Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

Lại kể chuyện kỳ thị



Lâu lâu rồi mình có viết về người Việt không bán hàng cho người Việt và sự kỳ thị. Hôm nay kể chuyện kỳ thị mình mắt thấy tai nghe.


Năm 79 mình vào Sài Gòn sống. Hồi đó Hà Nội so với Sài Gòn thì chỉ là nhà quê. Mình lại ở tận ngoại thành Hà Nội nên càng lớ ngớ. Cùng khu với mình có thằng Triệu, ở xã Hoa Nam, Đông Hưng, Thái Bình. Mình mời nó cốc sương sáo (thạch) thế mà nó quyết tâm và kiên trì cho rằng đấy là tiết trâu. Nói thế nào nó cũng không uống.

Thằng này cứ du dú ở nhà vì không dám sang đường.  Đi chợ mua bán cái gì nó đều nhờ mình. Chợ Cầu Kiệu (Phú Nhuận) chỉ cách nhà vài bước chân, có hôm mình lượn ra vài ba lần, hứng lên còn đi hết chợ, sang bên kia cầu Công Lý, chùa Vĩnh Nghiêm, nơi diễn ra sự kiện anh Trỗi đặt mìn giết bộ trưởng Mỹ.

Chợ không lớn nhưng đủ thứ. Mình chỉ biết mỗi rau muống và đậu phụ. Trong khi đó rau muống ở đây lại rất hiếm. Mỗi lần mình hỏi rau muống là  cả chục cặp mắt nhìn, rồi thì thầm chỉ trỏ. Khi mình vừa quay đi thì sau lưng có đứa đọc vè: “Dân bắc kỳ/nó ăn rau muống/ nó lì như trâu”.

Đi học mình bị gọi là “thằng bắc kỳ”. Hồi đó mình chưa lý giải được vì sao bọn lớp lại gọi mình một cách hằn học và đầy hận thù như thế nên rất tức. Nhưng kể cả cho tới bây giờ, với một cái nhìn cảm thông, chia sẻ và hiểu biết hơn, thì mình vẫn khẳng định người Việt mình rất khó chấp nhận nhau, rất khó chấp nhận sự khác biệt. Có nên gọi điều ấy là kỳ thị không thì tuỳ các bạn.

Mà cũng chẳng riêng mình, trong lớp có mấy đứa con gái lai Mỹ đẹp mê hồn thế mà cũng bị gọi là “con Mỹ lai, thằng Mỹ lai” với giọng xách mé và miệt thị.

Bố mình vào Nam những năm sau giải phóng theo diện cán bộ biệt phái. Không thể phủ nhận số cán bộ này có trình độ thua kém so với trí thức chế độ Sài Gòn cũ. Thế nhưng, trong ngành rau hoa quả, bố mình có lợi thế là có thực tiễn, hiểu nông nghiệp và nông thôn, cho dù kiến thức về thương mại của ông không mấy xuất sắc.

Kiến thức lớp 7 và vài tháng bồi dưỡng lý luận kinh tế chính trị Mác–Lê không đủ để cho ông lèo lái một cách tự tin việc buôn bán ở đô thị lớn như miền Nam. Hơn nữa những mẹo mực trong quản lý hay thủ đoạn của một nhà chính trị thì ông chẳng có gì. Đúng lúc ấy, các bè phái thuộc các nhóm: R (trên rừng về), biệt động thành, dân tập kết… nổi lên như sóng ngầm.

Bố mình xin về hưu trước tuổi. Thành uỷ Đà Lạt thấy thế mời lên làm, hứa cho căn biệt thự to đùng nằm giữa rừng thông hoang vắng nhưng ông lắc đầu. Của nả ông đem về miền Bắc sau bao năm phiêu dạt ở phương Nam là cái giường phóc-mê-ca và cái đài quay đĩa để nghe nhạc vàng. Ông về đi cày, vui như tết. Bây giờ thì người ta gọi các hiện tượng như thế là nhóm lợi ích nhưng mình cứ gọi đấy là sự kỳ thị.

Nước Mỹ hùng cường một phần là họ biết chấp nhận nhau, dám chấp nhận sự khác biệt. Nước Việt tí tẹo thế mà người vùng nọ chê bai dè bỉu người vùng kia, thật chẳng ra làm sao. Khổ nhất là người dân vùng Bắc Trung bộ như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh đi đâu cũng hay bị săm soi xét nét.

Cách đây mấy hôm, thấy trên cảnh cửa trong toa lét ở Sân bay Tân Sơn Nhất nghệch ngoạc dòng chữ: “Đù má bọn Bắc Kỳ. Đừng có chơi với bọn Bắc Kỳ, nó khôn lanh lắm…!”. 

Buồn quá là buồn!





 

   



0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ