Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Hãy trao nhau nụ cười.

Tôi vừa có chuyến công tác nước ngoài cùng đồng nghiệp. Vừa xuống sân bay, nhiều người mở di động gọi điện cho người thân, riêng Lan chẳng thấy điện cho chồng. Một lát sau, có lẽ sốt ruột, chồng Lan chủ động điện, hình như có trách móc, có dỗi hờn nên thấy Lan phân trần, nói anh Hải đi cùng đoàn với em vừa gọi cho anh rồi còn gì.

Đợi vợ chồng Lan trò chuyện xong, tôi nhại giọng chồng Lan trêu, vâng, Hải vừa gọi điện cho anh. Anh biết là đoàn vừa về. Vậy thì tối nay em bảo anh Hải đến ngủ cùng anh, nhá.

Lan cười nhạt chẳng nói gì, tôi bồi thêm, cái tội của cô là tội không háo hức. Tội này không có trọng bộ luật nào nhưng là “trọng tội” đấy!

Chuyện của Lan nhắc tôi nhớ lại thuở xưa, mỗi khi mẹ đi chợ là cả mấy anh chị em chúng tôi háo hức đợi chờ, mắt phóng ra bụi tre rất xa đầu làng tìm dáng mẹ. Chẳng quan tâm mẹ mua gì bán gì, chỉ biết mỗi lần đi chợ thể nào cũng mua về dăm ba cái kẹo dồi, kẹo lạc. Chỉ thế thôi mà nhớ mãi.

Bây giờ đủ đầy hơn, trẻ con không còn náo nức đón mẹ đi chợ về như trước nữa. Quả thật thế!

Bây giờ bận rộn hơn, đi công tác thường xuyên hơn nên cái sự gặp lại sau những ngày xa cách không còn vồ vập, háo hức nữa. Liệu có thật thế không?

Việt Nam chưa thực sự bước cả hai chân vào cuộc sống công nghiệp. Dẫu vậy, cường độ và sức ép công việc đã tăng lên đáng kể. Phần lớn gia đình không còn lo nhiều đến bơ gạo, mớ rau. Nhưng theo đó, tiếng cười, lời chào và ánh mắt yêu thương đang bị những âu lo của mưu sinh lấn át khiến không có cơ ngóc dậy.

Trong quan hệ xã giao, người Việt rất hay cười. Đặt trong bối cảnh ngàn năm bị đô hộ, bị những tư tưởng phong kiến chi phối, người dân chỉ biết cúi mặt câm lặng và thành kính trước thế lực và thần quyền thì mới thấy tiếng cười của chúng ta giá trị thế nào. Với người nước ngoài, nụ cười là biểu tượng của sự thân thiện của người Việt. Thế mà hôm nay, ở đâu đó, tiếng cười đang bị sự mệt mỏi và toan tính vùi lấp.

Cuộc sống quy định tính cách và hành vi con người. Đó là là quy luật. Nhưng trong gia đình hãy cố tạo ra tiếng cười. Người chồng hoặc vợ dẫu mệt mỏi và căng thẳng vì công việc đến mấy, nhưng mỗi khi mở cửa nhìn thấy nụ cười, nghe được lời chào thì mọi buồn phiền và đau khổ sẽ tan biến.

Sự mệt nhọc sau một ngày làm việc sẽ làm cho nụ cười méo mó gượng gạo. Nhưng đừng vì thế mà đánh mất nụ cười. Dẫu có cười như mếu thì càng làm cho nửa bên kia xúc động và cảm thông nhiều hơn.

Bao người cứ tự dặn mình đừng đem công việc cơ quan và bức xúc ngoài đời về nhà. Điều này cũng cần đấy nhưng thực hiện chẳng dễ. Vậy thì trước hết hãy trao nhau nụ cười./.

Ngô Thiệu Phong

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ