Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Chấp nhận sự khác biệt ( tiếp ).

Thưa chị em và các bạn, trong chuyên mục “ Nói với người khác giới” tuần trước, chúng tôi đã có bài viết về một người chồng không chấp nhận nổi những thói quen ăn uống của vợ, trong khi vợ lại luôn muốn chứng tỏ rằng những món mình nấu là ngon, mọi người phải chấp nhận. Người chồng nói vui với bạn bè, rằng mình không những “ bị thôn tính về thể xác mà còn đang bị xâm lăng về văn hóa”. Câu nói này đặt vào miệng chị vợ cũng đâu có sai. Bởi thế, vấn đề không phải ở chỗ ai đang xâm lăng, ai thôn tính mà phải biết chấp nhận sự khác biệt .

Bạn đang cầm trên tay một chiếc thẻ rút tiền của ngân hàng A và bạn luôn mong muốn nhét nó vào bất kỳ máy ATM nào cũng rút được tiền. Mong muốn của bạn chính đáng nhưng điều đó không thể .

Bạn đang ở VN, sử dụng hệ đo lường chuẩn quốc tế là mét và kilômet. Tuy nhiên độ lớn chiếc ti vi nhà bạn vẫn tính bằng inch; đi biển người ta vẫn tính quãng đường theo hải lý; hàng không vẫn tính độ cao là bộ; vàng trên thế giới không tính bằng cây bằng chỉ; dầu người ta đo bằng thùng chứ không phải lít .v.v. Điều đó gây cho bạn nhiều phiền toái vì phải quy đổi mỗi khi cần tư duy đến chúng, nhưng thực tế là vậy và sẽ vẫn vậy.

Tôi có một chị bạn tuổi ngoài 40, chưa hẳn là người của thế hệ trước, nhưng chị ghét cay ghét đắng nhạc ráp và nhảy lộn tùng phèo kiểu hiphop; chị muốn bưng lấy mắt khi thấy ai đó nhuộm mái tóc hanh vàng.

Ghét của nào trời trao của ấy, con chị lại thuộc tuýp chị chẳng ưa. Chị nghiêm giọng, nói con phải hiểu về chèo, phải biết về quan họ. Hai đứa cười khì khì, nói vâng vâng, con nghe mẹ, con sẽ tìm hiểu. Hai đứa con chị ngoan nhưng có phong cách và lối sống khác chị.

Một hôm chị kiên nhẫn ngồi nghe một đoạn nhạc của chúng rồi bảo chúng dạy nhảy hip hop cho tan mỡ bụng. Rốt cuộc chị thấy cũng hay hay. Từ đó chị có thể trò chuyện cởi mở hơn với chúng và chúng cũng để ý tới những lời nhiều đề nghị mà chị đưa ra.

Trở lại câu chuyện của anh bạn tôi không chịu nổi thói quen ăn uống của vợ. Điều này dễ hiểu bởi người vợ và người chồng sinh ra và lớn lên trong hai gia đình có hoàn cảnh, mức sống, thói quen sinh hoạt khác nhau. Nói chung là văn hóa không giống nhau. Khi thành vợ thành chồng, cùng sống dưới một mái nhà thì những xung đột, mâu thuẫn về văn hóa bắt đầu bùng phát. Dễ thấy nhất là chuyện ăn uống vì nó diễn ra hàng ngày.
Ẩm thực là thói quen cá nhân. Nó có tính chất bảo thủ một cách cực đoan. Vì thế đừng bao giờ nghĩ món của tôi ngon còn món của cô dở. Cách duy nhất để giải quyết mâu thuẫn giữa vợ chồng (hoặc giữa con dâu và gia đình chồng) trong ăn uống là biết chấp nhận thói quen của nhau và cùng tìm đến những điểm chung. Bản chất là tìm kiếm sự thống nhất trong đa dạng.

Trong hai tập hợp hữu hạn của món ăn hàng ngày kiểu gì cũng có sự giao thoa. Trước hết cần chọn ra những thức ăn trong phần giao thoa đó để thỏa mãn nhau. Nếu gọi phần món ăn giao thoa là “nhận thức chung” thì nên nhớ đừng vội “đi ngược lại nhận thức chung” ấy. Nếu xâm phạm điều này thì sự việc sẽ phức tạp chẳng khác gì vấn đề Biển Đông.

Những món ăn thuộc về ý thích cá nhân của chỉ vợ hoặc chồng thì nên điểm xuyết và kêu gọi sự hưởng ứng, đừng bao giờ khăng khăng buộc “người phía bên kia” phải tỏ ý tán đồng. Rồi biết đâu sẽ có lúc một món ăn nào đó của vợ (hoặc chồng) được tấm tắc khen vừa ngon vừa lạ .

Ở VN, dẫu sự bình đẳng đã bước lên vài bậc nhưng người vợ vẫn là người vào bếp. Do đó sự khéo léo, mềm mại trong ứng xử của người phụ nữ vẫn là yếu tố quyết định. Cái ngon nhiều khi xuất hiện từ chính miệng người phụ nữ chứ không chỉ ở món ăn.

Ngô Thiệu Phong

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ