Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

Phòng học bộ môn: Suy nghĩ qua giờ thao giảng (22/01/2009-NĐBN)

Mới đây, Bộ GD-ĐT, Dự án Phát triển GD THCS II, Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc tổ chức hội thảo về phòng học bộ môn (PHBM). Các đại biểu được đi dự một số tiết học của các trường THCS (được xem là) tổ chức tốt PHBM. Đây là những trường đạt chuẩn quốc gia. Ở đây chúng tôi không đề cập chất lượng giờ dạy mà chỉ có một vài lời bàn về tổ chức giờ giảng ở PHBM.

Cách đây 4 năm, Bộ GD-ĐT ra mắt một đề tài nghiên cứu về PHBM. Và cũng trong năm đó, thông qua một dự án do Bộ GD-ĐT quản lý, PHBM đã được thí điểm ở một số tỉnh như Hà Tây, Vĩnh Phúc… Nói nôm na, trong phòng học truyền thống, học sinh (HS) ngồi một chỗ còn thiết bị, đồ dùng dạy học “di chuyển”. Với PHBM thì ngược lại: HS di chuyển, thiết bị và đồ dùng dạy học ở một chỗ cố định.
Một trong những giải pháp để xây dựng PHBM là cải tạo lại phòng học truyền thống bằng cách đặt thêm các tủ đựng thiết bị và đồ dùng dạy học phía sau phòng học; bỏ hệ thống bàn ghế gỗ thông thường và thay bằng hệ thống bàn ghế phục vụ riêng cho từng phòng bộ môn (sinh, hóa, lý, tin…). Những thiết bị tối thiểu cần có ngoài bàn ghế, tủ, thiết bị, đồ dùng học tập… thì vận hành nó cần có điện, máy tính, máy chiếu, bút viết bảng… Nói chung là phải có tiền. Kinh phí đó là cả một vấn đề đối với các trường ở vùng khó khăn.
Tuy nhiên, khó khăn về kinh phí có thể giải quyết, nhưng điều khiến chúng tôi suy nghĩ nhiều hơn là hình như có gì đó mâu thuẫn. Theo cách bố trí, sắp xếp trong PHBM thì rõ ràng phục vụ thí nghiệm, thực hành. Nhưng PHBM không chỉ để thực hành mà còn phải giảng bài, phải ghi chép. Với cách dạy này thì việc kê bàn ghế theo lối truyền thống (bàn ghế hướng lên bảng) là hợp lý. Nhưng với phương pháp dạy học mới, theo hướng tích cực, người ta yêu cầu HS phải làm việc nhóm và thế là cách ngồi truyền thống không phù hợp. Hơn nữa chiếc bàn dài cho 5 HS (cùng bàn) thì chỉ 4 em chụm đầu làm việc, còn em ngồi ngoài cùng đành nghển cổ ngó vào. Sau giờ thao giảng, các đại biểu cũng thấy bất hợp lý và bàn thảo nhiều đến việc kê xếp bàn ghế cho hợp lý hơn. Song tất cả hệ thống bàn cho PHBM sinh-hóa đều có hệ thống thoát nước, hệ thống điện. Hệ thống này đã gắn cố định dưới sàn nhà, làm sao di chuyển? Trong quá trình giảng dạy ở PHBM, do dùng máy chiếu nên phải tắt đèn, đóng cửa. Vì thế phòng học không đủ sáng.
Cách dạy, nhất là những cái đang được gọi là phương pháp dạy học mới, tích cực, chưa thực sự nhuần nhuyễn trong PHBM. Nếu làm tốt phần thí nghiệm, thực hành thì dường như phần giảng lý thuyết căn bản cho HS lại hơi đuối. Và ngược lại, nếu giảng (như bài sinh vật ở Trường THCS Liên Châu) thì chẳng cần đến PHBM, phòng học thông thường cũng thừa sức làm tốt.
Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện mô hình trường THPT chuẩn quốc gia. Theo đó, trường đạt chuẩn phải xây dựng PHBM dành riêng cho từng môn học. Vẫn biết PHBM có những ưu thế nhất định trong cách dạy ứng dụng. Nhưng phòng thí nghiệm, thực hành (với đúng nghĩa) có những chức năng rất riêng, mà theo tôi, nó chỉ làm tốt, chỉ phục vụ tốt chức năng đó mà thôi. Khi kèm thêm một nhiệm vụ khác thì, hoặc một trong hai nhiệm vụ không hoàn thành tốt, hoặc cả hai nhiệm vụ đều sống sượng.
PHBM như một giải pháp tình thế trong điều kiện chưa có đủ cơ sở vật chất trường học. Đã là tình thế thì có nhất thiết phải đưa vào tiêu chí trường chuẩn hay không?
Một tiết dạy hiệu quả, có chất lượng, nói cho cùng, là tiết học mà HS hiểu bài. Đây mới là điều cốt lõi. Phương pháp dạy hay phòng học kiểu gì đi nữa thì cũng chỉ phục vụ cho việc hiểu bài của HS. Quá sa đà và lạm dụng, đi từ thái cực này sang thái cực khác thể hiện kiểu tư duy thời vụ, đầu cơ dự án. Với PHBM, có cảm giác như một sự lồng ghép chưa thực sự ăn khớp. Có thể ý tưởng và phương pháp làm việc ở PHBM, giáo viên và HS chưa nắm được, nên giảng dạy có phần khiên cưỡng, cọc cạch. Nhưng biết đâu, chỉ vì kinh phí của dự án mà các trường, địa phương đã “nói hay” hơn nhiều lần thực tiễn? Do đó, hiệu quả của PHBM tới đâu hãy để thực tế trả lời. Và quan trọng hơn, thực tế đó diễn ra như thế nào sau khi dự án kết thúc.
Ngô Thiệu Phong

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ