“Thầy” Phong ( bài này báo TNVN đăng )
Nhà báo Ngô Thiệu Phong: Làm báo mà để có được sự nể trọng trong ánh mắt đồng nghiệp, để hữu ích cho xã hội… thì còn phải tiếp tục dấn thân, học hỏi
“Tôi cũng chẳng biết anh em trong cơ quan gọi tôi bằng “thầy” từ khi nào nữa. Có người còn hào phóng phong cả hàm “giáo sư”?! Chắc họ thấy tôi khắc khổ, hiền lành, hao hao Giáo Thứ nên gọi vui như thế. Tôi biết họ quý mới gọi vậy. Không chỉ anh em trong Đài mà ngay cả thính giả khi gọi điện đến Chương trình Giáo dục và Đào tạo cũng gọi anh chị em trong phòng là thầy, cô. Có lẽ họ tưởng chương trình này là một cơ quan thuộc ngành giáo dục nên gọi thế. Họ tin tưởng mình, gửi gắm tâm sự nơi mình. Nó là nguồn động viên và là động lực thôi thúc mình tiếp tục viết trong những lúc khó khăn, chán nản và thất vọng… Nhưng bên cạnh đó, mình cũng thấy cần có trách nhiệm hơn, thấy mình cần “phải thầy” hơn nữa trong những bài viết của mình” - Nhà báo Ngô Thiệu Phong vui vẻ kể lại, khi tôi hỏi về bí danh của anh…
Hổ thẹn khi chạm vào những “điều chưa biết”
Nhà báo Ngô Thiệu Phong
Không như nhiều đồng nghiệp khác, khi tác nghiệp, Ngô Thiệu Phong thường không tỏ ra vội vàng hay quá nóng ruột để săn tin. Trái lại, anh luôn giữ vẻ đủng đỉnh, thậm chí có vẻ hơi chậm chạp, nhưng đôi mắt anh thì không ngừng “xăm soi”, tai thì căng lên và những câu hỏi anh đặt ra thường “bắt bí” người có trách nhiệm.
Ngô Thiệu Phong mới chuyển sang chuyên viết về lĩnh vực giáo dục (GD) từ năm 2003. Trước đó anh còn “làm” cả mảng y tế, thể thao và văn hoá. Đó là chưa kể thời gian đi thường trú Tây Bắc, viết đủ cả. Có lẽ, chính sự lăn lộn này đã giúp cho anh có một kiến thức nền tảng văn hóa - xã hội tương đối vững và kho vốn sống phong phú, nên những bài viết về giáo dục của anh vừa có độ sâu, vừa có cái nhìn ở nhiều góc cạnh khác nhau và khả năng thuyết phục cao. Nhưng anh lại tự nhận: “Vài ba năm theo dõi GD chưa phải là nhiều. Còn ối điều chưa biết. Mỗi lần chạm đến những “điều chưa biết ấy” bản thân lại có cảm giác từa tựa như hổ thẹn. Lại đi lục tìm những “điều chưa biết”. Trên hành trình đó, nếu để mắt, để tai, cũng ra được ối đề tài thú vị. Tôi thích viết về GD vì GD đang là một mặt trận nóng bỏng hiện nay”.
Nhà báo Ngô Thiệu Phong bày tỏ quan điểm: Một phóng viên không nên viết về một lĩnh vực trong một thời gian quá lâu. Sau 3 - 4 năm cần phải đổi sang lĩnh vực nào đó gần gũi hơn. “Làm báo muốn hay, muốn giỏi phải dựa trên nền văn hoá và kiến thức vững chắc. Các lĩnh vực của đời sống xã hội chẳng bao giờ tồn tại độc lập mà luôn tương tác, ảnh hưởng, giao thoa lẫn nhau. Khi phóng viên hiểu nhiều lĩnh vực thì viết mới có độ sâu, độ đằm; mới có cái nhìn toàn cục và sự liên tưởng phong phú…” - Nhà báo Ngô Thiệu Phong tâm niệm như thế.
Là người từng đoạt nhiều giải báo chí quốc gia, với các huy chương đủ màu sắc, thế nhưng khi hỏi về bí quyết, anh vui vẻ bật mí: “Mình chẳng có bí quyết gì ghê gớm. Mỗi phóng viên nên tự biết mình có những thế mạnh gì để khai thác, phát huy và có cách làm việc riêng sao cho hiệu quả nhất”. Anh thẳng thắn chia sẻ: “Tôi đã 40 tuổi, có gia đình, con cái; có bố mẹ già yếu bệnh tật… nên biết sức mình không thể “chạy đua” với các bạn thời 7X, 8X còn son trẻ. Vì thế tôi có cách làm việc riêng của mình. Nếu để chạy moi tin, tôi thua các bạn trẻ, nhưng tôi đã lợi dụng các bạn đồng nghiệp một cách lành mạnh và tích cực. Tôi “ngắm nghía” thông tin (mà đồng nghiệp vừa sục sạo được) ở nhiều chiều khác nhau và tôi xử lý nó trong mối liên hệ nhiều chiều, cả không gian và thời gian. Chương trình GD - ĐT mà tôi làm không có thế mạnh về tin nên tôi thấy, cách làm như thế tạm ổn. Dĩ nhiên trong quá trình “ngắm nghía” và “xử lý” những thông tin ấy thì mình phải tiếp tục lặn ngụp ở cơ sở chứ không phải ở ghế sa-lông máy lạnh. Có điều khác là ở đó mình đã xác định được mục tiêu cũng như phương pháp tiếp cận nên đào khoét vấn đề sâu hơn thôi”.
Cần sử dụng cả 5 giác quan
Anh nói: Mình tự biết bản thân mạnh - yếu chỗ nào nên quá trình làm việc hạn chế tối đa điểm yếu. Tương tự như vậy, loại hình phát thanh có những bất lợi và ưu thế nhất định. Khi bạn đến một trường học để viết bài về thiết bị dạy học chẳng hạn. Bạn thấy đồ dùng dạy học mạng nhện chăng, phủ đầy bụi. Điều đó chứng tỏ chúng chưa, hoặc ít được sử dụng. Báo hình hoặc báo ảnh có lợi thế hơn báo nói rất nhiều trong những hoàn cảnh như thế này. Còn với phát thanh thì sao? Một vài tiếng nói của học sinh, rằng các em chưa nhìn thấy ở trên lớp những thiết bị này thì sẽ sinh động, khách quan và thuyết phục hơn là một bài văn dài tả về mạng nhện. Tuy nhiên anh cho rằng, cũng chẳng nên lạm dụng quá cái máy ghi âm làm gì, vì nó có thể là con dao hai lưỡi. Anh nghiệm ra nhà báo khi tác nghiệp phải sử dụng cho đủ cả 5 giác quan của con người. Có một chuyện làm nghề mà anh luôn coi đó như một bài học cho mình, đó là: Một đài phát thanh nước ngoài, khi làm chương trình giới thiệu một món ăn đã để cho phóng viên tự tay đi mua và chế biến đúng món ăn đó nhiều lần. Sau đó mới bắt tay vào xây dựng kịch bản, viết, mời khách và lên sóng. Thế đấy, có sờ thấy, nếm thấy, ngửi thấy… viết nó mới lọt tai được, không thì thính giả chê cười.
Giải thưởng là vinh dự nhưng không phải là điểm đến của thành công, không phải là chặng chót và là dấu chấm hết của sự nghiệp. Làm báo mà để có được sự nể trọng trong ánh mắt đồng nghiệp, để hữu ích cho xã hội… thì còn phải tiếp tục dấn thân, học hỏi. Trên chặng đường dấn thân ấy, dĩ nhiên là đầy sỏi đá, lắm mồ hôi và nhiều nước mắt.
Nhà báo Ngô Thiệu Phong chia sẻ: “Mặc dù nhiều lần đoạt các giải cá nhân báo chí toàn quốc của Hội Nhà báo Việt Nam, nhưng mình thấy rằng đây chính là công lao của tập thể. Từ việc góp ý sửa chữa của lãnh đạo cho tới giọng đọc và kỹ thuật viên âm thanh. Với anh: “Giải thưởng là vinh dự nhưng không phải là điểm đến của thành công. Làm báo mà để có được sự nể trọng trong ánh mắt đồng nghiệp, để hữu ích cho xã hội… thì còn phải tiếp tục dấn thân, học hỏi”. Anh Phong kể một kỷ niệm mới đây, khi gặp GS. Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) để phỏng vấn, ông nói ngay: “Cậu là Thiệu Phong phải không? Tôi vẫn nghe cậu và nhận ra giọng nói của cậu”. Đấy! Mỗi cuộc điện thoại, mỗi sự quan tâm, từng lá thư, cái bắt tay hồ hởi của bạn nghe đài, mỗi ánh nhìn lộ vẻ tôn trọng của đồng nghiệp giúp mình vui và thấy bản thân phải có trách nhiệm với họ nhiều hơn.
Bước vào năm học mới, Ngô Thiệu Phong cũng không giấu được sự băn khoăn lo lắng trước những khó khăn, thách thức mà ngành giáo dục đang phải đối mặt. Anh cho rằng: Ngành GD đang cố gắng làm rất nhiều công việc cụ thể, có cái tương đối thành công, có cái thất bại hoặc dở dang. Nhưng vấn đề mấu chốt ở chỗ là tất cả những công việc cụ thế ấy có làm cho nền GD - ĐT nước nhà khởi sắc hay không. GD nước nhà như mười con kiến cõng một củ lạc mà mỗi con lại đi một hướng, hoặc như người tát nước be bờ, nước thì cao còn bờ thì yếu, be chỗ này chỗ kia lại tràn.
“Là một PV theo dõi mảng GD, là một phụ huynh có hai con đang đi học, tôi thấy thực sự lo ngại. Nhìn vào đâu cũng thấy lo. Tôi đã từng va vấp và thấy được góc tối trong quản lý GD; tôi đã từng tiếp xúc với các giáo sư đáng kính, những thầy, cô mà sự hy sinh của họ cho GD, nhiều ít khác nhau nhưng rất ý nghĩa. Tôi luôn bảo mình cần tỉnh táo và khách quan nhưng quả thực “quốc sách hàng đầu” đang có vấn đề, từ phổ thông cho tới đại học. Thầy, cô thay cha mẹ khi học sinh ở trường, thế nhưng đâu đó đã xuất hiện sự thiếu tin tưởng, thậm chí không tôn trọng vào người cha, người mẹ thứ hai này nữa. GD mà để mất lòng tin thì còn cái gì ?”- Nhà báo Ngô Thiệu Phong trăn trở./.
Hoàng Dũng (Báo TNVN)
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ