Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

Trường chuyên là trường gì?

(VOV) - Phải chăng mô hình của trường chuyên vẫn còn mờ mờ ảo ảo, chưa thống nhất, nên ngành Giáo dục vẫn chưa đưa ra được một định nghĩa về trường chuyên?

Trong báo cáo của Chương trình Phát triển giáo dục trung học (đọc tại Hội nghị triển khai Đề án phát triển trường chuyên vừa diễn ra) có đoạn viết: “Theo định nghĩa của Wikipedia, trường chuyên là trường trung học, trong đó đào tạo toàn diện và nâng cao một số môn học gọi là môn chuyên”. Trong bài viết này, người viết chưa bàn đến mấy từ rất đáng quan tâm là “đào tạo toàn diện” mà chỉ xin đề cập một khía cạnh khác. Đó là, định nghĩa này được lấy ở từ điển mở trên mạng - Wikipedia.

Từ năm 1966, Việt Nam đã có trường chuyên. Và bây giờ chúng ta đang thực hiện một đề án trường chuyên giai đoạn 10 năm (2010 - 2020), với số kinh phí lên trên 2.300 tỷ đồng, vậy mà không có được một định nghĩa về trường chuyên do chính ngành Giáo dục đưa ra thì kể cũng lạ.

Phải chăng mô hình của trường chuyên vẫn còn mờ mờ ảo ảo, chưa thống nhất, nên Chương trình phát triển giáo dục trung học cứ lấy cái định nghĩa ở Wikipedia cho nó… an toàn? Nếu quả thực dáng dấp của trường chuyên chưa rõ ràng thì việc đầu tư một phần trong số 71 triệu USD của chương trình này (thực chất là dự án) cho trường chuyên cần phải cân nhắc.

Chưa rõ mô hình trường chuyên mà đầu tư nhiều tiền như thế liệu có phát hiện ra nhiều học sinh năng khiếu, bồi dưỡng được nhiều nhân tài?

Để chứng minh cho việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị thí nghiệm là cần thiết, Báo cáo của Chương trình Phát triển giáo dục trung học viết: “Học sinh Việt Nam thông minh hơn học sinh nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên học sinh của chúng ta chịu nhiều thiệt thòi do phải học tập trong một môi trường chưa đầy đủ điều kiện…”.

Đã có một điều tra nào về “sự thông minh” chưa mà ngành GD lại đưa ra nhận xét này nhỉ? Nói “học sinh Việt Nam thông minh hơn…”, e rằng hơi chủ quan. Mặt khác, thông minh là một khái niệm còn nhiều tranh cãi. GS Hồ Ngọc Đại có lần đã nói, thế kỷ 20, người ta đã giải mã bộ gen người, có tới 99,999% là giống nhau. Vì thế, sự thành công ở mỗi người, về cơ bản, do lao động quyết định.

Liên quan tới đầu tư phòng thí nghiệm cho các trường chuyên, Chương trình Phát triển giáo dục trung học diễn giải: “học sinh Việt Nam dự các kỳ thi quốc tế đạt điểm chưa cao do không làm tốt các bài thực hành thí nghiệm…”. Trong khi, lãnh đạo Bộ GD-ĐT từng nói: “Thi quốc tế không phải là mục đích chính của trường chuyên.” Chính vì thế, khi nêu ra những luận điểm trên để làm căn cứ cho việc đầu tư, dẫu đúng, cũng khiến dư luận quan ngại.

Tại Hội nghị triển khai Đề án Phát triển trường THPT chuyên, đại biểu cũng nhiều lần thấy lãnh đạo Bộ đưa ra khái niệm trường chất lượng cao ở bậc THCS. Không hiểu mô hình trường này như thế nào, hay đây là cách nói tránh để nhằm xác lập hệ thống trường chuyên ở bậc THCS khi mà Luật Giáo dục đã bỏ mô hình chuyên ở cấp học này?

Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI có đề cập việc phải “thay đổi cơ bản chương trình giáo dục phổ thông” trong những năm tới. Ngành Giáo dục cũng đã xác nhận mốc thay đổi là năm 2015. Trường chuyên nằm trong hệ thống giáo dục phổ thông. Việc triển khai đề án trường chuyên ngay từ lúc này liệu có dẫn đến tình trạng “xung đột”, gây lãng phí khi mà giáo dục phổ thông có sự thay đổi mạnh mẽ trong những năm tới?./.
Ngô Thiệu Phong

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ