Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Bạn Phục mở triển lãm thư pháp.


Ngưỡng mộ Phục từ lâu với hệ thống quán Rễ tranh ở Cần Thơ, nay bạn lại gửi mình thiệp mời dự triển lãm thư pháp tiếng Việt thì tò mò quá. Phải đi chứ! Đi để xem ông này còn những hoài bão gì nữa đây.

Triển lãm được tổ chức ở trong quán Rễ tranh, 72 đường Mậu Thân. Chỉ là cái ngõ nhưng Phục và các bạn đã thiết kế ấn tượng, lung linh, trang trọng nhưng gần gũi và ấm cúng. Nói chung không gian phù hợp với một buổi triển lãm và ra mắt CLB thư pháp



Chú Võ Quốc Toàn, bác sỹ về hưu, Chủ nhiệm CLB đứng lên nói vài câu ngắn gọn, chân tình. CLB có gần chục thành viên, trong đó chú Toàn lớn tuổi nhất, còn lại khá trẻ; người là kiến trúc sư, người là giáo viên, mỗi người một nghề những gặp nhau ở niềm đam mê thư pháp.

Chả biết Phục đã viết được thư pháp chưa nhưng cứ xem những sản phẩm handmade mà vợ chồng nhà này tự làm thì chỉ vài bữa nữa – khi mà CLB thư pháp mở lớp ở đây – Phục sẽ viết đẹp cho mà xem.

Ngắm những sản phẩm thủ công vợ chồng Phục thiết kế và thi công mới thấy sức sáng tạo ghê gớm. Toàn những vật liệu người ta vứt đi (hoặc nghĩ chúng sẽ không bao giờ có thể bước chân vào thế giới nghệ thuật) thì vợ chồng hắn lại xếp đặt gọn ghẽ và dành cho nó một vị trí riêng, rất trang trọng. Hoá ra một vật bị coi là phế liệu hay nguyên liệu không phụ thuộc vào bản chất của nó mà là do cách người ta ứng xử với nó như thế nào. Mình được dạy phải tránh xa lối tư duy siêu hình, nhưng trong trường hợp này,  phản bác cũng không phải dễ. 

Người ta làm tranh đá (quý) với toàn ruby, Saphia, Opal, Thạch anh… khảm nạm óng ánh rực rỡ thì vợ chồng Phục lại dùng thóc, đậu tương, đậu đen, gạo nếp… làm nền, tạo bố cục, tạo màu. Trên đó  bẹ dừa, que, củ, quả khô được xắp xếp một cách tài tình tạo nên bức tranh hình khối, sống động và thân quen.
Sản phẩm của Quyenn

Một cái lọ thuỷ tinh bỏ đi, muốn làm chân đế vững chắc để cắm một vật gì lên trên thì những kẻ không có con mắt nghệ thuật như mình nghĩ ngay đến cát. Nhưng Phục không tư duy sáo mòn và thô thiển như vậy, anh dùng thóc. Khi ấy nhìn cái lọ gần gũi và đáng yêu hơn hẳn.

Còn nhiều lắm, các bạn hãy đến khám phá tại Quenn, 72 Mậu thân, nghe đâu có cả trên facebook đấy! Còn giờ nói chút về thư pháp. Nói thực mình ABC về thư pháp, thư pháp chữ Hán tịt, thư pháp chữ Việt càng ú ớ. Chỉ biết triển lãm chỗ Phục thì thư pháp được viết trên nhiều chất liệu khác nhau như đá, gỗ, giấy xuyến chỉ, vải… Chính vì thế cái cảm giác nhàm chán chỉ có chữ và chữ, giấy và giấy sớm bị xua tan.  
Chữ TÂM khắc gỗ 
Tại đây có một vài bức thư pháp viết bằng vàng trông quý phái. Nghe loáng thoáng thấy bảo để làm bức thư pháp như thế thì vàng phải được nấu chảy và người viết sử dụng nó như mực.

Một điểm thú vị nữa là nhiều bức thư pháp kèm thêm phần hội hoạ, nghĩa là viết thư pháp trên một bức tranh. Như vậy tác giả không chỉ “biết viết” mà còn phải biết vẽ. Đây có lẽ là giải pháp dung hoà cho những ai có nhu cầu chơi cả chữ lẫn tranh. Cũng hay! Chữ và tranh nương vào nhau, kéo cái hàn lâm, bác học xuống gần hơn với đại chúng, hoặc là tô điểm thêm vẻ đẹp kiêu kỳ của thư pháp.  

Thôi mình chả dám nói nữa. Nói nữa lại lòi cái đuôi dốt nát của mình ra. Chỉ đoán là thế này. Viết được thư pháp chữ Việt thì chắc chắn chữ phải đẹp cái đã. Cũng có người đả phá nói chữ tượng hình (chữ Hán) mới hình thành thư pháp chứ chữ Việt dùng ký tự La - tinh thì sao ra thư pháp. Mình không tranh luận vụ này, chỉ biết một điều chắc chắn: Bài học vỡ lòng của thư pháp là viết chữ đẹp. Từ viết đẹp mới nâng cao lên thành thư pháp.



Một bức thư pháp đẹp đòi hỏi tính tạo hình rất cao nhưng bố cục lại phải chặt chẽ để toát lên ý tưởng (sự sáng tạo) của người viết, và không bị sa đà vào đố chữ. Khi người viết gợt gợt chiếc bút lông vào nghiên mực, thì chỉ vài giây, trong đầu phải hoàn thiện bản thiết kế cái chữ ấy rồi.  Đặt bút chỉ là giai đoạn thi công. Thiết kế hỏng thì thi công chẳng có ý nghĩa gì và thi công hỏng thì thiết kế đẹp mấy cũng vứt.  Vì thế viết thư pháp có lẽ không thuần tuý chỉ là luyện tay mà còn là luyện tâm, luyện trí, luyện khí nữa. Xem ra thư pháp cũng là một lối hành thiền trong nghệ thuật.

Một số tác phẩm trong triển lãm (trừ thằng áo đen ra): 


Bút tích TCS. Viết bằng vàng thật đó nhe!


Cái lọ đựng thóc có yêu không? Cái ống giấy trong cuộn vải mà "dám cả gan"  chế thành ống bút .

Chủ cửa hàng handmade. 






















0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ