Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Nóng


Sáng nay nghe đài thấy Bộ Giao thông công bố đường dây nóng để nhân dân phản ánh chất lượng đường xá. Mừng ơi là mừng! Đang tắm ướt rượt nhưng mình vẫn vọt ra vặn to để nghe cho rõ.

Ghế của anh Thăng là ghế “nóng” từ lâu, thế mà hôm nay mới có đường dây nóng. Vụ này anh La Thăng chạy sau nhiều bộ ban ngành khác rồi. Công an, hải quan, thuế vụ, y tế, giáo dục…làm từ lâu. Có địa phương như Hà Nội, đường dây nóng còn được coi như một thiết chế xã hội. 



Một bộ máy với đầy đủ các cơ quan chức năng, thế mà vẫn nhờ cậy đường dây nóng để quản lý, nghe kỳ kỳ. Đường dây nóng cũng cần nhưng chỉ nên xem như một giao thức để phát huy dân chủ. Hãy cải tạo bộ máy! Đừng quá kỳ vọng trong việc đặt gánh nặng giám sát lên vai người dân, rồi hào phóng vẽ lên đó dòng chữ: “trách nhiệm xã hội”, “trách nhiệm công dân”, “làm chủ tập thể”. 

Chớ nên photo cái tư duy ấy để áp dụng cho con trẻ, như đặt hòm thư tố giác tội phạm trong trường học, bật đèn xanh cho thí sinh quay phim chính thầy mình; hô hào các cụ râu tóc bạc phơ lẩy bẩy ra khua gậy dẹp lòng lề đường để rồi được tụng ca là cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Để ý trên các báo chúng ta thấy nhan nhản các từ được sử dụng với nghĩa bóng như: NÓNG, ĐEN, CHẠY, SẠCH...Rồi tới một lúc nào đó, có thể ngay hôm nay, khi viết cũng chẳng cần phải nhốt các từ đó trong ngoặc kép mà ai cũng hiểu.

Để ý một vài từ nào đó lặp lại nhiều lần trên báo và trong giao tiếp cũng có thể nhặt ra được, nói được vài điều cơ bản về  xã hội.  

Phá khóa.


Xem clip và đọc bài kiều nữ mở khóa siêu nhanh thấy ả thực hành trên khóa Việt-Tiệp , y chang khóa nhà mình, đâm hoảng.

Sau các chú công an có cho cháu nó mô tả lại cách phá khóa thì nên che cái tên hãng đi. Làm thế này dân lo lắng (vì Việt Tiệp có thương hiệu) còn doanh nghiệp lại nghĩ "chơi nhau".

Lại nhớ năm 1995, Hội chợ Giảng Võ có một gian hàng quảng cáo dầu nhớt bằng cách so sánh hai sản phẩm, trong đó một của bản hãng, còn hộp kia (cố tình) được che lại một cách vụng về để ai cũng luận ra nhãn hiệu.

Mình có viết một bài đăng trên Hà Nội mới. Nhờ bài này mới đủ thủ tục vào VOV.


Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Hình ảnh của chuyến đi Đầm Dơi.

Ký hiệu của quán nước kiêm bán xăng. Chụp trước SVĐ Cà Mau.






Phà trên đường xuống huyện Đầm Dơi- Cà Mau. Phà chỉ có một lối lên xuống nên ô tô nhớ lùi khi xuống nha. 

Vườn chim Cà Mau nhìn từ đền thờ Bác.


Ảnh này chụp ở Lễ khởi công di tích chiến thắng Chà Là - Cà Mau.  

Không biết có phải lão CCB này từng là  lính trong trận chiến Đầm Dơi, Chà Là, Cái Nước (1963)  hay không? 

Mình bị khuôn mặt này ám ảnh nên quên cả việc phải quay lại nhìn và vỗ tay chào đón các vị tướng tá bụng phệ, mặt nhờn mỡ đang khệnh khạng bước vào.   



Từng là người lính xung trận công đồn, 
sự quả cảm và lòng trung kiên chẳng biết ai hơn, 
nhưng cuộc đời là vậy. 

Người lên xe tiền hô hậu ủng, 
còi dẹp đường rú ầm ĩ xóm nghèo;  
kẻ về làm bạn với vuông tôm đồng đất.  

Chẳng hề chi!
Cũng còn may hơn ối đồng đội đã thịt nát xương tan nơi xa trường. 



Chụp tại Chùa Chén Kiểu, Sóc Trăng. Phải chịu khó tự làm mà ăn như mấy ông thầy chùa này mới được chớ. Còn cứ lấy tiền công đức ra mà chén, tuồn đổ cổ của chùa đem bán rồi thế bằng đồ rởm  thì sớm muộn gì cũng bị dân đuổi như cái thằng sư nào đó ở Hà Tây thôi.   



Đang làm gốc cây cảnh, chắc là cố tạo lũa đây,  nhưng mình thấy còn thô lắm. Chỉ khen cái đức chịu khó tự làm mà ăn của sư. 

Gọi Chén Kiểu vì chùa trang trí bằng cách đưa các mảnh vỡ chén kiểu (bát đẹp?) vào một số phù điêu (đúng không nhỉ?). Nghệ thuật này ở Huế thì tuyệt vời luôn. 



Trong chùa cũng còn hai cái giường của công tử Bạc Liêu, kiểu giường Tàu, một cái mùa đông, một cái mùa hè. Mình xem không mấy ấn tượng, nét đục vẫn thô mặc dù gỗ tốt, khảm nhiều. 

Nói chung là chưa đủ độ thanh thoát, mềm mại để đạt tới độ sang trọng, lich lãm.  Vẫn có cảm giác gì đó như nhà giàu chơi sang. Sản phẩm chưa chứng tỏ được chủ nhân của nó thực sự yêu gỗ, tôn trọng gỗ; hiểu sâu về nghệ thuật đục và khảm.

Phòng để 2 cái giường tối om, mình có mỗi cái điện thoại "đểu" nên không chụp được hầu các cụ. Thông cảm nhé!         




































Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Có hay không?




Quốc hội mình gần đây được cái chất vấn khỏe. Dân tình cũng khoái. Bộ trưởng nào phải trả lời thì lo sốt vó vì dễ bị “lộ hàng”.

Chất vấn như vầy nói chung là tốt. Tuy nhiên, thấy một vài bác nghị lạm dụng truy vấn kiểu “có hay không”, rồi “trách nhiệm của bộ trưởng đến đâu”. Thật ra hỏi kiểu này một hai lần nghe còn trôi, nghe hoài thấy mệt.

“Trách nhiệm bộ trưởng đến đâu” đã được luật pháp quy định. Nếu pháp luật chưa có thì bổ sung. Tới đây lại nhớ hồi nhỏ mắc lỗi thường bị bố bắt nằm xấp trên giường hỏi tội này đánh mấy roi? Mình toàn rên rỉ xin xỏ câu giờ cuối cùng được hưởng án treo. Cứ ra rả “trách nhiệm tới đâu” chắc cuối cùng cũng vậy.     

Còn “có chạy chức  không” thì bố ai trả lời được. Không trả lời được vì gần 500 người ngồi trong hội trường đều biết tỏng câu trả lời. Biết càng rõ càng không (hoặc không dám) nói là một bi kịch hiện nay.    

Ông bộ trưởng nói có thì hớ, sau giải trình hết hơi, mà không thì các đại biểu ở dưới nhếch mép cười ruồi. Khốn thế!

Có hay không là câu hỏi cực kỳ khó trả lời với lãnh đạo hiện nay.  Thế nhưng nó lại không có nhiều giá trị, chẳng để làm gì, có chăng là làm cho dân đen được hả hê một chút, thỏa mãn một chút, hy vọng một chút cái thực tế đã thấu đến “trời xanh”. Vậy thôi.   







Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Ta đang ở đâu?



Các cụ nói “đi một đàng học một sàng khôn”. Thầy Quang, ở Khoa Báo chí ĐH Tổng hợp Hà Nội thì đi đi lại lại trên bục giảng, tay vân vê viên phấn, thủng thẳng: “Dắt một con bò đi vòng quanh thế giới thì trở về nó vẫn là con bò”.

Mình không cay nghiệt như thầy, nhưng cũng chẳng huyễn tưởng đòi hỏi "sàng khôn", chỉ mong ai đó có dịp sang nước người ta mà biết mình đang ở đâu cũng là quý lắm rồi.

Hôm nay mình nhận được cái meo của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).



Các bạn thấy ở dưới có dòng chữ tiếng Anh in đậm: Làm ơn tiết kiệm giấy và suy nghĩ trước khi in bức thư điện tử này.

Mình không biết đã có đơn vị (nhà nước) nào nhắn nhủ mấy dòng ngắn ngủi như thế này trên e-mail chưa nhỉ? Họ chẳng từng đã nói rất hay về bền vững, về môi trường đó sao.

Khoảng 2004-2005 gì đó, hồi quốc hội còn ở Ba Đình, mình được cử theo dõi đưa tin. Khi đó cái phòng in tài liệu ở thẳng cổng vào. Cơ man nào là giấy tờ, ngoài tài liệu chính thức còn có phần “bóc băng”, tức là viết lại các ý kiến của đại biểu nói trên hội trường.

Thế mà toàn in một mặt, phóng viên khi bước ra khỏi căn phòng đó, nếu may mắn, đều khệ nệ cầm theo một tập dày tài liệu.

Sau đó về mình viết một bài, đại loại nhắc nhở sự lãng phí và đề nghị in hai mặt. Một thời gian sau, chẳng biết vì bài báo của mình hay vì sự tiến bộ của kỹ nghệ photo mà lượng tài liệu in bớt hẳn do in hai mặt.

Viết tới đây lại nhớ Philippin, đất nước vừa trải qua thảm họa thiên nhiên, rác rưởi và người chết đầy đường đấy, song, mình nghĩ quốc gia này có ý thức bảo vệ thiên nhiên hơn khối mình.


Các chấm sáng trên lãnh thổ Philippin là nơi mà 1 đài phát thanh tư nhân có trạm phát sóng hoặc đài khu vực.


Vào siêu thị (ở thủ đô) thấy họ sử dụng một loại túi dễ hủy, bằng giấy, quai xách bằng đay, tuyệt không thấy bịch nilon. Ngoài đường thấy ba thùng rác với ba màu khác nhau.

Đến một khách sạn 5 sao ngó vào toilet thấy miếng giấy đề rõ nước sử dụng trong bồn cầu là nước tái chế, cạnh vòi sen tắm có dòng chữ "mong quý khách sử dụng tiết kiệm".

Chẳng rõ tái chế từ đâu, từ chính nó hay từ các bể bơi nhưng nhìn thấy sạch. Chị phiên dịch đi cùng nói phải có công nghệ tái chế nước như thế thì khách sạn mới được chứng nhận 5 sao.

Mình cũng từng đến vài khách sạn 5 sao ở mình nhưng chưa thấy chỗ nào như thế. Có lẽ mình còn xa, còn khác thế giới nhiều lắm! Thảo nào trên blog, anh Hiệu Minh, định cư ở Mỹ, đã chọn câu "Càng đi xa càng thấy mình bé nhỏ" làm tuyên ngôn.


            

             

  

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

Thằng Bắc kỳ, con Mỹ lai và thằng Ba Tàu







Xem lại những sự kiện diễn ra năm 1978 - 1979 thấy có “nạn kiều”, tức là người Việt gốc Hoa rời Việt Nam về nước.



Quả thực khi nhìn những bức hình chụp cảnh bà con người Hoa lũ lượt lếch thếch kéo nhau về bên kia biên giới mà buồn.






Mình có “tâm hồn ăn uống” nên tiếc nhất là phố Hàng Buồm vắng các quán ngon, món ngon của các “chú khách”. Bây giờ còn lại mỗi hàng thịt quay (nghe nói cũng gốc gác người Hoa) mà mỗi chiều muốn mua phải xếp hàng.



Còn nữa, cái quán mì vằn thắn- sủi cảo ở đối diện chợ Hôm, phía phố Huế, mình cũng mê, cho dù nó không còn được ngon như hồi ông cụ người Hoa còn sống, còn bán hàng.

  

Hồi mình vào Nam, được bố dẫn đến các quán ăn ở quận 5, lần đầu nhìn thấy cái lẩu than mà không biết cái nồi gì. Cách đây mấy tháng,  lang thang ở khu này thấy một vài quán trang trí đỏ rực, đèn lồng, chữ Phúc, chữ Hỉ giăng đầy, nhạc Hoa phát rộn ràng. Cũng mừng!     



Nói tới sự kiện “nạn kiều” lại nhớ anh Lý Cường, phiên dịch tiếng Việt cho phía Trung Quốc khi mình sang Quảng Tây làm việc cách nay hơn một năm.



Nghe đâu anh Lý cũng rời Việt Nam năm 79. Anh kiệm lời,dè dặt và thận trọng,nhưng hễ nhắc tới phố cổ Hà Nội, nhắc tới phở…,mắt anh vẫn ánh lên rất lạ, một chút thôi, một chút thôi rồi vụt tắt sau khuôn mặt khắc khổ kín đáo tới mức lạnh lùng.



Gần 40 năm nhưng anh Lý vẫn giữ chất giọng và cách nói đặc sệt Hà Nội. Mình ngỡ ngàng những tưởng gặp lại người Hà Nội gốc ở Quảng Tây.



Anh Lý đã dịch vài bộ tiểu thuyết kinh điển của Trung Quốc sang tiếng Việt nhưng nghe đâu vẫn chỉ giữ một chức vụ rất “khiêm tốn” trong cơ quan, giống như nhiều người Hoa trở về từ Việt Nam khác.



Sau chuyến công tác ở Quảng Tây, mình có mail cho anh Lý hỏi thăm sức khỏe và một vài công việc chuyên môn. Anh trả lời rất formal. Lần thứ hai mình hỏi thăm nhân dịp 21/6 (Ngày báo chí CMVN) thì không thấy anh hồi âm.    



Mình biết vì sao anh không reply và qua đây mình càng hiểu tại sao nhiều người Hoa năm 78-79 không về cố quốc mà bằng mọi giá di cư sang một nước thứ 3 như Úc hoặc Hoa Kỳ, trong đó có một người họ hàng xa của mình.



Tình hình “nạn kiều” căng thẳng và nghiệt ngã như vậy thế mà sau 78,vào Nam vẫn thấy còn một số người Hoa ở lại. Quận 5 vẫn còn quán ăn do người Hoa bán,trong lớp mình có một bạn trai,con một người Hoa.



Không nhớ tên thằng này, chỉ nhớ nhà nó bán phở, nó có khuôn mặt “rất Trung Quốc”: mặt béo tròn, hai má phinh phính đỏ hồng, khi cười mắt thu lại như hai sợi chỉ…;chỉ nhớ chiều nào cũng thấy nó đẩy cái xe phở to đùng từ nhà(nay là đường Huỳnh Văn Bánh)ra Lê Văn Sỹ để bố mẹ bán đêm;chỉ nhớ trong lớp,mình bị gọi là thằng Bắc kỳ;hai đứa con gái sinh đôi lai Mỹ đẹp như tiên,là con Mỹ lai; còn nó được gọi là thằng Ba Tàu. Buồn không!

 Boat people

                
  


  

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Nhớ xưa.




Đang đọc lại lịch sử sau năm 75 ở Sài Gòn, bỗng dưng nhớ quay quắt cái thời mình theo bố vào Nam. 

Bố mình biệt phái vào Nam năm 1978, làm ở Công ty rau hoa quả. Chính vì thế mình có cơ hội được thấy bóng dáng Sài Gòn trước 75, vẻ đẹp nguyên sơ mộng mơ của Đà Lạt, ngỡ ngàng trước thái độ căm thù có phần khinh bỉ của nhiều bạn đồng lứa khi gọi mình là thằng Bắc Kỳ.

Thời này Sài Gòn đang rầm rộ chiến dịch cải tạo công thương nghiệp tư doanh. Có lẽ bố mình được tung vào Nam để làm việc này? Ông là người lính xung kích thực thi chủ trương chính sách của một giai đoạn mà cho tới hôm nay "còn nhiều ý kiến khác nhau".

Ngó qua các chính sách sau 75 và cung cách thực hiện, mình đã hiểu vì sao nhiều người Nam hận dân Bắc vào sau 75 đến vậy.    

Và cho tới hôm nay, trong toilet của Sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn dòng chữ (của một người cố chấp tới mực cực đoan nào đó) biểu lộ sự hận thù ngay cả khi đang "trút bầu tâm sự" .

Dân Việt ba miền nào có tội tình gì?   




 

Đây là ngôi trường(hồi đó là cấp II Chí Linh, nay là cấp I) mình đã học. Cái cửa sổ lầu hai kia mình từng ngó xuống ngóng bố mỗi buổi chiều.  Thế mà đã hơn 30 năm rồi.

Đây thực ra là trường dòng của nhà thờ Tân Hòa, cũng như rất nhiều trường dòng khác ở Sài Gòn, ngành GD đã trưng dụng sau 75.


Cái nhà thờ hồng hồng kia xây thêm trông chán quá! Trước đây nó là khoảng sân rộng mênh mông trước cửa nhà thờ. Mình thường chạy qua khoảng sân này sang nhà thờ để chuyện trò cùng các Cha,cũng có khi ma lanh nhờ giải toán hộ hoặc tò mò xem xưng tội.



Còn đây là Trường cấp I Phạm Ngọc Thạch. Hồi mình học là đường đất, từ cổng vào là sân vườn, có cả bức tượng gì đó không nhớ, có thể là bác sỹ Phạm Ngọc Thạch. Giờ chắc thiếu phòng nên xây dựng ra sát cổng, chật chội và ngột ngạt quá!


Nhìn mấy tấm hình xưa lại nhớ thằng Đinh Hữu Trí học cùng lớp. Bố nó là dân Bắc 54, là lính VNCH nhưng bố nó không căm hờn mình, một "thằng Việt Cộng con" dưới con mắt của nhiều dân Nam bấy giờ.

Bố thằng Trí nói tiếng Mỹ rất hay, lại biết cả kiếm pháp của Nhật. Ông vui tính, chắc thấy mình dân Bắc nên kể lại chuyện năm 1954 dấu vàng vào hũ mắm tôm, xuống tàu di cư vào Nam.

Còn nhớ hôm mình đùa rách toạc đũng quần. Chị thằng Trí, có tiệm may cạnh nhà, cứ bắt mình cởi ra để may lại. Không biết hồi đó có mặc quần sịp không nhỉ?  

Nhà thằng Trí cạnh trường Chí Linh,ở cồng chính nhà thờ Tân Hòa, sát nách nhà hai chị em sinh đôi lai Mỹ xinh ơi là xinh, cũng học cùng lớp với mình. Thế mà hồi đó cứ bị gọi là con Mỹ lai, thằng Mỹ lai một cách miệt thị. Sao dân mình cứ làm khổ dân mình như thế?

Khi mình ra Bắc (1982) có thư qua lại với thằng Trí vài lần nhưng sau đó mất liên lạc. Cách đây mấy năm vào gõ cửa nhà nó hỏi anh Trí nhưng chủ nhà lắc đầu, chẳng ai biết, chắc nó di tản rồi. Bởi vì hồi đó thi thoảng thấy nó khoe nhận được đồ tiếp tế từ Mỹ gửi về.

       
        

 


Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Bẫy!





Ở gần nhà mình, ngã ba Đức Giang, mấy năm gần đây xuất hiện cái chợ lao động con con nhưng lúc nào cũng có hơn chục người vạ vật chờ việc. Vào một ngày, chẳng biết ngày gì, có cái xe 5 tạ đỗ xịch, mấy người nhảy xổ xuống đuổi bắt những người lao động. Anh em lao động nhanh nhẹn hơn mấy cậu bụng to nên kịp túa vào các ngõ hẻm gần đó thoát thân. Mấy anh bụng to hậm hực vì đuổi vã mồ hôi mà không túm được ai.



Hôm sau thấy có chiếc xe 16 chỗ xịch đỗ. Một người hói đầu nhô ra, khoát tay hét to vẻ rất vội: “Chục người, đi đội cát, nhanh lên!”



Anh em lao động đang vật vờ nghe vậy mắt sáng rực, chân chạy miệng cười tranh nhau trèo lên xe. Tài xế nhảy xuống đóng cửa cái rầm. Trước khi cài số lao đi, hắn liếc người hói đầu, mỉm cười.



Chiếc xe mất hút. Điểm dừng là sân trại tạm giữ. Khổ thân! Đến khi lục tục xuống xe, vài anh cửu vạn vẫn còn hoan hỉ ra mặt, chắc mẩm sẽ có một ngày no.





Hôm rồi ngang qua đầu cầu Vĩnh Tuy, chẳng biết cưỡng chế hay giải tỏa mà đông thế, có cả xe cảnh sát,  cứu thương, chữa cháy.



Thi thoảng lại thấy người ta âm thầm nhưng khẩn trương kèm một ai đó vào xe cứu thương. Xe rú ga, hụ còi lao đi. Và điểm đến cũng không phải bệnh viện.



Định bụng chẳng nói mấy cái mẹo vặt ấy làm gì, kể ra càng thêm xót xa. Nhưng quả thực mình cứ lấn cấn, gờn gợn. Đã danh chính ngôn thuận thì cần gì bày trò. Khi có đủ công cụ và quyền lực thì làm gì cũng phải quang minh chính đại chứ. Đây không phải sân khấu ảo thuật nên một hành động được che đậy bởi một hành động khác; ngụy trang dưới một vỏ bọc có ý nghĩa và bản chất khác, thì người ta có quyền gọi là mờ ám hoặc dối trá. Vì vậy chẳng nên!



  Nói và làm nhiều khi cũng như hình với bóng


  

             

 



    

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Công lý - Justice.




Mấy hôm nay sự kiện ông Nguyễn Thanh Chấn sau chục năm xộ khám được minh oan tội hiếp dâm, giết người khiến dư luận quên béng chị Huyền trong vụ Cát tường, một sự kiện hót hòn họt. Hot tới mức người ta chẳng thèm để ý tới 6 cái xác trôi sông khác được nhìn thấy trong quá trình tìm kiếm chỉ vì nó không phải của chị Huyền.




Mình thi thoảng cũng xem phim Mỹ. Xứ sở cao bồi này làm phim hành động, vụ án căng thẳng phết! Người xem trải qua hàng tá tâm trạng hỉ nộ ái ố khác nhau, cứ như chính mình là người trong cuộc. Có lúc cảnh sát đã bắt được kẻ sát nhân, tòa đưa ra xử, chỉ vì chưa có đủ chứng cứ (hoặc luật sư chứng minh vô tội) thế là tên sát nhân cười he he, nhìn đểu chủ tọa phát rồi cùng luật sư tung tăng ra về.

Hôm qua cũng xem một phim tương tự. Cái bọn “giãy chết” này không hiểu dân chủ giả hiệu hay dân chủ quá trớn mà để cả những người dân chẳng biết gì về luật ngồi ghế bồi thẩm đoàn. Nước mình đầy GS-TS còn chẳng ăn ai nữa là mấy anh ú ớ, mù luật? Thế nên có phiên xử một kẻ tàn độc nào đó mà bồi thẩm đoàn không nhất trí thì tòa cũng đành  tẽn tò nhìn nghi phạm nghênh ngang ra véo tai thư ký tòa phát, xoa đầu thẩm phán cái, nói chú cố lên nhé, anh về.    

Lúc ấy mình điên tiết chửi ầm lên, nói giời ạ, sao không đưa về Việt Nam mà xử. Về tư pháp Bắc Giang, gặp chủ tọa Nguyễn Minh Năng, những người “sáng suốt và tài tình” đã xử tù “tên” Chấn, là chúng mày toi đời luôn con ạ.  

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Chuyện ở viện 4

Điều hòa và bất hòa.

Sáng tạo vô đối ở buồng bệnh tự nguyện. 

Cái này gọi là "nhất cử lưỡng tiện", là "bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng".Nhưng mình vẫn băn khoăn không biết bệnh nhân  ở buồng nào giành quyền cầm chiếc điều khiển điều hòa đây. Không khéo vì điều hòa lại gây bất hòa. 



Vì cửa buồng bệnh hẹp nên mỗi lần đẩy cáng thương vào lại húc một nhát vào cạnh tường. 
 Mỗi lần như vậy thì xe cáng hỏng, bệnh nhận đau, người nhà bệnh nhân xót, y tá thì bực bội... và tường thì lở loét. Chụp ở buồng tự nguyện mới được xịn thế này đấy nhé.



Buồng bệnh nhi có 6 giường và 4 bóng đèn tuýp. Khổ, đang đêm, chẳng ai muốn bật cái đèn  trên đầu giường của mình (chói mắt sao ngủ được, trẻ giật mình dậy khóc thì sao) nên có mẹ con đái con ỉa cứ mò mẫm. Lại có đứa hễ tắt đèn là không ngủ trong khi 5 đứa kia chỉ ngủ khi tắt đèn. Bó tay! Lại làm cho các mẹ lườm nguýt nhau thôi. Sao không lắp cái đèn ngủ mờ mờ nhỉ.




Mình sẽ chẳng cần nói đây là bệnh viện nào vì hầu hết bệnh viện công ở mình đều vậy cả thôi. 

Đăng mấy cái hình lên để sau này các bác có xây mới bệnh viện thì lưu ý, thực tâm không dám chê bai gì "vì nước ta còn nghèo, mới ra khỏi chiến tranh và đang trong giai đoạn quá độ..." Hi hi, thế thôi ạ . 

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Chuyện ở viện 3



1.Mình ở nửa tháng trong viện, thấy có một xã hội riêng của bệnh viện. Cũng như khi trò chuyện với mấy anh vừa ra tù, mấy ông lơ xe ở bến, cũng thấy những nơi ấy tồn tại một xã hội riêng.

Đáng nói là những xã hội con con ấy rất đặc thù, khác biệt với cái xã hội chúng ta đang sống. Nếu tượng hình cái xã hội chúng ta đang sống là một hình tròn to thì những xã hội con con kia như tập hợp những vòng tròn nhỏ mà sự giao thoa rất ít với vòng tròn lớn, thậm chí nằm ngoài nhau.

Xã hội chúng ta đang sống là tập hợp của nhiều xã hội con đặc thù với những giá trị khác biệt thì sao nhỉ?      



2.Hồi còn làm phóng viên mảng y tế, mình từng vào chính cái nơi đang nằm đây (Bệnh viên Saint Paul) để làm chuyên đề tai nạn thương tích. Hồi đó cũng thao thao về bỏng này bỏng kia, giờ chính mình dính. Mới hay từ lời nói -> nhận thức -> hành động là cả một quãng đường mà chẳng phải người nào cũng tới được đích.



 Ông tổ ngành y Hi-po-crat

3.Trong cuộc sống có những thứ làm nhiều thành quen, thuần thục, trở thành kỹ năng. Thực ra những việc như thế không đòi hỏi trình độ cao siêu nhưng nhiều khi quan trọng phết, ví như chuyện lấy ven. 

Thế quái nào bác sỹ lại xếp mình nằm cùng buồng với 6 bệnh nhi còn ẵm ngửa. Vì thế mình là “bệnh nhi” cao tuổi nhất, vì thế mình luôn bị bỏ quên khi thay băng.

Nhưng cũng chính vì thế mình thấy việc lấy ven cho trẻ con cực thế nào. Có trường hợp đâm chục nhát chưa trúng, đứa bé quằn quại, tím tái… Bố mẹ xót con, gạt y tá ra, nói thôi, lúc khác lấy. Y tá thất bại cũng tẽn đành giới thiệu các mẹ xuống khoa nhi lấy ven. Mất 100 ngàn chọc phát ăn ngay.

Thế là được thể các mẹ khen bác sỹ nhi hết lời, nói giỏi mới được vào khoa nhi. Chị giường bên cạnh ngỏng cổ phụ họa, nói như đúng rồi: “Bác sỹ nhi bao giờ chả hơn bác sỹ bỏng…”

Ở cạnh mấy chị “thuần nông” này cũng vui. Họ thấy gì, nghĩ gì nói nấy, rất bản năng, chẳng cần nghĩ ngợi nhiều, mệt xác. Thoạt tiên hơi khó chịu, nhưng thử nghĩ xem, thiếu họ mất vui. Như mình đây, hiểu biết bằng cái móng tay nên hễ mở miệng chỉ sợ sai, sợ nghĩ chưa chín, chưa tới; rồi cân nhắc thiệt hơn… Ai cũng như thế thì ngồi nhìn nhau à, chán chết. Đời được mấy nỗi.



4.Mấy chị ở quê ra phàn nàn chẳng được trưởng khoa hỏi gì. Các chị chẳng thông cảm. Khoa cả trăm bệnh nhân thì sao thỏa mãn được tất cả ? Với lại…

Với lại… quan tâm quá đôi khi cũng chưa phải là hay đâu. Như mình đây, hôm cái băng ở tay tuột ra lòng thòng, thấy chị y tá đứng ở cửa, mình giơ tay, nói chị hộ em tí. Chị y tá âu yếm nhìn bộ mặt băng kín của mình, nói vào đây chị thay luôn cho. Thế là chị kéo tuột vào phòng thay băng, giở tung ra, làm  từ A đến Z cho dù mình mới thay băng buổi sáng. Tởn đến già!
  

5.Cảm giác tù túng, bí bách; thủ tục nhiêu khê; bệnh viện thiếu tiện nghi, mất vệ sinh… ít nhiều tác động tới quá trình lành bệnh, thậm chí khiến cho nhiều người ngại đi viện cho dù ai cũng biết nên thăm khám định kỳ. Thế mới biết tại sao bọn tư bản bóc lột xây bệnh viện như khách sạn trong khi “bông hoa đẹp” của XHCN thì chỉ thuần túy coi là chỗ chữa bệnh, có đã là phúc lắm rồi.

Bây giờ chẳng thấy ai gọi bệnh viện là nhà thương nữa nhỉ.


Chuyện ở viện 2



Cạnh gường mình có bà mẹ trẻ quê tướng Giáp, nhỏ thó, đen thui như người Campuchia, trông đứa con 2 tuổi mang họ mẹ. Hôm đầu giật mình khi nghe tiếng ru chẳng ra điệu gì, chỉ thấy rên rỉ ỉ eo của chị. Nghe rờn rợn. Có thể hoàn cảnh nó ám vào lời ru?

Nhưng sau thấy chị này thật thà, lạc quan yêu đời và cũng hay đùa. Một hôm chị tá hỏa khi dịch truyền không chảy. Mình ngó sang thấy dây truyền bị khóa nên trêu: “Cháu nhỏ thế thì chỉ khi nào nó rắm được vài tiếng mới thông. Cũng như chị làm dồi lợn, phải thông đầu kia thì mới cho nhân vào được chứ.”

Giải thích theo kiểu folklore như thế nên chị cười toe, nói ừ nhỉ, đúng đúng. Từ lúc đó, lẫn trong tiếng ru ư ử, mình nghe câu: rắm đi con, rắm đi con… ơi…ơi…!

He he, trêu tí vì thằng bé đang ngủ, truyền là tỉnh dậy, lại khóc, khổ nó!    


Chuyện ở viện 1


Lần đầu tiên biết thế nào là sốc nhiệt, choáng nhiệt. Thế mới phục anh Lê Văn Tám, lửa bùng bùng toàn thân vẫn chạy băng băng vào kho xăng địch. Kinh!

Sau mấy ngày ăn bằng ống hút, lần đầu tiên mình phát hiện ra sơn hào hải vị đều vô nghĩa, đều là cám lợn nếu không qua cái mồm với đủ răng, lưỡi, hàm…, xử lý theo đúng chức năng nhiệm vụ của chúng. Thật vô vị nếu ăn mà không được nhai!

Lần đầu tiên mình phải truyền dịch. Trời ơi cái điệp khúc: nhận thuốc-> thay băng-> truyền dịch. Nhận thuốc-> thay băng-> truyền dịch, rồi lại…Truyền cả ngày cả đêm, đi vệ sinh cũng ôm theo chai dịch.

Lần đầu tiên (trong suốt 17 năm) mới phải sử dụng đến bảo hiểm y tế. Mong sao sử dụng càng ít càng tốt.

Suýt quên! Tý thì mang tội vô ơn. Đầu quấn băng, tay quấn băng nên lần đầu tiên mình đứng hiên ngang cho vợ tắm.

Lần sau nướng mực mình sẽ làm như chị này