Thư Cả Chiêm 2
Hà Nội ngày 18/11
Gửi mẹ cái Mùa.
Lời đầu tiên hỏi thăm sức khoẻ mẹ nó và cả nhà. Mọi việc bình an cả chứ? Có gì biên thơ cho tôi biết nhé! Tôi trên này vẫn khoẻ. Chuẩn bị ngày Nhà giáo VN (20/11), cánh xe ôm chúng tôi thể nào cũng kiếm được. Đã rục rịch có bậc phụ huynh đến thăm thầy cô giáo rồi đấy mẹ nó ạ. Hầu như vị phụ huynh nào cũng tết thầy cô bó hoa, nhưng nghe đâu đều có phong bì kèm theo. Họ bảo cái thời tặng tặng phẩm qua rồi. Vả lại biết thầy cô cần thứ gì, thôi thì cứ “phong bì” cho tiện.
Thấy nhà thầy, cô giáo nơi phố xá tấp nập kẻ ra người vào dịp này mà chạnh lòng cho mấy thầy cô giáo làng mình mẹ nó ạ. Như cô Hương, cô Thuỷ, thầy Tuấn… đấy, dạy cả ngày rồi phụ đạo không công cho đám trẻ trâu trong làng mà chẳng biết dịp này có được cái quà gì ra tấm ra món không?
Đi xe ôm tôi biết, ngày này, nhiều học sinh, phụ huynh đến với thầy cô bằng tấm lòng kính trọng, nhưng cũng có không ít coi đấy là nghĩa vụ, đến để thầy cô nhớ mà nâng đỡ, quan tâm hơn đến con mình. Tôi nghiệm thấy số này ngày càng đông.
Mẹ nó à, riêng vụ đi tết thầy cô này tôi đã có cuộc tranh luận ra trò với bác giáo Bình. Cả Chiêm tôi ít học nhưng cũng muốn tìm hiểu cho đến đầu đến đũa cái việc tết thầy. Một ngày lễ trọng, bỗng dưng biến thành ngày lo âu phiền muộn của phụ huynh, thậm chí của cả một số nhà giáo thì đáng xem xét lắm chứ phải không mẹ nó?
Bác giáo Bình bảo trong cuốn “Việt Nam phong tục” của cụ Phan Kế Bính, viết năm 1915, cũng đã nói đến việc này, tất nhiên hồi đó chưa có ngày Nhà giáo VN-20/11. Tôi chép ra đây 1 đoạn cho mẹ đọc nhé, văn cổ đấy, phải đọc kỹ mới hiểu: “Mấy ông đồ quèn học hành chưa hiểu vỡ mạch sách, văn chương chưa thuộc đủ lề lối, mà đã đi về các vùng nhà quê tìm nơi thiết trường, gõ đầu năm ba đứa trẻ để hộ khẩu cho qua ngày, vậy mà cũng dám lên mặt đạo mạo ( “hộ khẩu” chắc là “kiếm ăn” đấy mẹ nó ạ). Động một tí thì bổ cho đồng môn, nào khi nhà thầy có giỗ, nào khi thầy có việc mừng vui, nào khi thầy lấy vợ, nào khi thầy lên lão làng cũng lôi đồng môn ra mà bắt gánh vác, ấy lại là cái mọt của thiên hạ.”
Bác giáo Bình giảng giải cho tôi rằng cái hiện tượng mà cụ Phan Kế Bính miêu tả được nhà văn hoá Vương Trí Nhàn lý giải là bi kịch của một xã hội dựa trên kinh tế tiểu nông. Khi chưa tìm ra được cách thanh toán công xá với nhau, người ta phải nghĩ ra nhiều thứ gọi là lễ để thay thế. Và cái bi kịch ấy vẫn còn, khi điều kiện kinh tế đẻ ra nó vẫn còn!
Chắc mẹ nó thể nào cũng cật vấn tôi tại sao thời buổi hội nhập, cơ chế thị trường rồi thì làm gì còn kinh tế tiểu nông như thời cụ Phan Kế Bính cách đây tròn một thế kỷ? Bác giáo Bình bảo, tâm lý tiểu nông và tư duy duy tình có mối quan hệ với nhau. Người Việt tư duy theo kiểu duy tình. Người Âu, Mỹ thì tư duy duy lý. Tư duy duy tình xuất phát từ nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ lạc hậu. Bởi vì trong quá trình đấu tranh sinh tồn, người Việt luôn phải đối phó với thiên tai giặc giã, sống hôm nay không biết ngày mai ra sao. Vì sự sinh tồn đầy cam go và đôi khi bế tắc, nên trong tư duy, dân ta cần ứng phó nhanh, giải quyết cái trước mắt. Người Việt ít lo lắng xa vời, đôi khi “nước đến chân mới nhảy”. Nền văn minh lúa nước song hành cùng văn hoá làng xã. Trong khi đó, lối tư duy duy tình lại rất hợp với mảnh đất làng xã này. Cái tư duy duy tình ấy ăn sâu, thấm vào máu, đến thời hội nhập này vẫn còn.
Thôi thì mẹ nó cứ hiểu nôm na duy tình là dùng tình cảm để giải quyết công việc chứ không dùng lý trí và lý lẽ. Tất nhiên duy lý hay duy tình đều có hai mặt. Nhưng tôi thấy cái vụ tết thầy tết cô như một lễ hội tự phát mà căn nguyên từ tâm lý tiểu nông, duy tình thì cần xem lại. Ngày xưa, bà nội dẫn tôi đến thầy, nói: “Thôi thì trăm sự nhờ thầy”. Rồi dân gian luôn miệng: “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Thế nào là “yêu”? Tại sao phải “trăm sự nhờ”? Phải chăng mọi thứ ở ta rất không rõ ràng, không quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của từng vị trí trong xã hội nên mới sinh ra những kiểu tết thầy, tết cô một cách khổ sở như hôm nay?
Tôi còn nhớ lần chở ông khách Việt Kiều về thăm quê, ông ấy kể chuyện đi học ở nước ngoài. Khi đứa con gái ông ấy bước vào lớp 1, ông ấy đã đem chút quà đến nhà cô giáo chủ nhiệm, với mong muốn cô giáo quan tâm hơn tới con ông – một học sinh khác màu da, thì bị bà ta đuổi về và nói rằng: Dạy con ông là trách nhiệm của chúng tôi. Ông đã trả tiền chúng tôi qua thuế. Mặt khác, ông làm thế này tức là chính ông đã tách con ông ra khỏi môi trường chung của học sinh trong lớp, rất không có lợi cho việc học của cháu và việc dạy của chúng tôi.
Thế đấy mẹ nó ạ, cái tư duy duy lý của người tây nó có ưu điểm là rất rõ ràng, minh bạch. Mẹ cái Mùa thấy có phụ huynh nào mà con học trường quốc tế, trường tư thục phải lo ba cái vụ tết thầy tết cô này không? Không! Bởi vì ai có nhiệm vụ của người đó. Việc đến thầy hay không lúc này chỉ còn lại ở tấm lòng trân trọng và biết ơn mà thôi.
Cái việc đi tết thầy cô để cầu lợi cũng là một kiểu duy tình. Mà duy tình thì gây đủ thứ hệ luỵ! Mẹ nó có nhớ cái hồi nhà mình thuê ông phó đến đóng cối xay không? Chẳng hợp đồng rõ ràng gì cả, cứ bác giúp bác giúp, cuối cùng ông phó cối ăn dầm ở dề nhà mình đúng một tháng, cung phụng, cơm bưng nước rót mà cái cối xay vẫn lỏi.
Tôi cam đoan với mẹ nó, ngày nay, một số thầy cô giáo không muốn vì cái phong bì mà khó xử trong ngày tết của giới mình. Họ muốn được trân trọng. Song, bất chấp những phản ứng lẻ loi (kiểu như thư tôi viết cho mẹ nó hôm nay) guồng máy vẫn quay, bởi xã hội ta vẫn bị đè nặng bởi văn hoá làng xã, chưa thoát khỏi tâm lý tiểu nông, gốc rễ của lối tư duy duy tình.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ