Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

Làm việc mình thích ( nhân 7/9).


Nhân ngày 7/9, ngày thành lập Đài TNVN, xin có vài tâm sự với các bậc nam nhi tử về công việc của nữ nhà báo. Tâm sự này như một sự sẻ chia để chúng ta cùng hiểu thêm công việc đặc thù - nghề báo với giới nữ.

Nhiều người ngạc nhiên sao nghề báo vất vả thế mà chị em làm báo đông hơn cả anh em. Nói thế không phải chê chị em, nhưng quả thực tỷ lệ hơi mất cân đối.

Sở dĩ số lượng nhà báo nữ đông vì ngành báo chí tuyển khối C mà chị em lại có năng khiếu những môn này.

Với nghề báo, nam hay nữ đều có thế mạnh riêng. Với từng việc cụ thể, nhiều khi chị em thực hiện hiệu quả gấp nhiều lần các nhà báo nam.

Gì chứ khoản moi tin chị em hơn đứt cánh phóng viên nam. Với giọng nói nhẹ nhàng, mềm mại lại thêm tính kiên trì thì kiểu gì chị em cũng có tin sốt dẻo, chẳng bù trước đó mấy phóng viên nam lẽo đẽo theo nói trẹo cả họng chẳng thu được tí thông tin gì.

Có lần vào trại giam phỏng vấn phạm nhân, mấy phóng viên nam cứ chĩa micro ra thì chỉ thu được tiếng ầm ừ, vâng vâng dạ dạ, trong khi đó, chẳng biết mấy chị phóng viên tỷ tê thế nào mà có phạm nhân mặt mũi sẹo ngang sẹo dọc, xăm trổ đầy mình…, mắt cứ đỏ hoe tông tốc lôi hết ruột gan ra kể. Tài.

Tiếp xúc với những cô gái làm nghề bán dâm, phóng viên nam hỏi, chị có dùng bao cao su không, chị em cười nhạt, nói có, không, rồi lúc có lúc không. Thế nhưng nữ phóng viên hỏi thì cơ man nào là chuyện, từ bao rách, bao thủng, bao dày, bao mỏng, quên bao cho tới người mua dâm không thích dùng bao. Về nhà bật máy ghi âm lên nghe, mấy phóng viên nam mắt trợn mồm há, nói sao tài vậy sao hay vậy.

Có đận một nhân vật nổi tiếng từ nước ngoài về Việt Nam, mấy anh phóng viên ảnh cậy sức hung hăng chạy ào ào vào chiếm những vị trí tốt nhất để đặt máy. Chờ mãi chờ mãi chẳng thấy VIP xuất hiện, mọi người nản lục tục ra về thì thấy trong một căn phòng khác, VIP đang đứng tạo dáng cho mấy nữ phóng viên tha hồ chụp. Phục chưa?

Tất nhiên, chẳng phải bỗng dưng mà chị em có được những kỹ năng và mối quan hệ tốt như thế. Họ đều phải mất nhiều thời gian rèn luyện, học hỏi từ đồng nghiệp, từ thực tiễn. Nghề báo không có khái niệm hưu nhưng nghề báo cũng không có thời giờ cố định. Có nghĩa là người làm báo phải động não mọi lúc mọi nơi. Vì thế, xin đừng quá ngạc nhiên khi có chị em đãng trí cho mì chính vào chè, cho đường vào canh.

Nghề báo đòi hỏi phải sáng tạo liên tục và cạnh tranh khốc liệt. Thông tin từ đời sống thực tiễn là thực phẩm cho sáng tạo báo chí nên nhà báo nữ phải đầm mình với cuộc sống, phải đi sớm về muộn không có gì lạ.

Một ông chồng kể, đi công tác cả tuần mới về, tắm giặt sạch sẽ, tót lên giường chờ vợ đi ngủ sớm, chờ mãi chờ mãi chẳng thấy đâu, lại nghe văng vẳng phòng bên có tiếng đàn ông, nói được chưa được chưa, hay không hay không. Tiếng vợ thánh thót oanh vàng, hay, hay lắm anh ạ.

Hóa ra vợ anh ấy là phóng viên nhà đài, tận dụng thời gian rỗi buổi tối đem máy móc băng ghi âm về nhà viết bài. Trong máy, người được phỏng vấn hỏi nói thế được chưa, nói có hay không. Biết chuyện, ông chồng tẽn tò lên giường kiên nhẫn hết lấy báo ra đọc lại mở đài nghe. Tôi hỏi, thế cuối cùng “có hay” thật không? Anh cười tít, nói càng hay càng hay chú ạ.

Tất nhiên đấy là những ông chồng thông cảm với nghề báo. Cũng còn một số không chịu nổi vất vả và khắc nghiệt của nghề nên bảo vợ chuyển công việc khác. Họ nói không thể chịu được hình ảnh vợ mình cầm cái máy ghi âm nhẫn nại bám theo người ta đề nghị phỏng vấn.

Nghề nào để làm tốt cũng khó, cũng cực nhọc, nhưng tất thảy đều vượt qua được nếu có sự nỗ lực của bản thân và nguồn động viên, cảm thông từ người thân. Người ta sống để được làm công việc mình thích chứ không phải làm để mà sống. Nếu chỉ làm để mà sống thì đơn giản quá! Tôi nghĩ, những nhà báo nữ dám dấn thân vào nghề này đều mong muốn được làm công việc mình yêu thích. Vì thế họ rất cần có sự cảm thông.

Ngô thiệu Phong

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ