Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Đánh con – cả giận mất khôn.

“Ba máu sáu cơn, hỏa bốc lên đầu, phát cho nó một cái vãi cả đái ra quần…” Những cú “ra đòn” bất thình lình như thế để lại những chấn thương tâm lý cho trẻ.

Nói thế nào con bé cũng vẫn cứ mè nheo, điên tiết, vợ tôi quẳng bát cơm xuống bàn, mắt trợn miệng hét tay phát mạnh vào mông con bé. Bị đòn bất ngờ, con bé vãi cả đái trước khi xón ra mấy giọt nước mắt. Nó sợ đến nỗi không khóc nổi, chỉ thấy tiếng ực ực trong cổ rồi đứng trân trân nhìn mẹ. Dường như vẫn chưa thỏa cơn giận, vợ tôi tiếp tục la hét và phát thêm vài ba cái, chắc là cho bõ công đánh.

Nói vậy bởi vợ tôi thường ngày coi con cái là cục cưng, bất luận đứa lớn hay bé, việc đánh con rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, cuộc sống có những bực dọc ở đâu đâu, nó bám chặt lấy khiến người mệt mỏi, không còn đủ sáng suốt, bình tĩnh để nhận thức về hành vi của mình. Vợ tôi trong trường hợp trên chắc cũng nằm trong số đó.

Đến đầu thế kỷ 21 này thì việc dùng bạo lực với con là chuyện lạ. Ai cũng biết vậy vì nó chẳng giải quyết được điều gì, thậm chí có thể đem lại điều tệ hại hơn. Vợ tôi cũng thừa biết điều này, nhưng vấn đề ở chỗ có kiềm chế được hay không mà thôi. Cái này thì không nói trước được bởi nó phụ thuộc vào tâm tính, văn hóa và sự trải nghiệm cuộc sống của mỗi người.

Ở một số nước, việc đánh con như vừa nêu rất có thể bị các cơ quan chức năng lên án, thậm chí bị xử lý trước pháp luật. Ở nước ta Quyền trẻ em cũng đã nêu, các quy định cũng từng bước được thực thi…, nhưng do ảnh hưởng phương pháp giáo dục truyền thống nên nhiều lúc, nhiều nơi, việc sử dụng bạo lực với con trẻ vẫn diễn ra.

Phân tích kỹ thì thấy cú “ra đòn” của vợ tôi khiến cháu tè cả ra quần thực ra không gây chấn thương về thể xác. Cú phát vào mông bằng tay dẫu có mạnh cũng không gây nguy hiểm. Việc cháu tè ra quần là do cú “xuống tay” quá bất ngờ. Con bé nghĩ rằng, bình thường, khi đi làm về, mẹ cưng nựng hôn hít là thế, hôm nay, có nũng nịu thêm tý chút chắc sẽ được mẹ nuông chiều hơn mọi khi. Nó còn quá nhỏ nên không thể đọc được sự mệt mỏi rã rời trong ánh mắt và thái độ của người mẹ nên đã vô tình một cách hồn nhiên vượt qua giới hạn chịu đựng của một người mẹ thiếu tính kiên nhẫn và sự trải đời.

Tè ra quần khi bị mẹ đánh là trạng thái sốc về tinh thần khi bị đòn quá bất ngờ. Vì thế, có thể không chấn thương về thể xác nhưng gây ra chấn thương tinh thần rất lớn. Đứa bé, nếu đủ lớn, sẽ ghi nhớ sự kiện này trong cả cuộc đời. Trẻ vẫn tôn trọng và kính yêu mẹ nhưng những sự việc như thế sẽ đào sâu thêm cái hố ngăn cách giữa người mẹ - người bạn của con và con cái trong gia đình. Khi không thể làm bạn với con tức là bậc cha mẹ đã để vuột mất một thứ vũ khí lợi hại trong giáo dục.

Thời xưa, những bà mẹ nghiêm khắc khi dạy con bằng roi cũng phải bắt con nằm lên giường, hỏi tội chán chê, thậm chí cho con quyền tự phán xét hình phạt cho bản thân rồi mới vụt vài cái lấy lệ. Người mẹ vung vẩy nhứ nhứ cái roi trên không, đóng vai trò như một dự lệnh, nhưng lại mang ý nghĩa bản chất, cốt răn đe để con biết lỗi; còn động lệnh là hành vi vụt chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Phân tích như thế để thấy việc bất ngờ đánh con, dẫu bé chẳng đau, nhưng để lại nhiều hậu quả xấu về tâm lý.

Bây giờ không ai cổ súy cho lối dạy con bằng bạo lực, ai cũng biết, vợ tôi cũng biết, nhưng đôi khi không đủ kiên nhẫn nên ba máu sáu cơn, bốc hỏa lên đầu là lập tức đánh. Đánh xong rồi lại thương, lại yêu, lại sám hối, lại tự vấn về hành vi của mình, nhưng ở đời có những thứ chẳng thể rút lại được, bù lại được. Vậy nên, trước khi nghiên cứu các phương pháp dạy con kiểu tây tàu gì đó thì hãy cố học sự kiên nhẫn, kiên nhẫn lắng nghe và đối thoại với trẻ cũng là một cách dạy con./.

Ngô Thiệu Phong

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ