Còi to cho vượt và cơ chế xin cho.
Nhiều tài xế “vui tính” viết sau xe hàng chữ “còi to cho vượt”. Chẳng biết có “cho vượt” không nhưng rõ ràng còi xe ở ta ngày càng dọa nạt và uy hiếp. Họ ngang nhiên giới hạn việc giải quyết trong phạm vi hai đối tượng: kẻ đi trước và người muốn vượt mà không thèm đếm xỉa đến luật lệ và những người tham gia giao thông.
Cứ như dòng chữ ấy thì vai trò của cảnh sát và luật lệ, ở một mức độ nào đó, bị vất bỏ. Vậy mà khi nhìn thấy, nhà chức trách vẫn thản nhiên như không thấy gì? Lạ!
Người viết bài này có dịp nhiều lần đi theo lãnh đạo, cấp to có, cấp nhỏ có, để viết bài. Đến địa phương nào, sau màn báo cáo là phần kiến nghị. Với cơ sở, phần đề đạt cuối cùng mới thực sự quan trọng. Bộ trưởng GD thì đề nghị mở trưởng ĐH. Chắc với ông bộ trưởng giao thông thì kiến nghị mở đường, xây cảng, mở sân bay…?
Quan chức cấp cao thì kiến nghị những vấn đề to tát vĩ mô. Còn mấy anh cán bộ xã phường về thôn bản cũng được nghe những đề xuất “khiêm tốn” như bơm nước sớm cho lúa khỏi nghẽn đòng, xử nghiêm bọn đái bậy ở vài con hẻm trong khu dân cư…
Các vị “công bộc” cứ về cơ sở là được (hoặc phải) nghe quần chúng kể khổ rồi đề đạt nguyện vọng như vậy không biết có từ bao giờ? Hình như lâu lâu rồi? Nó đã thành lệ. Đến nỗi, khi phản ánh các chuyến công cán của lãnh đạo, một vài cơ quan truyền thông chỉ việc lắp vào mẫu: đồng chí đến… đồng chí thăm… đồng chí nghe… và đồng chí chỉ đạo.
Kiến nghị, đề đạt tạm gọi là “xin”, còn chỉ đạo là “cho”. Dĩ nhiên xin thế nào để “đầy tớ” cho là cả một nghệ thuật. Cái nghệ thuật này được địa phương, cơ sở học hỏi và truyền đạt kinh nghiệm cho nhau rất nhanh.
Bởi thế không phải không có cơ sở khi nói, xin - cho là tiền đề, là môi trường thuận lợi để “đầy tớ của dân” có cơ hội dần dần biến chất thành “cha mẹ” của dân.
Nhà nước phong kiến, quan lại vi hành để nhìn nhận đúng thực tế đời sống con dân. Và hôm nay, nó diễn ra ở những hệ thống khi năng lực quản lý, phẩm chất lãnh đạo các cấp còn bất cập; khi những bản báo cáo được tô son hơn là tả thực.
Vấn đề đặt ra là, mục đích vi hành, thay vì để chấn chỉnh bộ máy quản lý các cấp, ngõ hầu có những bản báo cáo trung thực, thì lại nặng về giải quyết kiến nghị, thực chất là xin – cho. Như vậy là đã vô tình ( hay cố ý ?) vất ra ngoài cấp quản lý trung gian và hệ thống nguyên tắc chung. Nó cũng tựa như anh công an chẳng thấy gì khi nhìn dòng chữ “còi to cho vượt”.
Thế nên “còi to cho vượt” xem ra có cái lý từ câu chuyện xin – cho, trên lập trường giải quyết song phương. Có khác chăng tài xế muốn vượt chỉ cần còi to mà không cần “nghệ thuật”. Chuyện trên đường âu cũng là chuyện xã hội. Ở VN thường nói: “Con khóc mẹ mới cho bú”. Trời đất! Mẹ kiểu này xem ra đoảng !
Ngô Thiệu Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ