Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

Bài báo quốc tế: sức ép và hệ luỵBài báo quốc tế đang tạo sức ép nhiều phía lên cộng đồng khoa học và rất có thể dẫn đến những hệ luỵ không mong muốn.

SGTT.VN - Bài báo quốc tế đang tạo sức ép nhiều phía lên cộng đồng khoa học và rất có thể dẫn đến những hệ luỵ không mong muốn.

Sức ép

Không rõ, liệu có ở đâu việc xét phong giáo sư được “số hoá” một cách triệt để như ở ta. Ngoài “số” năm công tác, “số” năm giảng dạy, “số” luận án đã hướng dẫn, “số” đề tài đã chủ trì, “số” ngoại ngữ v.v., còn có một con số rất gay cấn – đó là “số” điểm công trình. Những người làm việc ở các viện nghiên cứu muốn trở thành giáo sư phải có ít nhất 20 điểm. Số điểm này chủ yếu lấy từ các bài báo. Một bài báo quốc tế (BBQT) bình bình có trong danh mục của ISI (Institute of Scientific Information) được 1 điểm. Số điểm này chia đều cho số đồng tác giả, chẳng hạn năm người thì mỗi người được 1/5 điểm (làm lý thuyết số đồng tác giả có thể ít hơn, nhưng với thực nghiệm con số này có thể lên tới cả vài chục, nghĩa là số điểm dành cho mỗi người có thể chỉ là vài phần trăm). Như vậy, trung bình, muốn có 20 điểm, ứng viên phải là đồng tác giả của cỡ 100 bài báo. Thế là phải guồng, càng nhiều bài càng tốt, không cần biết nội dung là gì, chất lượng ra sao, miễn là có mác ISI (bài đăng trong nước thì dù thế nào vẫn cứ ít điểm hơn và do đó cần có nhiều bài hơn). Cái sự “số hoá” lạ lùng ấy đã tạo một sức ép vô hồn về số lượng bài báo và, tệ hại hơn, làm cho quy trình đăng ký và phong tặng chức danh giáo sư đáng lẽ là rất đẹp, rất văn hoá, thì lại trở thành, một bên (ứng viên) thì lo “nhặt điểm” một cách đáng thương, còn bên kia (hội đồng chức danh) thì lo cộng – cộng, trừ – trừ rất buồn tẻ.

Gần đây quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia cũng lấy BBQT “chuẩn” ISI làm tiêu chí đánh giá các đề tài: mỗi đề tài phải có ít nhất hai BBQT. Và, cũng không cần biết chất lượng ra sao, miễn là có mác ISI. Ở nhiều cơ quan nghiên cứu và trường đại học, BBQT đang trở thành tiêu chí “cứng” số một để đánh giá cán bộ. Anh có thể chẳng cần đến cơ quan, chẳng cần làm gì khác, miễn là có nhiều BBQT, và cũng chẳng quan trọng nội dung và chất lượng ra sao, miễn là “có” ISI. Cụm từ BBQT “chuẩn” ISI xuất hiện ở mọi nơi, từ câu chuyện bàn trà, cuộc họp cơ quan, báo mạng báo giấy, đến các văn bản pháp quy có tính quốc gia. “Số” BBQT đang thực sự trở thành sức ép đối với cộng đồng khoa học.

Hệ luỵ

Đính chính quan trọng

Gần đây nhiều báo đưa tin về BBQT “đạo văn” bị gỡ khỏi EPL. Một đồng tác giả của bài này là N.T.Hung với địa chỉ ghi trên bài là Institute of Physics (Hanoi). Thông tin địa chỉ này là sai. Ở Hà Nội chỉ có một Institute of Physics (thuộc Viện khoa học và công nghệ Việt Nam) tọa lạc tại số 10 Đào Tấn, quận Ba Đình và N.T.Hung không phải là người của Institute này. Nếu không là một nhầm lẫn vô ý, thì đây là một hiện tượng đánh cắp thương hiệu rất đáng báo động và cần được chấn chỉnh.

Ở một mức độ nhất định và khía cạnh nào đó, sức ép BBQT có tác dụng tích cực, nó thúc bách người ta làm việc nhiều hơn và hiệu quả hơn. Nhưng ở đây tôi xin phép không bàn về mặt tích cực ấy, mà chỉ nói về những hệ luỵ không mong muốn đã, đang, và chắc sẽ còn xảy ra. Cái sức ép “số” BBQT dễ dẫn đến tình trạng “quý hồ đa hơn quý hồ tinh” và thậm chí cả gian lận trong khoa học nữa. Gần đây báo chí đưa tin nhiều về hiện tượng “đạo văn”, tức là lấy kết quả của người khác xào xáo làm thành bài của mình, gửi đăng lấy “điểm”. Tất nhiên, việc này là không thể chấp nhận được. Nhẹ hơn một nấc là, cùng một nội dung, cắt ghép lại thành nhiều bài gửi đi các tạp chí khác nhau, cũng để kiếm thêm “điểm”.

Một hình thức nữa là tổ chức hội nghị quốc tế. Thường thì, văn hoá tổ chức hội nghị là, mình tổ chức hội nghị cho người khác, nghĩa là, người đứng ra tổ chức hạn chế tối đa việc đưa báo cáo của mình vào hội nghị. Thế nhưng, có vị là “chair” (chủ toạ) của hội nghị tổ chức ở sân nhà lại “submit” (đăng ký) một lúc cả chục báo cáo và tất nhiên tất cả đều được “accepted” (chấp nhận), rồi tất cả đều được đăng dưới dạng “Proceedings” (tuyển tập hội nghị) trên một tạp chí tầm tầm có mác ISI. Thế là, chớp mắt có cả chục BBQT (mặc dù nội dung gộp lại chưa chắc đã xứng một bài). Những hệ luỵ không mong muốn không chỉ đang làm vẩn đục môi trường khoa học đương đại mà còn có thể ảnh hưởng xấu đến cả các thế hệ khoa học tương lai.

Và gì nữa?

Thực ra, ISI không phải là “chuẩn” gì cả, mà chỉ là một tổ chức thống kê. Các số liệu thống kê là quan trọng để đánh giá, dự đoán và định hướng. Nhưng, đã là “thống kê” thì luôn mang tính tương đối và vì vậy không thể dùng làm “chuẩn” để phán quyết “có” hay “không” hoặc để “cho điểm” một cách máy móc. Chỉ một bài báo về thuyết tương đối tổng quát năm 1915 đã đủ làm cho Einstein trở thành bất tử. Nhưng theo cách “cho điểm” của các hội đồng ở ta thì “chiếu cố” lắm bài này cũng chỉ được hai điểm. Bản chất khoa học là trung thực và đẹp. Muốn được vậy, không chỉ người làm khoa học phải luôn trung thực và tài hoa, mà hệ thống quản lý cũng phải biết tạo dựng một môi trường lành mạnh nuôi dưỡng sự trung thực và tài hoa ấy. Khi chưa có khả năng định giá chất lượng (biết người, biết của), người ta buộc phải dựa vào số lượng. Nhưng đó chỉ là biện pháp tình huống, không nên sa đà vào đó. Không nên đánh giá khoa học (và người làm khoa học) bằng đếm câu, đếm chữ, chấm chấm, phẩy phẩy. Quản lý khoa học là một việc rất tinh tế và văn hoá, nó chỉ có thể thực hiện bằng tư duy và biện pháp rất khoa học.

Nguyễn Trần,
viện Vật lý, viện Khoa học và công nghệ Việt Nam

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ