Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Khu biệt (có hình hẳn hoi)

Tìm ra những đặc điểm khu biệt chẳng phải chuyện chơi. Minh chứng rõ nhất là biển báo khu nam - nữ trong nhà vệ sinh (NVS) 



Ai cũng biết ngôn ngữ là hệ thống ký hiệu hoàn hảo nhất. Song, buồn thay,  nó lại không phát huy được sức mạnh với cái biển NVS. Vì sao? Đơn giản vì NVS có tính phổ biến toàn cầu trong khi ngôn ngữ lại bị giới hạn trong từng cộng đồng.

Người ta không thể đề: Nam - Nữ được ngộ nhỡ khách tây ba lô vào nhầm thì sao? Cũng chẳng thể viết Men /Gents– Women/Ladies được vì dân ta đâu rành ngoại ngữ. Chưa kể mấy anh nước lớn, coi ngôn ngữ dân tộc mình là nhất, chắc chẳng chịu chui qua cái tiếng Tây kia, thà tè ở gốc cây còn hơn?! 

Đến lúc này, biển báo ký hiệu có vẻ đắc dụng. Và thế là người ta vẽ người mặc váy, kẻ mặc quần. Nhưng biển báo này ở VN thì được chứ sang xứ Scôtlen dễ nhầm lắm. Chẳng đâu xa, mấy anh người Chăm, người Khmer quanh năm quấn sà-rông bị “lừa” như chơi.


Dường như thấy được điểm yếu này, người ta lại vẽ hình người phì phèo điếu thuốc. Tưởng thế là chắc ăn, nhưng ở xứ Tây – nơi bình đẳng bình quyền được đề cao, phụ nữ còn hút thuốc ác hơn cả đàn ông.




Những cái biển vẽ kẻ tóc ngắn người tóc dài là quá xưa rồi. Bây giờ chị em tóc còn ngắn hơn cả đàn ông. Có nơi sáng tạo: Anh em đứng nghiêm còn chị em thì dạng chân. Ký hiệu này cách điệu hơi nhiều, dáng không… đẹp, vả lại cũng không phản ánh đúng hiện thực. 

Để tăng tính khu biệt, loài người đã thông minh kết hợp nhiều yếu tố lại như vừa đội mũ phớt, vừa hút thuốc, kèm theo cây batoong cho chắc. Nhưng khổ nỗi nguyên tắc ký hiệu biển báo phải đơn giản, dễ hiểu, dễ nhận biết… Mấy bác già mắt kém mà nhìn cái biển này dễ vào lộn phòng quý cô.

Vừa rồi xem một cái biển toa let ở bên tây thấy đề: “Dành cho người đứng” (For those who stand) và “Dành cho người ngồi” (For those who sit). Các chú tây chắc mẩm: Xong! Chắc cú luôn. Nhưng xin thưa, mấy bà mấy chị nông dân ở đồng bằng Bắc Bộ nước ta giải quyết vụ này theo kiểu… đứng đấy ạ! Quần thâm đất ống rộng, chỉ cần vén lên là… xong, đừng có vội mơ!





Việc “nhỏ như con thỏ” này mà đau đầu ra phết. Ngôn ngữ bó tay, ký hiệu cũng không ổn, cực chẳng đã, có nơi còn chụp ảnh nguyên bộ đồ lót của chị em chăng ra cửa. Đối lập là chiếc quần sịp của quý ông. Tuy nhiên sự khác biệt của “bộ lòng mề” này đâu có nhiều? Nho nhã thanh lịch như người Hà Nội 1 mà nhòm thấy cái hình đó chắc phải kêu lên thô thiển, thô thiển. Chuyện thật như bịa chỉ có ở xứ trời tây, nơi mà chẳng có gì cần phải dấu giếm. Ấy là người ta liều lĩnh vẽ cái “ấy” của quý ông lên cửa, to “vật vã”, nói theo ngôn ngữ hiện nay là “hoành tráng”. Chắc chắn là không nhầm được rồi, nhưng vẽ thế thì chị em nào dám… “đi”, ngượng chết! Thẩm mỹ ở đâu? Người nặng lòng với bản sắc văn hoá dân tộc sẽ lắc đầu quầy quậy, không thể chấp nhận được.


Trên giời, có cái hành tinh chết mà người gọi Chị Hằng, kẻ bảo Ông Trăng.  Thôi thì xa xôi vời vợi như thế không nhìn ra giới tính đã đành, đằng này mỗi việc phân biệt nơi dành cho quý chị quý cô với quý ông sao mà khó!

Đấy! Tìm kiếm sự khu biệt, cho dù chỉ để định danh, tưởng dễ nhưng không hề. 

Từ thủa hồng hoang đến nay, sự tiến hoá của loài người là cái gì nếu không phải là những bước chân không mỏi mệt đi tìm kiếm sự khác biệt. Cái biển hiệu NVS tí ti vừa kể phải chăng là một ví dụ?   

Bướm?
Và chim? Có nơi nào gọi khác chim và bướm không nhỉ?


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ