Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Anh Cả Đỏ và kỷ niệm .




Hôm trước đã viết về cách dùng từ “Anh cả đỏ” ở đây:

Hôm nay lại thấy việc dùng từ kỷ niệm ngày chết nó cứ vướng vướng thế nào ấy, vì thế viết ra đây để chia sẻ.

Mình thấy câu: “Nhân kỷ niệm 25 năm ngày mất Lưu Quang Vũ nghe thế nào. Kỷ niệm ngày sinh, ngày thành lập, ngày cưới, ngày quốc khánh…nói tóm lại là ngày vui nghe thuận tai nhìn thuận mắt hơn. Đằng này người ta chết cả gia đình khi tài năng đang độ chín, lại mất cả cháu bé nữa thì kỷ niệm làm gì?

Vợ chồng Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh


Nhưng mà tìm từ nào thay nó cũng không phải dễ! Trao đổi với đồng nghiệp xong vẫn thấy chưa tự tin lắm (vì mình không rành Hán- Việt) nên bốc máy hỏi bác Đình Cao, chuyên gia ngôn ngữ, bác Cao chia sẻ ngay, bác nói “cảm thức về ngôn ngữ của Phong khá tinh đấy, mình cũng thấy như thế nhưng dùng quen rồi, vả lại thay thế  cái chữ ấy bằng chữ gì cũng là vấn đề…”


Đến tối, khoảng 23h00, bác Cao gọi lại, nói Phong ơi, theo mình thì nên dùng từ “tưởng niệm” hay “tưởng nhớ”  thay cho “kỷ niệm” có lẽ hợp hơn. Tưởng niệm/ tưởng nhớ  25 năm ngày mất Lưu Quang Vũ. Các bạn thấy thế nào?


Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Quán Xổm



Mình nghiệm ra cứ quán nào đông khách hàng quen thường ngon mà lại rẻ. Nhận ra quán có khách quen không khó. Họ vào ra rất tự nhiên mà không hề bỡ ngỡ; cái sự ăn mặc cũng xuềnh xoàng, có khi chỉ là áo may ô và dép tổ ong; đối thoại giữa chủ và khách cũng gần gũi, thân mật, thậm chí chẳng cần nói gì. 

Đầu Hàng Trống có một quán bún dọc mùng mình tạm đặt tên là quán Xổm. Gọi thế bởi khách ngồi trên những chiếc ghế con trông chẳng khác gì ngồi xổm. Quán Xổm phần nhiều là khách quen.

Ảnh minh hoạ


Nói về đầu tư để bán hàng ăn thì cam đoan quán Xổm có mức đầu tư thấp nhất Việt Nam: vài cái ghế nhựa, chục cái bát và nồi nước dùng. Chấm hết.  

Bà chủ quán Xổm sống trong con hẻm sâu tít tắp ở phố này. Vì mưu sinh nên bắc cái nồi ra đầu hẻm xí chỗ và lợi dụng luôn bậu cửa các nhà mặt đường sáng sớm chưa mở hàng làm chỗ ngồi cho khách.

Đồ dùng ở quán Xổm giản tiện tới mức tối đa. Chỉ có một khay gia vị, giấy ăn và ống đũa. Khách đến thì dịch chuyển cái khay đó tới trước mặt. Quán chỉ bán bún dọc mùng nên khách đến chỉ việc tìm chỗ ngồi, không cần gọi,  loáng cái đã có một bát nóng dãy đành đạch bưng tới trước mặt.

Quán Xổm không có bàn nên khi ăn phải bưng. Nhận bát bún từ tay ông chủ, khách rút ngay mấy tờ giấy ăn kê dưới chôn để bưng cho đỡ nóng, đỡ sóng ra tay, và… để chùi miệng, vì khi ăn xong thì cái khay duy nhất đang phải phục vụ người mới đến.

Quán Xổm không dùng thìa. Thìa làm gì nếu không có bàn? Tay đâu nữa mà  cẩm thìa? Hãy cố chịu đựng khi phải làm nhân vật bất đắc dĩ cho người Tây văn minh chụp ảnh cái động tác húp sụp soạp của dân An Nam chúng ta.

Kệ! Ăn uống là văn hoá, mà văn hoá thì đa sắc! Húp có cái hay của húp. Ông Vũ Bằng (hay Nguyễn Tuân?) từng đả phá việc ăn phở dùng thìa đấy thôi. Qua trung gian là cái thìa chỉ tổ làm mất đi cái hôi hổi nóng của nước dùng, làm nhạt đi cái vị thơm, dẻo, ngọt của sợi bún, sợi phở. Đưa trực tiếp  cọng bún từ bát lên miệng có cái ngon riêng của nó.

Quán Xổm đông khách vì ngon và rẻ, chỉ có 20 ngàn bát. Cũng chỉ bún dọc mùng, mọc và thịt, nhưng thịt ở quán Xổm thơm và ngọt, miếng nào cũng đủ 3 phần, chút nạc, chút mỡ và cuối cùng là bì. Thời buổi chăn nuôi công nghiệp mà kiếm được thịt ngon thế đâu dễ. Hơn nữa thịt được sơ chế bằng nước sôi chứ không cạo sống nên ăn miếng bì không có lông, cứ giòn sật sật trong miệng. Mọc ở quán Xổm có vị thơm đặc trưng của nấm hương, chắc chắn phải loại ngon, pha chút nấm tươi thì mới có vị thơm ngậy, dai và ngọt thanh như thế.

Nếu đầu tư  ban đầu thuộc hàng thấp kỷ lục thì nhân lực phục vụ ở quán Xổm cũng ít nhất Việt Nam luôn, chỉ có hai vợ chồng. Bà chủ ngồi múc múc chan chan, còn chồng thì rảo chân thu tiền và dọn dẹp. Nhìn bà chủ chỉ thấy ngực và bụng. Mỗi bận chan nước chỉ lo rơi vú vào nồi nước dùng còn bụng thì đụng bếp than tổ ong. Ngược lại, anh chồng cao ráo, trắng trẻo đẹp trai như người mẫu, râu quai nón xanh rì, đúng chuẩn MEN, nếu so sánh thì chẳng biết nói thế nào.
Ảnh minh hoạ

Mình vừa húp vừa đảo mắt nhìn phát nữa xem có tìm nổi lời giải hay không thì đụng ngay hai quả vú của bà chủ trên nồi nước dùng. À đúng rồi! Có thể lắm chứ, nồi nước dùng kia chính là cái gạch nối giữa hai vợ chồng. Hèn chi mỗi bận vợ sai vợ giục, anh chồng cứ thoăn thoắt vớt cái bát chỗ này, thả cái khay gia vị chỗ kia nhưng vẻ mặt phảng phất nét gì đấy như hậm hực và miễn cưỡng, chẳng vui tí nào.

Cũng hay! Cuộc sống có bao thứ ràng buộc.    



  


   

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Đã OK chưa?



Gần đây chúng ta được chứng kiến nhiều bi hài liên quan đến các loại văn bản. Từ ngực lép đi xe máy cho tới xe biển chẵn đi ngày chẵn, lẻ đi ngày lẻ; cấm đốt mã ở nơi công cộng; thịt sống bán trong 8 giờ; tang lễ 7 vòng hoa; mẹ Việt Nam anh hùng thi đại học; trẻ em dưới 5 không được học trường quốc tế; chó, mèo cũng phải “chính chủ”.v.v. Nhiều lắm, không nhớ hết!

Hiện thực qua lăng kính của... văn bản


Những câu chuyện dở cười dở khóc về văn bản nói trên chưa nguôi ngoai thì tiếp tục xuất hiện cái văn bản 1042 với nội dung cấm quay phim chụp ảnh công an giao thông khi đang làm nhiệm vụ. Sự việc sôi sùng sục kể cả khi giới chức ngành công an đánh tiếng giải thích theo “chiều hướng ôn hoà”.

Mình thấy hình như các anh công an thường mắc bệnh nghề nghiệp, tức là nhìn đâu cũng thấy tội phạm, kẻ xấu.

Các anh chăm chăm vào mấy cái clip phê bình mà chóng quên. Này nhé! Đại úy Trần Ngọc Hoàng  (Cảnh sát giao thông Thanh Hóa)  mà không có đoạn phim minh oan do người dân quay thì đã bị giáng chức, thậm chí ngồi tù vì bắn người "vô tội" đấy ạ.

Văn bản 1042 làm mình nhớ một văn bản khác, của ngành giáo dục, cho phép thí sinh đem máy ghi âm ghi hình vào phòng thi.

Như vậy là công an thì cấm hoặc hạn chế người dân giám sát mình còn bộ học thì cho phép thí sinh thoải mái quay phim để canh chừng mấy ông thầy? Thật hết biết! Chả công bằng tí nào?!

Không biết số phận của văn bản 1042 ra sao nhưng đúng là đọc thấy khó hiểu, khó hiểu chẳng kém gì câu nói của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: “Trên tổng thể, giáo dục phổ thông vẫn không đủ đảm bảo cho chất lượng tối thiểu" để rồi sau đó Bộ trưởng lại phải giải thích: "Về tổng thể là báo chí đang hiểu lầm ý tôi".

Tất nhiên bộ trưởng nói vo nên ý tứ chưa chặt chẽ có thể cảm thông, nhưng văn bản ban hành mà khó hiểu thì hơi… khó chấp nhận.

Mình đọc chuyện trong blog của Mẹ Ổi, viết ở tận xứ hoa anh đào xa xôi. Mẹ Ổi kể khi còn ở Việt Nam, mỗi bận đem báo cáo trình sếp người Nhật thì sếp đều hỏi đã OK chưa,  OK thật chưa.

Giỏi giang thông minh như Mẹ Ổi mà cứ bị hỏi như thế thì kể cũng cú, tự ái nữa chứ. Song vài ba bận bị sếp trả lại báo cáo cùng bút phê thì thấy lão người Nhật này hỏi câu đó không hề thừa.

Giờ thì Mẹ Ổi đã cùng chồng sang Nhật làm việc. Và cũng ở đây Mẹ Ổi mới thôi phải nghe câu “đã OK chưa”, vì với nhân viên ở đây sếp không cần phải hỏi câu đó.

Kể chuyện Mẹ Ổi, mình muốn nói một điều rằng, người Việt nhìn chung xưa nay hay đại khái, dễ dãi, qua loa…cho nên nhiều sản phẩm sau khi hoàn thiện vẫn “hơi bị” ẩu, bất kỳ đó là sản phẩm gì, kể cả liên quan đến tính mạng như phiếu xét nghiệm máu ở Bệnh viện Hoài Đức hay chẩn đoán bé gái bị sưng bao quy đầu ở Viện Nhi Trung ương.

Hồi Hệ VOV2 có sếp mới, mình đánh cái dấu phẩy cách chữ phía trước đúng một gõ mà sếp cũng sửa. Bực bội à nha! Sau này chính bài mình viết ra mà chấm phẩy buông tuồng, phóng túng như thế mình cũng thấy ngứa mắt. He he.

Thôi, nói tóm lại là khi nào những cái lỗi như thế mà vẫn OK cho qua, chứ không phải “đã OK chưa” như người Nhật, thì để Việt Nam “sánh vai cùng các nước” có lẽ "hơi bị" lâu đấy!   





Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Khu biệt (có hình hẳn hoi)

Tìm ra những đặc điểm khu biệt chẳng phải chuyện chơi. Minh chứng rõ nhất là biển báo khu nam - nữ trong nhà vệ sinh (NVS) 



Ai cũng biết ngôn ngữ là hệ thống ký hiệu hoàn hảo nhất. Song, buồn thay,  nó lại không phát huy được sức mạnh với cái biển NVS. Vì sao? Đơn giản vì NVS có tính phổ biến toàn cầu trong khi ngôn ngữ lại bị giới hạn trong từng cộng đồng.

Người ta không thể đề: Nam - Nữ được ngộ nhỡ khách tây ba lô vào nhầm thì sao? Cũng chẳng thể viết Men /Gents– Women/Ladies được vì dân ta đâu rành ngoại ngữ. Chưa kể mấy anh nước lớn, coi ngôn ngữ dân tộc mình là nhất, chắc chẳng chịu chui qua cái tiếng Tây kia, thà tè ở gốc cây còn hơn?! 

Đến lúc này, biển báo ký hiệu có vẻ đắc dụng. Và thế là người ta vẽ người mặc váy, kẻ mặc quần. Nhưng biển báo này ở VN thì được chứ sang xứ Scôtlen dễ nhầm lắm. Chẳng đâu xa, mấy anh người Chăm, người Khmer quanh năm quấn sà-rông bị “lừa” như chơi.


Dường như thấy được điểm yếu này, người ta lại vẽ hình người phì phèo điếu thuốc. Tưởng thế là chắc ăn, nhưng ở xứ Tây – nơi bình đẳng bình quyền được đề cao, phụ nữ còn hút thuốc ác hơn cả đàn ông.




Những cái biển vẽ kẻ tóc ngắn người tóc dài là quá xưa rồi. Bây giờ chị em tóc còn ngắn hơn cả đàn ông. Có nơi sáng tạo: Anh em đứng nghiêm còn chị em thì dạng chân. Ký hiệu này cách điệu hơi nhiều, dáng không… đẹp, vả lại cũng không phản ánh đúng hiện thực. 

Để tăng tính khu biệt, loài người đã thông minh kết hợp nhiều yếu tố lại như vừa đội mũ phớt, vừa hút thuốc, kèm theo cây batoong cho chắc. Nhưng khổ nỗi nguyên tắc ký hiệu biển báo phải đơn giản, dễ hiểu, dễ nhận biết… Mấy bác già mắt kém mà nhìn cái biển này dễ vào lộn phòng quý cô.

Vừa rồi xem một cái biển toa let ở bên tây thấy đề: “Dành cho người đứng” (For those who stand) và “Dành cho người ngồi” (For those who sit). Các chú tây chắc mẩm: Xong! Chắc cú luôn. Nhưng xin thưa, mấy bà mấy chị nông dân ở đồng bằng Bắc Bộ nước ta giải quyết vụ này theo kiểu… đứng đấy ạ! Quần thâm đất ống rộng, chỉ cần vén lên là… xong, đừng có vội mơ!





Việc “nhỏ như con thỏ” này mà đau đầu ra phết. Ngôn ngữ bó tay, ký hiệu cũng không ổn, cực chẳng đã, có nơi còn chụp ảnh nguyên bộ đồ lót của chị em chăng ra cửa. Đối lập là chiếc quần sịp của quý ông. Tuy nhiên sự khác biệt của “bộ lòng mề” này đâu có nhiều? Nho nhã thanh lịch như người Hà Nội 1 mà nhòm thấy cái hình đó chắc phải kêu lên thô thiển, thô thiển. Chuyện thật như bịa chỉ có ở xứ trời tây, nơi mà chẳng có gì cần phải dấu giếm. Ấy là người ta liều lĩnh vẽ cái “ấy” của quý ông lên cửa, to “vật vã”, nói theo ngôn ngữ hiện nay là “hoành tráng”. Chắc chắn là không nhầm được rồi, nhưng vẽ thế thì chị em nào dám… “đi”, ngượng chết! Thẩm mỹ ở đâu? Người nặng lòng với bản sắc văn hoá dân tộc sẽ lắc đầu quầy quậy, không thể chấp nhận được.


Trên giời, có cái hành tinh chết mà người gọi Chị Hằng, kẻ bảo Ông Trăng.  Thôi thì xa xôi vời vợi như thế không nhìn ra giới tính đã đành, đằng này mỗi việc phân biệt nơi dành cho quý chị quý cô với quý ông sao mà khó!

Đấy! Tìm kiếm sự khu biệt, cho dù chỉ để định danh, tưởng dễ nhưng không hề. 

Từ thủa hồng hoang đến nay, sự tiến hoá của loài người là cái gì nếu không phải là những bước chân không mỏi mệt đi tìm kiếm sự khác biệt. Cái biển hiệu NVS tí ti vừa kể phải chăng là một ví dụ?   

Bướm?
Và chim? Có nơi nào gọi khác chim và bướm không nhỉ?


Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

WC liệt truyện


Thành thực xin lỗi nếu chuyện này có động chạm tới ai đó. Đừng giận. Tội nghiệp!

1. Mình có cái may là luôn được làm việc gần toa lét. Hồi mới vào Đài, Phòng Văn hoá – Đời sống bên 37 Bà Triệu, cũng sát cạnh WC, đến khi sang bên 41- 43, lúc ngồi viết cái này, cũng vẫn cạnh WC.

Mình nghĩ thế là may. Bởi mấy ông bác sỹ tiên lượng mình bị tiền liệt tuyến. Mà cũng chẳng cần đợi đến lúc đó, với tình trạng thực phẩm bẩn như hiện nay thì cứ gần WC là hơn.

Mọi người khi nghĩ tới toa lét thường có thái độ xem thường chứ thực ra đấy là nơi biết tỏng tòng tong mọi chuyện, kể cả thâm cung bí sử. Đừng đùa!

Nếu như cái bếp - đầu vào, được mọi người chăm chút, thì đầu ra-WC cũng có đầy đủ “thuộc tính”, vai trò và tầm quan trọng như vậy. Đừng đùa! Nó biết rõ sức khoẻ của bạn đấy, không dối được đâu. Chẳng những thế nó còn gián tiếp “nói” với chúng ta bao điều không thể nói.

Hồi còn ở Phòng Văn hoá-Đời sống bên 37, như đã kể, mình sống sát nách WC.  WC hồi đó dạng xổm, ít tiện nghi, lại sử dụng giấy báo cho nên “hơi bị”…mùi. Mình nhớ lao công hồi đó là bà Vẽ. Cứ mỗi lần ló đầu ra, dù buồn lắm, nhưng hễ thấy bà Vẽ là mọi người thụt vào, bấm bụng nhịn còn hơn chườm mặt ra để bà ấy chửi đổng.

Mồi bận dọn dẹp là bà Vẽ đá thúng đụng nia, tay múc nước dội ào ào, miệng la lối, nói quân phát xít, đồ phát xít… Phạm Trung Tuyến có bận  đen đủi, đang đi thì bà vào dọn. Tuyến còn mỗi nước đóng chặt cửa, kiên trì ngồi đọc báo. Bà Vẽ chửi mãi chán, rồi cũng chẳng đủ kiên nhẫn đành bỏ đi, lúc ấy Tuyến mới lò dò về phòng, người sặc mùi...thuốc lá.


Chẳng biết bà Vẽ thuộc diện con cháu ai ở đài mà người nào cũng khiếp, duy chỉ có một người không sợ. Đó là Phạm Mạnh Hùng. Nhớ bận bà Vẽ tay ào ào dội nước, mồm liên tục rủa quân phát xít, đồ phát xít thì Hùng xô cửa nhao ra. Thấy bà Vẽ nói với theo, hắn quay phắt lại, chỉ thẳng tay vào mặt bà, nói bà nói ai đấy. Bà Vẽ im re, mặt tái mét. Ngay từ lúc ấy mình đã thấy thằng cha này có tư chất lãnh đạo, tương lai tổng giám đốc Đài TNVN chứ chẳng chơi.

Nếu như bà Vẽ đại diện cho một thế hệ cũ thì khi sang toà nhà mới 41- 43, Đài thuê hẳn một đội ngũ lao công chuyên nghiệp, Hoàn Mỹ hẳn hoi.

Một dạo các cụ bên 58 di cư sang 41- 43 để 58 xây mới. Anh em phóng viên ngại đụng mặt các xếp ở chỗ nhạy cảm nên thường “đi” nhờ ở các WC khác. Mình cũng thế, và địa điểm gần nhất là tầng 3, toà nhà 45.  

Có bận vừa xong, xách quần chạy ra đụng ngay nhân viên dọn vệ sinh. Họ không nói mà lườm. Đợi mình đi khuất mới làu bàu gì đó, chắc là chửi. Khổ nhất là đận 41 sửa sang khu phụ, phải đi nhờ bên chỗ chị Trung. Phải đi qua khu vực xây dựng nên bẩn là điều đương nhiên, thế mà chị em lao công bên đó không thông cảm, còn đóng cửa ghi rõ “không đi lối này”. Tủi!



2. Mình đã nói WC là cái hàn thử biểu để cân đo đong đếm sức khoẻ mọi người và của cả đài nữa.

Hồi bác Huy Dung ngồi ở căn phòng (mà hiện tại mình đang ngồi đây) đã từng huy động tổng lực, chữa mấy lần không hết tiếng máy bơm ù ù như cối xay thóc và luôn kết thúc bằng tiếng đóng van uỳnh phát. Mình trẻ còn giật mình huống hồ bác Dung.

Đại tu xong, WC mới hơn, sạch hơn, nhưng thi thoảng lại ùng ục ùng ục nghe như nước sắp từ tự hoại phụt lên cao hàng mét. Có người đang đi dở vội ôm quần nhổm đít đứng phắt dậy. Ơn trời, hú vía!  Mới chỉ ùng ục thôi, chưa phụt.   

Mình ngồi ở chỗ này, với thói quen không đóng cửa nên biết rõ đại tràng và “nồi gang” của từng người trong hệ. Hơn thế, mấy hôm nay có đứa cứ ra vào ậm oẹ suốt. Nghén! Lại chuẩn bị mất một nhân lực, tính toán nhân sự đi là vừa. Đấy! Làm tổ chức nên ngồi gần toa lét, he he.

Dạo này phong trào rượu của hệ 2 đi xuống thảm hại. Ngồi ngóng mãi mà chưa thấy thằng nào “huệ”. Chẳng bù thời vàng son của Nhật Minh. Hắn đi  uống về lao vào WC để “huệ”, “huệ” xong nghếch đầu lên bệt ngủ ngon lành, ngáy như sấm. Mình vào nghe “kéo gỗ” đoán chỉ có ông Minh, hé cửa ra y như rằng.  Đúng lúc mình quay ra để gọi mấy thằng khoe khoẻ vào hỗ trợ thì xếp Hiền đi vào. Sau đó Thái Hùng (lúc đó là thư ký) vinh dự được phái vào kiểm tra. Kể từ đó tiếng tăm Nhật Minh nổi như cồn. Chẳng biết bác Hiền có rỉ tai với bác Tiến không mà lần đầu tiên gặp Nhật Minh, bác Tiến vồn vã nhao ra bắt tay, lắc lắc, nói Nhật Minh phải không? Nể!

3. Mình làm phát thanh nên đặc biệt quan tâm tiếng động. Mọi tiếng động phát ra từ WC đều rất đặc trưng. Định kể nhưng sợ mọi người bảo dung tục, thô thiển, nên thôi, chỉ nói tiếng bước chân.

Nói không ngoa mình nhắm mắt biết ai trong Hệ đi vào toa lét. Có người đi vào chào hỏi cẩn thận y như gặp nhau ngoài đường; có kẻ vừa đi vừa hát; có bước chân kéo dài lê thê; có bước chân lướt nhẹ như đi trên mây…

Đặc trưng nhất phải kể Mẹ Minh Tâm. Mẹ này đi dép xốp không quai hậu, người một mẩu, bước chân ngắn nên tiếng dép bật vào gót cà-tạch, cà - tạch, cà - tạch… nghe vội vã như chạy. Có bận mình vô tình ngẩng lên đã thấy mẹ này luồn tay cởi cúc. Chỉ đi chậm chút có khi quần rơi trước khi vào “bãi đáp”. Tối ưu hoá thời gian đến thế là cùng!

(Thôi, mọi người lại lấy phòng học hát rồi, khi khác viết tiếp.)




 


   

  

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Lan man chuyện “người rừng” .



Cả tuần nay nghĩ vẩn vơ về hai bố con người Cor, Hồ Văn Thanh (81 tuổi) và Hồ Văn Lang (41 tuổi) ở Trà Bồng, Quảng Ngãi, được người dân đưa về bản sau 40 năm sống cảnh người rừng.

Gọi “người rừng” kể cũng hơi quá bởi dân bản đã vài lần đem vật dụng, thực phẩm tiếp tế, thuyết phục hai cha con về nhưng họ quyết không nghe.

Bởi thế, sự “chăm bẵm” của cộng đồng cùng cuộc sống hiện đại liệu có đem đến sự hài lòng cho cha con ông? Câu trả lời không đơn giản. Xin kể vài mẩu chuyện tham khảo.

Hồi còn thường trú ở Sơn La, trong một vài chuyến công tác tôi cũng nghe dân bản kể những trường hợp bỏ bản vào rừng sâu, dân bản địa cũng gọi là người rừng. Lý do để họ rời xa cộng đồng cũng rất mơ hồ.

Cuối những năm 90, tỉnh Sơn La đã cho xây dựng ở Huổi Hin, Chiềng Ngần (cách thị xã chừng 5 cây) nhà cửa, nương dâu rất thơ mộng để mời bà con người Mông trên núi cao Co Mạ (Thuận Châu) về lập nghiệp. Nơi ở mới thấp hơn, gần đường gần chợ hơn, thế nhưng chẳng hiểu sao một thời gian sau nhiều người lặng lẽ trở lại với rừng.

Mới đây đồng nghiệp của tôi có bài rất thú vị trên VOV.VN về người Amish ở Hoa Kỳ. Họ chối bỏ văn minh ngay giữa lòng nước Mỹ. Nghe đâu chỉ thắp sáng bằng đèn dầu, đi xe ngựa và sử dụng nước giếng khơi.

Chuyện con người rời xa cuộc sống hiện đại chẳng có gì lạ. Có thể sống riêng biệt thành một khu như người Amish hoặc thoát li trần tục như bạn tôi tên Tú, sát cạnh nhà. Tú từng có những công việc ổn định, thu nhập cao như làm ở sân bay Nội Bài, ở Bộ Ngoại giao, từng làm việc ở sứ quán một vài nước trong khu vực…, thế mà đùng cái bỏ vợ con, bỏ cả mảnh đất trị giá nhiều tỷ đi tu. Bây giờ lên Sóc Sơn, hỏi khu hành thiền của Sư Tâm Pháp nhiều người biết.

Có nhiều lý do để con người chối bỏ xã hội văn minh. Với người Amish ở Mỹ, người Mông ở Sơn La, do tập quán, truyền thống; với hai cha con người Cor ở Quảng Ngãi có thể do sự tàn khốc của chiến tranh. Cho tới khi không còn bom rơi đạn lạc, dân bản vào thuyết phục trở về thì họ vẫn kiên quyết chối từ  vì ám ảnh đau thương từ cuộc chiến.

Chuyện bố con người rừng tạm dừng lại ở đó. Thế nhưng biết đâu họ muốn lẩn tránh cuộc sống văn minh vì họ quá từng trải, quá hiểu những rắc rối, những hệ luỵ do xã hội văn minh gây nên thì sao.

Trong phim “Thượng đế cũng phải cười”, chỉ vì một lon Co-ca-co-la, một vật tượng trưng cho thế giới văn minh, từ máy bay rơi xuống một bộ lạc hẻo lánh giữa sa mạc đã làm cho cộng đồng nơi đó điêu đứng, bất ổn và chịu nhiều tai ương.

Bộ đội biên phòng kể, dù đã có nơi ở mới khang trang, nhưng người Rục ở Quảng Bình thỉnh thoảng vẫn vào rừng sống vài hôm trong hang đá. Nhiều người cho rằng đó là bản năng, tập tính trỗi dậy, nhưng tôi nghĩ đơn giản là núi rừng đã nuôi sống và che chở họ, vì thế đâu dễ quên. Trong thẳm sâu suy nghĩ của họ, chung sống hài hoà cùng thiên nhiên là cách sống hợp lý và an toàn nhất. Hai bố con ông Thanh rồi đây chắc chắn phải đánh vật với cuộc sống văn minh chứ cũng chẳng dễ dàng gì.

Con người luôn hướng tới văn minh, không thể chối bỏ văn minh, nhưng nếu để nó can thiệp thô bạo và thiếu kiểm soát thì cũng sinh phiền, thậm chí hoạ. Cuộc sống văn minh cho chúng ta nhiều thứ, nhưng chẳng cho không. Cái giá phải trả đâu có rẻ.


Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Hoài nghi cả thầy thuốc?


Sau khi báo Dân trí phát giác việc bán xăng điêu, phải thừa nhận tôi đã không giấu diếm sự hoài nghi mỗi lần mua xăng bằng cách chăm chú quan sát đồng hồ, mặc kệ sự khó chịu của người bán.

Liệu có ngờ vực vô căn cứ? Tôi đã cố gắng suy nghĩ một cách tích cực và lạc quan rằng cái xấu, người xấu ở đâu cũng có, nó ít hơn điều thiện và người tốt. Thế nhưng chẳng hiểu sao tâm trạng ngờ vực, tâm lý cảnh giác cứ lấn át những gì tốt đẹp mình mong muốn, mình hy vọng.

Trong khu vực dịch vụ, dân ta, đặc biệt người miền Bắc, vốn quen chịu đựng sự hống hách, kiêu ngạo của nhân viên cửa hàng lương thực-thực phẩm thời bao cấp nên họ phải che giấu sự bực bội để miễn cưỡng tỏ thái độ “kính trọng” pha chút nể vì, và dĩ nhiên chẳng mấy tin cậy những người này. Do đó chuyện người bán xăng gian dối cũng không có gì quá bất ngờ, lạ lẫm. Nó chỉ giúp ai đó nhớ lại sự điêu chác đầy quyền lực ở nhiều cửa hàng bách hoá thời xưa.

Thế nhưng trong giáo dục và y tế, hai bông hoa đẹp tượng trưng cho sự ưu việt của chế độ mà tuột dốc không phanh thì dư luận thấy sốc thực sự.

Chuyện giáo dục nói nhiều rồi, tôi muốn đề cập mấy sự kiện động trời trong ngành y xảy ra liên tiếp mấy ngày qua.

Đấy là 3 cháu bé chết sau khi tiêm vác-xin, là trẻ sơ sinh ở Quảng Nam bác sỹ bảo chết nhưng vẫn sống, là câu chuyện mất nhân tính ở Bệnh viện Hoài Đức khi “nhân bản” kết quả xét nghiệm.


                                               Hai phiếu xét nghiệm kết quả giống hệt nhau.

Trong cuộc sống, có mặt hàng người mua không mặc cả, đó là thuốc chữa bệnh. Bình thường người bán nói sao mua vậy. Có nghĩa là người mua đặt lòng tin vào thương hiệu sản phẩm và uy tín của nhà thuốc.

Trong cuộc sống có những điều mà người nghe phục tùng và tin cậy, đó là lời bác sỹ nói với bệnh nhân. Đây có lẽ là nơi duy nhất mà người ta không thể áp dụng lối suy nghĩ có tính phê phán, vì thế không được phép hoài nghi.

Thế nhưng liệu rằng mọi lẽ thông thường như thế có bị đổi thay sau những sự việc nêu trên?


Dẫu đã rất rạch ròi và cảm thông khi “hai bông hoa đẹp” đang từ bao cấp- miễn phí dò dẫm bước sang lãnh địa của “thị trường” nhưng sự mai một  niềm tin ở đây là có thực. Người thầy (thầy giáo, thầy thuốc) liệu vẫn còn là biểu tượng cho sự nhân hậu, mực thước và mô phạm?  

Trong quan hệ bang giao chúng ta kêu gọi phải xây dựng lòng tin chiến lược để ổn định và hợp tác lâu dài. Vậy mà với quan hệ gần gũi hơn, trong cùng một cộng đồng, giữa con người với con người, lòng tin lại cứ  ngày càng xa.

Như mọi người, tôi đang nghe ngóng những động thái từ ngành y tế. Nhưng xin đừng nói lại câu cửa miệng “Con sâu làm rầu nồi canh” để lý giải cho những trường hợp này. Vì nó chỉ như một thứ thuốc an thần, sặc mùi AQ; vì nó quá nhàm, quá sáo. Phải đặt vấn đề rằng ở một số khu vực chúng ta không được phép để lọt bất kỳ “con sâu” nào.

Mấy bữa trước phóng viên hỏi chị Bộ trưởng Bộ Y tế về bệnh viện thì chị nói đi hỏi Nhà nước, nhưng với những sự việc như trên thì đích thân chị phải giải trình thôi./.   

                   



Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Giáo dục đang nói dối quanh.



Trao đổi với đồng nghiệp tôi nói phần đông thầy giáo cô giáo thích yên ổn, không muốn gây khó chịu cho ai, nên nhiều khi điều họ nghĩ và cái họ nói ra là rất khác nhau. Có thầy khi ngồi bàn nước nói hay ơi là hay, lúc vào phòng thu thì như đọc báo cáo.

Con gái tôi năm nay vào lớp 1. Hôm rồi họp cô bảo nhà trường kiên quyết nói không với dạy trước chương trình. Nhưng ở nhà phụ huynh phải dạy các con viết hết các chữ trong bảng chữ cái. Cô đe: “Cháu nào mà chưa biết viết thành thạo thì vào năm học rất vất vả vì chương trình rất nặng”

Con khướu.

Nói thế thì bố mẹ nào không lo, thôi, tốt nhất là còn hơn tháng nữa mới vào năm học thì gởi con cô kèm cho an tâm.

Chẳng dám trách cô. Chuyện kiếm thêm thu nhập thời bão giá cũng cần thông cảm. Mặt khác, nếu đúng chương trình nặng thì cũng phải chuẩn bị chứ?

Mấy hôm nay người ta ầm ĩ chuyện bỏ thi tốt nghiệp. Chuyện chẳng mới nhưng dư luận quá phiền lòng nên hễ cứ thấy nổi lên chuyện gì liên quan tới giáo dục là thể nào cũng lao vào hiến kế.

Bỏ thi hay không chẳng giải quyết cái gì cả. Một thầy giáo THCS tâm sự với tôi nhiều khi ông thấy xấu hổ. Ông nói nếu nhà trường cho phép, ông sẽ làm hai sổ học bạ, hai bảng điểm. Một để nộp lên trên, còn lại cho phụ huynh và học sinh.

Tôi ngạc nhiên hỏi sao, thầy nói còn sao nữa, giáo viên cần thành tích để kéo trò về với mình; trường cũng thế, cũng muốn đông học sinh để tăng kinh phí; quan chức địa phương cũng muốn trường có thành tích để còn báo cáo với trên. Mà trường có tỷ lệ lên lớp cao, nhiều học sinh giỏi, nhiều giáo viên giỏi thì trên mới để mắt đầu tư, nhà trường xin xỏ cái gì cũng dễ .v.v.

Đợi thầy hết bức xúc, tôi nói nhưng phụ huynh không cần thành tích, phụ huynh muốn biết con học thực thế nào. Thầy bảo chính vì thế mới cần hai sổ điểm, nhưng cũng chỉ là để ngầm biết với nhau thôi. Còn cái điểm giả kia mới là thật. Bản thân phụ huynh cũng có người thích điểm giả đấy. Bây giờ tôi hỏi anh, nếu là học sinh giỏi, con anh được cộng điểm vào cấp III hoặc tốt nghiệp, anh có thích không? Anh có chấp nhận một học sinh thực học kém hơn con anh đỗ cấp III, vì được cộng điểm, còn con anh trượt không?
  
Thấy tôi đứng đực ra, thầy nói tiếp, tóm lại là đang dối quanh, biết thừa là đang dối nhau mà vẫn cứ lờ tịt đi. Học sinh yếu thì kiên nhẫn tổ chức kiểm tra, đạt mới thôi. Làm thế bảo sao  đâu cũng thấy giỏi với khá.

Giáo dục của ta nóng vội không được. Chính vì nóng vội nên đợt cải cách vừa qua, ở một vài khu vực có tình trạng quá tả, đi từ thái cực này sang thái cực khác mà chẳng thèm biết lý luận ở đâu, thực tiễn thế nào. Việc này lại diễn ra vào đúng lúc cơ chế thị trường đang phôi thai nên ối kẻ đục nước béo cò. Và cho tới hôm nay, họ vẫn nghe ngóng để té nước theo mưa, rên rẩm lên, ra cái vẻ sốt sắng cho tương lai dân tộc, kỳ thực đang nhắm tới một món béo bở nào đó sắp rơi vào hầu bao.   
   
Giáo dục là một bộ phận của xã hội, chịu sự chi phối rất lớn của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Đừng hy vọng một cây đũa thần, sáng mở mắt ra thấy ngay thiên đường giáo dục. Chẳng có đâu. Nhưng cứ ngồi ì ra đấy, thấy dư luận kêu cái lại hoắng huýt lên thì cũng chẳng thể có một nền giáo dục cho ra hồn.






    

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Chuyện người già 9



Kính thưa các cụ xa gần, thời gian qua, nghe chuyên mục “Chuyện người già” trên Đài TNVN, quả thực tôi thấy rất hấp dẫn.  Đây là nơi người già chúng ta trò chuyện và giãi bày cùng nhau.

Tuy nhiên, tôi mới chỉ thấy các cụ ông gửi bài và có ý kiến chia sẻ với chương trình, còn chưa thấy nhiều các cụ bà. Chính vì thế hôm nay tôi mạnh dạn viết vài dòng tâm tư.

Tôi năm nay 55 tuổi, chồng tôi hơn tôi 5 tuổi. Hiện hai vợ chồng đã về hưu và sống với nhau. Các con cái tôi đi làm ăn xa, thi thoảng mới về thăm bố mẹ ông bà.

Ở cái tuổi 60 nhưng chồng tôi vẫn còn mạnh mẽ và khoẻ khoắn lạ thường. Trong khi đó tôi lại ốm đau bệnh tật luôn. Chả giấu gì các cụ, tôi bị ung thư vú, đã cắt cả hai bên. Các bác sỹ cũng chẳng dám chắc cuộc sống của tôi kéo dài được bao lâu.

Lại nói về sinh hoạt hai vợ chồng già. Xưa nay tôi và chồng tôi rất yêu thương và tôn trọng nhau. Đến giờ này, khi tôi bệnh tật nhưng chồng tôi vẫn chăm sóc tôi chu đáo tới mức không thể phàn nàn bất cứ điều gì.

Ngược lại trong chuyện chăn gối, tôi lại không thể đáp ứng nhu cầu của ông ấy. Những lúc như thế, chồng tôi vẫn gượng cười, nói không sao không sao, tôi biết bà mệt, bà cứ ngủ đi.


Thưa các cụ xa gần, làm sao tôi có thể ngủ được khi thấy chồng cứ trằn trọc hết xoay bên này lại xoay bên nọ, cuối cùng sợ tôi mất ngủ, ông ấy đem nghế ra ban công ngồi hút thuốc. Nói thực, sống với nhau gần hết đời người, những nhu cầu về thể xác như thế làm sao tôi không biết, không hiểu, nhưng tôi bất lực không làm sao đáp ứng được.

Bệnh tật của tôi như thế này thì cũng chẳng biết ông trời gọi đi lúc nào. Tôi nghĩ, sống với nhau chẳng còn được mấy ngày, lẽ nào lại đi gây khổ sở cho nhau?

Đã nhiều lần tôi định khuyên ông ấy cứ tìm một bà nào đó không có chồng hoặc chồng mất, để thoả mãn nhu cầu sinh lý, miễn là kín đáo và bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, nhưng nghĩ thế nào lại thôi.

Nếu nói ra điều ấy thể nào ông nhà tôi cũng gạt phắt đi cho mà xem, nhưng làm thế tôi cảm thấy nhẹ lòng. Bởi dù sao tôi cũng đã bật đèn xanh cho chồng tôi rồi. Nếu ông ấy có ý định thoả mãn nhu cầu rất con người ấy thì cũng không cảm thấy áy náy nữa. Tôi mới có suy nghĩ như vậy thôi, chưa quyết định gì cả.

Tôi viết những chuyện rất riêng tư mong có được sự đồng cảm của cả cụ ông và cụ bà, đặc biệt là các cụ ông, vì các cụ là người đồng giới, hiểu tâm lý của nhau. Nếu câu chuyện riêng tư này làm phiền các cụ thì mong các cụ thứ lỗi cho. Cảm ơn các cụ xa gần.