Nói “không” trong gia đình.
Tôi là người nam ủng hộ nhiệt tình cho bình đẳng nam nữ. Một thời điểm nào đó, vì thói quen, hành động chưa bình đẳng cho lắm, thì ngay sau đó tôi kịp thời nghĩ lại và rút kinh nghiệm sâu sắc. Cứ như vậy tôi đã sửa chữa được nhiều thiếu sót. Đây là một trong những biện pháp duy trì hạnh phúc gia đình. Đồng thời giúp ích trong công việc, trong đối nhân xử thế. Khi nhận thức đúng và đầy đủ về phái nữ giúp bản thân đánh giá đúng năng lực, biết điểm mạnh điểm yếu của họ. Và từ đó có cái nhìn khách quan về công việc họ đã làm, đang làm và sẽ làm.
Nói thế để muốn chứng minh: Người viết bài này không hề có định kiến về giới. Và những điều mong muốn sau đây xuất phát trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng giới.
Xã hội hôm nay đang có nhiều phong trào “nói không”. Tất nhiên đều nói không với tiêu cực, sai trái… Nhưng trong gia đình, khi “nói không”, cho dù với bất cứ vấn đề gì, thì người phụ nữ cũng nên cân nhắc, không nên thể hiện sự phản đối tức thời và gay gắt. Xin tạm nêu ra đây hai ví dụ để tiện phân tích.
Chồng nói với vợ:
- Tối nay anh bận nên về muộn một tý nhé!
Vợ vừa nghe xong chưa hiểu đầu đuôi thế nào đốp luôn:
- Không! Anh phải về sớm! Em không chờ cơm đâu.
Hoặc khi con xin phép :
- Mẹ cho con ra phố chơi một lúc nhé?
- Không! Ở nhà! Không đi đâu cả!
Nói không như thế thực chất là một sự cấm đoán rất độc đoán. Trước hết, chưa nói tới việc về muộn và xin phép đi chơi kia hợp lý hay không, mà chỉ riêng thái độ trả lời thẳng thừng như thế dễ gây sốc với đa số nam giới. Dẫu đứng trên quan điểm bình đẳng giới nhưng tôi vẫn phải nói với chị em rằng, ở thời điểm hiện nay, không phải tất cả đàn ông của cái đất nước phương Đông này dễ dàng chấp nhận cách nói như vậy. Càng không nên nói “thẳng băng” như thế ở chỗ đông người. Vì chồng hoặc con sẽ có cảm giác bị xúc phạm, bị coi thường.
Nếu những đề nghị “về muộn” hoặc “đi chơi” hợp lý thì việc từ chối một cách phũ phàng càng khó chấp nhận. Chồng vì nể vợ, con vì sợ mẹ nên làm theo, nhưng “làm theo” mà chưa “tâm phục khẩu phục”.
Sự việc tương tự, nếu thường xuyên diễn ra, sẽ là tiền đề cho việc nói dối hoặc lờ đi việc xin phép, trao đổi... Rồi những cuộc đối thoại giữa chị em và các thành viên trong gia đình sẽ thưa dần. Đây là điều rất đáng quan ngại, thậm chí nguy hiểm. Bởi khi đó người phụ nữ không thể làm bạn với con, không là nơi sẻ chia tâm tư tình cảm của cả gia đình. Mất đi “công cụ” ấy, chị em khó lòng chèo lái con thuyền gia đình khỏi sóng gió.
Nếu việc đi chơi (của con) hoặc xin phép về muộn (của chồng) thực sự vô lý thì cũng chẳng nên buột miệng phản ứng ngay với câu nói không như vậy. Chị em vốn dĩ có tài ăn nói và thuyết phục. Sự mềm mại, dịu dàng sẽ là vũ khí hiệu quả giúp chồng con hiểu rằng: Không nên về muộn hoặc đi chơi. Chị em hoàn toàn có thể thể hiện sự kiên quyết và nghiêm khắc của mình bằng cách nói nhẹ nhàng. Đừng nghĩ chỉ thẳng thừng nói không mới bộc lộ được thái độ. Câu “lạt mềm buộc chặt” rất đúng trong trường hợp này.
Với phản ứng tức thời kiểu nói không như thế khiến cho chúng ta dễ hình thành thói quen không chấp nhận ý kiến người khác, cho dù chỉ trên khẩu ngữ và trong phạm vi giao tiếp. Bạn có tâm trạng thế nào khi chưa nói hết câu đã bị người khác “chặn họng” bằng một từ “không” to đùng? Chắc chắn bạn muốn chấm dứt đối thoại hoặc nổi đóa.
Trên tinh thần bình đẳng giới mà đưa ra đây một quan điểm của Khổng giáo thì sẽ là thiếu logic. Nhưng riêng câu: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân (cái gì ta không muốn thì đừng làm cho người khác), luôn đúng trong giao tiếp, ở gia đình cũng như ngoài xã hội. Vậy nên, không chỉ có chị em mà cả chúng tôi, những đức ông chồng, cũng cần phải cân nhắc khi phủ định tức thời bằng bằng một từ “không”./.
Ngô Thiệu Phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ