Nghề dạy học và tấm lòng yêu trẻ
(VOV) - Khi giáo viên đến với lớp, với học sinh không bằng tình yêu nghề nghiệp thì thật khó làm tròn phận sự của một người thầy….
Gần đây liên tiếp xảy ra những vụ việc phản sư phạm trong nhà trường như tình trạng bạo hành, bạo lực; cư xử thầy trò thiếu lành mạnh, thiếu tôn trọng, không đúng với truyền thống tôn sư trọng đạo khiến dư luận bức xúc.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên, song ở đây chúng tôi chỉ phân tích nguyên nhân từ người thầy.
Với quan điểm “Giáo dục là quốc sách” nên chúng ta đã có rất nhiều ưu đãi với ngành sư phạm. Thứ nhất là hệ thống trường sư phạm có ở các tỉnh, sinh viên sư phạm không phải đóng học phí… Chính sách ưu đãi này có hai mặt. Thu hút được nguồn tuyển, nhưng cũng chính vì thế mà chưa thực sự chọn lọc được nhiều sinh viên giỏi; nhiều thí sinh thi vào sư phạm nhưng chưa thực sự yêu nghề dạy học. Học sinh thấy trường sư phạm được miễn học phí, đầu vào tương đối dễ, đầu ra lại khá rộng mở nên cứ làm hồ sơ đăng ký thi mà chưa thực sự hình dung ra tính chất và những gian khổ trong nghề dạy học.
Cú sốc đầu tiên thường đến với các tân sinh viên sư phạm ngay sau khi ra trường là việc làm. Trường ở khắp mọi nơi. Nhưng để xin vào dạy ở một trường nào đó thì không dễ dàng chút nào. Sự ổn định của ngạch viên chức trong nghề giáo lại cũng có hai mặt. Nó giúp giáo viên an tâm làm việc, nhưng cũng là cái lô cốt cho những người thiếu năng lực trú ngụ.
Mỗi năm số sinh viên sư phạm ra trường cả chục ngàn, trong khi số về hưu lại quá ít ỏi. Giáo viên vừa ra trường dồn cục lại và họ phải cạnh tranh nhau, bằng năng lực, thậm chí bằng đủ mọi cách, kể cả tiêu cực, để tìm được một chỗ dạy, ổn định cuộc sống.
Với những giáo viên phải “đầu tư” quá lớn, “chi phí” quá nhiều cho việc có được một chỗ dạy thì điều gì sẽ xảy ra? Dĩ nhiên là họ phải quyết thu lại số tiền mà họ đã bỏ ra để đổi lấy cái vị trí viên chức trong ngành. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới dạy thêm học thêm tràn lan, vô tổ chức, diễn ra hàng chục năm nay mà không có “thuốc” chữa.
Đứng trên bục giảng một cách quá dễ dàng hoặc khó khăn, vất vả đến mức phi lý đều không tạo ra một trạng thái làm việc tốt cho người thầy.
Khi giáo viên đến với lớp, với học sinh không bằng tình yêu nghề nghiệp thì thật khó làm tròn phận sự của một người thầy. Nghề nào cũng vậy, để có chút thành công, cần có niềm say mê; với nghề dạy học còn hơn thế: Nếu thuần tuý chỉ nghĩ đến kế mưu sinh thì người thầy khó lòng mà thốt lên được một lời nói yêu thương với học sinh của mình.
Nhiều khi chúng ta tự hỏi vì sao người mẹ hay rầy la, thậm chí còn phạt vài cái roi vào đít nhưng con cái vẫn cứ sà vào lòng mẹ? Có điều ấy là vì lòng yêu thương đã bao trùm lên tất cả. Học sinh, từ nhà trẻ cho tới hết phổ thông, đều có những giác quan cực kỳ nhạy bén để tiếp nhận những tình cảm yêu thương ấy từ người thầy. Những chiếc “ăng ten” thu nhận tín hiệu yêu thương ấy thường chính xác và hiếm khi sai. Điều này lý giải vì sao có những người thầy nghiêm khắc nhưng chúng ta vẫn kính trọng, nể phục.
Nếu như với học sinh, thời gian qua, chúng ta mải mê nhồi nhét kiến thức mà quên mất dạy làm Người, thì với giáo viên, chúng ta lại chạy đi tìm kiếm đủ thứ chuẩn mà cái chuẩn quan trọng nhất là lòng yêu nghề, thương trẻ thì lại chưa được quan tâm đúng mức./.
Ngô Thiệu Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ