Không thống kê được bài báo quốc tế của 578 GS, PGS! bai hay cua nguyen van tuan
Thứ bảy, 06 Tháng 11 2010 07:20
Theo báo VNN, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) năm nay phong chức danh giáo sư cho 71 ứng viên và phó giáo sư cho 507 ứng viên. Nhưng trong bài báo có một câu làm sốc nhiều người: đó là phát biểu của Chủ tịch HĐCDGSNN rằng không thể thống kê được những bài báo khoa học quốc tế của các ứng viên!
Bảng thống kê dưới đây do tôi thu thập cho thấy con số GS được phong tăng 6 người so với năm ngoái và tăng 73% so với năm 2005. Riêng con số PGS tăng gần 63% so với năm 2005. Như vậy, tính từ 1980 đến nay, VN đã phong cho 1407 GS và 7569 PGS. Đó là một con số khá lớn so với trình độ khoa học nước ta, nhưng còn rất khiêm tốn so với một nước với dân số 87 triệu.
Số giáo sư và phó giáo sư được phong từ năm 2005 đến nay
Năm Số giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS) Phần trăm tăng so với 2005
GS PGS GS PGS
2005 41 312
2006 44 411 7.3 31.7
2007 54 445 31.7 42.6
2008 và 2009 65 641 58.5 105.4
2010 71 507 73.2 62.5
Nguồn: 2005, 2006, 2007, 2008-9, 2010
Bài báo khoa học công bố trên các tập san quốc tế (gọi tắt là “công bố quốc tế”) là một tiêu chuẩn chính cho việc phong chức danh GS/PGS. Năm 2009, con số công bố quốc tế của các nhà khoa học từ Việt Nam chưa đầy 1000. Năm 2010, tôi chưa kiểm tra trên ISI, nhưng hi vọng sẽ vượt qua con số 1000. So với số giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ mà VN đang có, con số trên 1000 bài báo khoa học quốc tế vẫn còn quá khiêm tốn. Và, so sánh như thế thể hiện một sự “bất bình thường”. Thật vậy, HĐCDGSNN đánh giá một bài báo khoa học đăng trên các tập san quốc tế tương đương với một bài đăng trên các tập san trong nước. Nói cách khác, ngay cả một bài trên Nature hay Science được HĐCDGSNN xem có giá trị như một bài trên (chẳng hạn như) tập san Y học Thực hành. Đó là một điều bất bình thường trong nhiều điều bất bình thường về tiêu chuẩn phong chức danh GS/PGS.
Một điều bất bình thường khác là rất khó biết công bố quốc tế của các GS/PGS đã được HĐCDGSNN phong. Thật vậy, theo VNN, “Ông Trần Văn Nhung, Chủ tịch HĐCDGSNN cho biết, không thể thống kê được công trình hay bài báo khoa học quốc tế của các GS, PGS vì công việc này rất phức tạp.” Thật ra, tôi chẳng thấy có gì phức tạp trong việc này. Chắc chắn trong hồ sơ xét duyệt chức danh giáo sư, các ứng viên phải liệt kê danh sách bài báo khoa học của mình. Tại sao không căn cứ vào đó để làm thống kê? Đâu có gì quá khó khăn. Thử xem qua website của Viện Toán, Viện Vật lí, và vài đại học Việt Nam, chúng ta thấy các nhà khoa học liệt kê danh sách bài báo của họ rất rõ ràng. Do đó, tôi nghĩ nhận xét của ông Chủ tịch có phần khó hiểu và thiếu tính thuyết phục.
Các bạn trong nhóm JIPV chỉ là tài tử mà còn làm được việc tìm các bài báo khoa học của ứng viên, thì thiết nghĩ một HĐCDGSNN chắc chắn phải làm được. Công bố thành tựu nghiên cứu của các giáo sư mới được phong cũng là một cách vinh danh họ, và điều đó rất nên làm. Không làm được điều này thì tiêu chuẩn phong chức danh GS/PGS vẫn còn là một dấu hỏi trong công chúng.
Đọc thêm:
Về qui trình đề bạt và tiêu chuẩn GS ở Việt Nam: vài đề nghị
Tiêu chuẩn giáo sư ở Việt Nam có nhiều khác biệt?
Hành [là] chính trong xét duyệt chức danh giáo sư
Quyền lực mềm và cơ chế yêu ghét trong việc xét chức danh Giáo sư
80% giáo sư Việt chưa xứng tầm quốc tế
Tiêu chuẩn cho học vị tiến sĩ
Vài kinh nghiệm về đề bạt chức danh khoa bảng
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ