Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

Ngoại ngữ bậc đại học: "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!" vu thi phuong anh

Vấn đề ngoại ngữ ở đại học lại nổi lên thành một chủ đề nóng trên báo, chẳng hạn như báo Tuổi trẻ hôm nay 30/10/2010. Mới có trên báo giấy, chưa đưa lên mạng. Các bạn chịu khó tìm báo giấy đọc nhé, hoặc chờ đến khi nào báo đưa lên thì tôi sẽ đưa link.

(A, bài báo lên mạng rồi, đây này.)

Có thể tóm tắt vấn đề nêu trên báo như sau: Có quá nhiều sinh viên ĐHKHXH-NV không tốt nghiệp được vì không đạt trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu. Nhưng nếu xét theo quan điểm của nhà trường thì thật ra điều này cũng đúng thôi: yêu cầu đã đặt ra mà không đạt, thì ... rớt, chờ học lại, thi lại, khi nào đậu mới được ra trường. Chứ không lẽ cứ cho ra trường tùm lum, thì lại làm giảm chất lượng của người tốt nghiệp hay sao? Quá đúng.

Nhưng dưới góc độ của sinh viên thì dường như họ đang bị đối xử rất bất công. Nhà trường đã nhận họ vào học (thì đã vượt qua kỳ thi tuyển sinh, tuyển chọn rất khắt khe rồi còn gì). Sau đó tổ chức giảng dạy với chất lượng thế nào đó không rõ, nhưng đến khi thi thì đại đa số đều rớt.

Như thế là thế nào? Vì, có lẽ thế, không kể những người hoàn toàn bỏ bê không học hành gì cả, nếu ai có đi học, làm theo mọi yêu cầu của nhà trường, vượt qua được các kỳ kiểm tra trong quá trình học, thì không có lý do gì đến kỳ thi cuối cùng họ lại rớt cả như thế. Rất phi lý.

Các bạn thử nghĩ mà xem, cả hai quan điểm của nhà trường và của sinh viên đều đúng. Mà tình hình thì vẫn không ổn (từ nhiều năm nay chứ không phải chỉ bây giờ mới không ổn). Vậy phải có ai chịu trách nhiệm về việc này, nếu không phải là nhà trường và sinh viên, thì hẳn phải có ai đó chịu trách nhiệm chứ?

Vậy "ai đó" là ai? Phải chăng, như nhiều việc khác ở VN, thủ phạm là ... thằng họ Cơ, tên Chế?

Tôi nói đùa chút cho vui, nhưng theo tôi thì chính sách về ngoại ngữ của VN hiện đang rất có vấn đề. Chỉ xét ở bậc đại học, vấn đề rất đơn giản như sau: Nếu muốn có được sản phẩm ở đầu ra đạt những tiêu chuẩn nào đó, thì phải xem xét toàn bộ quá trình, từ nguyên liệu đầu vào, đến quy trình sản xuất, mọi khâu đều phải đảm bảo hợp lý, đúng quy cách. Còn nếu có một khâu nào đó bị hỏng, thì chắc chắn kết quả cuối cùng sẽ hỏng.

Sản phẩm đầu ra của giáo dục luôn luôn là một giải khá rộng. Theo kinh nghiệm của tôi, thì đến thời tốt nghiệp đại học, trình độ của sinh viên trong cùng một lớp đã phân hóa khá cao. Người giỏi nhất gần như có thể làm thầy người kém nhất. Điều này cũng đúng đối với trình độ ngoại ngữ, và đó là một việc bình thường.

Nếu xét ở yêu cầu đầu ra thì hình như chính sách hiện nay là có lý. Các trường đang yêu cầu sinh viên tốt nghiệp có trình độ khoảng 400-450 TOEFL (cũ), tức khoảng 30-40 điểm TOEFL iBT, mức thấp nhất có thể chấp nhận được đối với sinh viên tốt nghiệp đại học (dưới mức đó thì điểm số không còn giá trị chứng nhận năng lực vì TOEFL là một kỳ thi dưới dạng trắc nghiệm khách quan, tức có thể đánh đại vào cũng có điểm - nhưng là điểm thấp).

Tuy nhiên, nếu xét toàn bộ hệ thống thì điều có lý trên trở thành thậm vô lý. Này nhé, nguyên liệu đầu vào không đồng đều. Vì thi vào đại học đâu có thi tiếng Anh. Điều này có nghĩa là trình độ tiếng Anh không có liên quan gì đến khả năng được chọn vào đại học. Thậm chí ở kỳ thi tốt nghiệp phổ thông thì môn tiếng Anh cũng chẳng phải là môn bắt buộc, mà thí sinh (ở một số vùng sâu vùng xa, thí sinh thuộc các dân tộc ít người, hình như thế) còn được thay thế bằng môn khác. Tức là đầu vào sẽ rất khác nhau. Đồng ý thôi.

Đến khi vào rồi, thì các sv thường được nhét chung vào một rọ, và dạy chung một chương trình. Vô cùng khó hiểu! Vì rõ ràng là có 3 trường hợp có thể xảy ra: sinh viên đúng trình độ, sinh viên thấp hơn trình độ, và sinh viên cao hơn trình độ. Tức có 2/3 số sinh viên trong lớp không phù hợp với trình độ đang được dạy. Vậy thì làm sao mà dạy dỗ có hiệu quả cho được? Sinh viên và giáo viên mà không chán học, chán dạy mới là lạ. Chứ sinh viên không đi học, giáo viên dạy uể oải, thiếu hứng thú như hiện nay, thì cũng hiểu được mà!

Cũng có những trường phân chia lớp theo trình độ sinh viên. Rất tốt. Nhưng đến đây một điều phi lý khác lại đang chờ sẵn. Này nhé, đầu vào thì khác nhau, nhưng thời gian học (bắt buộc, tính trong học phí) thì như nhau. Vậy thì kệ thầy trò nhé, học và dạy sao cũng được, đầu vào khác nhau nhưng với số tiết học giống nhau thì học viên phải đạt được trình độ tối thiểu giống nhau. Để dễ hiểu có thể so sánh như thế này: với một khẩu phần ăn như nhau, sau 9 tháng nuôi dưỡng ở nhà trẻ thì tất cả em bé, từ em cân nặng 8 ký đến em cân nặng 16 ký đều phải đạt tối thiểu 20 ký? Chà, ai mà làm được điều này thì chắc là phải đạt giải Nobel mất thôi!

Những trường khác thì thấy được rằng sự vô lý này vượt quá khả năng giải quyết của nhà trường cho nên bèn ... mặc kệ, sinh viên muốn đi đâu học thì học, làm gì thì làm, miễn sao đến cuối kỳ mang về đây một chứng chỉ ngoại ngữ mà theo nhà trường là có chất lượng là được. Có vẻ đây là cách làm của trường ĐH KHXH-NV mà bài báo trên Tuổi trẻ đang đề cập đến. Suy cho cùng, có lẽ đây là cách làm hợp lý nhất, vì mỗi sinh viên với cách riêng của mình, vì lợi ích của mình (được tốt nghiệp) sẽ biết làm sao để đạt được yêu cầu này. Một cách "xã hội hóa" yêu cầu đạt trình độ ngoại ngữ tối thiểu, hay lắm.

Nhưng mà, có vẻ như "rằng hay thì thật là hay, nghe qua ngậm đắng nuốt cay thế nào!" ấy nhỉ. Vì lỡ để mặc kệ, thì sống chết mặc bay, người nào hay qua được thì không nói làm gì, lỡ có ai đó mãi vẫn không qua được thì sao? Thì đành chịu mất bằng tốt nghiệp, chứ sao nữa? Đáng thương lắm, rất thông cảm, nhưng ... luật là luật, biết làm thế nào?

Tôi, thì từ lâu, có lẽ là cả gần 15 năm nay, từ khi tôi đi học ở nước ngoài về, với mong muốn giải quyết điều vô lý và có lẽ cả vô nhân nữa mà tôi vừa nêu, đã đưa ra kiến nghị rằng:

Một là nếu muốn có đầu ra như nhau với cùng một thời lượng và điều kiện học tập giống nhau, thì đầu vào cũng phải giống nhau. Tức đưa môn tiếng Anh vào kỳ thi đầu vào bắt buộc, để trên cơ sở đó chọn lọc sinh viên tuyển vào trường. Chứ gì nữa, tiếng Anh quan trọng thế, không có nó không tốt nghiệp được kìa! Mà quả thật nó quan trọng lắm các bạn ạ, có tiếng Anh kha khá chút, ra trường xin việc dễ hẳn!

Hai là, nếu không thể đưa môn tiếng Anh vào trong kỳ thi tuyển sinh, chấp nhận đầu vào khác nhau, thì với cùng một thời gian học, đầu ra cũng phải khác nhau. Chứ sao, khi vào nhà trẻ chỉ 8 ký, thì khi ra sau một năm học chỉ 12 ký thôi, là tốt rồi. Còn ai vào đã 16 ký, thì khi ra mới có thể 20 ký chứ? Nói cách khác, cần phải quy định trình độ sinh viên phải tăng lên bao nhiêu đó sau thời gian học, ví dụ mọi người đều tăng 50 điểm TOEFL, nhưng không thể bắt mọi người với đầu vào khác nhau, cùng học như nhau mà đầu ra lại giống nhau!

Còn không nữa, thì chấp nhận tiếng Anh không phải là bắt buộc để được tuyển vào, mà khi ra mọi người vẫn phải đạt mức tối thiểu để có thể làm việc, thì phải có chương trình học khác nhau. Dễ nhất là sau khi đậu vào trường rồi thì kiểm tra tiếng Anh và phân loại ra, ai chưa đủ trình độ tối thiểu thì học thêm 1 năm hoặc 1 HK trước khi vào chính thức. Tất nhiên là tốn thêm thời gian và tiền, nhưng bù lại thì được tăng thêm trình độ để cho bằng người ta khi ra trường. Giống như đi nhà trẻ, em nào suy dinh dưỡng thì phải đóng thêm tiền để ăn chế độ đặc biệt vậy.

Dễ hiểu thế, bà nội trợ nào nuôi con cũng biết và chấp nhận dễ dàng, mà sao gần 15 năm nay, loay hoay mãi mà việc này dường như vẫn chưa được giải quyết?

Có phải tôi biết mà không nói đâu? Nói hoài, mà có ai thèm nghe đâu cơ chứ?

Nên cứ lâu lâu phải nghe than phiền về trình độ tiếng Anh của sinh viên đại học, nên lại phải gắt lên, "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!"

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ