Bạo lực đâu chỉ nắm đấm.
Bạo lực gia đình diễn ra dưới muôn hình vạn trạng. Chính vì thế, cái quan trọng đối với mỗi thành viên trong gia đình cần nhận ra liệu cách giải quyết mình sắp đưa ra có phải là bạo lực hay không? Nếu đúng là bạo lực thì tỷ lệ thất bại rất cao. Xin kể một trường hợp khá điển hình .
Tôi có anh hàng xóm cạnh nhà, tên Dũng, nghiện thuốc lào nặng. Buổi sáng, vừa đặt chân xuống đất, có khi mắt còn ngoèn dử, anh đã phải tìm tới chỗ cái điếu cày. Mắt lơ đãng ngó ra khoảng sân trước mặt, anh chậm rãi vê một bi thuốc lào tống vào nõ điếu. Chiếc bật lửa ga luôn để chế độ lửa to nhất. Sau đó anh dùng ngón trỏ khều nhẹ vào bánh xe một cách điệu nghệ, ánh lửa dài thòng phụt lên rồi từ từ ngả dần về nõ điếu. Càng nhìn càng thấy giống một cái cầu vồng lửa mà đầu bên này là bật lửa còn bên kia nõ điếu. Nếu như tất cả các công đoạn trước thong thả chậm rãi bao nhiêu thì cú rít mới thực sự phô bày sức mạnh và nội công thâm hậu của một anh tuổi 40 nhưng có thâm niên hơn 20 năm nghiện thuốc. Tiếng điếu rít lên xoe xóe cuối làng cũng nghe rõ. Nhưng đáng nể hơn là đám khói nhả ra sau đó. Mọi người hẳn sẽ bất ngờ không hiểu sao cái thân hình gầy gò thế mà dung tích phổi lại lớn đến vậy. Khói mù mịt cả gian phòng khách, khói tan rồi mà mắt anh vẫn mơ màng, tay run run mân mê chiếc bật lửa.
Anh Dũng rất hiền. Cả ngày cắm cúi việc nhà, rỗi lại chạy xe ôm. Vợ anh - một cô giáo cấp 2 - xinh xắn, tên Lan, người cùng làng.
Bạn bè của chị Lan phần đông đều là GV. Phải chăng vì thế mà chị ấy ghét cay ghét đắng cái điếu cày. Nó là biểu hiện của hủ tục hay cái gì đó thậm lạc hậu và vô cùng mất vệ sinh. Chị quyết không thèm chạm vào nó mà chỉ lấy chân hẩy ra xa mỗi khi lau nhà. Chị ngượng ra mặt khi đồng nghiệp tới nhà chơi tỏ ra quan tâm một cách thái quá tới cái điếu cày của chồng mình.
Và cuối cùng, chị quyết định cần phải kết liễu số phận chiếc điếu cày nhằm diệt tận gốc mầm mống của hủ tục. Người ta cũng chẳng rõ chị vứt đi hay giấu ở đâu nhưng thấy anh Dũng cứ loanh quanh ra vào, sau nghe tiếng điếu nổ giòn ở nhà hàng xóm bên cạnh.
Với bản tính hiền lành, thương vợ thương con, nên việc bị vợ “ra tay tận diệt” chiếc điếu thân yêu của mình, anh Dũng chỉ cười hề hề coi như một “tai nạn nghề nghiệp”. Mấy hôm sau, anh sắm cái điếu mới và hàng xóm lại nghe tiếng điếu rít lên mỗi sáng.
Nhưng chị Lan cũng chẳng phải tay vừa. Chị vắt tay lên trán suy nghĩ cả đêm: Đã cách mạng là phải triệt để, quyết không thể nửa vời, nửa với là hỏng, cái này chị đã học và quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ rồi, nay chẳng nhẽ áp dụng vào việc cỏn con trong nhà cũng không xong? Nghĩ vậy, một lần nữa, chị quyết tâm tiêu hủy chiếc điếu cày, vật dụng mà chị coi là “công cụ để thực hiện tội ác”. Nói thế không ngoa chút nào khi mà một người phun khói độc cả nhà phải chịu.
Mất điếu lần thứ hai cũng là lúc anh Dũng tỏ ra mất bình tĩnh và thiếu kiềm chế. Lần đầu tiên hàng xóm thấy họ to tiếng.
Mất điếu lần thứ ba thì anh Dũng mất hẳn kiểm soát và không ai còn nhận ra một anh Dũng hiền lành trước kia. Anh chỉ vào mặt vợ thét lạc cả giọng, “cai thì phải từ từ chứ”. Chưa hết cơn bực, tiện tay, anh chụp cả khay đĩa chén quẳng ra sân. Thấy choang một cái, hai đứa con choàng tỉnh giấc, thút thít khóc vì sợ.
Sau ba lần mất điếu thì tính tình anh Dũng bắt đầu đổi khác. Bây giờ thì hàng xóm, dẫu có thiện cảm và hiểu hoàn cảnh của gia đình anh, cũng chỉ lắc đầu tiếc nuối mà nói rằng, “trước đây anh ấy cũng hiền và chăm chỉ lắm”.
Thật buồn! Chỉ vì một việc nhỏ như hút thuốc nhưng chị Lan đã dại dột giải quyết bằng hành vi bạo lực và anh Dũng cũng đáp trả bằng bạo lực dẫn tới kết cục thê thảm. Hạnh phúc gia đình bị đẩy tới bên bờ vực sâu.
Ngô thiệu Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ