Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Giáo dục đang nói dối quanh.



Trao đổi với đồng nghiệp tôi nói phần đông thầy giáo cô giáo thích yên ổn, không muốn gây khó chịu cho ai, nên nhiều khi điều họ nghĩ và cái họ nói ra là rất khác nhau. Có thầy khi ngồi bàn nước nói hay ơi là hay, lúc vào phòng thu thì như đọc báo cáo.

Con gái tôi năm nay vào lớp 1. Hôm rồi họp cô bảo nhà trường kiên quyết nói không với dạy trước chương trình. Nhưng ở nhà phụ huynh phải dạy các con viết hết các chữ trong bảng chữ cái. Cô đe: “Cháu nào mà chưa biết viết thành thạo thì vào năm học rất vất vả vì chương trình rất nặng”

Con khướu.

Nói thế thì bố mẹ nào không lo, thôi, tốt nhất là còn hơn tháng nữa mới vào năm học thì gởi con cô kèm cho an tâm.

Chẳng dám trách cô. Chuyện kiếm thêm thu nhập thời bão giá cũng cần thông cảm. Mặt khác, nếu đúng chương trình nặng thì cũng phải chuẩn bị chứ?

Mấy hôm nay người ta ầm ĩ chuyện bỏ thi tốt nghiệp. Chuyện chẳng mới nhưng dư luận quá phiền lòng nên hễ cứ thấy nổi lên chuyện gì liên quan tới giáo dục là thể nào cũng lao vào hiến kế.

Bỏ thi hay không chẳng giải quyết cái gì cả. Một thầy giáo THCS tâm sự với tôi nhiều khi ông thấy xấu hổ. Ông nói nếu nhà trường cho phép, ông sẽ làm hai sổ học bạ, hai bảng điểm. Một để nộp lên trên, còn lại cho phụ huynh và học sinh.

Tôi ngạc nhiên hỏi sao, thầy nói còn sao nữa, giáo viên cần thành tích để kéo trò về với mình; trường cũng thế, cũng muốn đông học sinh để tăng kinh phí; quan chức địa phương cũng muốn trường có thành tích để còn báo cáo với trên. Mà trường có tỷ lệ lên lớp cao, nhiều học sinh giỏi, nhiều giáo viên giỏi thì trên mới để mắt đầu tư, nhà trường xin xỏ cái gì cũng dễ .v.v.

Đợi thầy hết bức xúc, tôi nói nhưng phụ huynh không cần thành tích, phụ huynh muốn biết con học thực thế nào. Thầy bảo chính vì thế mới cần hai sổ điểm, nhưng cũng chỉ là để ngầm biết với nhau thôi. Còn cái điểm giả kia mới là thật. Bản thân phụ huynh cũng có người thích điểm giả đấy. Bây giờ tôi hỏi anh, nếu là học sinh giỏi, con anh được cộng điểm vào cấp III hoặc tốt nghiệp, anh có thích không? Anh có chấp nhận một học sinh thực học kém hơn con anh đỗ cấp III, vì được cộng điểm, còn con anh trượt không?
  
Thấy tôi đứng đực ra, thầy nói tiếp, tóm lại là đang dối quanh, biết thừa là đang dối nhau mà vẫn cứ lờ tịt đi. Học sinh yếu thì kiên nhẫn tổ chức kiểm tra, đạt mới thôi. Làm thế bảo sao  đâu cũng thấy giỏi với khá.

Giáo dục của ta nóng vội không được. Chính vì nóng vội nên đợt cải cách vừa qua, ở một vài khu vực có tình trạng quá tả, đi từ thái cực này sang thái cực khác mà chẳng thèm biết lý luận ở đâu, thực tiễn thế nào. Việc này lại diễn ra vào đúng lúc cơ chế thị trường đang phôi thai nên ối kẻ đục nước béo cò. Và cho tới hôm nay, họ vẫn nghe ngóng để té nước theo mưa, rên rẩm lên, ra cái vẻ sốt sắng cho tương lai dân tộc, kỳ thực đang nhắm tới một món béo bở nào đó sắp rơi vào hầu bao.   
   
Giáo dục là một bộ phận của xã hội, chịu sự chi phối rất lớn của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Đừng hy vọng một cây đũa thần, sáng mở mắt ra thấy ngay thiên đường giáo dục. Chẳng có đâu. Nhưng cứ ngồi ì ra đấy, thấy dư luận kêu cái lại hoắng huýt lên thì cũng chẳng thể có một nền giáo dục cho ra hồn.






    

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ