, hỗ trợ, kiểm soát được các hoạt động trong nền kinh tế, Nhà nước phải sử dụng toàn bộ sức mạnh kinh tế của mình, không chỉ có các doanh nghiệp nhà nước, mà còn có các nguồn lực quan trọng khác, như ngân sách nhà nước, vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp khác (ngoài doanh nghiệp nhà nước), dự trữ nhà nước, tài nguyên quốc gia, đặc biệt là đất đai. Với nhận thức đó, Đại hội VIII (6-1996) xác định vai trò chủ đạo đối với nền kinh tế không chỉ đặt vào các doanh nghiệp nhà nước mà dựa vào toàn bộ kinh tế nhà nước bao gồm đẩy đủ các nguồn lực nêu trên. Quan điểm này điều chỉnh sự đánh giá quá mức về vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy mạnh hơn công cuộc cải cách các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, cho đến nay, công cuộc cải cách này vẫn chưa đi kịp yêu cầu của cuộc sống, cả về mặt sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, đổi mới quản trị doanh nghiêp cũng như về cơ chế quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp. [6]
Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN khoá IX về các Văn kiện Đại hội X của Đảng CSVN có nêu: “Phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Trong Bản trình bày của đoàn Chủ tịch về ý kiến thảo luận của các đại biểu đối với các văn kiện Đại hội X của Đảng CSVN có giải thích về vai trò chủ đạo của nền kinh tế nhà nước như sau: “… vai trò chủ đạo của nền kinh tế nhà nước không phải thể hiện ở số lượng doanh nghiệp nhiều hay ít, tỉ trọng đóng góp GDP cao hay thấp mà ở chỗ, đó là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển”. Trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa IX ngày 10 tháng 4 năm 2006 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010 (gọi là Báo cáo phát triển Kinh tế-Xã hội), cụm từ “vai trò chủ đạo” xuất hiện 1 lần duy nhất trong “vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương”. Nghị quyết số 21-NQ/T.Ư Hội nghị lần thứ 6 BCHTW Đảng CSVN khóa X "về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" đã nhiều lần nhắc lại “vai trò chủ đạo” của kinh tế nhà nước.
Ở đây có sự chưa rõ ràng về khái niệm: khu vực kinh tế nhà nước nghĩa là gì? Nó có đồng nghĩa với khu vực của các doanh nghiệp nhà nước không? Có vẻ nó rộng hơn, như nêu ở trên nhưng cụ thể là gì thì chưa được nêu một cách tường minh. Cũng trong báo cáo phát triển kinh tế-xã hội có nói: “khu vực kinh tế nhà nước đang được tổ chức lại, đổi mới và chiếm 38,4% GDP, chi phối nhiều ngành kinh tế then chốt và tập trung hơn vào những lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế”. Nếu hiểu theo nghĩa này thì gần như khu vực kinh tế nhà nước đồng nhất với khu vực các doanh nghiệp nhà nước. Tuy còn có những điểm chưa rõ, nhưng người ta vẫn hiểu các doanh nghiệp nhà nước có “vai trò chủ đạo”. Báo điện tử ĐCSVN ngày 2-4-2008 khẳng định trong khó khăn của nền kinh tế hiện nay, thì “đây là lúc khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước”.
Tuy đã được giải thích, “vai trò chủ đạo của nền kinh tế nhà nước không phải thể hiện ở số lượng doanh nghiệp nhiều hay ít, tỉ trọng đóng góp GDP cao hay thấp” nhưng chắc chắn những chỉ số như vậy cũng quan trọng trong “vai trò chủ đạo” ấy. Chúng ta hãy xem các con số nói lên điều gì.
II. Vài sự thực
1. Vốn đầu tư, vốn kinh doanh và tài sản cố định
a) Vốn đầu tư
Theo Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch đầu tư, 4-2008, vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Từ năm 2000 đến năm 2003, tỷ trọng này luôn chiếm trên 50%, cụ thể, năm 2000, vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước chiếm 59,14%; năm 2001 chiếm 59,81%; năm 2002 chiếm 57,33% và năm 2003 chiếm 52,9%, và có giảm trong những năm tiếp theo (năm 2004: 48,06%; năm 2005: 47,11% và năm 2006: 46,4%) nhưng vẫn chiếm một phần lớn trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Số vốn đầu tư thực tế đã thực hiện diễn biến như sau:

Hình 1. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội phân theo thành phần kinh tế
Đơn vị: Tỷ đồng
Nguồn: Trung tâm Thông tin và dự báo, MPI.8

Tổng lượng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2007 theo giá thực tế ước tính đạt 461,9 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn khu vực Nhà nước 200 nghìn tỷ đồng, chiếm 43,3% tổng vốn; vốn khu vực ngoài Nhà nước 187,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,7% ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 74,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 16% và tăng 17,1%[7]
Có thể nói, số vốn đầu tư huy động hàng năm chiếm tỷ trọng cao trong GDP nhưng chủ yếu của khu vực kinh tế nhà nước.[8]

b) Vốn kinh doanh
Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), tổng số vốn kinh doanh (theo giá ghi sổ) của doanh nghiệp ở Việt Nam đã tăng nhanh trong thời gian qua; và tổng số vốn năm 2006 là 3062,7 nghìn tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2000. Về thành phần kinh tế, thì trong cùng thời gian, số vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã tăng gần 2,4 lần (từ khoảng 670 ngàn tỷ đồng lên 1601 ngàn tỷ đồng); số vốn của doanh nghiệp tư nhân trong nước tăng khoảng 8,7 lần, từ 98,4 ngàn tỷ lên 857 ngàn tỷ VNĐ. Số vốn của doanh nghiệp FDI tăng lên khoảng 2,6 lần, từ 229,8 lên 604,6 ngàn tỷ VNĐ. Như vậy, đến năm 2006, tuy số lượng DNNN giảm mạnh, số vốn của DNNN vẫn lớn gần gần 2 lần số vốn của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Cơ cấu vốn của doanh nghiệp theo thành phần kinh tế cũng đã thay đổi đáng kể. Tỷ trọng vốn kinh doanh của DNNN đã giảm xuống từ khoảng 67% vào năm 2000 xuống còn khoảng 53% năm 2006; tỷ trọng của doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI tăng lên tương ứng từ khoảng 10 và 23% vào năm 2000 lên 28 và 19,7% năm 2006. Như vậy, DNNN vẫn tiếp tục nắm giữ hơn ½ tổng số vốn của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Hình 2

Nguồn: báo cáo CIEM

c) Tài sản cố định
Về giá trị tài sản cố định của doanh nghiệp, thì tổng giá trị tài sản cố định của doanh nghiệp đã tăng lên 3,51 lần trong thời kỳ 2000-2006, trong đó DNNN tăng hơn 3,53 lần, doanh nghiệp tư nhân trong nước tăng hơn 8,8 lần và doanh nghiệp FDI tăng gần 2,3 lần. Tuy vậy, giá trị tăng thêm về tài sản cố định của DNNN trong thời kỳ nói trên vẫn chiếm hơn một nửa số giá trị tăng thêm về tài sản cố định của các doanh nghiệp và cao gấp hơn 2 lần so với doanh nghiệp tư nhân trong nước như có thể thấy ở bảng dưới đây:
Bảng 1 Tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn 31-12 hàng năm (Tỷ đồng)
2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007
Tổng số 411713 476515 552326 645505 744573 952437 1429782 1882000
DNNN 229856 263153 309084 332077 359988 486561 794194 900600
DN ngoài N.N 33916 51049 72663 102945 147222 196200 298296 591200
DN FDI 147941 162313 170579 210483 237363 269676 337292 390200
Cơ cấu (%)
Tổng số 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00
DNNN 55.83 55.23 55.96 51.44 48.35 51.09 55.55 47.90
DN ngoài N.N 8.24 10.71 13.16 15.95 19.77 20.60 20.86 31.40
DN FDI 35.93 34.06 30.88 32.61 31.88 28.31 23.59 20.70

Nguồn: GSO- Điều tra doanh nghiệp & Niên giám Thống kê 2008

Bảng 2. Doanh thu thuần (tỷ đồng)

2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007
Tổng số 809786 897856 1194902 1436151 1720339 2157785 2684341 3459800
DNNN 444673 460029 611167 666022 708898 838380 961461 1089100
DN ngoài N.N 203156 260565 362657 482181 637371 851002 1126356 1635300
DN FDI 161957 177262 221078 287948 374070 468403 596524 735500
Cơ cấu (%)
Tổng số 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00
DNNN 54.91 51.24 51.15 46.38 41.21 38.85 35.82 31.500
DN ngoài N.N 25.09 29.02 30.35 33.57 37.05 39.44 41.96 47.30
DN FDI 20.00 19.74 18.50 20.05 21.74 21.71 22.22 21.20

Nguồn: GSO- Điều tra doanh nghiệp & Niên giám Thống kê 2008
Về cơ cấu giá trị tài sản cố định, trong thời kỳ 2000-2006, tỷ trọng của DNNN giảm nhẹ sau đó lại tăng lên nhưng hầu như không thay đổi; trong khi đó, tỷ trọng của doanh nghiệp tư nhân trong nước đã tăng mạnh từ 8,3% năm 2000 lên 20,7% năm 2006; và tỷ trọng của doanh nghiệp FDI giảm tương ứng từ 35,9% xuống còn 23,3% trong cùng thời kỳ.
Hình 3

Nguồn: báo cáo CIEM

Với lượng vốn đầu tư, vốn kinh doanh và tài sản cố định rất lớn của khu vực kinh tế nhà nước như nêu trên, tiếp sau chúng ta sẽ xem xét nó đã đạt những thành tích và kết quả như thế nào.
2. Đóng góp cho GDP
Bảng sau cho thấy đóng góp của các thành phần kinh tế vào GDP.

Bảng 2: Tỷ lệ đóng góp vào GDP của các thành phần kinh tế (%)
Năm: 2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008
Khu vực N.N 38,52 38,40 38,38 39,08 39,10 38,40 37,39 35,93 34,35
Khu v.ngoài N.N 48,20 47,84 47,86 46,45 45,77 45,61 45,63 46,11 46,97
Khu vực FDI 13,28 13,76 13,76 14,47 15,13 15,99 16,98 17,96 18,68

Nguồn: CSO
Có thể thấy đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế nhà nước không tương xứng với nguồn lực (vốn đầu tư, vốn kinh doanh, tài sản cố định) mà nó sử dụng. Chúng sử dụng nhiều nguồn lực song tạo ra ít giá trị. Khu vực tư nhân nói chung (trong nước và FDI) tạo ra gần 2/3 của GDP.
Cũng nên lưu ý rằng đóng góp của “kinh tế nhà nước” cho GDP, theo Tổng cục Thống kê, bao gồm cả đóng góp của nhà nước trong các lĩnh vực: quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng (đóng góp 3,28% năm 1998 và 2,77% năm 2008); giáo dục đào tạo (3,66% năm 1998 và 2,61% năm 2008); y tế cứu trợ, văn hoá thể thao, đảng và đoàn thể (2,11% năm 1998 và 1,8% năm 2008) [tổng cộng là 9,05% năm 1998 và 7,18% năm 2008]. Nếu trừ phần đóng góp này khỏi thành tích của khu vực nhà nước, chúng ta có một ước lượng cho sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp nhà nước vào GDP như sau:
Bảng 2.b. Ước lượng đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước vào GDP
Năm 1998 1999 2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008
% GDP 30,95 30,32 30,35 30,31 30,42 30,74 31,29 31,33 29,46 28,15 27,17
Theo số liệu trên, tất cả các doanh nghiệp nhà nước đóng góp khoảng 27% cho GDP năm 2008, và phần của các tập đoàn không thể vượt quá con số này. Thế mà có vị phó thủ tướng vẫn khẳng định: “Chính phủ cho rằng các tập đoàn và Tổng công ty, lực lượng chiếm trên 40% GDP của cả nước luôn đóng vai trò quyết định”. Thật không hiểu nổi.
---------------------------------------

1 Từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng CSVN (1-1994), kinh tế quốc doanh được đổi tên gọi là khu vực doanh nghiệp nhà nước, xuất phát từ nhận thức mới về chức năng của Nhà nước trong quản lý kinh tế, tuy có vai trò đại diện chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân, nhưng không trực tiếp kinh doanh.
2 Năm 1991, các xí nghiệp quốc doanh chiếm 53,5% giá trị sản xuất công nghiệp, hầu hết kim ngạch ngoại thương, hầu hết bán buôn và 33,5% tổng mức hàng hoá bán lẻ, hầu hết tín dụng và dịch vụ ngân hàng, 90,4% vận tải hàng hoá và 53,5% vận tải hành khách.
3 Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, được thông qua tại Đại hội VII năm 1991 nên ở đây gọi tắt là Cương lĩnh 1991.
4 Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội 1991-2000, được thông qua tại Đại hội VII năm 1991 nên ở đây gọi tắt là Chiến lược 1991. Những đoạn in nghiêng ở đây là trích từ Cương lĩnh 1991 và Chiến lược 1991.
5 Trong công nghiệp từ 2798 doanh nghiệp năm 1990, đến năm 2000 còn 1786; trong thương nghiệp từ 1836 doanh nghiệp năm 1993, đến năm 2000 còn 1387
6 Trần Đức Nguyên, “Chiến lược 1991-2000, bước đột phá về quan điểm phát triển”, trong cuốn Đổi mới ở Việt Nam - Nhớ lại và suy ngẫm, NXB Tri Thức, 2008

Không thống kê được bài báo quốc tế của 578 GS, PGS! bai hay cua nguyen van tuan

Thứ bảy, 06 Tháng 11 2010 07:20
Theo báo VNN, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) năm nay phong chức danh giáo sư cho 71 ứng viên và phó giáo sư cho 507 ứng viên. Nhưng trong bài báo có một câu làm sốc nhiều người: đó là phát biểu của Chủ tịch HĐCDGSNN rằng không thể thống kê được những bài báo khoa học quốc tế của các ứng viên!
Bảng thống kê dưới đây do tôi thu thập cho thấy con số GS được phong tăng 6 người so với năm ngoái và tăng 73% so với năm 2005. Riêng con số PGS tăng gần 63% so với năm 2005. Như vậy, tính từ 1980 đến nay, VN đã phong cho 1407 GS và 7569 PGS. Đó là một con số khá lớn so với trình độ khoa học nước ta, nhưng còn rất khiêm tốn so với một nước với dân số 87 triệu.
Số giáo sư và phó giáo sư được phong từ năm 2005 đến nay
Năm Số giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS) Phần trăm tăng so với 2005
GS PGS GS PGS
2005 41 312
2006 44 411 7.3 31.7
2007 54 445 31.7 42.6
2008 và 2009 65 641 58.5 105.4
2010 71 507 73.2 62.5
Nguồn: 2005, 2006, 2007, 2008-9, 2010
Bài báo khoa học công bố trên các tập san quốc tế (gọi tắt là “công bố quốc tế”) là một tiêu chuẩn chính cho việc phong chức danh GS/PGS. Năm 2009, con số công bố quốc tế của các nhà khoa học từ Việt Nam chưa đầy 1000. Năm 2010, tôi chưa kiểm tra trên ISI, nhưng hi vọng sẽ vượt qua con số 1000. So với số giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ mà VN đang có, con số trên 1000 bài báo khoa học quốc tế vẫn còn quá khiêm tốn. Và, so sánh như thế thể hiện một sự “bất bình thường”. Thật vậy, HĐCDGSNN đánh giá một bài báo khoa học đăng trên các tập san quốc tế tương đương với một bài đăng trên các tập san trong nước. Nói cách khác, ngay cả một bài trên Nature hay Science được HĐCDGSNN xem có giá trị như một bài trên (chẳng hạn như) tập san Y học Thực hành. Đó là một điều bất bình thường trong nhiều điều bất bình thường về tiêu chuẩn phong chức danh GS/PGS.
Một điều bất bình thường khác là rất khó biết công bố quốc tế của các GS/PGS đã được HĐCDGSNN phong. Thật vậy, theo VNN, “Ông Trần Văn Nhung, Chủ tịch HĐCDGSNN cho biết, không thể thống kê được công trình hay bài báo khoa học quốc tế của các GS, PGS vì công việc này rất phức tạp.” Thật ra, tôi chẳng thấy có gì phức tạp trong việc này. Chắc chắn trong hồ sơ xét duyệt chức danh giáo sư, các ứng viên phải liệt kê danh sách bài báo khoa học của mình. Tại sao không căn cứ vào đó để làm thống kê? Đâu có gì quá khó khăn. Thử xem qua website của Viện Toán, Viện Vật lí, và vài đại học Việt Nam, chúng ta thấy các nhà khoa học liệt kê danh sách bài báo của họ rất rõ ràng. Do đó, tôi nghĩ nhận xét của ông Chủ tịch có phần khó hiểu và thiếu tính thuyết phục.
Các bạn trong nhóm JIPV chỉ là tài tử mà còn làm được việc tìm các bài báo khoa học của ứng viên, thì thiết nghĩ một HĐCDGSNN chắc chắn phải làm được. Công bố thành tựu nghiên cứu của các giáo sư mới được phong cũng là một cách vinh danh họ, và điều đó rất nên làm. Không làm được điều này thì tiêu chuẩn phong chức danh GS/PGS vẫn còn là một dấu hỏi trong công chúng.
Đọc thêm:
Về qui trình đề bạt và tiêu chuẩn GS ở Việt Nam: vài đề nghị
Tiêu chuẩn giáo sư ở Việt Nam có nhiều khác biệt?
Hành [là] chính trong xét duyệt chức danh giáo sư
Quyền lực mềm và cơ chế yêu ghét trong việc xét chức danh Giáo sư
80% giáo sư Việt chưa xứng tầm quốc tế
Tiêu chuẩn cho học vị tiến sĩ
Vài kinh nghiệm về đề bạt chức danh khoa bảng

Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

Ngoại ngữ bậc đại học: "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!" vu thi phuong anh

Vấn đề ngoại ngữ ở đại học lại nổi lên thành một chủ đề nóng trên báo, chẳng hạn như báo Tuổi trẻ hôm nay 30/10/2010. Mới có trên báo giấy, chưa đưa lên mạng. Các bạn chịu khó tìm báo giấy đọc nhé, hoặc chờ đến khi nào báo đưa lên thì tôi sẽ đưa link.

(A, bài báo lên mạng rồi, đây này.)

Có thể tóm tắt vấn đề nêu trên báo như sau: Có quá nhiều sinh viên ĐHKHXH-NV không tốt nghiệp được vì không đạt trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu. Nhưng nếu xét theo quan điểm của nhà trường thì thật ra điều này cũng đúng thôi: yêu cầu đã đặt ra mà không đạt, thì ... rớt, chờ học lại, thi lại, khi nào đậu mới được ra trường. Chứ không lẽ cứ cho ra trường tùm lum, thì lại làm giảm chất lượng của người tốt nghiệp hay sao? Quá đúng.

Nhưng dưới góc độ của sinh viên thì dường như họ đang bị đối xử rất bất công. Nhà trường đã nhận họ vào học (thì đã vượt qua kỳ thi tuyển sinh, tuyển chọn rất khắt khe rồi còn gì). Sau đó tổ chức giảng dạy với chất lượng thế nào đó không rõ, nhưng đến khi thi thì đại đa số đều rớt.

Như thế là thế nào? Vì, có lẽ thế, không kể những người hoàn toàn bỏ bê không học hành gì cả, nếu ai có đi học, làm theo mọi yêu cầu của nhà trường, vượt qua được các kỳ kiểm tra trong quá trình học, thì không có lý do gì đến kỳ thi cuối cùng họ lại rớt cả như thế. Rất phi lý.

Các bạn thử nghĩ mà xem, cả hai quan điểm của nhà trường và của sinh viên đều đúng. Mà tình hình thì vẫn không ổn (từ nhiều năm nay chứ không phải chỉ bây giờ mới không ổn). Vậy phải có ai chịu trách nhiệm về việc này, nếu không phải là nhà trường và sinh viên, thì hẳn phải có ai đó chịu trách nhiệm chứ?

Vậy "ai đó" là ai? Phải chăng, như nhiều việc khác ở VN, thủ phạm là ... thằng họ Cơ, tên Chế?

Tôi nói đùa chút cho vui, nhưng theo tôi thì chính sách về ngoại ngữ của VN hiện đang rất có vấn đề. Chỉ xét ở bậc đại học, vấn đề rất đơn giản như sau: Nếu muốn có được sản phẩm ở đầu ra đạt những tiêu chuẩn nào đó, thì phải xem xét toàn bộ quá trình, từ nguyên liệu đầu vào, đến quy trình sản xuất, mọi khâu đều phải đảm bảo hợp lý, đúng quy cách. Còn nếu có một khâu nào đó bị hỏng, thì chắc chắn kết quả cuối cùng sẽ hỏng.

Sản phẩm đầu ra của giáo dục luôn luôn là một giải khá rộng. Theo kinh nghiệm của tôi, thì đến thời tốt nghiệp đại học, trình độ của sinh viên trong cùng một lớp đã phân hóa khá cao. Người giỏi nhất gần như có thể làm thầy người kém nhất. Điều này cũng đúng đối với trình độ ngoại ngữ, và đó là một việc bình thường.

Nếu xét ở yêu cầu đầu ra thì hình như chính sách hiện nay là có lý. Các trường đang yêu cầu sinh viên tốt nghiệp có trình độ khoảng 400-450 TOEFL (cũ), tức khoảng 30-40 điểm TOEFL iBT, mức thấp nhất có thể chấp nhận được đối với sinh viên tốt nghiệp đại học (dưới mức đó thì điểm số không còn giá trị chứng nhận năng lực vì TOEFL là một kỳ thi dưới dạng trắc nghiệm khách quan, tức có thể đánh đại vào cũng có điểm - nhưng là điểm thấp).

Tuy nhiên, nếu xét toàn bộ hệ thống thì điều có lý trên trở thành thậm vô lý. Này nhé, nguyên liệu đầu vào không đồng đều. Vì thi vào đại học đâu có thi tiếng Anh. Điều này có nghĩa là trình độ tiếng Anh không có liên quan gì đến khả năng được chọn vào đại học. Thậm chí ở kỳ thi tốt nghiệp phổ thông thì môn tiếng Anh cũng chẳng phải là môn bắt buộc, mà thí sinh (ở một số vùng sâu vùng xa, thí sinh thuộc các dân tộc ít người, hình như thế) còn được thay thế bằng môn khác. Tức là đầu vào sẽ rất khác nhau. Đồng ý thôi.

Đến khi vào rồi, thì các sv thường được nhét chung vào một rọ, và dạy chung một chương trình. Vô cùng khó hiểu! Vì rõ ràng là có 3 trường hợp có thể xảy ra: sinh viên đúng trình độ, sinh viên thấp hơn trình độ, và sinh viên cao hơn trình độ. Tức có 2/3 số sinh viên trong lớp không phù hợp với trình độ đang được dạy. Vậy thì làm sao mà dạy dỗ có hiệu quả cho được? Sinh viên và giáo viên mà không chán học, chán dạy mới là lạ. Chứ sinh viên không đi học, giáo viên dạy uể oải, thiếu hứng thú như hiện nay, thì cũng hiểu được mà!

Cũng có những trường phân chia lớp theo trình độ sinh viên. Rất tốt. Nhưng đến đây một điều phi lý khác lại đang chờ sẵn. Này nhé, đầu vào thì khác nhau, nhưng thời gian học (bắt buộc, tính trong học phí) thì như nhau. Vậy thì kệ thầy trò nhé, học và dạy sao cũng được, đầu vào khác nhau nhưng với số tiết học giống nhau thì học viên phải đạt được trình độ tối thiểu giống nhau. Để dễ hiểu có thể so sánh như thế này: với một khẩu phần ăn như nhau, sau 9 tháng nuôi dưỡng ở nhà trẻ thì tất cả em bé, từ em cân nặng 8 ký đến em cân nặng 16 ký đều phải đạt tối thiểu 20 ký? Chà, ai mà làm được điều này thì chắc là phải đạt giải Nobel mất thôi!

Những trường khác thì thấy được rằng sự vô lý này vượt quá khả năng giải quyết của nhà trường cho nên bèn ... mặc kệ, sinh viên muốn đi đâu học thì học, làm gì thì làm, miễn sao đến cuối kỳ mang về đây một chứng chỉ ngoại ngữ mà theo nhà trường là có chất lượng là được. Có vẻ đây là cách làm của trường ĐH KHXH-NV mà bài báo trên Tuổi trẻ đang đề cập đến. Suy cho cùng, có lẽ đây là cách làm hợp lý nhất, vì mỗi sinh viên với cách riêng của mình, vì lợi ích của mình (được tốt nghiệp) sẽ biết làm sao để đạt được yêu cầu này. Một cách "xã hội hóa" yêu cầu đạt trình độ ngoại ngữ tối thiểu, hay lắm.

Nhưng mà, có vẻ như "rằng hay thì thật là hay, nghe qua ngậm đắng nuốt cay thế nào!" ấy nhỉ. Vì lỡ để mặc kệ, thì sống chết mặc bay, người nào hay qua được thì không nói làm gì, lỡ có ai đó mãi vẫn không qua được thì sao? Thì đành chịu mất bằng tốt nghiệp, chứ sao nữa? Đáng thương lắm, rất thông cảm, nhưng ... luật là luật, biết làm thế nào?

Tôi, thì từ lâu, có lẽ là cả gần 15 năm nay, từ khi tôi đi học ở nước ngoài về, với mong muốn giải quyết điều vô lý và có lẽ cả vô nhân nữa mà tôi vừa nêu, đã đưa ra kiến nghị rằng:

Một là nếu muốn có đầu ra như nhau với cùng một thời lượng và điều kiện học tập giống nhau, thì đầu vào cũng phải giống nhau. Tức đưa môn tiếng Anh vào kỳ thi đầu vào bắt buộc, để trên cơ sở đó chọn lọc sinh viên tuyển vào trường. Chứ gì nữa, tiếng Anh quan trọng thế, không có nó không tốt nghiệp được kìa! Mà quả thật nó quan trọng lắm các bạn ạ, có tiếng Anh kha khá chút, ra trường xin việc dễ hẳn!

Hai là, nếu không thể đưa môn tiếng Anh vào trong kỳ thi tuyển sinh, chấp nhận đầu vào khác nhau, thì với cùng một thời gian học, đầu ra cũng phải khác nhau. Chứ sao, khi vào nhà trẻ chỉ 8 ký, thì khi ra sau một năm học chỉ 12 ký thôi, là tốt rồi. Còn ai vào đã 16 ký, thì khi ra mới có thể 20 ký chứ? Nói cách khác, cần phải quy định trình độ sinh viên phải tăng lên bao nhiêu đó sau thời gian học, ví dụ mọi người đều tăng 50 điểm TOEFL, nhưng không thể bắt mọi người với đầu vào khác nhau, cùng học như nhau mà đầu ra lại giống nhau!

Còn không nữa, thì chấp nhận tiếng Anh không phải là bắt buộc để được tuyển vào, mà khi ra mọi người vẫn phải đạt mức tối thiểu để có thể làm việc, thì phải có chương trình học khác nhau. Dễ nhất là sau khi đậu vào trường rồi thì kiểm tra tiếng Anh và phân loại ra, ai chưa đủ trình độ tối thiểu thì học thêm 1 năm hoặc 1 HK trước khi vào chính thức. Tất nhiên là tốn thêm thời gian và tiền, nhưng bù lại thì được tăng thêm trình độ để cho bằng người ta khi ra trường. Giống như đi nhà trẻ, em nào suy dinh dưỡng thì phải đóng thêm tiền để ăn chế độ đặc biệt vậy.

Dễ hiểu thế, bà nội trợ nào nuôi con cũng biết và chấp nhận dễ dàng, mà sao gần 15 năm nay, loay hoay mãi mà việc này dường như vẫn chưa được giải quyết?

Có phải tôi biết mà không nói đâu? Nói hoài, mà có ai thèm nghe đâu cơ chứ?

Nên cứ lâu lâu phải nghe than phiền về trình độ tiếng Anh của sinh viên đại học, nên lại phải gắt lên, "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!"

Số lượng GV phổ thông

Thiếu hơn 51.000 giáo viên tiểu học
(NLĐ)- Thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết cả nước hiện có 804.000 giáo viên phổ thông, trong đó cấp tiểu học có số lượng giáo viên nhiều nhất với gần 348.000 người; tiếp đến là THCS với 314.000 người, THPT có hơn 142.000 người

Theo Bộ GD-ĐT, ở riêng cấp tiểu học, nếu các trường đều triển khai dạy 1 buổi/ngày thì số lượng giáo viên tiểu học thừa ra 26.505 người nhưng nếu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày như định hướng của Bộ GD-ĐT thì vẫn còn thiếu tới hơn 51.000 giáo viên.

Khổ vì chuẩn kiến thức! Bài hay trên NLD

Theo Công văn số 7394/BGDĐT-GDTrH, ngày 25-8-2009, từ đầu học kỳ 2 năm học 2009-2010, các trường THCS, THPTtrong cả nước phải áp dụng dạy học theo sách Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng cho tất cả các môn học

Mục đích của Bộ GD-ĐTlà để bảo đảm việc dạy học, kiểm tra, đánh giá, bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng, phù hợp với năng lực nhận thức của học sinh; không làm quá tải nội dung dạy học; giúp học sinh thuận lợi trong việc tự học, tự kiểm tra, đánh giá để nắm vững kiến thức, kỹ năng. Tuy nhiên, từ khi thực hiện, người dạy và học tại các cơ sở giáo dục đã gặp nhiều bất cập.

Thứ nhất, người dạy và người học đã quen với bộ sách giáo khoa (SGK). Họ coi đây là tài liệu pháp lệnh mà Bộ GD-ĐT đã quy định trước đây, bây giờ còn in sâu trong tâm thức nên rất khó thay đổi.

Thứ hai, nội dung sáchHướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng xoay quanh những chương, bài học trong SGK. Có một số bài bị lược bỏ nhưng những chương, bài này đã và sẽ có trong sách Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp từng năm mà Bộ GD-ĐT phát hành đầu mỗi kỳ thi.

Thứ ba, sách Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng không phát hành rộng rãi. Các sở GD-ĐT đã triển khai nhưng mỗi trường học chỉ có vài bộ cho một môn học để giáo viên tham khảo, giáo viên muốn có sách đầy đủ phải tự bỏ tiền mua. Riêng học sinh hầu như không có bộ sách này, phần lớn các em cũng bám sát SGK vì thầy cô giáo dạy trên lớp cũng dựa theo SGK.

Thứ tư, trong nhà trường phân phối chương trình theo bài học SGK chứ không theo sách chuẩn kiến thức và các kỳ thi, Bộ GD-ĐT luôn quy định người ra đề thi phải bám sát SGK, bám sát chương trình học.

Thứ năm, nếu thực hiện dùng sách Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng vào làm tài liệu giảng dạy thì tất cả giáo viên phải nghiên cứu cả hai bộ sách trong khi kiến thức hai sách này như nhau. Đồng thời, giáo viên cần soạn giáo án và đề kiểm tra bám sát sách nói trên từ năm học 2010 - 2011.

Biết rằng SGK là tài liệu chính thức để dạy – học, sách Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng là trọng tâm chương trình song chúng ta thực hiện không đồng bộ, nhất quán, dẫn đến nhiều khó khăn trong thực tiễn.

Từ những điều rút ra trong quá trình thực tế giảng dạy, người viết đề nghị các đồng nghiệp thảo luận thêm về vấn đề này và đưa ra sự khác biệt giữa 3 sách: Chuẩn kiến thức; Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng; SGK để sớm tìm ra giải pháp thực hiện đồng bộ góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong việc dạy – học nói chung.
Đào Tấn Trực (Trường THPT Lê Thành Phương – Phú Yên)