Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Lan man chuyện “người rừng” .



Cả tuần nay nghĩ vẩn vơ về hai bố con người Cor, Hồ Văn Thanh (81 tuổi) và Hồ Văn Lang (41 tuổi) ở Trà Bồng, Quảng Ngãi, được người dân đưa về bản sau 40 năm sống cảnh người rừng.

Gọi “người rừng” kể cũng hơi quá bởi dân bản đã vài lần đem vật dụng, thực phẩm tiếp tế, thuyết phục hai cha con về nhưng họ quyết không nghe.

Bởi thế, sự “chăm bẵm” của cộng đồng cùng cuộc sống hiện đại liệu có đem đến sự hài lòng cho cha con ông? Câu trả lời không đơn giản. Xin kể vài mẩu chuyện tham khảo.

Hồi còn thường trú ở Sơn La, trong một vài chuyến công tác tôi cũng nghe dân bản kể những trường hợp bỏ bản vào rừng sâu, dân bản địa cũng gọi là người rừng. Lý do để họ rời xa cộng đồng cũng rất mơ hồ.

Cuối những năm 90, tỉnh Sơn La đã cho xây dựng ở Huổi Hin, Chiềng Ngần (cách thị xã chừng 5 cây) nhà cửa, nương dâu rất thơ mộng để mời bà con người Mông trên núi cao Co Mạ (Thuận Châu) về lập nghiệp. Nơi ở mới thấp hơn, gần đường gần chợ hơn, thế nhưng chẳng hiểu sao một thời gian sau nhiều người lặng lẽ trở lại với rừng.

Mới đây đồng nghiệp của tôi có bài rất thú vị trên VOV.VN về người Amish ở Hoa Kỳ. Họ chối bỏ văn minh ngay giữa lòng nước Mỹ. Nghe đâu chỉ thắp sáng bằng đèn dầu, đi xe ngựa và sử dụng nước giếng khơi.

Chuyện con người rời xa cuộc sống hiện đại chẳng có gì lạ. Có thể sống riêng biệt thành một khu như người Amish hoặc thoát li trần tục như bạn tôi tên Tú, sát cạnh nhà. Tú từng có những công việc ổn định, thu nhập cao như làm ở sân bay Nội Bài, ở Bộ Ngoại giao, từng làm việc ở sứ quán một vài nước trong khu vực…, thế mà đùng cái bỏ vợ con, bỏ cả mảnh đất trị giá nhiều tỷ đi tu. Bây giờ lên Sóc Sơn, hỏi khu hành thiền của Sư Tâm Pháp nhiều người biết.

Có nhiều lý do để con người chối bỏ xã hội văn minh. Với người Amish ở Mỹ, người Mông ở Sơn La, do tập quán, truyền thống; với hai cha con người Cor ở Quảng Ngãi có thể do sự tàn khốc của chiến tranh. Cho tới khi không còn bom rơi đạn lạc, dân bản vào thuyết phục trở về thì họ vẫn kiên quyết chối từ  vì ám ảnh đau thương từ cuộc chiến.

Chuyện bố con người rừng tạm dừng lại ở đó. Thế nhưng biết đâu họ muốn lẩn tránh cuộc sống văn minh vì họ quá từng trải, quá hiểu những rắc rối, những hệ luỵ do xã hội văn minh gây nên thì sao.

Trong phim “Thượng đế cũng phải cười”, chỉ vì một lon Co-ca-co-la, một vật tượng trưng cho thế giới văn minh, từ máy bay rơi xuống một bộ lạc hẻo lánh giữa sa mạc đã làm cho cộng đồng nơi đó điêu đứng, bất ổn và chịu nhiều tai ương.

Bộ đội biên phòng kể, dù đã có nơi ở mới khang trang, nhưng người Rục ở Quảng Bình thỉnh thoảng vẫn vào rừng sống vài hôm trong hang đá. Nhiều người cho rằng đó là bản năng, tập tính trỗi dậy, nhưng tôi nghĩ đơn giản là núi rừng đã nuôi sống và che chở họ, vì thế đâu dễ quên. Trong thẳm sâu suy nghĩ của họ, chung sống hài hoà cùng thiên nhiên là cách sống hợp lý và an toàn nhất. Hai bố con ông Thanh rồi đây chắc chắn phải đánh vật với cuộc sống văn minh chứ cũng chẳng dễ dàng gì.

Con người luôn hướng tới văn minh, không thể chối bỏ văn minh, nhưng nếu để nó can thiệp thô bạo và thiếu kiểm soát thì cũng sinh phiền, thậm chí hoạ. Cuộc sống văn minh cho chúng ta nhiều thứ, nhưng chẳng cho không. Cái giá phải trả đâu có rẻ.


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ