Đã OK chưa?
Gần đây chúng ta được chứng kiến
nhiều bi hài liên quan đến các loại văn bản. Từ ngực lép đi xe máy cho tới xe
biển chẵn đi ngày chẵn, lẻ đi ngày lẻ; cấm đốt mã ở nơi công cộng; thịt sống bán trong 8 giờ; tang lễ 7 vòng hoa; mẹ Việt Nam anh hùng thi đại học;
trẻ em dưới 5 không được học trường quốc tế; chó, mèo cũng phải “chính chủ”.v.v. Nhiều lắm, không nhớ hết!
Hiện thực qua lăng kính của... văn bản
Những câu chuyện dở cười dở khóc
về văn bản nói trên chưa nguôi ngoai thì tiếp tục xuất hiện cái văn bản 1042
với nội dung cấm quay phim chụp ảnh công an giao thông khi đang làm nhiệm vụ. Sự
việc sôi sùng sục kể cả khi giới chức ngành công an đánh tiếng giải thích theo
“chiều hướng ôn hoà”.
Mình thấy hình như các anh công
an thường mắc bệnh nghề nghiệp, tức là nhìn đâu cũng thấy tội phạm, kẻ xấu.
Các anh chăm chăm vào mấy cái
clip phê bình mà chóng quên. Này
nhé! Đại úy Trần Ngọc Hoàng (Cảnh sát
giao thông Thanh Hóa) mà không có
đoạn phim minh oan do người dân quay thì đã bị giáng chức, thậm chí ngồi tù vì bắn người "vô tội" đấy ạ.
Văn bản 1042 làm mình nhớ một văn
bản khác, của ngành giáo dục, cho phép thí sinh đem máy ghi âm ghi hình vào phòng
thi.
Như vậy là công an thì cấm hoặc
hạn chế người dân giám sát mình còn bộ học thì cho phép thí sinh
thoải mái quay phim để canh chừng mấy ông thầy? Thật hết biết! Chả công bằng tí
nào?!
Không biết số phận của văn bản
1042 ra sao nhưng đúng là đọc thấy khó hiểu, khó hiểu chẳng kém gì câu nói của
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: “Trên tổng thể, giáo dục phổ thông vẫn không đủ đảm bảo
cho chất lượng tối thiểu" để rồi sau đó Bộ trưởng lại phải giải thích: "Về
tổng thể là báo chí đang hiểu lầm ý tôi".
Tất nhiên bộ trưởng nói vo nên ý
tứ chưa chặt chẽ có thể cảm thông, nhưng văn bản ban hành mà khó hiểu thì
hơi… khó chấp nhận.
Mình đọc chuyện trong blog của Mẹ Ổi, viết ở
tận xứ hoa anh đào xa xôi. Mẹ Ổi kể khi còn ở Việt Nam, mỗi bận đem báo cáo
trình sếp người Nhật thì sếp đều hỏi đã OK chưa, OK thật chưa.
Giỏi giang thông minh như Mẹ Ổi
mà cứ bị hỏi như thế thì kể cũng cú, tự ái nữa chứ. Song vài ba bận bị sếp
trả lại báo cáo cùng bút phê thì thấy lão người Nhật này hỏi câu đó không hề
thừa.
Giờ thì Mẹ Ổi đã cùng chồng sang
Nhật làm việc. Và cũng ở đây Mẹ Ổi mới thôi phải nghe câu “đã OK chưa”, vì
với nhân viên ở đây sếp không cần phải hỏi câu đó.
Kể chuyện Mẹ Ổi, mình muốn nói
một điều rằng, người Việt nhìn chung xưa nay hay đại khái, dễ dãi, qua
loa…cho nên nhiều sản phẩm sau khi hoàn thiện vẫn “hơi bị” ẩu, bất kỳ đó là sản
phẩm gì, kể cả liên quan đến tính mạng như phiếu xét nghiệm máu ở Bệnh viện
Hoài Đức hay chẩn đoán bé gái bị sưng bao quy đầu ở Viện Nhi Trung ương.
Hồi Hệ VOV2 có sếp mới, mình đánh
cái dấu phẩy cách chữ phía trước đúng một gõ mà sếp cũng sửa. Bực bội à nha! Sau này chính bài mình viết ra mà
chấm phẩy buông tuồng, phóng túng như thế mình cũng thấy ngứa mắt. He he.
Thôi, nói tóm lại là khi nào
những cái lỗi như thế mà vẫn OK cho qua, chứ không phải “đã OK chưa” như người
Nhật, thì để Việt Nam “sánh vai cùng các nước” có lẽ "hơi bị" lâu đấy!
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ