Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2010

Tập đoàn kinh tế nhà nước - cần một cái nhìn thực chất -Vietsciences-Nguyễn Quang A

30/10/2010

Những bài cùng tác giả
LTS.Thực chất hoạt động, vai trò và sức mạnh của các tập đoàn kinh tế nhà nước ra sao? Đó là một trong những câu hỏi đang nóng trong dư luận những ngày này. Các tập đoàn kinh tế nhà nước của chúng ta được thành lập khi chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý tương ứng và hoạt động không hiệu quả - Đó là cảnh báo được đưa ra từ hơn bốn năm nay của các chuyên gia kinh tế.
Sự đổ vỡ (thực chất là phá sản) của Vinashin với khoản nợ có tin là tới 120 nghìn tỷ đồng (không phải 86 nghìn tỷ đồng như thông báo lúc đầu) cùng hàng loạt quan chức cao nhất của tập đoàn bị khởi tố, bắt tạm giam đã quá đủ của một lời cảnh báo. Do đó đã đến lúc cần một cái nhìn thực chất về vấn đề các tập đoàn kinh tế nhà nước theo đúng tinh thần mà ngay từ khi khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước (Đại hội Đảng lần thứ VI- 1986) Đảng cộng sản Việt Nam đã đề ra. Đó là nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật. Trên tinh thần đó, báo điện tử Tổ Quốc giới thiệu bài viết của GS-TS Nguyễn Quang A nhằm tham góp những ý kiến mang tính đề xuất để các cấp có thẩm quyền và bạn đọc rộng đường tham khảo, suy ngẫm. Rất mong nhận được ý kiến của các nhà nghiên cứu và bạn đọc về chủ đề này.

Sự đổ vỡ (thực chất là phá sản) của Vinashin đã quá đủ của một lời cảnh báo
Kỳ I: Vai trò của khu vực kinh tế nhà nước & Vài sự thực
Bài báo này của tôi cập nhật nội dung của một báo cáo đã được trình bày từ vài năm qua mà nội dung của nó vẫn còn rất thời sự.
Vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước luôn chiếm tỷ lệ cao (trên dưới một nửa) trong tổng đầu tư xã hội nhưng tỷ lệ đóng góp vào GDP không cân xứng chỉ ở mức 37-39% và tạo công ăn việc làm cho khoảng 4,4% của tổng số lao động. Suốt hàng chục năm khu vực kinh tế nội địa, mà có lẽ chủ yếu là khu vực kinh tế nhà nước, luôn nhập siêu ở mức cao, khu vực đầu tư nước ngoài lại xuất siêu, nói cách khác các doanh nghiệp nhà nước đã tiêu dùng và đầu tư hơn mức nó tạo ra rất nhiều trong thời gian dài. Sự kém hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước là một trong những nguyên nhân chính gây bất ổn kinh tế vĩ mô, tăng lạm phát. Đấy là những con số thống kê biết nói về thành tích của khu vực kinh tế giữ vai trò “chủ đạo”.
Đã đến lúc phải nghiêm túc nhìn nhận lại vai trò “chủ đạo” của khu vực kinh tế nhà nước. Ý tưởng về có các doanh nghiệp quốc doanh, các tập đoàn mà nhà nước đầu tư và bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo để làm công cụ cho Nhà nước “điều khiển” là một cám dỗ quyền lực hấp dẫn. Song liệu đó đã là sự lựa chọn khôn ngoan chưa khi Nhà nước không phải lúc nào cũng điều khiển được chúng (vấn đề về người ủy thác, người chủ (nhà nước) và những người được ủy thác).
Nên tận dụng cơ hội khó khăn hiện nay để xem xét lại tận gốc rễ thực chất vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước để đẩy nhanh việc cải tổ chúng.
I. Vai trò của khu vực kinh tế nhà nước
Vai trò của khu vực kinh tế nhà nước đã có những thay đổi trong quan niệm của Đảng CSVN và được ông Trần Đức Nguyên tóm tắt lại như sau:
Đối với kinh tế quốc doanh[1], nhận thức về vị trí của khu vực kinh tế này được điều chỉnh từng bước trong tiến trình đổi mới. Đại hội VI (12-1986) gắn vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh với việc “chiếm tỷ trọng lớn cả trong sản xuất và lưu thông”; Hội nghị Trung ương 6 khoá VI (3-1989) vẫn đặt quốc doanh vào vị trí chủ đạo, nhưng “không nhất thiết chiếm tỷ trọng lớn trong mọi ngành, nghề”. Vào đầu thập kỷ 90 (thế kỷ trước), kinh tế quốc doanh đang nắm vai trò chi phối nền kinh tế với 12 nghìn xí nghiệp (toàn bộ vốn đều thuộc Nhà nước), chiếm tỷ trọng lớn và giữ những vị trí then chốt trong các ngành phi nông nghiệp[2]. Cương lĩnh 1991[3] chỉ nêu gọn “Kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế”. Chiến lược 1991[4] nói rõ hơn : “Kinh tế quốc doanh được củng cố và phát triển trong những ngành và lĩnh vực then chốt, nắm những doanh nghiệp trọng yếu và đảm đương những hoạt động mà các thành phần khác không có điều kiện hoặc không muốn đầu tư kinh doanh... Những cơ sở không cần giữ hình thức quốc doanh thì Nhà nước chuyển hình thức kinh doanh, hình thức sở hữu hoặc giải thể, đồng thời có chính sách giải quyết việc làm và đời sống cho người lao động”.
Quan điểm này một mặt tạo tiền đề cho sự phát triển khu vực kinh tế ngoài nhà nước, nhất là kinh tế tư nhân; mặt khác, không coi vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh là điều mặc nhiên mà phải gắn với việc “sắp xếp lại, đổi mới công nghệ và tổ chức quản lý, kinh doanh có hiệu quả, liên kết và hỗ trợ các thành phần kinh tế khác, thực hiện vai trò chủ đạo và chức năng của một công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Các xí nghiệp quốc doanh hoạt động theo nguyên tắc tự chủ kinh doanh, tự trang trải và tích luỹ trong môi trường hợp tác, cạnh tranh; Nhà nước chỉ tài trợ có thời hạn cho một số cơ sở thật sự cần thiết”.
Chủ trương đó đã thúc đẩy việc đổi mới khu vực kinh tế quốc doanh, giảm mạnh số xí nghiệp[5], tiến hành cổ phần hóa và đổi mới cơ chế, nâng cao tính tự chủ của xí nghiệp quốc doanh. Tuy nhiên, khu vực quốc doanh chưa thật sự đảm nhiệm được vai trò chủ đạo vì nhìn chung kém hiệu quả hơn các khu vực khác, vẫn còn dựa dẫm, ỷ lại vào các chính sách ưu đãi của Nhà nước dưới nhiều hình thức và còn bị ràng buộc bởi cơ chế “chủ quản” của cơ quan hành chính.
Từ thực tế đó, để định hướng, dẫn dắt, hỗ trợ, kiểm soát được các hoạt động trong nền kinh tế, Nhà nước phải sử dụng toàn bộ sức mạnh kinh tế của mình, không chỉ có các doanh nghiệp nhà nước, mà còn có các nguồn lực quan trọng khác, như ngân sách nhà nước, vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp khác (ngoài doanh nghiệp nhà nước), dự trữ nhà nước, tài nguyên quốc gia, đặc biệt là đất đai. Với nhận thức đó, Đại hội VIII (6-1996) xác định vai trò chủ đạo đối với nền kinh tế không chỉ đặt vào các doanh nghiệp nhà nước mà dựa vào toàn bộ kinh tế nhà nước bao gồm đẩy đủ các nguồn lực nêu trên. Quan điểm này điều chỉnh sự đánh giá quá mức về vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy mạnh hơn công cuộc cải cách các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, cho đến nay, công cuộc cải cách này vẫn chưa đi kịp yêu cầu của cuộc sống, cả về mặt sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, đổi mới quản trị doanh nghiêp cũng như về cơ chế quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp. [6]
Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN khoá IX về các Văn kiện Đại hội X của Đảng CSVN có nêu: “Phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Trong Bản trình bày của đoàn Chủ tịch về ý kiến thảo luận của các đại biểu đối với các văn kiện Đại hội X của Đảng CSVN có giải thích về vai trò chủ đạo của nền kinh tế nhà nước như sau: “… vai trò chủ đạo của nền kinh tế nhà nước không phải thể hiện ở số lượng doanh nghiệp nhiều hay ít, tỉ trọng đóng góp GDP cao hay thấp mà ở chỗ, đó là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển”. Trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa IX ngày 10 tháng 4 năm 2006 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010 (gọi là Báo cáo phát triển Kinh tế-Xã hội), cụm từ “vai trò chủ đạo” xuất hiện 1 lần duy nhất trong “vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương”. Nghị quyết số 21-NQ/T.Ư Hội nghị lần thứ 6 BCHTW Đảng CSVN khóa X "về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" đã nhiều lần nhắc lại “vai trò chủ đạo” của kinh tế nhà nước.
Ở đây có sự chưa rõ ràng về khái niệm: khu vực kinh tế nhà nước nghĩa là gì? Nó có đồng nghĩa với khu vực của các doanh nghiệp nhà nước không? Có vẻ nó rộng hơn, như nêu ở trên nhưng cụ thể là gì thì chưa được nêu một cách tường minh. Cũng trong báo cáo phát triển kinh tế-xã hội có nói: “khu vực kinh tế nhà nước đang được tổ chức lại, đổi mới và chiếm 38,4% GDP, chi phối nhiều ngành kinh tế then chốt và tập trung hơn vào những lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế”. Nếu hiểu theo nghĩa này thì gần như khu vực kinh tế nhà nước đồng nhất với khu vực các doanh nghiệp nhà nước. Tuy còn có những điểm chưa rõ, nhưng người ta vẫn hiểu các doanh nghiệp nhà nước có “vai trò chủ đạo”. Báo điện tử ĐCSVN ngày 2-4-2008 khẳng định trong khó khăn của nền kinh tế hiện nay, thì “đây là lúc khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước”.
Tuy đã được giải thích, “vai trò chủ đạo của nền kinh tế nhà nước không phải thể hiện ở số lượng doanh nghiệp nhiều hay ít, tỉ trọng đóng góp GDP cao hay thấp” nhưng chắc chắn những chỉ số như vậy cũng quan trọng trong “vai trò chủ đạo” ấy. Chúng ta hãy xem các con số nói lên điều gì.
II. Vài sự thực
1. Vốn đầu tư, vốn kinh doanh và tài sản cố định
a) Vốn đầu tư
Theo Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch đầu tư, 4-2008, vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Từ năm 2000 đến năm 2003, tỷ trọng này luôn chiếm trên 50%, cụ thể, năm 2000, vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước chiếm 59,14%; năm 2001 chiếm 59,81%; năm 2002 chiếm 57,33% và năm 2003 chiếm 52,9%, và có giảm trong những năm tiếp theo (năm 2004: 48,06%; năm 2005: 47,11% và năm 2006: 46,4%) nhưng vẫn chiếm một phần lớn trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Số vốn đầu tư thực tế đã thực hiện diễn biến như sau:

Hình 1. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội phân theo thành phần kinh tế
Đơn vị: Tỷ đồng
Nguồn: Trung tâm Thông tin và dự báo, MPI.8

Tổng lượng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2007 theo giá thực tế ước tính đạt 461,9 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn khu vực Nhà nước 200 nghìn tỷ đồng, chiếm 43,3% tổng vốn; vốn khu vực ngoài Nhà nước 187,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,7% ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 74,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 16% và tăng 17,1%[7]
Có thể nói, số vốn đầu tư huy động hàng năm chiếm tỷ trọng cao trong GDP nhưng chủ yếu của khu vực kinh tế nhà nước.[8]

b) Vốn kinh doanh
Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), tổng số vốn kinh doanh (theo giá ghi sổ) của doanh nghiệp ở Việt Nam đã tăng nhanh trong thời gian qua; và tổng số vốn năm 2006 là 3062,7 nghìn tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2000. Về thành phần kinh tế, thì trong cùng thời gian, số vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã tăng gần 2,4 lần (từ khoảng 670 ngàn tỷ đồng lên 1601 ngàn tỷ đồng); số vốn của doanh nghiệp tư nhân trong nước tăng khoảng 8,7 lần, từ 98,4 ngàn tỷ lên 857 ngàn tỷ VNĐ. Số vốn của doanh nghiệp FDI tăng lên khoảng 2,6 lần, từ 229,8 lên 604,6 ngàn tỷ VNĐ. Như vậy, đến năm 2006, tuy số lượng DNNN giảm mạnh, số vốn của DNNN vẫn lớn gần gần 2 lần số vốn của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Cơ cấu vốn của doanh nghiệp theo thành phần kinh tế cũng đã thay đổi đáng kể. Tỷ trọng vốn kinh doanh của DNNN đã giảm xuống từ khoảng 67% vào năm 2000 xuống còn khoảng 53% năm 2006; tỷ trọng của doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI tăng lên tương ứng từ khoảng 10 và 23% vào năm 2000 lên 28 và 19,7% năm 2006. Như vậy, DNNN vẫn tiếp tục nắm giữ hơn ½ tổng số vốn của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Hình 2

Nguồn: báo cáo CIEM

c) Tài sản cố định
Về giá trị tài sản cố định của doanh nghiệp, thì tổng giá trị tài sản cố định của doanh nghiệp đã tăng lên 3,51 lần trong thời kỳ 2000-2006, trong đó DNNN tăng hơn 3,53 lần, doanh nghiệp tư nhân trong nước tăng hơn 8,8 lần và doanh nghiệp FDI tăng gần 2,3 lần. Tuy vậy, giá trị tăng thêm về tài sản cố định của DNNN trong thời kỳ nói trên vẫn chiếm hơn một nửa số giá trị tăng thêm về tài sản cố định của các doanh nghiệp và cao gấp hơn 2 lần so với doanh nghiệp tư nhân trong nước như có thể thấy ở bảng dưới đây:
Bảng 1 Tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn 31-12 hàng năm (Tỷ đồng)
2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007
Tổng số 411713 476515 552326 645505 744573 952437 1429782 1882000
DNNN 229856 263153 309084 332077 359988 486561 794194 900600
DN ngoài N.N 33916 51049 72663 102945 147222 196200 298296 591200
DN FDI 147941 162313 170579 210483 237363 269676 337292 390200
Cơ cấu (%)
Tổng số 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00
DNNN 55.83 55.23 55.96 51.44 48.35 51.09 55.55 47.90
DN ngoài N.N 8.24 10.71 13.16 15.95 19.77 20.60 20.86 31.40
DN FDI 35.93 34.06 30.88 32.61 31.88 28.31 23.59 20.70

Nguồn: GSO- Điều tra doanh nghiệp & Niên giám Thống kê 2008

Bảng 2. Doanh thu thuần (tỷ đồng)

2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007
Tổng số 809786 897856 1194902 1436151 1720339 2157785 2684341 3459800
DNNN 444673 460029 611167 666022 708898 838380 961461 1089100
DN ngoài N.N 203156 260565 362657 482181 637371 851002 1126356 1635300
DN FDI 161957 177262 221078 287948 374070 468403 596524 735500
Cơ cấu (%)
Tổng số 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00
DNNN 54.91 51.24 51.15 46.38 41.21 38.85 35.82 31.500
DN ngoài N.N 25.09 29.02 30.35 33.57 37.05 39.44 41.96 47.30
DN FDI 20.00 19.74 18.50 20.05 21.74 21.71 22.22 21.20

Nguồn: GSO- Điều tra doanh nghiệp & Niên giám Thống kê 2008
Về cơ cấu giá trị tài sản cố định, trong thời kỳ 2000-2006, tỷ trọng của DNNN giảm nhẹ sau đó lại tăng lên nhưng hầu như không thay đổi; trong khi đó, tỷ trọng của doanh nghiệp tư nhân trong nước đã tăng mạnh từ 8,3% năm 2000 lên 20,7% năm 2006; và tỷ trọng của doanh nghiệp FDI giảm tương ứng từ 35,9% xuống còn 23,3% trong cùng thời kỳ.
Hình 3

Nguồn: báo cáo CIEM

Với lượng vốn đầu tư, vốn kinh doanh và tài sản cố định rất lớn của khu vực kinh tế nhà nước như nêu trên, tiếp sau chúng ta sẽ xem xét nó đã đạt những thành tích và kết quả như thế nào.
2. Đóng góp cho GDP
Bảng sau cho thấy đóng góp của các thành phần kinh tế vào GDP.

Bảng 2: Tỷ lệ đóng góp vào GDP của các thành phần kinh tế (%)
Năm: 2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008
Khu vực N.N 38,52 38,40 38,38 39,08 39,10 38,40 37,39 35,93 34,35
Khu v.ngoài N.N 48,20 47,84 47,86 46,45 45,77 45,61 45,63 46,11 46,97
Khu vực FDI 13,28 13,76 13,76 14,47 15,13 15,99 16,98 17,96 18,68

Nguồn: CSO
Có thể thấy đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế nhà nước không tương xứng với nguồn lực (vốn đầu tư, vốn kinh doanh, tài sản cố định) mà nó sử dụng. Chúng sử dụng nhiều nguồn lực song tạo ra ít giá trị. Khu vực tư nhân nói chung (trong nước và FDI) tạo ra gần 2/3 của GDP.
Cũng nên lưu ý rằng đóng góp của “kinh tế nhà nước” cho GDP, theo Tổng cục Thống kê, bao gồm cả đóng góp của nhà nước trong các lĩnh vực: quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng (đóng góp 3,28% năm 1998 và 2,77% năm 2008); giáo dục đào tạo (3,66% năm 1998 và 2,61% năm 2008); y tế cứu trợ, văn hoá thể thao, đảng và đoàn thể (2,11% năm 1998 và 1,8% năm 2008) [tổng cộng là 9,05% năm 1998 và 7,18% năm 2008]. Nếu trừ phần đóng góp này khỏi thành tích của khu vực nhà nước, chúng ta có một ước lượng cho sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp nhà nước vào GDP như sau:
Bảng 2.b. Ước lượng đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước vào GDP
Năm 1998 1999 2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008
% GDP 30,95 30,32 30,35 30,31 30,42 30,74 31,29 31,33 29,46 28,15 27,17
Theo số liệu trên, tất cả các doanh nghiệp nhà nước đóng góp khoảng 27% cho GDP năm 2008, và phần của các tập đoàn không thể vượt quá con số này. Thế mà có vị phó thủ tướng vẫn khẳng định: “Chính phủ cho rằng các tập đoàn và Tổng công ty, lực lượng chiếm trên 40% GDP của cả nước luôn đóng vai trò quyết định”. Thật không hiểu nổi.
---------------------------------------

1 Từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng CSVN (1-1994), kinh tế quốc doanh được đổi tên gọi là khu vực doanh nghiệp nhà nước, xuất phát từ nhận thức mới về chức năng của Nhà nước trong quản lý kinh tế, tuy có vai trò đại diện chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân, nhưng không trực tiếp kinh doanh.
2 Năm 1991, các xí nghiệp quốc doanh chiếm 53,5% giá trị sản xuất công nghiệp, hầu hết kim ngạch ngoại thương, hầu hết bán buôn và 33,5% tổng mức hàng hoá bán lẻ, hầu hết tín dụng và dịch vụ ngân hàng, 90,4% vận tải hàng hoá và 53,5% vận tải hành khách.
3 Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, được thông qua tại Đại hội VII năm 1991 nên ở đây gọi tắt là Cương lĩnh 1991.
4 Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội 1991-2000, được thông qua tại Đại hội VII năm 1991 nên ở đây gọi tắt là Chiến lược 1991. Những đoạn in nghiêng ở đây là trích từ Cương lĩnh 1991 và Chiến lược 1991.
5 Trong công nghiệp từ 2798 doanh nghiệp năm 1990, đến năm 2000 còn 1786; trong thương nghiệp từ 1836 doanh nghiệp năm 1993, đến năm 2000 còn 1387
6 Trần Đức Nguyên, “Chiến lược 1991-2000, bước đột phá về quan điểm phát triển”, trong cuốn Đổi mới ở Việt Nam - Nhớ lại và suy ngẫm, NXB Tri Thức, 2008

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ