Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Nhật ký Philippin III.

KBP có dụng ý đưa đoàn VOV tham quan từ đài nhỏ đến to. Win radio có diện tích bằng 1/3 hệ VOV2, với tổng số nhân viên 15 người, phát sóng FM trực tiếp 24/24, nội dung phần lớn là âm nhạc nhưng doanh thu hàng năm khoảng 3 triệu USD. Cứ cho là chi phí hết hẳn 1 triệu đô, còn 2 triệu. Trong khi đó ông chủ đài bảo mỗi nhân viên thu nhập bình quân khoảng 600USD/ tháng. Vậy ông chủ được bao nhiêu? Cú này mà VN mở đài tư nhân, mỗ nhất định thành ông chủ.

Win radio là đài tư nhỏ nhất mà đoàn thăm, nhưng tháng nào cũng tổ chức Survey- điều tra thính giả, thuê một tổ chức chuyên nghiệp làm. Kinh. Hỏi sao làm dày thế, bảo vì tao đài nhỏ, cần phải cạnh tranh với các đài lớn.

Phát thanh tư nhân ở Phi hầu như không qua kiểm duyệt. Phóng viên tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm. Vì thế vào một đài chỉ thấy phòng thu, phòng thu. Không nhiều giấy tờ như ta. Hầu hết phòng thu đều thiết kế theo kiểu one-man studio, không hoành tráng, thiết bị cũng chẳng có gì ghê gớm nhưng hiệu quả cao. Cứ xem họ sống khỏe nhờ quảng cáo thì biết.

Do phải cạnh tranh và tự trả lương nên lượng nhân viên ở các đài tư rất ít. Phóng viên nhiều khi kiêm luôn nhiệm vụ của KTV. Họ ngồi trước bàn trộn, trước mic để dẫn, nền, chèn nhạc… một cách thoải mái. Ví như khi đoàn VOV vào thăm, họ nền nhạc xuống và nói: Chúng tôi đang có vinh dự được tiếp các bạn đồng nghiệp đến từ VOV…Wellcome …owh owh…yeah yeah… Vui nhộn, thoải mái, nhẹ nhàng. Có cảm giác là người dẫn chương trình bên này nói như gào lên với một tốc độ khá nhanh, chắc là để tạo không khí sôi động và cuốn hút người nghe.

Một điều khá thú vị là dọc các hành lang, trong các phòng làm việc, thậm chí cả phòng thu người ta treo hình phóng viên – những người xuất sắc, có cống hiến hoặc có điểm gì đó đặc biệt chứ không phải treo hình lãnh đạo đài với lãnh đạo đảng và nhà nước. Một số nhân vật nổi tiếng hơn như diễn viên, người sáng lập… được treo ảnh và in hình bàn tay vào thạch cao rồi treo bên cạnh. Nếu mỗ làm ở đây thể nào cũng được treo hình và chua ở dưới mấy dòng như Cả Chiêm hoặc three – time awarded man, hê hê, tự sướng. Vớ vẩn.

Đến các đài ở Phi đều nghe thấy tiếng đài. Đài ở mọi nơi, từ sảnh, tháng máy, thậm chí cả ở toa lét…, để đảm bảo rằng mọi thành viên đều là những người kiểm thính. Còn ở VOV chỉ được nghe quảng cáo. Rõ là tham bát bỏ mâm.

Một thằng ở đài I.FM hỏi mình chọn nhạc cho chương trình âm nhạc thế nào. Mỗ tinh tướng, nói theo nhu cầu thính giả. Nó trợn mắt ngạc nhiên, hỏi trực tiếp à. Mỗ trả lời, chứ sao. Sau đó Ngọc Anh có diễn đạt lại là nhu cầu thính giả một phần, còn theo ý muốn chủ quan của phóng viên. Nó gật gù, nói thế chứ nếu không thì bọn mày “vỡ chương trình” ngay. Mỗ hơi bị thiếu I ốt một tý nhưng cũng cố tư duy cái câu “vỡ chương trình”. Cụ Sướng ơi! Tiền các con cũng thích nhưng cẩn thận kẻo “vỡ chương trình” đó nghe


Chưa giáng sinh nhưng hầu hết các đài đều có đồng hồ đếm ngược và trang trí cây thông Noel. Thi thoảng người dẫn chương trình lại nhắc, chỉ còn XX ngày nữa là đến giáng sinh… Ở một đất nước mà thiên chúa giáo là quốc đạo có khác. Tuy nhiên, mục đích chính là tạo ra sự hưng phấn, niềm tin yêu, háo hức, rạo rực cho cả người nghe lẫn người làm việc trong studio.

Cái đài doanh thu năm 3 triệu đô là đài nhỏ nhất. ABS – CBN có thể là đài lớn nhất Phi, tòa nhà gấp 4-5 lần cái Vincom ở Hà Nội. Nghe nói đài này trước của gia đình Maccos. Thực ra gọi ABS-CBN là tập đoàn thì đúng hơn. Riêng đội ngũ an ninh làm việc trong toàn nhà này bằng số cán bộ nhân viên của VOV 1 và VOV 2 gộp lại, còn tổng số nhân viên đâu hơn 5000. Trong tòa nhà của CBS không chỉ có hệ thống siêu thị mà còn có cả một ngôi nhà thờ cho nhân viên làm lễ. Nhìn cái nhà thờ nho nhỏ mang phong cách kiến trúc gothic cổ kính, mỗ nói hay thật hay thật. Bọn Phi bảo học VN thôi, chỗ 58 Quán Sứ của mày cũng có bàn thờ Bác Hồ đấy thôi.

Không chỉ Radio ABS-CBN làm cả TV. Các chương trình của họ luôn trong tốp 5 đài dẫn đầu Phi. Họ nổi tiếng tới mức phải thành lập một đội ngũ chuyên nghiệp để giới thiệu đài cho du khách. Tại CBN, mỗ được ăn trưa trên tầng 14 đấy nhé, sang cực nhưng ăn uống chẳng ra đếch gì. Tầng này dành riêng cho khách, còn tầng 12 thì dành cho nhân viên. Chắc cũng học Quán Sứ của mỗ chứ gì.

Bên này nhiều đài có cả phát thanh và truyền hình. Tuy nhiên fomat của phát thanh có hình (bên này gọi là teleradyo) thì khác PT có hình của ông Hiền ông Khoa lắm lắm.

Teleradyo thuần túy là phát thanh được đưa lên truyền hình. Còn kiểu phát thanh có hình như nhà ta là kiểu làm của truyền hình. Ví dụ như ở đài DZMM (CBN), 1/3 màn hình chiếu cảnh trong phòng thu của đài phát thanh, thỉnh thoảng chèn quảng cáo. Phần còn lại dành cho quảng cáo tĩnh hoặc chạy chữ cho những thông tin khác. Nhìn người dẫn chương trình trên teleradyo của họ thấy mê. Tất cả văn bản đều trên máy tính nên không phải cúi gằm xuống mà ê a đọc. Họ diễn tả một cách sinh động bằng cả ngôn ngữ cơ thể (body-language) nên người xem thấy như đang nói chuyện với mình. Teleradyo của họ còn đưa được cả kịch truyền thanh. Kinh.

Mời vê - ti sang học ngay chứ cái kiểu làm nửa dơi nửa chuột như lâu nay không được. Kiểu ấy sao qua mặt nổi với các “đại gia” VTV, VTC và TH TTXVN?

Hôm cuối được gặp hai chủ đài tôn giáo: Một em đẹp như mơ học ở Mỹ về (vẫn single) và một anh sau này mới biết là gay. Hai ông bà chủ này để lại nhiều ấn tượng. Đài tôn giáo nhưng không nhận tài trợ của bất kỳ tổ chức tôn giáo nào, tài thế.

Đi Phi về mỗ phải bổ sung thêm vào hệ thống ký hiệu trong rest - room ( nhà vệ sinh) mới được. Nữ bên này ghi là SHE còn nam là HE. Có nơi còn giản tiện ghi M (men-nam) và W (women-nữ). Mỗ bị vố male or female (mà các bạn đọc phần đầu rồi đấy), tởn, lần này mỗ vẫn cứ nhầm quyết cho rằng ký hiệu M = male = nữ nên đầy tự tin đẩy cửa phòng “phía bên kia”. Một tiếng la thất thanh. An ninh nhào vô. Mỗ luống cuống chỉ lên tấm biển, nói male or men, he he, bọn an ninh đực mặt cười trừ.

Hú vía, ba cái vụ ký hiệu này mệt, nhưng nhiều chỗ nhân văn phết. Ví như trên màn hình có parental guidance (cần có sự hướng dẫn của cha mẹ). Đó là phim người lớn, bạo lực, kinh dị… được khuyến cáo cân nhắc khi cho trẻ em xem. Bọn này lại ăn cắp khẩu hiệu “Vì tương lai con em chúng ta” ở VN đem về Phi thực hiện đây mà.

Mình sang Phi đi vào khu du lịch họ chỉ chỉ về phía mình hỏi nhau rồi thi thầm Thailand, Thailand, chẳng lẽ mình quay lại nói tao là người VN. Thôi kệ. Sao nó không chịu hiểu mình là người VN nhỉ .
(Còn nữa)

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ