Chấp nhận sự khác biệt 1
Lâu lắm mới gặp lại Tuấn, bạn cũ. Trước tôi với nó ở cùng ký túc xá Đại học Tổng hợp Hà Nội, chuyện vui buồn gì cũng kể cho nhau. Rồi ra trường, mỗi đứa mỗi nơi, mỗi đứa mỗi nghề nên cũng ít gặp.
Thằng Tuấn con cán bộ, lấy được cô vợ con nhà gia giáo, có thể coi là môn đăng hộ đối. Hai vợ chồng nó làm nhà nước, sinh được hai mặt con, một trai một gái, lương cũng khá, nói chung ổn định. Mỗi khi tụ tập, thấy vợ chống Tuấn hớn hở cạnh hai con đẹp như thiên thần, bạn bè nhiều đứa phát ghen.
Vừa gặp Tuấn vỗ vai rỉ tai, nói ông bận không, cà phê tý nhỉ? Tôi trợn mắt nhìn nó, nói bận thì có mà cả ngày, ngồi tý thì được. Những lần gặp trước toàn chỗ đông người, lại đi cùng gia đình nên tôi đoán lần này Tuấn có tâm sự.
Rít một hơi thuốc sâu, Tuấn nheo mắt nhìn tôi, nói tao nhiều khi phải nhịn vợ như nhịn cơm sống. Tôi có ý gợi chuyện nên nhìn bâng quơ, nói phải thôi phải thôi. Trong gia đình vợ chồng phải nhường nhịn chớ!
Nó chồm lên, phì cả khói thuốc vào mặt tôi, nói nhịn nhịn cái con khỉ. Rồi nó lại ngồi phịch xuống ghế, cái đầu gật gật, giọng chùng xuống: Vợ mình nó đã thôn tính mình về mặt thể xác nay lại toan xâm lăng cả về văn hóa.
Tôi phì cười với cách nói ngoa ngôn ấy.
Vợ chồng Tuấn sống với bố mẹ. Tuấn là con trưởng, ngoan, hiền và học giỏi nên bố mẹ thương. Những năm đất nước cựa mình bước ra khỏi bao cấp, nhường Tuấn bát cơm hẩm, còn hai ông bà trệu trạo nhai bo bo. Bây giờ Tuấn vẫn ứa nước mắt khi nhắc lại cảnh ấy.
Từ ấu thơ, Tuấn sống trong sự yêu thương, chở che của bố mẹ. Bố mẹ là tấm gương về mọi mặt cho Tuấn noi theo. Nó thấm đẫm vào từng nết ăn, nết ở trong con người Tuấn.
Dụi mạnh điếu thuốc vào gạt tàn, Tuấn nói tôi thích ăn cà muối mặn chan nước rau muống đánh chua không cho muối thì vợ mình lại thích ăn cà nhạt và cho cả muối lẫn mì chính; cả nhà không thể nào ăn được rau đay, vì nhớt, thì cô ấy lại thích! Mà cái gì thích thì cô ấy làm bằng được và khen ngon, chẳng đếm xỉa tới khẩu vị người khác. Nó ngả người ra nghế, vung hai tay ra sau, nói cái thân xác này tôi có tiếc gì đâu, nhưng còn cái ẩm thực, cái riêng tư, những thứ thấm đẫm trong tôi từ lúc lọt lòng, cô ấy cũng không coi ra gì nữa. Như thế chẳng phải là “xâm lăng văn hóa” là gì ?
Để nó xả hết cơn bực, tôi nhìn vào mắt nó, nói thế từ khi lấy ông liệu cô ấy có bị “thôn tính về thể xác và xâm lăng về văn hóa” không. Cô ấy chắc cũng không thể nuốt trôi bát nước rau muống nhạt thếch mà gia đình cậu quen từ xửa xưa. Vậy thì ai xâm lăng ai đây ?
Nó ngồi đụt ra, mặt cắm vào cốc nước đã hết từ lâu, miệng lầm bầm, nói vợ thì phải theo gia đình chồng chứ. Cái điệu bộ như thế là tôi biết tỏng nó đang suy nghĩ lắm. Nó không phải là đứa gia trưởng, không biết gì tới bình đẳng bình quyền. Còn chuyện nhường nhịn, thích nghi và chấp nhận sự khác biệt như thế nào định bụng dịp khác sẽ nói chuyện thêm.
Ngô Thiệu Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ