Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Sao cứ đổ tội cho chị em ?

Chỉ cần học hết cấp II mọi người đã biết chính người đàn ông quyết định giới tính của thai nhi. Vậy tại sao cứ nhè người phụ nữ mà đổ lỗi cho việc sinh trai hay sinh gái.


Hùng, bạn tôi, sinh được hai cô con gái. Thuộc thế hệ người trẻ nên 2 con coi như hết tiêu chuẩn. Sống ở một vùng quê, nơi mà quan niệm con trai con gái còn nặng nề nên mỗi khi làng có đám hoặc vào hội, có tý men rượu là một số anh hay khích bác, gièm pha. Cụ cao tuổi mâm trên thì chõ xuống nói thằng Hùng xếp nó mâm dưới nhé. Ngà ngà say, ông bạn hàng xóm vỗ vai, nói uống đi ông, uống xong về ngủ, giàu thì giàu rồi, mà giàu làm gì, cho con rể nó hưởng à. Có người còn cạnh khóe, nói thằng Hùng nó kiêng rượu để kiếm đứa con trai chống gậy…

Sau mỗi lần bị kê kích như thế, về nhà, dẫu có thương vợ, nhưng Hùng cũng chẳng thể dấu sự buồn bực. Anh hục hặc với vợ, nổi nóng với con vì những chuyện không đâu.

Chẳng biết từ bao giờ, nhiều người cứ khăng khăng cho rằng việc sinh con trai hay con gái là do người phụ nữ. Chỉ cần học hết cấp II mọi người đã biết chính người đàn ông quyết định giới tính của thai nhi. Đấy là chưa kể tới việc phần đông phụ nữ VN mình thường bị động chuyện phòng the. Vậy tại sao lại đổ lỗi cho chị em trong chuyện sinh trai hay gái?

Ngẫm kỹ thấy nực cười cái chuyện chống gậy đưa ma. Sống chẳng lo đi lo lúc chết. Rồi việc nối dõi tông đường nữa, giỏi giang dòng dõi trâm anh thế phiệt đã đành, không dạy dỗ đến nơi đến chốn mà lao vào nghiện ngập thì nối dõi làm gì cho hổ thẹn với tổ tiên. Ai cũng biết, dạy được đứa con nên người thời buổi này đâu dễ. Mà thực tế chứng minh rồi, gái hay trai nếu được GD đều biết lo toan cho gia đình, có ích cho xã hội. Nhìn xa hơn thì mất cân bằng giới tính không chỉ là vấn đề của mỗi gia đình mà còn là vấn đề quốc gia. Việc “nhập khẩu” cũng như “xuất khẩu” cô dâu, về mặt xã hội, chắc chắn sẽ gây ra những hệ lụy không lường hết được.

Xưa nay người đi vận động kế hoạch hóa phần đông là nữ và đối tượng họ hướng tới cũng là nữ cho dù bao cao su dành cho nam giới, cho dù chị em là người bị động trong việc gối chăn.

Như vậy là ngay trong GD sức khỏe sinh sản thì xã hội cũng đã bất công khi chỉ hướng tới phái nữ và mặc định công việc đó là của nữ chứ không phải của nam. Tất nhiên thái độ bất bình đẳng này nay đã được cải thiện một chút.

Hiện nay nhiều đàn ông không muốn dùng các biện pháp tránh thai vì cho rằng nó làm giảm khoái cảm và hứng thú. Họ đẩy trách nhiệm tránh thai cho vợ. Điều đó thật không công bằng. Nếu người chồng biết rằng thuốc tránh thai có thể gây cho chị em đủ thứ khổ sở như buồn nôn, chóng mặt…, rồi đặt vòng không phải ai cũng hợp, rồi tâm lý lo lắng “vỡ kế hoạch” khiến người phụ nữ mất hết cảm xúc… thì người chồng sẽ có sự chia sẻ với vợ mình. Nếu người đàn ông biết rằng hứng thú chăn gối một cách chân thật, chỉ xảy ra khi có sự bình đẳng, tôn trọng và hiểu biết thì chắc chắn họ sẽ có sự cảm thông.

Ngô Thiệu Phong

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ