Nhân vụ đánh nhau ở Phù Ủng nói về cách GD
Tôi muốn nói thêm đôi lời về sự việc nữ sinh bị 5 bạn nữ khác đánh hội đồng tàn nhẫn ở trong lớp học tại Trường THCS Phù Ủng (Ân Thi-Hưng Yên).
Vẫn biết GD phải có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Nhưng với chương trình học như hiện nay thì các cháu gần như cả ngày ở trường nên vai trò của thầy cô rất lớn.
Chút thời gian ít ỏi buổi tối ở nhà thì các cháu cắm mặt vào làm bài tập, không có nhiều thời gian trò chuyện với các thành viên khác trong gia đình.
Hành động côn đồ thiếu tính người ở trên đã có nhiều bình luận và đang được giải quyết, và vì nạn nhân có nhiều biểu hiện của một học sinh chậm chạp nên ở đây tôi xin phép một blogger nổi tiếng kể một câu chuyện về đứa con của anh.
Anh là nhân viên IT giỏi của World Bank Vietnam. Con trai anh mắc chứng tự kỷ. Thời gian cháu đi học ở VN, gia đình - mặc dù rất chăm chút cho cháu - nhưng dường như luôn nhận được ánh mắt và những hành vi thể hiện sự chán chường, thất vọng của thầy cô và nhà trường.
Gia đình buồn lắm! Đã có lúc anh nghĩ hay là buông xuôi, mặc kệ cho số phận? Nhưng rồi bất ngờ anh được điều chuyển sang Mỹ làm việc, đưa cả gia đình sang đó sinh sống.
Lúc nhập học, nhà trường có thông tin cháu bị bệnh nên đã có những cách dạy và cách tiếp cận riêng...
Và thật bất ngờ, vượt qua cửa ải của sự bất đồng ngôn ngữ, các con anh không chỉ hòa nhập với chúng bạn đủ màu da, mà cậu bé bị tự kỷ kia còn đã có những cải thiện và chuyển biến tích cực.
Chả bút nào có thể thể tả nổi niềm vui của gia đình anh! Khi đọc câu chuyện của anh viết về con tôi thực sự xúc động! Thầy cô đã sinh ra cháu lần thứ hai.
Hy vọng anh sẽ kể chi tiết việc này! Chắc chắn anh sẽ kể rất hay vì anh đã theo cháu từng bước chân, cả trong và ngoài nước, nên am tường cách dạy dỗ của thầy cô ở cả hai nơi.
Hôm qua cháu nhà tôi nhờ vẽ chủ đề quê hương để nộp cho cô. Tôi từ chối, bảo con thích vẽ gì thì vẽ. Cuối cùng cháu đưa ra cái ảnh Chùa Một Cột. Thấy ảnh khá phức tạp nên tôi phác vài nét để cháu triển khai, vừa phác vừa nghĩ, giá như thầy cô bảo cháu vẽ chính ngôi nhà của mình, vẽ người thân của mình có hơn không?
Biết đâu qua những bức tranh đó thầy, cô sẽ hiểu thêm về gia cảnh, về tính cách từng học sinh để rồi từ đó cảm thông và chia sẻ nhiều hơn với các em.
Thú thực, cũng chả dám mong gì nhiều hơn trong bối cảnh này!
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ