Oan rơm rạ.
Dường như đã sinh ra làng là phải có cây rơm cây tre cây chuối. Cây rơm như nụ hoa nhỏ điểm xuyết cho bức tranh làng. Cây rơm cũng như cây tre cây chuối đi vào đời sống thân quen như không hiện hữu vậy. Nó cùng với người quê tạo nên hồn làng.
Xưa, chuyện những đưa trẻ oe oe cất tiếng chào đời bên cây rơm không hiếm. Rồi lũ con đàn ôm nhau ngủ trong đống rơm chờ mẹ đi làm về cũng nhiều. Rơm quấn quýt với người bền chặt như con cúi nhốt ngọn lửa hồng, giữ hơi ấm cho đám trẻ trâu trong cơn gió lạnh.
Người ta ví cái đồ bỏ đi “như rơm như rác”. Trời ơi! Rơm rác mà có lỗ tai chắc phải chạnh lòng. Còn nhớ không? Khi chưa có văn minh đệm mút thì rơm rạ và lá chuối khô lót chỗ ngủ cho ai mỗi lúc đông về? Ổ rơm cho người, ổ gà cho con cộc tác. Mới lạ, cái con vật cứ phải có tí rơm mới chịu nhảy ổ. Còn nhớ những năm chiến tranh, bồng bềnh chiếc mũ rơm ung dung đến trường được xem như biểu tượng khí phách Việt Nam. Những năm đất nước còn nghèo, nhà ở đều bằng tường đất vôi rơm và lợp rạ. Về độ bền, chẳng sánh được với nhà bê tông, nhưng bù lại, ở trong nhà lợp rạ tường đất vôi rơm, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát rượi.
Rơm là chất đốt chủ lực ở nông thôn. Hạt gạo mới căng nhựa ngọt thơm mà được bàn tay cô gái hay lam hay làm thổi bằng bếp rơm thì ngon phải biết. Cơm cạn chỉ cần nhét một nút, quây một bồi quanh nồi gang thì hạt gạo chín nhừ.
Cọng rơm nếp quý lắm! Dong rảy dưới nắng hè cho se rồi giũ con đai gác lên bếp để dành. Cận tết, bà lấy vài con đốt thành tro bỏ vào bát hương dâng tiên tổ. Số còn lại để bện chổi. Cho tới hôm nay, dù có hàng chục loại chổi khác nhau nhưng không thể sánh với chổi rơm. Chẳng nhiều đâu những vật liệu mà từ cái thiêng liêng tôn kính đến mạt hạng như chồi cùn đều làm được tuốt tuột như rơm. Ở quê, quả chuối quả hồng mà không có chút rơm để rấm là không được.
Cái rơm cái rác đến con bò con trâu vào tiết đông hiếm cỏ cũng phải cần đến nữa là. Chú lợn ỉn đêm đông gió bấc không có nắm rơm là cấm chịu nằm yên .
Lạ thế rơm rạ, đến người xa quê hàng chục năm vẫn chẳng thể quên mùi rơm được nắng, mùi ngai ngái thơm thơm của khói rơm bảng lảng lúc chiều về. Nhớ lắm chứ! Nhấp nhô bên mái rạ là cây rơm vàng. Nhìn vào đó biết gia chủ giàu hay nghèo, được mùa hay mất. Để có cây rơm đẹp, chắc, thì người đánh đống phải tài, kẻ rút rơm phải khéo. Nhìn từ xa, cây rơm thẳng thớm, xoe tròn như cây nấm, vàng giữa hàng cau xanh.
Nông thôn thời đổi mới, bếp than bếp ga thay dần bếp rạ. Mừng lắm chứ! Nhưng đừng quên rơm rạ nuôi ta sống và cho ta hơi ấm thuở nào. Thời đổi mới, rơm rạ ra rìa nhường chỗ cho vật liệu tân kỳ. Thành phố loang ra, làng quê thu lại, đất đai là cây là chỉ, chẳng còn đâu chỗ cho đống rơm vàng. Người quê gom rơm lại đốt để làm phân. Khói rơm xộc vào thành phố. Bỗng dưng rơm rạ thành hiểm họa môi trường.
Rơm rạ vắt kiệt mình phục vụ con người, tận lúc thực sự thành đồ bỏ đi vẫn đốt cháy mình làm phân bón ruộng. Ấy thế mà nó vẫn chịu tiếng oan.
Ngô Thiệu Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ