WC liệt truyện
Thành thực xin lỗi nếu chuyện này có động chạm tới ai đó. Đừng
giận. Tội nghiệp!
1. Mình có cái may là luôn được
làm việc gần toa lét. Hồi mới vào Đài, Phòng Văn hoá – Đời sống bên 37 Bà Triệu,
cũng sát cạnh WC, đến khi sang bên 41- 43, lúc ngồi viết cái này, cũng vẫn cạnh
WC.
Mình nghĩ thế là may. Bởi mấy ông
bác sỹ tiên lượng mình bị tiền liệt tuyến. Mà cũng chẳng cần đợi đến lúc đó,
với tình trạng thực phẩm bẩn như hiện nay thì cứ gần WC là hơn.
Mọi người khi nghĩ tới toa lét
thường có thái độ xem thường chứ thực ra đấy là nơi biết tỏng tòng tong mọi
chuyện, kể cả thâm cung bí sử. Đừng đùa!
Nếu như cái bếp - đầu vào, được
mọi người chăm chút, thì đầu ra-WC cũng có đầy đủ “thuộc tính”, vai trò và tầm
quan trọng như vậy. Đừng đùa! Nó biết rõ sức khoẻ của bạn đấy, không dối được
đâu. Chẳng những thế nó còn gián tiếp “nói” với chúng ta bao điều không thể
nói.
Hồi còn ở Phòng Văn hoá-Đời
sống bên 37, như đã kể, mình sống sát nách WC.
WC hồi đó dạng xổm, ít tiện nghi, lại sử dụng giấy báo cho nên “hơi bị”…mùi.
Mình nhớ lao công hồi đó là bà Vẽ. Cứ mỗi lần ló đầu ra, dù buồn lắm, nhưng hễ
thấy bà Vẽ là mọi người thụt vào, bấm bụng nhịn còn hơn chườm mặt ra để bà ấy
chửi đổng.
Mồi bận dọn dẹp là bà Vẽ đá
thúng đụng nia, tay múc nước dội ào ào, miệng la lối, nói quân phát xít, đồ
phát xít… Phạm Trung Tuyến có bận đen
đủi, đang đi thì bà vào dọn. Tuyến còn mỗi nước đóng chặt cửa, kiên trì
ngồi đọc báo. Bà Vẽ chửi mãi chán, rồi cũng chẳng đủ kiên nhẫn đành bỏ đi, lúc
ấy Tuyến mới lò dò về phòng, người sặc mùi...thuốc lá.
Chẳng biết bà Vẽ thuộc diện con
cháu ai ở đài mà người nào cũng khiếp, duy chỉ có một người không sợ. Đó là
Phạm Mạnh Hùng. Nhớ bận bà Vẽ tay ào ào dội nước, mồm liên tục rủa quân phát
xít, đồ phát xít thì Hùng xô cửa nhao ra. Thấy bà Vẽ nói với theo, hắn quay
phắt lại, chỉ thẳng tay vào mặt bà, nói bà nói ai đấy. Bà Vẽ im re, mặt
tái mét. Ngay từ lúc ấy mình đã thấy thằng cha này có tư chất lãnh đạo, tương
lai tổng giám đốc Đài TNVN chứ chẳng chơi.
Nếu như bà Vẽ đại diện cho một
thế hệ cũ thì khi sang toà nhà mới 41- 43, Đài thuê hẳn một đội ngũ lao công
chuyên nghiệp, Hoàn Mỹ hẳn hoi.
Một dạo các cụ bên 58 di cư sang
41- 43 để 58 xây mới. Anh em phóng viên ngại đụng mặt các xếp ở chỗ nhạy cảm
nên thường “đi” nhờ ở các WC khác. Mình cũng thế, và địa điểm gần nhất là tầng
3, toà nhà 45.
Có bận vừa xong, xách quần chạy
ra đụng ngay nhân viên dọn vệ sinh. Họ không nói mà lườm. Đợi mình đi khuất mới
làu bàu gì đó, chắc là chửi. Khổ nhất là đận 41 sửa sang khu phụ, phải đi nhờ
bên chỗ chị Trung. Phải đi qua khu vực xây dựng nên bẩn là điều đương nhiên,
thế mà chị em lao công bên đó không thông cảm, còn đóng cửa ghi rõ “không đi
lối này”. Tủi!
2. Mình đã nói WC là cái hàn thử
biểu để cân đo đong đếm sức khoẻ mọi người và của cả đài nữa.
Hồi bác Huy Dung ngồi ở căn phòng
(mà hiện tại mình đang ngồi đây) đã từng huy động tổng lực, chữa mấy lần không
hết tiếng máy bơm ù ù như cối xay thóc và luôn kết thúc bằng tiếng đóng van
uỳnh phát. Mình trẻ còn giật mình huống hồ bác Dung.
Đại tu xong, WC mới hơn, sạch
hơn, nhưng thi thoảng lại ùng ục ùng ục nghe như nước sắp từ tự hoại phụt lên
cao hàng mét. Có người đang đi dở vội ôm quần nhổm đít đứng phắt dậy. Ơn trời, hú vía! Mới chỉ ùng ục thôi, chưa phụt.
Mình ngồi ở chỗ này, với thói
quen không đóng cửa nên biết rõ đại tràng và “nồi gang” của từng người trong
hệ. Hơn thế, mấy hôm nay có đứa cứ ra vào ậm oẹ suốt. Nghén! Lại chuẩn bị mất
một nhân lực, tính toán nhân sự đi là vừa. Đấy! Làm tổ chức nên ngồi gần toa
lét, he he.
Dạo này phong trào rượu của hệ 2
đi xuống thảm hại. Ngồi ngóng mãi mà chưa thấy thằng nào “huệ”. Chẳng bù thời
vàng son của Nhật Minh. Hắn đi uống về
lao vào WC để “huệ”, “huệ” xong nghếch đầu lên bệt ngủ ngon lành, ngáy như sấm.
Mình vào nghe “kéo gỗ” đoán chỉ có ông Minh, hé cửa ra y như rằng. Đúng lúc mình quay ra để gọi mấy thằng khoe
khoẻ vào hỗ trợ thì xếp Hiền đi vào. Sau đó Thái Hùng (lúc đó là thư ký) vinh
dự được phái vào kiểm tra. Kể từ đó tiếng tăm Nhật Minh nổi như cồn. Chẳng biết
bác Hiền có rỉ tai với bác Tiến không mà lần đầu tiên gặp Nhật Minh, bác Tiến
vồn vã nhao ra bắt tay, lắc lắc, nói Nhật Minh phải không? Nể!
3. Mình làm phát thanh nên đặc
biệt quan tâm tiếng động. Mọi tiếng động phát ra từ WC đều rất đặc trưng. Định
kể nhưng sợ mọi người bảo dung tục, thô thiển, nên thôi, chỉ nói tiếng bước
chân.
Nói không ngoa mình nhắm mắt biết
ai trong Hệ đi vào toa lét. Có người đi vào chào hỏi cẩn thận y như gặp nhau
ngoài đường; có kẻ vừa đi vừa hát; có bước chân kéo dài lê thê; có bước chân
lướt nhẹ như đi trên mây…
Đặc trưng nhất phải kể Mẹ Minh
Tâm. Mẹ này đi dép xốp không quai hậu, người một mẩu, bước chân ngắn nên tiếng
dép bật vào gót cà-tạch, cà - tạch, cà - tạch… nghe vội vã như chạy. Có bận
mình vô tình ngẩng lên đã thấy mẹ này luồn tay cởi cúc. Chỉ đi chậm chút có khi
quần rơi trước khi vào “bãi đáp”. Tối ưu hoá thời gian đến thế là cùng!
(Thôi, mọi người lại lấy phòng học hát rồi, khi khác viết tiếp.)
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ