Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Cấm đoán phi lý cũng là bạo lực

Con trẻ tìm được niềm vui thực sự và phát triển một cách toàn diện, hài hòa khi chúng được sống trong thế giới của trẻ thơ. Trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ. Người lớn dẫu có yêu trẻ đến mấy, dẫu có hiểu tâm lý trẻ đến mấy thì cũng chẳng thể sống cuộc sống trẻ thơ. Do đó chẳng nên dùng quyền uy để làm hỏng môi trường trẻ thơ của trẻ. Sự cấm đoán phi lý cũng là một hình thức bạo lực.

Vừa thấy cháu Bin, nhà bên cạnh, thấp thoáng ở đầu ngõ, vợ tôi khép vội cánh cổng rồi quát con lên nhà đi tắm. Con Tĩn nhà tôi thích chơi với Bin lắm nhưng thấy thái độ dứt khoát của mẹ đành xị mặt lẳng lặng vào nhà. Nó không dám vùng vằng hay nũng nịu, bởi không chỉ lần này mà nhiều lần trước, hễ thấy Bin sang chơi là mẹ tỏ vẻ khó chịu. Trí não dẫu non nớt nhưng nhạy cảm giúp nó nhận ra rằng, mẹ không muốn nó chơi với Bin.

Lựa lúc không có con ở bên, tôi ôn tồn đến bên cạnh vợ, nói trẻ con cứ để chúng chơi với nhau, như thế tốt hơn. Vợ tôi gay gắt: Con bé Bin ấy, anh không biết à, nó khôn quắt mặt ra đấy! Nó toàn ăn dỗ thôi. Khổ, con Tĩn nhà mình đù đờ, có gì lôi hết cho nó ăn…

Tôi tạm dừng cuộc trò chuyện vì thoáng nghe tiếng con Tĩn đâu đó, vả lại vợ tôi cũng đã hơi lên giọng, có lẽ không giữ được bình tĩnh.

Vợ tôi làm trong lĩnh hợp tác quốc tế, đối ngoại, làm dự án với nước ngoài nên công việc rất căng thẳng. Cáu bẳn rồi chuyện nọ sọ chuyện kia, một phần có nguyên nhân từ áp lực công việc. Mỗi bận như thế, tôi đều khuyên vợ nên tắm giặt, nghỉ ngơi, ăn uống, thư giãn cho đỡ mệt. Cách thức đơn giản thế thôi nhưng rất hiệu quả. Sau khi nghỉ ngơi, vợ tôi trở nên dễ tính, dịu dàng và mềm mại hẳn. Con bé Tĩn khôn ra phết, biết chọn thời cơ, cứ nhè đúng lúc mẹ tắm giặt cơm nước xong, đang chuyện đông chuyện tây với tôi thì mới xin phép đi chơi.

Do nghề nghiệp nên vợ tôi có dịp tiếp xúc với đồng nghiệp người nước ngoài, thi thoảng có những chuyến xuất ngoại. Có thể nói vợ tôi là người phụ nữ hiện đại, cầu tiến, ham học hỏi những cái mới. Hễ có lớp bồi dưỡng về quản lý, về maketting, thậm chí về kỹ năng diễn đạt trước đám đông…, cô ấy rủ tôi cùng tham gia, đặc biệt là các lớp do chuyên gia nước ngoài dạy.

Sau mỗi dịp được tiếp xúc hoặc học hỏi như thế, vợ tôi hứng thú thực sự, nói câu ngạn ngữ “làm đầy tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại” luôn đúng anh ạ. Thấy cơ hội đã tới, tôi hỏi: Thế em thấy con Bin cạnh nhà mình có khôn không? Thoáng chút ngạc nhiên vì tôi chuyển đề tài cái rụp, là người nhanh trí, vợ tôi hiểu ngay nên cười cười, chẳng nói gì. Được thể, tôi trêu, nói nước Mỹ có “khôn” không, “khôn” quá đi chứ; nước Pháp có bình đẳng, bác ái không, có chứ. Hai “ông” đế quốc thực dân này trước đây còn xâm lược ta nữa cơ, thế mà bây giờ ta “mong muốn là bạn”, “sẵn sàng là bạn”, rồi tiến thêm một bước, “ là thành viên có trách nhiệm” nữa cơ mà.

Chuyện quốc gia đại sự nói cho vui cốt để nhắc lại chuyện cấm đoán con Tĩn nhà tôi chơi với cháu Bin hàng xóm. Đành rằng phải hướng tới những người bạn tốt để tạo môi trường phát triển lành mạnh cho trẻ, nhưng việc đó nên thực hiện một cách hết sức tế nhị.

Trẻ thơ phải được sống đời sống trẻ thơ thì chúng mới có niềm vui và hạnh phúc. Chỉ sống trong môi trường như thế chúng mới phát triển một cách toàn diện, hay nói một cách nôm na, là chúng mới khôn lên được. Cấm đoán một cách phi lý với trẻ xem ra cũng là một hình thức bạo lực. Bởi vì rõ ràng khi đó, bậc cha mẹ dùng quyền uy để buộc con làm theo ý mình mà không thể đưa ra lời giải thích thỏa đáng./.

Ngô Thiệu Phong

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Hãy trao nhau nụ cười.

Tôi vừa có chuyến công tác nước ngoài cùng đồng nghiệp. Vừa xuống sân bay, nhiều người mở di động gọi điện cho người thân, riêng Lan chẳng thấy điện cho chồng. Một lát sau, có lẽ sốt ruột, chồng Lan chủ động điện, hình như có trách móc, có dỗi hờn nên thấy Lan phân trần, nói anh Hải đi cùng đoàn với em vừa gọi cho anh rồi còn gì.

Đợi vợ chồng Lan trò chuyện xong, tôi nhại giọng chồng Lan trêu, vâng, Hải vừa gọi điện cho anh. Anh biết là đoàn vừa về. Vậy thì tối nay em bảo anh Hải đến ngủ cùng anh, nhá.

Lan cười nhạt chẳng nói gì, tôi bồi thêm, cái tội của cô là tội không háo hức. Tội này không có trọng bộ luật nào nhưng là “trọng tội” đấy!

Chuyện của Lan nhắc tôi nhớ lại thuở xưa, mỗi khi mẹ đi chợ là cả mấy anh chị em chúng tôi háo hức đợi chờ, mắt phóng ra bụi tre rất xa đầu làng tìm dáng mẹ. Chẳng quan tâm mẹ mua gì bán gì, chỉ biết mỗi lần đi chợ thể nào cũng mua về dăm ba cái kẹo dồi, kẹo lạc. Chỉ thế thôi mà nhớ mãi.

Bây giờ đủ đầy hơn, trẻ con không còn náo nức đón mẹ đi chợ về như trước nữa. Quả thật thế!

Bây giờ bận rộn hơn, đi công tác thường xuyên hơn nên cái sự gặp lại sau những ngày xa cách không còn vồ vập, háo hức nữa. Liệu có thật thế không?

Việt Nam chưa thực sự bước cả hai chân vào cuộc sống công nghiệp. Dẫu vậy, cường độ và sức ép công việc đã tăng lên đáng kể. Phần lớn gia đình không còn lo nhiều đến bơ gạo, mớ rau. Nhưng theo đó, tiếng cười, lời chào và ánh mắt yêu thương đang bị những âu lo của mưu sinh lấn át khiến không có cơ ngóc dậy.

Trong quan hệ xã giao, người Việt rất hay cười. Đặt trong bối cảnh ngàn năm bị đô hộ, bị những tư tưởng phong kiến chi phối, người dân chỉ biết cúi mặt câm lặng và thành kính trước thế lực và thần quyền thì mới thấy tiếng cười của chúng ta giá trị thế nào. Với người nước ngoài, nụ cười là biểu tượng của sự thân thiện của người Việt. Thế mà hôm nay, ở đâu đó, tiếng cười đang bị sự mệt mỏi và toan tính vùi lấp.

Cuộc sống quy định tính cách và hành vi con người. Đó là là quy luật. Nhưng trong gia đình hãy cố tạo ra tiếng cười. Người chồng hoặc vợ dẫu mệt mỏi và căng thẳng vì công việc đến mấy, nhưng mỗi khi mở cửa nhìn thấy nụ cười, nghe được lời chào thì mọi buồn phiền và đau khổ sẽ tan biến.

Sự mệt nhọc sau một ngày làm việc sẽ làm cho nụ cười méo mó gượng gạo. Nhưng đừng vì thế mà đánh mất nụ cười. Dẫu có cười như mếu thì càng làm cho nửa bên kia xúc động và cảm thông nhiều hơn.

Bao người cứ tự dặn mình đừng đem công việc cơ quan và bức xúc ngoài đời về nhà. Điều này cũng cần đấy nhưng thực hiện chẳng dễ. Vậy thì trước hết hãy trao nhau nụ cười./.

Ngô Thiệu Phong

Nhật ký Philippin V

Dân Phi ít uống rượu bia. Có lẽ vì thế nên không bữa nào đoàn VOV có bia, rượu, nước hoa quả thì thoải mái. Mình chẳng thiết, nhưng bố Ổn và Quý Thống chắc nhạt mồm lắm.

Sạch sẽ chẳng thể so với Sing, nhưng đường phố Manila cũng rộng và khá sạch, không bụi cho dù nhiều công trình đang thi công. Manila có 3 loại thùng rác có màu khác nhau để phân loại rác.

Vào siêu thị đều được kiểm tra an ninh chặt chẽ. Phần lớn các siêu thị nối với nhau thành tổ hợp. Nếu lạ đi là xác định lạc, nhưng đừng lo, cứ ra một cửa nào đó rồi đi vòng quanh tòa nhà sẽ tìm được lối. Siêu thị không bắt gửi túi như ở VN. Mua bán được thực hiện trong siêu thị nên hàng quán không nhô ra phố, nhào ra vỉa hè.

Dân Phi như dân Saigon, cuối tuần cả gia đình rủ nhau đi ăn tiệm nên hàng quán ở Manila cực đông, chỗ ăn chơi rất tấp nập. Phi cấm mại dâm nhưng gái điếm ở Manila không thiếu. Chừng 3000 Peso /đêm ( 100USD= 4300 Peso) nhưng chẳng biết đẹp xấu, chất lượng dịch vụ thế nào.

Giống như Mã và Thái, Phi cũng kẹt xe nhưng ít tiếng còi, không lấn làn chèn nhau; qua đường cũng ghê ghê vì xe phóng rất nhanh, nhưng chỉ cần giơ tay ra hiệu là ô tô dừng lại nhường đường.

Phi là thuộc địa của Tây Ban Nha đến 1946 thì giành độc lập, sau đó lại là căn cứ của Mỹ. Vì thế dân Phi ít nhiều thừa hưởng văn minh Tây Phương. Thân tình gặp nhau, người khác giới thường ghé vai cọ má bất kể già trẻ, nhân văn quá, như thế thì sao nỡ nghĩ xấu về nhau được. Cảnh sát giao thông bên này điều hành bằng tay (có đeo găng tay phản quang) chứ không phải dùi cui, bên hông người nào cũng có túi y tế, trông rất thân thiện.

( Còn tiếp )

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

Nhật ký Philipin IV

Hôm nay từ Tagaytay về Manila đọc báo thấy vệ tinh UARS vẫn chưa rơi. Các nhà khoa học cho biết các nước trong khu vực không có thiết bị để xác định được vị trí rơi của UARS. Nói dại, ngộ nhỡ đang trên máy bay mà một mẩu bằng đầu ngón tay rơi trúng cũng là thảm họa. Không lo, đã mua bảo hiểm rồi, nghe đâu mức cao nhất 50.000 USD.

Trước hôm sang Phi, một cô bạn kể cách đây mấy năm đi Áo dự hội nghị về AIDS. Đến bữa ăn trưa, một cán bộ Bộ y tế đưa cho cái tích kê, nói ăn luôn tại hội nghị này, đỡ phải đi đâu, tốn tiền. Hội nghị toàn cầu hàng ngàn người, trong đó có cả người nhiễm HIV. Cô bạn mỗ đang ngồi đợi bớt đông để vào lấy suất ăn thì có một cô gái da màu lọm khọm lết tới bên cạnh. Nó nhìn bạn mỗ từ đầu đến chân rất lâu, rồi hỏi, mày cũng ăn ở đây à? Hóa ra suất ăn chỉ dành cho người có H. Thế là cô bạn quẳng tích kê chạy một mạch về khách sạn.

Không chỉ là vấn đề kỳ thị, ở đây mỗ muốn nói tới hành vi không đẹp của người Việt khi ra nước ngoài, có thể do nghèo và lạc hậu chăng? Hồi mỗ còn làm thể thao, có lần chầu chực ở Nội Bài chờ đoàn thể thao khuyết tật từ Nhật về nhưng mãi chẳng thấy, sau nhận được thông báo đoàn về chậm. Vài tháng sau, mỗ có tin nói đoàn VN ăn cắp đồ trong siêu thị nên an ninh giữ lại, phải hoãn chuyến bay. Lợi dụng khuyết tật nên một số VĐV đi xe lăn vào siêu thị trộm hàng. Khổ thế.

Lần này sang Phi cũng có vài chuyện thấy ngường ngượng. Ấy là quân nhà ta tự do và “thiên nhiên” quá. Với một món ăn chung, họ đã chuẩn bị thìa dĩa riêng, nhưng quân nhà ta cứ thò thìa dĩa của mình vào múc, chọc. Nhìn phát ghê. Bọn Phi nó văn minh hơn mình nhiều đấy.

Cầm bát húp có lẽ chỉ có ở VN và trong một vài bộ phim thảo khấu của Tầu. Người ta đã cho cái thìa thì múc từ từ húp, đằng này ghé miệng vào bát ngửa cổ làm cái xụp, thật hết biết.

Ăn há miệng cũng là tật xấu của người Việt. Đã há miệng thì phát ra tiếng kêu nhóp nhép. Răng lợi mấy ông VN đẹp gì cho cam, há ra nhìn vào phát ghê, thế mà cứ ngoác miệng ra nhai.

Mình để ý thấy người Phi ít hoặc hầu như không uống rượu. Cho nên họ thấy mấy bố nhà ta gọi bia, chắc là lạ lắm. Không rượu bia, ít hút thuốc, có hút cũng hút đúng vị trí cho phép là điều nên học.

Rất thông cảm với những người bị giắt răng nhưng xỉa thì phải kín đáo, đừng há mồm ra chọc chọc, lúc nói chuyện lại vung vẩy que tăm như là công cụ để diễn tả. Đã thế nhiều người Việt có thói quen khi nói chuyện chỉ tay vào mặt người khác, trông rất khó chịu.

Hà Quý Thống cũng như mình, tiếng không biết nên mỗi khi phục vụ bàn đứng sau cung kính hỏi cái này cái kia, bố im như thóc, chắc giả đò ông chủ, mặt vênh ngược. Hội phục vụ cau mày vẻ khó chịu nghĩ không biết bố này có phải… người khuyết tật. Mình rút kinh nghiệm nên cười tươi và nói một tràng tiếng …Việt, he he.

Bố Ổn mỗi khi thỏa mãn và hưng phấn lên là cười phớ lớ sau đó luồn tay qua áo xoa bụng. Chẳng biết xoa hay gãi nhưng thói quen này đã thành cố tật, đứng trước quan khách cũng vô tình xoa, gãi. Mỗ đùa bảo bố ấy không nói được tiếng Anh nên moi gan ruột ra để mọi người hiểu. Nói vậy chứ bố Ổn rất đáng thương và đáng yêu.

Khi check out, nhân viên gọi bố Ổn ra tính thêm tiền nước. Bố Ổn ú ớ. Mỗ hỏi bác có uống nước trong tủ lạnh không, bố luống cuống nói không không. Hà Quý Thống (cùng phòng) tay đút túi quần tưng tửng chêm vào, chặc ông uống nược trong tụ thì nọ mới tịnh rồi lẳng lặng quay mặt đi nơi khác, không thèm can dự. Cực chẳng đã, bố Ổn ngơ ngác rút ví trả tiền. Sau khi Ngọc Anh hỏi kỹ mới biết hai bố đem nước từ ngoài vào, nhân viên kiểm phòng nhìn vỏ chai tưởng uống. Thương bố Ổn ghê.

Hà Quý Thống được mọi người bầu làm Phó TGĐ Đài TNVN. Ông này phải chức này. Riêng đoạn đi đứng oai vệ; giọng xứ nghệ nhả từng chữ, nhấn từng câu đích đáng cũng đủ xứng tầm. Ông này tướng làm quan nhưng đường hoạn lộ sao trắc trở ?

Chẳng hiểu vì lý do gì mà cái xí bệt ở khách sạn 5 sao Taal Vista Hotel ở Tagaytay lại không trôi cứt. Quý Thống chỉ đạo bố Ổn, nói ông ra điện thoại bấm số 0, sau đó nói như thế này: Bét rum, pho síc oăn, toi lét, nâu (bedroom, four six one, toilet, no). Nếu bọn nhân viên khách sạn dốt tiếng Anh không hiểu thì sẽ nói ngắn gọn: Toi lét ét ô ét ( Toilet S.O.S). Rất may nhân viên khách sạn 5 sao (có lẽ biết tiếng Việt) và được học bài bản các tình huống như vậy nên có mặt ngay, xử lý phát xong luôn. Hà Quý Thống tự hào chuyện ấy lắm, kệ mại.

(Còn nữa)

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Nhật ký Philippin III.

KBP có dụng ý đưa đoàn VOV tham quan từ đài nhỏ đến to. Win radio có diện tích bằng 1/3 hệ VOV2, với tổng số nhân viên 15 người, phát sóng FM trực tiếp 24/24, nội dung phần lớn là âm nhạc nhưng doanh thu hàng năm khoảng 3 triệu USD. Cứ cho là chi phí hết hẳn 1 triệu đô, còn 2 triệu. Trong khi đó ông chủ đài bảo mỗi nhân viên thu nhập bình quân khoảng 600USD/ tháng. Vậy ông chủ được bao nhiêu? Cú này mà VN mở đài tư nhân, mỗ nhất định thành ông chủ.

Win radio là đài tư nhỏ nhất mà đoàn thăm, nhưng tháng nào cũng tổ chức Survey- điều tra thính giả, thuê một tổ chức chuyên nghiệp làm. Kinh. Hỏi sao làm dày thế, bảo vì tao đài nhỏ, cần phải cạnh tranh với các đài lớn.

Phát thanh tư nhân ở Phi hầu như không qua kiểm duyệt. Phóng viên tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm. Vì thế vào một đài chỉ thấy phòng thu, phòng thu. Không nhiều giấy tờ như ta. Hầu hết phòng thu đều thiết kế theo kiểu one-man studio, không hoành tráng, thiết bị cũng chẳng có gì ghê gớm nhưng hiệu quả cao. Cứ xem họ sống khỏe nhờ quảng cáo thì biết.

Do phải cạnh tranh và tự trả lương nên lượng nhân viên ở các đài tư rất ít. Phóng viên nhiều khi kiêm luôn nhiệm vụ của KTV. Họ ngồi trước bàn trộn, trước mic để dẫn, nền, chèn nhạc… một cách thoải mái. Ví như khi đoàn VOV vào thăm, họ nền nhạc xuống và nói: Chúng tôi đang có vinh dự được tiếp các bạn đồng nghiệp đến từ VOV…Wellcome …owh owh…yeah yeah… Vui nhộn, thoải mái, nhẹ nhàng. Có cảm giác là người dẫn chương trình bên này nói như gào lên với một tốc độ khá nhanh, chắc là để tạo không khí sôi động và cuốn hút người nghe.

Một điều khá thú vị là dọc các hành lang, trong các phòng làm việc, thậm chí cả phòng thu người ta treo hình phóng viên – những người xuất sắc, có cống hiến hoặc có điểm gì đó đặc biệt chứ không phải treo hình lãnh đạo đài với lãnh đạo đảng và nhà nước. Một số nhân vật nổi tiếng hơn như diễn viên, người sáng lập… được treo ảnh và in hình bàn tay vào thạch cao rồi treo bên cạnh. Nếu mỗ làm ở đây thể nào cũng được treo hình và chua ở dưới mấy dòng như Cả Chiêm hoặc three – time awarded man, hê hê, tự sướng. Vớ vẩn.

Đến các đài ở Phi đều nghe thấy tiếng đài. Đài ở mọi nơi, từ sảnh, tháng máy, thậm chí cả ở toa lét…, để đảm bảo rằng mọi thành viên đều là những người kiểm thính. Còn ở VOV chỉ được nghe quảng cáo. Rõ là tham bát bỏ mâm.

Một thằng ở đài I.FM hỏi mình chọn nhạc cho chương trình âm nhạc thế nào. Mỗ tinh tướng, nói theo nhu cầu thính giả. Nó trợn mắt ngạc nhiên, hỏi trực tiếp à. Mỗ trả lời, chứ sao. Sau đó Ngọc Anh có diễn đạt lại là nhu cầu thính giả một phần, còn theo ý muốn chủ quan của phóng viên. Nó gật gù, nói thế chứ nếu không thì bọn mày “vỡ chương trình” ngay. Mỗ hơi bị thiếu I ốt một tý nhưng cũng cố tư duy cái câu “vỡ chương trình”. Cụ Sướng ơi! Tiền các con cũng thích nhưng cẩn thận kẻo “vỡ chương trình” đó nghe


Chưa giáng sinh nhưng hầu hết các đài đều có đồng hồ đếm ngược và trang trí cây thông Noel. Thi thoảng người dẫn chương trình lại nhắc, chỉ còn XX ngày nữa là đến giáng sinh… Ở một đất nước mà thiên chúa giáo là quốc đạo có khác. Tuy nhiên, mục đích chính là tạo ra sự hưng phấn, niềm tin yêu, háo hức, rạo rực cho cả người nghe lẫn người làm việc trong studio.

Cái đài doanh thu năm 3 triệu đô là đài nhỏ nhất. ABS – CBN có thể là đài lớn nhất Phi, tòa nhà gấp 4-5 lần cái Vincom ở Hà Nội. Nghe nói đài này trước của gia đình Maccos. Thực ra gọi ABS-CBN là tập đoàn thì đúng hơn. Riêng đội ngũ an ninh làm việc trong toàn nhà này bằng số cán bộ nhân viên của VOV 1 và VOV 2 gộp lại, còn tổng số nhân viên đâu hơn 5000. Trong tòa nhà của CBS không chỉ có hệ thống siêu thị mà còn có cả một ngôi nhà thờ cho nhân viên làm lễ. Nhìn cái nhà thờ nho nhỏ mang phong cách kiến trúc gothic cổ kính, mỗ nói hay thật hay thật. Bọn Phi bảo học VN thôi, chỗ 58 Quán Sứ của mày cũng có bàn thờ Bác Hồ đấy thôi.

Không chỉ Radio ABS-CBN làm cả TV. Các chương trình của họ luôn trong tốp 5 đài dẫn đầu Phi. Họ nổi tiếng tới mức phải thành lập một đội ngũ chuyên nghiệp để giới thiệu đài cho du khách. Tại CBN, mỗ được ăn trưa trên tầng 14 đấy nhé, sang cực nhưng ăn uống chẳng ra đếch gì. Tầng này dành riêng cho khách, còn tầng 12 thì dành cho nhân viên. Chắc cũng học Quán Sứ của mỗ chứ gì.

Bên này nhiều đài có cả phát thanh và truyền hình. Tuy nhiên fomat của phát thanh có hình (bên này gọi là teleradyo) thì khác PT có hình của ông Hiền ông Khoa lắm lắm.

Teleradyo thuần túy là phát thanh được đưa lên truyền hình. Còn kiểu phát thanh có hình như nhà ta là kiểu làm của truyền hình. Ví dụ như ở đài DZMM (CBN), 1/3 màn hình chiếu cảnh trong phòng thu của đài phát thanh, thỉnh thoảng chèn quảng cáo. Phần còn lại dành cho quảng cáo tĩnh hoặc chạy chữ cho những thông tin khác. Nhìn người dẫn chương trình trên teleradyo của họ thấy mê. Tất cả văn bản đều trên máy tính nên không phải cúi gằm xuống mà ê a đọc. Họ diễn tả một cách sinh động bằng cả ngôn ngữ cơ thể (body-language) nên người xem thấy như đang nói chuyện với mình. Teleradyo của họ còn đưa được cả kịch truyền thanh. Kinh.

Mời vê - ti sang học ngay chứ cái kiểu làm nửa dơi nửa chuột như lâu nay không được. Kiểu ấy sao qua mặt nổi với các “đại gia” VTV, VTC và TH TTXVN?

Hôm cuối được gặp hai chủ đài tôn giáo: Một em đẹp như mơ học ở Mỹ về (vẫn single) và một anh sau này mới biết là gay. Hai ông bà chủ này để lại nhiều ấn tượng. Đài tôn giáo nhưng không nhận tài trợ của bất kỳ tổ chức tôn giáo nào, tài thế.

Đi Phi về mỗ phải bổ sung thêm vào hệ thống ký hiệu trong rest - room ( nhà vệ sinh) mới được. Nữ bên này ghi là SHE còn nam là HE. Có nơi còn giản tiện ghi M (men-nam) và W (women-nữ). Mỗ bị vố male or female (mà các bạn đọc phần đầu rồi đấy), tởn, lần này mỗ vẫn cứ nhầm quyết cho rằng ký hiệu M = male = nữ nên đầy tự tin đẩy cửa phòng “phía bên kia”. Một tiếng la thất thanh. An ninh nhào vô. Mỗ luống cuống chỉ lên tấm biển, nói male or men, he he, bọn an ninh đực mặt cười trừ.

Hú vía, ba cái vụ ký hiệu này mệt, nhưng nhiều chỗ nhân văn phết. Ví như trên màn hình có parental guidance (cần có sự hướng dẫn của cha mẹ). Đó là phim người lớn, bạo lực, kinh dị… được khuyến cáo cân nhắc khi cho trẻ em xem. Bọn này lại ăn cắp khẩu hiệu “Vì tương lai con em chúng ta” ở VN đem về Phi thực hiện đây mà.

Mình sang Phi đi vào khu du lịch họ chỉ chỉ về phía mình hỏi nhau rồi thi thầm Thailand, Thailand, chẳng lẽ mình quay lại nói tao là người VN. Thôi kệ. Sao nó không chịu hiểu mình là người VN nhỉ .
(Còn nữa)

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Nhật ký Philippin ( phần II)

Sang tận Phi mới khám phá được một điều, mỗ và Mai Văn Lạng cùng chung một loại bệnh. Tối thứ 2 mỗ đau đầu gần chết, Lạng bóp và đánh gió; tối thứ ba, Lạng gần chết vì đau đầu, mỗ đánh gió và bóp đầu cho nó. Bệnh thời tiết. Hai đứa cùng cố tin là như vậy chứ không phải cái u cái cục gì trong não.

Lạng ốm nên không dự được cuộc họp tháng của KPB (Hiệp của của người làm PTTH Philippin) vào lúc 19h30. Nhòm vào danh sách cuộc họp thấy 168 đài PTTH tham dự, vắng đại diện mấy chục đài. Hình như đài công (do chính phủ tài trợ, kiểu như VOV ) không nằm trong KBP. Hỏi về bà này ông kia ở đài công, mấy thằng KBP gõ trán một hồi rồi à à ừ ừ. Bọn này quan liêu. Ở VN, nói VOV, VOV giao thông; hỏi GS-TS Vũ Văn Hiền, Vũ Minh Tuấn …, nam phụ lão ấu biết tất tật, thế chứ.

Ăn bữa tối rất qua loa rồi ngồi luôn tại bàn ăn họp từ 19h30 đến 22h00 chứng tỏ bọn KBP này biết thực hiện khẩu hiệu của người Việt: Thời gian là vàng.

Cuộc họp hàng tháng của một hội thế mà KBP cũng chào cờ một cách cực kỳ nghiêm trang. Tất cả đều để tay lên ngực trái, mặt hướng về quốc kỳ, miệng hát quốc ca Philippin, hát rất đều chứng tỏ rất thuộc. Hết quốc ca, mỗ ngồi xuống nhưng vẫn thấy bọn họ đứng nên lại tẽn tò đứng dậy. Hóa ra họ còn đọc một lời thề gì đó, thái độ vô cùng nghiêm túc và trang trọng. Hà Quý Thống ghé tai Ngọc Anh hỏi nhỏ: Chào cờ của hiệp hội à? Ngọc Anh giãy nảy: Đâu, quốc kỳ đấy thôi. Quý Thống ngạc nhiên, nói thiếu chút nữa hát đài ca: “Đây tiếng nói Việt Nam”. Bác Hiền về mất rồi chứ không thì Hà Quý Thống còn lên. Tiếc!

Chứng kiến buổi chào cờ trang trọng của dân Phi, bỗng dưng mỗ thấy xấu hổ khi nhớ ở đâu đó người ta tống cái đĩa có bài quốc ca vào rồi cả đám lầm bầm như khấn ông bà ông vải. Con gái mỗ là thành viên trong đội trống của trường. Sau hôm đi đánh cho hội nghị tổng kết hè của phường, về phụng phịu, nói bọn con đánh trống bài quốc ca mà ở dưới chẳng ai hát. Buồn thắt ruột! Chẳng biết trả lời thế nào.

Có người cứ đi tây về nói tây thế này tây thế kia, cứt của tây cũng lạ. Mỗ cảnh giác và ý thức được điều đó, nhưng dẫu sao, cái gì nó hay mình công bằng mà nhận xét. Ở cuộc họp tháng của KBP, ngoài chủ đài còn có một số nhà tài trợ và doanh nghiệp. Nam nữ đủ cả, phần đông đều từ trung niên đổ lên, vì cỡ đó mới đủ tiền, kinh nghiệm và uy tín để làm chủ một đài tư nhân trong môi trường cạnh tranh sống còn. Tưởng họ nói tiếng Tagalog - tiếng Philippin, ai dè bọn này phang toàn tiếng Anh, trời ạ! Thấy họ viết radio là radyo, mỗ nhếch một bên mép cười, nhưng ở hội nghị này, từ ông bạc tóc đến các bà sồn sồn đều làu làu Anh ngữ thì mỗ mồm chữ A mắt chữ O. Kinh.

Cuộc họp nói tiếng tây và cách họp cũng tây. Trên bàn ông chủ tịch KBP có một cái búa gỗ như bọn tòa án hay dùng. Ai cũng bắt đầu phần trình bày với câu Ladies and Gentlemen… Bố Ổn thấy lạ, hỏi nó không kính thưa GS-TS, bí thứ đảng ủy, tổng giám đốc; kính thưa bà… chủ tịch… tổng thư ký, nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, NSƯT … như mình à. Híc, thiếu tôn trọng đến thế là cùng. Thế mới biết phong cách họp XHCN ưu việt, con người được thượng tôn.

Báo cáo hội nghị không dài, nhưng phần tài chính kê rõ trong tháng KBP đã dùng tiền vào những khoản gì, hết bao nhiêu còn bao nhiêu. Duy có mục chi cho đoàn VOV vừa sang là để trống. Chủ tịch KBP chỉ tay xuống bàn có đoàn của mỗ cười, nói riêng phần này, chúng ta tạm chưa nhắc tới. Nhắc tới thế nào được vì mỗ còn đòi đi xem sex-show nữa cơ mừ. He he.

Rất minh bạch, hôm làm thủ tục check in khách sạn, KBP xếp nữ và trưởng đoàn một phòng riêng, anh em muốn ngủ chung cho vui nên trả lại một phòng nhưng KBP cũng quyết không chấp nhận. Tài chính minh bạch thế thì trả lại cũng chẳng giải quyết được gì, không khéo lại mang tiếng. Riêng khoản này thì KBP nên học tập VN, nhỉ?

( còn nữa )

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

Nhật ký Philipin.

Sau hai lần đi nước ngoài một mình, lần này đi vài người nên vui, chẳng lo đếch gì hội họp, tham luận, làm chương trình…

Phi có dân số tương đương VN, chắc mức sống cũng tương tự, nhưng thấy họ cơ bản và vững chắc hơn ta nhiều. Đường phố ở trung tâm gần chục làn, xe máy gần như không có, hoặc có chăng chỉ ở các vùng phụ cận.

Đón đoàn VN tại sân bay Philippin có một thằng tây da nâu cao chừng 1m8. Nó đón ngay tại đầu “ống” từ máy bay dẫn vào, tay giơ cao tờ giấy in hai chữ THIEU PHONG và DINH NAM, để chắc không lọt một thằng VN lớ ngớ nào? Bà Ngọc Anh ngờ ngợ dòm dòm, nó hỏi có phải THIEU PHONG không. He he, mỗ chỉ là delegate, là member, trưởng đoàn quái đâu mà cũng oách phết.

Hỏi mới biết thằng này phụ trách một bộ phận gì đó ở sân bay. Bất cứ đoàn hoặc cá nhân nào trực thuộc chính phủ VN (và các nước khác nữa?) đều được đón trọng thị như thế. Ôi chao! Bao thứ giấy tờ, tờ khai nọ kia nó thu hết gom thành một đống, đưa cả mớ cho nhân viên làm nhiệm vụ rồi dẫn đoàn vèo vèo qua các cửa hải quan an ninh…Mặt mỗ vênh ngược lên nhìn đám tây trắng tây đen tức tưởi bị chặn lại để đoàn của mỗ đi. He he, khỏe re! Mỗ đây tiếng tăm ù ù cạc cạc thoát được cái đoạn xét xét hỏi hỏi nhẹ cả người.

Nhớ hồi đi Mã, tổ cha cái sân bay Kualalumbua to vãi, nhìn đã thấy kinh. Mỗ đây viết vào tờ khai, phần sex (giới tính), thế quái nào lại tích vào Female (nữ). Thằng an ninh hải quan nhìn chằm chằm rồi xổ một tràng, mình nhe răng cười, lại xổ một tràng, lại cười. Nó cau mặt tiến tới sát yellow line (vạch vàng) cúi xuống thò tay búng chim mình một phát, nói male or female. Đau quá mình kêu Việt Nam Việt Nam. Nó mắt trợn mồm há, nói a Vietnam-Hochiminh-Hochiminh, mình gật gật, nói đúng đúng Hồ Chí Minh Hồ Chí Minh, thế là hắn cuống quýt hai tay dắt mình qua cửa an ninh. Đúng là mát mặt cho con dân của một đất nước anh hùng.

Lại nói chuyện Phi, cái cách cho người sân bay đón, VN nên học. Nó thể hiện lòng hiếu khách thực sự của một quốc gia văn minh, có văn hóa, dẫu cho Phi cũng chỉ là một nước đang phát triển. Nếu có đoàn nào đó của Phi vào VN thăm VOV, thì dẫu có trọng thị yêu quý đến mấy, Vũ Văn Hiền hay Nguyễn Đăng Tiến cũng đứng ngoài sảnh mà chờ, nhá. Quên, nếu đưa ra mác UVTW thì cũng được vào phòng VIP đợi, đi lại lạc ngay, mà làm sao quen các nhân viên sân bay để dẫn đoàn như cô giáo dẫn học sinh mầm non qua đường như mình ở bên Phi này được. He he.

Lúc chuẩn bị hành lý xuống máy bay, bố Ổn xúi dại Mai Văn Lạng ăn cứt gà sáp, bảo mày đút cho tao quyển này vào túi. Thằng Lạng sợ làm ô nhục quốc thể vì tội lấy tạp chí trên máy bay nên lẳng lặng vứt xuống ghế. Bố Ổn quyết nhặt bằng được, cho vào vali, khóa cái rốp ra vẻ tự tin. Mình tảng lờ vì cứ ngỡ đấy là cái tạp chí có hình mấy cô cởi truồng, nào ngờ lại là tờ quảng cáo hàng hóa bán ở cửa hàng miễn thuế trong sân bay. Thảo nào trên máy bay bố ấy cứ hỏi giá rồi lầm rầm quy đổi ra tiền VN. Mấy tạp chí quảng cáo bố lấy cho nó càng mừng. Khổ! Chưa xuống máy bay đã lo quà, âu đấy cũng là cái lo chung của dân VN xuất ngoại. Nhưng kể chuyện này để thấy Phi nó biết làm dịch vụ và du lịch. Quyển Heritage trên VN airline có mục này không nhỉ ?

Kể thêm về bố Ổn tý cho vui. Lên máy bay, đi qua hàng ghế hạng thương gia, thấy trống, lại thoáng, bố ấy kêu toáng lên, Ngọc Anh ơi đây rồi, ngồi đây này, ngồi chỗ này đẹp này. Mình cấu vào vai nói nhỏ: Có số ghế chú ơi. Bố ấy tửng hửng, mặt nghệt ra, nói vì cái tội ít đi đấy cháu ạ.

Quán Hàn Quốc tự chọn ở Phi có hàng trăm món, bố Ổn xúc một đĩa đầy mì, ăn ựa ra không hết. Hỏi sao, nói không ngon. Mình bảo mỗi thứ chú lấy tý thôi, nếu ngon mới lấy tiếp. Bố ấy thật thà gật gật ừ ừ, nói cũng vì cái tội ít đi cháu ạ. Khổ, nghĩ cũng thương ông chú gần 40 năm cống hiến cho đài.

KPB (Hiệp hội của những người làm PTTH Philippin) đưa chúng tôi về khách sạn Crown regency ở trung tâm thủ đô. Khách sạn này chắc cỡ 3 sao nhưng khá chuyên nghiệp, giá phòng đôi rẻ nhất là 160 USD. Mỗi sáng mở cửa bước ra ngoài, nhân viên bất kỳ già hay trẻ, đều cúi đầu Good morning sir.. ir… ir…ir. Cái âm “sơ” kéo dài như không dứt những tưởng mình sắp thành sơ (Sir) thật chứ không phải xơ… mướp.

Siêu thị bên này bán xơ mướp thật đấy nhé, đắt phết, tưởng để rửa bát hóa ra để kỳ cọ khi tắm. Giật mình hỏi Ngọc Anh chị có nhầm không? Ngọc Anh đọc lại bảo đúng. Trời ơi, da thịt các cô gái Phi lai Tây Ban Nha đẹp thế mà lại kỳ bằng cái này thì…! Kỳ gót chân cũng đau chứ đừng nói kỳ vào … chỗ hiểm.

(Còn nữa)

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Sao cứ đổ tội cho chị em ?

Chỉ cần học hết cấp II mọi người đã biết chính người đàn ông quyết định giới tính của thai nhi. Vậy tại sao cứ nhè người phụ nữ mà đổ lỗi cho việc sinh trai hay sinh gái.


Hùng, bạn tôi, sinh được hai cô con gái. Thuộc thế hệ người trẻ nên 2 con coi như hết tiêu chuẩn. Sống ở một vùng quê, nơi mà quan niệm con trai con gái còn nặng nề nên mỗi khi làng có đám hoặc vào hội, có tý men rượu là một số anh hay khích bác, gièm pha. Cụ cao tuổi mâm trên thì chõ xuống nói thằng Hùng xếp nó mâm dưới nhé. Ngà ngà say, ông bạn hàng xóm vỗ vai, nói uống đi ông, uống xong về ngủ, giàu thì giàu rồi, mà giàu làm gì, cho con rể nó hưởng à. Có người còn cạnh khóe, nói thằng Hùng nó kiêng rượu để kiếm đứa con trai chống gậy…

Sau mỗi lần bị kê kích như thế, về nhà, dẫu có thương vợ, nhưng Hùng cũng chẳng thể dấu sự buồn bực. Anh hục hặc với vợ, nổi nóng với con vì những chuyện không đâu.

Chẳng biết từ bao giờ, nhiều người cứ khăng khăng cho rằng việc sinh con trai hay con gái là do người phụ nữ. Chỉ cần học hết cấp II mọi người đã biết chính người đàn ông quyết định giới tính của thai nhi. Đấy là chưa kể tới việc phần đông phụ nữ VN mình thường bị động chuyện phòng the. Vậy tại sao lại đổ lỗi cho chị em trong chuyện sinh trai hay gái?

Ngẫm kỹ thấy nực cười cái chuyện chống gậy đưa ma. Sống chẳng lo đi lo lúc chết. Rồi việc nối dõi tông đường nữa, giỏi giang dòng dõi trâm anh thế phiệt đã đành, không dạy dỗ đến nơi đến chốn mà lao vào nghiện ngập thì nối dõi làm gì cho hổ thẹn với tổ tiên. Ai cũng biết, dạy được đứa con nên người thời buổi này đâu dễ. Mà thực tế chứng minh rồi, gái hay trai nếu được GD đều biết lo toan cho gia đình, có ích cho xã hội. Nhìn xa hơn thì mất cân bằng giới tính không chỉ là vấn đề của mỗi gia đình mà còn là vấn đề quốc gia. Việc “nhập khẩu” cũng như “xuất khẩu” cô dâu, về mặt xã hội, chắc chắn sẽ gây ra những hệ lụy không lường hết được.

Xưa nay người đi vận động kế hoạch hóa phần đông là nữ và đối tượng họ hướng tới cũng là nữ cho dù bao cao su dành cho nam giới, cho dù chị em là người bị động trong việc gối chăn.

Như vậy là ngay trong GD sức khỏe sinh sản thì xã hội cũng đã bất công khi chỉ hướng tới phái nữ và mặc định công việc đó là của nữ chứ không phải của nam. Tất nhiên thái độ bất bình đẳng này nay đã được cải thiện một chút.

Hiện nay nhiều đàn ông không muốn dùng các biện pháp tránh thai vì cho rằng nó làm giảm khoái cảm và hứng thú. Họ đẩy trách nhiệm tránh thai cho vợ. Điều đó thật không công bằng. Nếu người chồng biết rằng thuốc tránh thai có thể gây cho chị em đủ thứ khổ sở như buồn nôn, chóng mặt…, rồi đặt vòng không phải ai cũng hợp, rồi tâm lý lo lắng “vỡ kế hoạch” khiến người phụ nữ mất hết cảm xúc… thì người chồng sẽ có sự chia sẻ với vợ mình. Nếu người đàn ông biết rằng hứng thú chăn gối một cách chân thật, chỉ xảy ra khi có sự bình đẳng, tôn trọng và hiểu biết thì chắc chắn họ sẽ có sự cảm thông.

Ngô Thiệu Phong

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Đánh con – cả giận mất khôn.

“Ba máu sáu cơn, hỏa bốc lên đầu, phát cho nó một cái vãi cả đái ra quần…” Những cú “ra đòn” bất thình lình như thế để lại những chấn thương tâm lý cho trẻ.

Nói thế nào con bé cũng vẫn cứ mè nheo, điên tiết, vợ tôi quẳng bát cơm xuống bàn, mắt trợn miệng hét tay phát mạnh vào mông con bé. Bị đòn bất ngờ, con bé vãi cả đái trước khi xón ra mấy giọt nước mắt. Nó sợ đến nỗi không khóc nổi, chỉ thấy tiếng ực ực trong cổ rồi đứng trân trân nhìn mẹ. Dường như vẫn chưa thỏa cơn giận, vợ tôi tiếp tục la hét và phát thêm vài ba cái, chắc là cho bõ công đánh.

Nói vậy bởi vợ tôi thường ngày coi con cái là cục cưng, bất luận đứa lớn hay bé, việc đánh con rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, cuộc sống có những bực dọc ở đâu đâu, nó bám chặt lấy khiến người mệt mỏi, không còn đủ sáng suốt, bình tĩnh để nhận thức về hành vi của mình. Vợ tôi trong trường hợp trên chắc cũng nằm trong số đó.

Đến đầu thế kỷ 21 này thì việc dùng bạo lực với con là chuyện lạ. Ai cũng biết vậy vì nó chẳng giải quyết được điều gì, thậm chí có thể đem lại điều tệ hại hơn. Vợ tôi cũng thừa biết điều này, nhưng vấn đề ở chỗ có kiềm chế được hay không mà thôi. Cái này thì không nói trước được bởi nó phụ thuộc vào tâm tính, văn hóa và sự trải nghiệm cuộc sống của mỗi người.

Ở một số nước, việc đánh con như vừa nêu rất có thể bị các cơ quan chức năng lên án, thậm chí bị xử lý trước pháp luật. Ở nước ta Quyền trẻ em cũng đã nêu, các quy định cũng từng bước được thực thi…, nhưng do ảnh hưởng phương pháp giáo dục truyền thống nên nhiều lúc, nhiều nơi, việc sử dụng bạo lực với con trẻ vẫn diễn ra.

Phân tích kỹ thì thấy cú “ra đòn” của vợ tôi khiến cháu tè cả ra quần thực ra không gây chấn thương về thể xác. Cú phát vào mông bằng tay dẫu có mạnh cũng không gây nguy hiểm. Việc cháu tè ra quần là do cú “xuống tay” quá bất ngờ. Con bé nghĩ rằng, bình thường, khi đi làm về, mẹ cưng nựng hôn hít là thế, hôm nay, có nũng nịu thêm tý chút chắc sẽ được mẹ nuông chiều hơn mọi khi. Nó còn quá nhỏ nên không thể đọc được sự mệt mỏi rã rời trong ánh mắt và thái độ của người mẹ nên đã vô tình một cách hồn nhiên vượt qua giới hạn chịu đựng của một người mẹ thiếu tính kiên nhẫn và sự trải đời.

Tè ra quần khi bị mẹ đánh là trạng thái sốc về tinh thần khi bị đòn quá bất ngờ. Vì thế, có thể không chấn thương về thể xác nhưng gây ra chấn thương tinh thần rất lớn. Đứa bé, nếu đủ lớn, sẽ ghi nhớ sự kiện này trong cả cuộc đời. Trẻ vẫn tôn trọng và kính yêu mẹ nhưng những sự việc như thế sẽ đào sâu thêm cái hố ngăn cách giữa người mẹ - người bạn của con và con cái trong gia đình. Khi không thể làm bạn với con tức là bậc cha mẹ đã để vuột mất một thứ vũ khí lợi hại trong giáo dục.

Thời xưa, những bà mẹ nghiêm khắc khi dạy con bằng roi cũng phải bắt con nằm lên giường, hỏi tội chán chê, thậm chí cho con quyền tự phán xét hình phạt cho bản thân rồi mới vụt vài cái lấy lệ. Người mẹ vung vẩy nhứ nhứ cái roi trên không, đóng vai trò như một dự lệnh, nhưng lại mang ý nghĩa bản chất, cốt răn đe để con biết lỗi; còn động lệnh là hành vi vụt chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Phân tích như thế để thấy việc bất ngờ đánh con, dẫu bé chẳng đau, nhưng để lại nhiều hậu quả xấu về tâm lý.

Bây giờ không ai cổ súy cho lối dạy con bằng bạo lực, ai cũng biết, vợ tôi cũng biết, nhưng đôi khi không đủ kiên nhẫn nên ba máu sáu cơn, bốc hỏa lên đầu là lập tức đánh. Đánh xong rồi lại thương, lại yêu, lại sám hối, lại tự vấn về hành vi của mình, nhưng ở đời có những thứ chẳng thể rút lại được, bù lại được. Vậy nên, trước khi nghiên cứu các phương pháp dạy con kiểu tây tàu gì đó thì hãy cố học sự kiên nhẫn, kiên nhẫn lắng nghe và đối thoại với trẻ cũng là một cách dạy con./.

Ngô Thiệu Phong

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

Làm việc mình thích ( nhân 7/9).


Nhân ngày 7/9, ngày thành lập Đài TNVN, xin có vài tâm sự với các bậc nam nhi tử về công việc của nữ nhà báo. Tâm sự này như một sự sẻ chia để chúng ta cùng hiểu thêm công việc đặc thù - nghề báo với giới nữ.

Nhiều người ngạc nhiên sao nghề báo vất vả thế mà chị em làm báo đông hơn cả anh em. Nói thế không phải chê chị em, nhưng quả thực tỷ lệ hơi mất cân đối.

Sở dĩ số lượng nhà báo nữ đông vì ngành báo chí tuyển khối C mà chị em lại có năng khiếu những môn này.

Với nghề báo, nam hay nữ đều có thế mạnh riêng. Với từng việc cụ thể, nhiều khi chị em thực hiện hiệu quả gấp nhiều lần các nhà báo nam.

Gì chứ khoản moi tin chị em hơn đứt cánh phóng viên nam. Với giọng nói nhẹ nhàng, mềm mại lại thêm tính kiên trì thì kiểu gì chị em cũng có tin sốt dẻo, chẳng bù trước đó mấy phóng viên nam lẽo đẽo theo nói trẹo cả họng chẳng thu được tí thông tin gì.

Có lần vào trại giam phỏng vấn phạm nhân, mấy phóng viên nam cứ chĩa micro ra thì chỉ thu được tiếng ầm ừ, vâng vâng dạ dạ, trong khi đó, chẳng biết mấy chị phóng viên tỷ tê thế nào mà có phạm nhân mặt mũi sẹo ngang sẹo dọc, xăm trổ đầy mình…, mắt cứ đỏ hoe tông tốc lôi hết ruột gan ra kể. Tài.

Tiếp xúc với những cô gái làm nghề bán dâm, phóng viên nam hỏi, chị có dùng bao cao su không, chị em cười nhạt, nói có, không, rồi lúc có lúc không. Thế nhưng nữ phóng viên hỏi thì cơ man nào là chuyện, từ bao rách, bao thủng, bao dày, bao mỏng, quên bao cho tới người mua dâm không thích dùng bao. Về nhà bật máy ghi âm lên nghe, mấy phóng viên nam mắt trợn mồm há, nói sao tài vậy sao hay vậy.

Có đận một nhân vật nổi tiếng từ nước ngoài về Việt Nam, mấy anh phóng viên ảnh cậy sức hung hăng chạy ào ào vào chiếm những vị trí tốt nhất để đặt máy. Chờ mãi chờ mãi chẳng thấy VIP xuất hiện, mọi người nản lục tục ra về thì thấy trong một căn phòng khác, VIP đang đứng tạo dáng cho mấy nữ phóng viên tha hồ chụp. Phục chưa?

Tất nhiên, chẳng phải bỗng dưng mà chị em có được những kỹ năng và mối quan hệ tốt như thế. Họ đều phải mất nhiều thời gian rèn luyện, học hỏi từ đồng nghiệp, từ thực tiễn. Nghề báo không có khái niệm hưu nhưng nghề báo cũng không có thời giờ cố định. Có nghĩa là người làm báo phải động não mọi lúc mọi nơi. Vì thế, xin đừng quá ngạc nhiên khi có chị em đãng trí cho mì chính vào chè, cho đường vào canh.

Nghề báo đòi hỏi phải sáng tạo liên tục và cạnh tranh khốc liệt. Thông tin từ đời sống thực tiễn là thực phẩm cho sáng tạo báo chí nên nhà báo nữ phải đầm mình với cuộc sống, phải đi sớm về muộn không có gì lạ.

Một ông chồng kể, đi công tác cả tuần mới về, tắm giặt sạch sẽ, tót lên giường chờ vợ đi ngủ sớm, chờ mãi chờ mãi chẳng thấy đâu, lại nghe văng vẳng phòng bên có tiếng đàn ông, nói được chưa được chưa, hay không hay không. Tiếng vợ thánh thót oanh vàng, hay, hay lắm anh ạ.

Hóa ra vợ anh ấy là phóng viên nhà đài, tận dụng thời gian rỗi buổi tối đem máy móc băng ghi âm về nhà viết bài. Trong máy, người được phỏng vấn hỏi nói thế được chưa, nói có hay không. Biết chuyện, ông chồng tẽn tò lên giường kiên nhẫn hết lấy báo ra đọc lại mở đài nghe. Tôi hỏi, thế cuối cùng “có hay” thật không? Anh cười tít, nói càng hay càng hay chú ạ.

Tất nhiên đấy là những ông chồng thông cảm với nghề báo. Cũng còn một số không chịu nổi vất vả và khắc nghiệt của nghề nên bảo vợ chuyển công việc khác. Họ nói không thể chịu được hình ảnh vợ mình cầm cái máy ghi âm nhẫn nại bám theo người ta đề nghị phỏng vấn.

Nghề nào để làm tốt cũng khó, cũng cực nhọc, nhưng tất thảy đều vượt qua được nếu có sự nỗ lực của bản thân và nguồn động viên, cảm thông từ người thân. Người ta sống để được làm công việc mình thích chứ không phải làm để mà sống. Nếu chỉ làm để mà sống thì đơn giản quá! Tôi nghĩ, những nhà báo nữ dám dấn thân vào nghề này đều mong muốn được làm công việc mình yêu thích. Vì thế họ rất cần có sự cảm thông.

Ngô thiệu Phong