Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

“Không có vinh quang trong chiến tranh.”


Ông Chuck Hagel, một cựu chiến binh từng tham chiến tại VN và là cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã nói như vậy tại sự kiện được tổ chức nhân 50 năm ngày quân đội Mỹ tham chiến tại VN.

Câu nói của nhà chính khách, đồng thời cũng là một người lính này nhắc nhớ tôi những bài tập làm văn thời còn đi học.
Hồi đó chúng tôi phải bò ra mà phân tích, chứng minh, bình luận những định đề được xem như chân lý của cuộc sống. Đó là “Cuộc đời đẹp nhất trên trận tuyến diệt quân thù”, rồi “Nhắm thẳng quân thù mà bắn” , “Còn cái lai quần cũng đánh”…
Nhìn chung mọi bài văn đều hướng tới cái đích là chứng minh đúng và ca ngợi những câu nói như thế.
Chẳng thể bàn cãi tinh thần quả cảm của những chiến sỹ nói lên những câu bất hủ như thế trong khói lửa đạn bom. Đến giờ tôi vẫn vẹn nguyên sự kính trọng và biết ơn họ vì đã xả thân cho đất nước. Tuy nhiên bắt đám học trò (buộc) phải xác nhận những định đề (đã mặc định) như đóng đinh vào cuộc sống như thế, đặc biệt là những vấn đề về chiến tranh, chết chóc, oán thù…, thì quả thực tôi thấy… nên xem lại.
Ai đó có thể đưa “chính nghĩa” và “phi nghĩa” của cuộc chiến ra để bàn thêm về việc này, nhưng thế nào là chính nghĩa. Khái niệm chính nghĩa cũng tuỳ thuộc vào góc nhìn. Cái người này cho là chính nghĩa thì người khác lại bảo phi nghĩa.
Có quá lời chăng khi nói rằng chính những bài học (kiểu kiểu) như thế đã dung dưỡng những định kiến hẹp hòi, những cái nhìn thiển cận. Nó đóng hộp và đổ khuôn tư duy theo một chiều kích đã định sẵn. Chúng ta không mạnh dạn bước qua nổi chính mình (một cái bóng quá lớn), phải chăng cũng vì thế?
Văn học trước nhất là cái đẹp, là hướng con người tới điều tử tế mà ta hay gọi là nhân bản, nhân văn. Những công việc khác hãy để lịch sử thuật lại một cách trung thực. Văn học – nghệ thuật cũng vô khối đề tài chiến tranh, nhưng cái đích đến (đích thực của văn học) là để loài người xa rời và từ bỏ nó chứ không phải tụng ca. Không quên quá khứ nhưng cũng đừng chủ động đánh thức quá khứ đau thương.
Trong chiến tranh có những câu chuyện đẹp, nên thơ nhưng về tổng thể và bản chất, chiến tranh là kinh khủng và gớm ghiếc. Ở đó con người, dù ở bên nào đi nữa thì cũng đã (buộc phải) hạ phẩm cấp CON NGƯỜI của mình xuống một mức để chém giết nhau.

PS: Lịch sử Việt Nam không chỉ có những trang đẫm máu và nước mắt của cuộc chiến tranh vệ quốc mà còn là lịch sử của thời hậu chiến. Nói theo ông Vương Trí Nhàn, nếu nghiên cứu thời kỳ hậu chiến (giai đoạn suy tàn của các triều đại) ở Việt Nam, thì sẽ rút ra được ối kinh nghiệm cho hôm nay.


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ