Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

Cà phê Sơn La

Kỷ niệm 55 năm Báo Sơn La được cho một gói cà phê Sơn La. Lúc pha uống khá bất ngờ vì ngon, thơm mộc mạc.
Chạy sang Vinmart -siêu thị hoành tráng duy nhất ở Sơn La- mua thêm vài gói nhưng tìm miết không thấy, hỏi nhân viên các em lắc đầu. Hôm trước qua đây hỏi sữa chua Mộc Châu (loại đựng trong lọ) các em bảo ...hết!
Hôm trước, trong buổi gặp mặt báo chí, bác Chất - bí thơ - gợi ý nhớ lại cuộc vận động "Người VN dùng hàng VN". Vậy thì trước hết, cụ thể hơn: Người Sơn La dùng hàng Sơn La đi đã!
Đưa nông sản, hàng hóa của Sơn La ra biển lớn các bác đã làm rồi vậy chừ ta đưa về ao nhà một chút đê! Có thể sức tiêu thụ không lớn nhưng nó có tác dụng quảng bá, thúc đẩy du lịch, tạo động lực và niềm tin cho người sản xuất... Đồng thời để tiền bà con Sơn La quay trở về với bà con chứ đừng để chảy vào túi kẻ khác.
Các bác lãnh đạo tỉnh bẩu 2018 giá trị xuất khẩu được 115 triệu USD. Xuất khẩu được gần 18 ngàn tấn quả sang 12 nước Úc, Pháp, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Trung Đông...
Ai nghĩ Sơn La có chanh leo, cao su, cà phê, bơ, cam, bưởi da xanh, na dai không hạt, chè... Về xuôi nói cái này mọi người cứ ớ ra! Mình làm truyền thông cũng thấy một phần trách nhiệm.
Định giơ tay bảo bác ơi 12 nước các bác có thị trường đều có phóng viên thường trú của Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV túc trực. Các bác chỉ cần 'chỉ điểm' cho em hàng đến điểm nào, siêu thị nào là anh chị em VOV ở bên đó vác máy đến phỏng vấn ghi hình bọn tây lông tranh cướp mua chanh leo Sơn La🤪. Khi đó hiệu quả truyền thông em nghĩ là mạnh mẽ đấy!
Các bác cứ xúc tiến thương mại ở 5 châu 4 bể nhưng nhớ thị trường trong nước luôn dễ tính, ổn định và bền vững.
Thôi em đi ăn tết MÔng đây!

Bánh dày của người Mông

Tết Mông phải có bánh dày, tiếng Mông là pá hoặc dúa. Không có bánh dày không thành tết Mông. Nhưng làm được cái bánh dày không hề dễ dàng.
Đầu tiên phải chọn nếp nương thật ngon, rồi đồ xôi sao cho dẻo, sau đó đem giã. Cối chỉ được dùng cối gỗ, không dùng chày mà dùng vồ.
Ngày nay có nhiều loại máy xay nhưng xay bằng máy bánh không ngon, người Mông bảo thế.
Giã bánh dày đòi hỏi sức khỏe và sự dẻo dai. Mình từng nhấc cái vồ này lên mà không nổi, dính quèo quẹo. Tương tự giã giò, giã bánh dày phải giã liền tay, càng nhanh càng tốt sao cho lúc xôi mịn quánh mà vẫn nóng ran mới đạt yêu cầu. Cái này cực khó vì tiết trời ở bản Mông ngày tết rất lạnh.
Tết, trời lạnh, bánh dày để cả tháng cũng không sao, lúc đó đem xắt miếng cho vào chảo rán thì ... thôi không nói nữa !
Nhìn gói bánh Ly Thao và Lầu Thị Chia dúi vào tay mình làm quà thấy lá úa héo một chòm, chắc lúc giã xong còn nóng lắm! Mình hiểu - tấm bánh, bé nhỏ thế thôi - nhưng thấm đẫm mồ hôi và công sức của các bạn!

Chuyện lái xe

Nói chuyện lái xe cho thời sự tí! Hôm nọ về quê vợ thấy trên xe taxi có thiết bị bằng hai bao diêm, hỏi thì lái xe nói đấy là đầu đọc thẻ định danh.
Tức là khi lên xe lái xe đút thẻ vào, trung tâm sẽ biết ai lái xe, bắt đầu khởi hành khi nào để kiểm soát đúng 4 tiếng nghỉ 15 phút. Nếu sau 4 tiếng liên tục cứ đi thì trung tâm sẽ ghi nhận và máy trên xe sẽ kêu rất khó chịu.
Mừng là ở VN đã triển khai đại trà thiết bị này! Tuy nhiên lái xe có tuân thủ hay không lại là chuyện khác.
Mình hỏi một lái xe container chuyên nghiệp là đi quãng đường dài thế sao có một lái (1 tài xế)? Nó cười hì hì thì thầm: Em có 2 thẻ. Hết thời gian cầm lái liên tục theo quy định em đút thẻ của lái khác vào😠 . Coi như "thay lái".
Mình tròn mắt nói sao làm vậy. Thế phải đề nghị lắp thêm camera trên cabin! Nó im bặt, nói anh làm vậy tụi em chết! Một lái còn dư chút đỉnh chứ hai lái tiền đâu nuôi vợ con.
Nó nói vậy cũng thấy tội nhưng lỡ tông chết và bị thương hàng chục con người như ở Long An thì sao! Hàng chục gia đình đau thương và hệ lụy đến tàn đời!
Anh Nguyễn Danh Lam đang ở bên Mỹ kể chỉ có ghé mua thùng bia quảng lên xe mà tái xế (cùng là anh em người Việt) nhất quyết yêu cầu đem xuống vứt vào thùng rác bên đường. Police nó mà thấy dù chưa uống cũng rách việc.
Còn đây là cái xe mình đi từ Los Angeles lên Nevada, băng qua nhiều sa mạc, thì thấy lái xe của họ cực nghiêm túc!

Đậu phụ xị người Mông

Thi thoảng VOV Tây Bắc lại tổ chức ăn sáng ở Phòng Tiếng dân tộc. Sở dĩ ăn ở đây vì phòng sở hữu những tay bếp núc trứ danh, "cầm đầu" là chị Lường Thị Huyền, rồi Lường Hạnh, Tuệ MỹMộc Đơn... Cứ mỗi người góp một món, toàn món dân tộc tự tay làm.
Ăn sáng đơn giản thôi, chỉ xôi, các loại thịt nướng, trâu nướng, xúc xích, mẳm... Đã nói tới xôi thì đừng nơi nào đòi "đánh đu" với xôi của người Thái Tây Bắc mà ngã què chân! Khuyên thật! Các món nướng cũng tương tự. BBQ của tây lông xách dép nhé!
Nhưng bữa sáng nay đặc biệt hơn: có món đậu phụ nhự của người Mông (tảu sín), cái Mộc Đơn đem vào góp vui.
Đậu phụ nhự của người Dao mình ăn rồi, người Thái chén rồi, người Kinh cũng đã đc thưởng thức. Mỗi nơi làm một kiểu, của người Dao và người Kinh khá giống nhau (giống người Hoa), chỉ khác hương vị.
Tuy nhiên đậu phụ nhự của người Mông khác hoàn toàn. Những hạt đậu tương đã nảy mầm, được đãi vỏ đem vào xào với thịt ba chỉ kèm các loại hương vị, hình như có gừng?
Đại khái thế! Bí quyết cái Mộc Đơn không tiết lộ, chỉ biết ăn béo, giòn, thơm. Cái vị giòn lật sật của hạt đậu tương và mầm đậu tương rất đặc biệt, nó sẽ khiến cho các quý cô vui miệng quên mất trọng lượng hơi quá của mình mà chén đến kễnh bụng thì mới chịu thôi.
Về dinh dưỡng khỏi phải bản! Phàm đã là món gì đang cựa mình thai nghén đều bổ: trứng lộn, rau mầm, khoai lang mầm, lợn sữa, giá đỗ, dưa chuột bao tử...v...v..
Đại khái bất cứ cái gì chưa kịp trưởng thành đều ngon và hấp dẫn. Quá tí nữa kiểu trưởng thành dở dang lại càng hấp dẫn hơn🤪!
Toàn ngon mà mình thì... chống chỉ định! Chán không! Chỉ nhìn và viết lăng nhăng thế này thôi 😞!
Ảnh: Đang làm đậu phụ nhự Mông.

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

Bỏ tết Mông?

Cách đây chừng 5-6 năm, khi đó tôi còn đang ở VOV2, Yang Pua Seo có đưa xem bài phản ánh một bản người Mông "hồ hởi" ăn tết Nguyên Đán và dần bỏ tết Mông.
Pùa thường nhờ tôi đọc trước những bài anh tâm đắc. Tôi đọc kỹ và nghĩ rất kỹ rồi mới hỏi Pùa rằng theo ông thì bỏ hẳn cái tết truyền thống của dân tộc mình là đúng à.
Pùa ngồi thừ ra một lúc rồi không nói không rằng gần như giật bài viết từ tay tôi chạy về phòng.
Tôi nhớ câu chuyện trên vì nhìn thấy cái quy chế như trong hình. Nói cho cạn nhẽ thì cái gì là hủ tục trong tết Mông ta vận động bà con bỏ, còn không đừng can thiệp thô bạo.
Có một nghịch lý là nhiều người phố cứ hỏi nhau "đi ăn tết Mông không" nhưng lại bảo người ta bỏ đi?! Tây tốn nhiều ngàn đô lặn lội đến chỉ để muốn đắm mình trong cái tết Mông.
Không còn tết Mông liệu có còn các trò ném pao, đánh quay, đẩy gậy; có còn lễ hội Gầu Tào nức tiếng; có còn những điệu múa điệu khèn, điệu hát cổ của những nghệ nhân; có còn những nghi lễ dân gian; có còn những trang phục truyền thống...?
Văn hóa muốn sống được phải có môi trường. Hay định đem hết về Làng Văn Hóa dưới Hà Nội phục dựng lại theo kiểu đầu Ngô mình Sở. Kể cả phục dựng nguyên bản thì đấy cũng không phải đất của nó. Nó không bao giờ sống động và thực khi xung quanh chỉ là nhà báo và quan chức. Làm gì có gió núi mưa ngàn, có suối chảy róc rách, có rừng núi bao la, có không khí, có hơi thở, có ánh mắt có nụ cười... của chính đồng bào của họ để thật và hay được?
Và đã diễn thì không bao giờ đồng nghĩa với bảo tồn.

Dạy học thế à?

Cô em vợ kể một hôm đến trường (ở Hà Nội) đón thằng út đang học mẫu giáo lớn thì cô giáo mách (nửa trách móc, nửa kể công) rằng hôm nay cu con mắc lỗi nặng. Cô đã “di lý” vào một chỗ và hỏi cho rõ ngọn ngành nhưng thằng bé bướng bỉnh nhất quyết không nói, mặt cứ lì ra. Bực mình cô bảo đã thế tí bố đến sẽ nhốt bố, mẹ đến sẽ bắt nhốt luôn mẹ😠. Thằng bé nghe vậy oà khóc nức nở!
Mình nghe vậy cũng muốn khóc luôn! Sư phạm sư pheo cái gì mà giáo dục kẻ mắc lỗi không được quay sang đe nẹt trị tội người thân của chúng?
Cái này ám ảnh vào đầu óc trẻ ghê lắm! Muốn chúng sau này trở thành người tốt, làm công dân toàn cầu thì nên thận trọng!
Ảnh: Minh hoạ lấy ở "8 Signs You Should Become a Teacher"

Tây đái trên xe

Hôm nay đi xe khách li-mu-sin Sơn La - Hà Nội. Li –mu-sin là tên người ta đặt cho loại xe hoán cải thành 9 chỗ, khá sang.
Bước lên xe ở bến mình đã thấy hai thằng tây, hình như người Ai – Cập (vì nghe lõm bõm và thấy màu da nhọ nhọ) ngồi trên xe. Đi một đoạn thấy chúng nói cười hô hố mình đoán chắc tây hạng 3 hạng 4. Xe chạy đến Yên Châu thì 1 thằng với cái bình đựng dầu ăn loại 5 lít ngay cạnh mình nhẹ nhàng cho vào háng, xoè chân ra, đắp chăn lên và …đái.
Nó làm khéo phết! Nếu không phải người hay quan sát thì không thể biết. Lạ! Thằng này trông to cao, râu ria xồm xoàm, chuẩn men mà cứ đi tầm gần 100 cây lại chùm chăn, rút chim nhét vào chai dầu. Đến như mình phì đại tiền liệt tuyến thâm niên 10 năm nay cũng không đến mức như thế🤪.
Mỗi lần nó mở nắp ra khai kinh khủng! Cay nhất là xong việc, đóng nắp, nó lại đẩy sang chỗ ghế gần mình (vì nó ngồi chỗ cửa lên xuống, lại chân dài không để được). Có một lần "đi" nó kẹp cái nắp chai dầu ở dưới mông rồi lạc mất đâu đó. Lúc xong, một tay nó giữ chai cho khỏi đổ, còn người cứ uốn bên nọ vẹo bên kia để tìm. Mình ngồi cắn răng cầu trời khấn phật để nó sớm tìm được cái nắp😖.
Đái xong nhẹ bụng nó lại bô lô ba la điếc cả tai với thằng bạn ngồi trên, vẻ rất ra dáng. Chả nhẽ bố mài lại bóc mẽ rồi quẳng mẹ cái của nợ kia xuống đường cho maì đái ra quần cho biết tay! Nhưng nghĩ thấy làm thế hơi quá! Nó sang đây lạ nước lạ cái, tiếng Anh nó nói tốt nhưng lái xe không biết thì bảo phải làm sao! Mà ngộ nhỡ nó bị bệnh thật thì tội! Xuống bến xe Sơn La ở Thanh Xuân thấy nó xách tòng teng nửa bình tìm chỗ phi tang mà thất kinh .
Xe li-mu-sin 9 chỗ ở Tây Bắc thuộc hàng VIP vì thế nên quy định rõ trên vé bằng tiếng Việt và tiếng Anh: đi bao nhiêu cây số thì nghỉ, nghỉ chỗ nào, làm gì… để mọi người cùng biết mà kiểm soát cái bàng quang. Doanh nghiệp vận tải hành khách ở miền Bắc đã tiến bộ nhiều. Nhưng hãy một lần đi các tuyến xe ngang dọc miền Tây xem các hãng xe Thành Bưởi, Phương Trang … xây dựng các trạm nghỉ của riêng hãng rồi phân chặng nghỉ khoa học và sạch đẹp như thế nào.

Đừng soi !

Tôi từng hứng chịu cơn thịnh nộ sấm sét của một nhà thơ tên tuổi khi ngớ ngẩn hỏi rằng lúc đọc thơ (viết về thần tượng của anh ấy) anh khóc trên sân khấu là thật hay diễn. Chuyện này Nhật Minh chứng kiến! 

Cho dù câu hỏi bông lơn lúc trà dư tửu hậu, chỉ có vài anh em thân nhau như bè bạn, nhưng cuối cùng cũng không tránh khỏi cơn giận dữ giáng xuống đầu.

Bài học xương máu là đừng chạm vào thần tượng của người khác.

Tôi cứ thường ra vẻ ta đây hiểu thấu nội tâm người khác nên thích “đọc vị, bắt vở”… kỳ thực chính hành vi ấy thể hiện mình chả hiểu gì.

Làm thế để làm gì? Để người ta ngượng ngùng à, để chứng tỏ mình đi guốc trong bụng mọi người và khiến họ phải nể phục à? Thật điên rồ! Đáng tiếc là 50 mới ngộ ra và mình đã điên rồ nhiều lần không đếm xuể🤓!

Trong trường hợp này, dù nhà thơ có diễn thì cũng chẳng nên bóc mẽ làm gì. Nhà thơ diễn mà khiến khán giả xúc động thì tốt quá đi chứ!

Trong cuộc sống đa dạng, phức tạp này không nên cứ suốt ngày soi mói đọc vị bóc mẽ rồi phán xét người này làm màu, kẻ kia đánh bóng làm gì cho mệt. Họ làm màu, đánh bóng, PR… mà hành động ấy chẳng hại ai, lại có ích nữa thì nên khuyến khích. PR để những mảng sáng của mình trở lên lấp lánh, đồng thời thúc giục, khích lệ, thắp lửa cho cả cộng đồng thì trên cả tuyệt vời chứ nhỉ?

Bóc mẽ cái xấu thì còn được chứ hành vi nào cũng bóc vô hình chung thủ tiêu những hành động tốt đẹp đang nhen nhóm trong cuộc sống, xã hội sẽ e ngại khi muốn cống hiến những hành vi yêu thương & nhân ái. 



Suốt ngày mải mê đi đọc vị khiến đầu óc không còn thời gian suy nghĩ tích cực. Mà suy nghĩ tích cực (positive thinking) có cả tá lợi ích: trầm cảm giảm, tuổi thọ tăng, đau khổ thấp, sáng tạo cao, còn sex thì …ối dồi ôi…i…i! Cái này mình biết nhưng mình không nói đâu😂.

Bánh sâu nhớ quy gai xốp

Hôm nay Bích Thuỷ cho mình gói bánh que được sản xuất theo mô hình gia đình lại nôn nao nhớ cái thời QUY GAI XỐP .
Ai sống những năm 70 - 80 của thế kỷ trước đều biết QUY GAI XỐP. Cứ dịp sắp tết Nguyên đán như thế này là ở Hà Nội một số gia đình trưng biển: Nhận gia công quy gai xốp. (Xưa sao thích từ "gia công" thế nhỉ?)
Họ chỉ làm thôi còn mình phải đem nguyên liệu bột đường trứng sữa đến. Bánh nhìn chung chỉ có một kiểu dài, bẹt như hai ngón tay, có gai nhìn lởm chởm như lưng con cá sấu. Chả có gì bắt mắt nhưng hồi đó sao mà ngon!
Hôm trước được ăn bánh que này ở Phòng Tiếng dân tộc rồi. Nghĩ nó thô mộc thì thường thôi, ai ngờ! Hôm nay lúc nó đưa gói bánh que mắt mình sáng trưng như đèn pha! Tay cầm miệng nói cảm ơn cảm ơn mà mắt cứ chằm chằm nhìn vào gói bánh😂.
Bánh que thời @ của cái Thủy tuy vẫn mô hình thủ công, sản xuất hộ gia đình nhưng đã được nâng lên một tầm cao mới, có biến chuyển rõ rệt về chất. Thấy bảo chị chủ bánh ở ngay cạnh nhà.
Đấy là họ làm không ngọt (ít đường), không nhiều bơ-dầu - mỡ..., rất phù hợp với cán cân dinh dưỡng trong thời đại ngày nay.
Cái ngon ở bột! Bột rất thơm, để lâu vẫn giòn, ăn có vị béo, đậm, ngậy và ngọt hậu do bột được pha trộn tỷ lệ thích hợp. Lớp vỏ chiên nướng bên ngoài chỉ thoáng qua khiến cho những người đang ăn kiêng giảm cưn và detox - thanh lọc cơ thể như mình không phải ái ngại. Có thể ăn đều đều, eo vẫn lẳn, bụng vẫn săn mà vẫn có da có thịt, vì thế nhìn mình thanh tú nhanh nhẹn cường tráng ai cũng thích 🤣!
Bánh que hình thức thì thật chân quê! Miệng túi ni long vẫn dán bằng que hương hay sao í? Trong khi cái máy dập hàn giờ vài trăm ngàn, cái máy đóng túi chân không bán đầy chợ.
Ừ mà kệ! Cứ củ khoai củ sắn thế lại hay! Son phấn kỹ quá đâm ngờ🤪! Một chút hoài niệm gia giảm vào ẩm thực biết đâu giúp người ta bớt phung phí và sống chậm lại hơn.

Hãy là chính mình bà con thiểu số ạ

Cái chợ lao động tự phát chỗ ngã tư ấy cứ đông dần. Đáng chú ý ở đó có nhiều người nói tiếng dân tộc thiểu số.
Từ ngã tư này đi chừng 1 cây số là tới Vinhomes, nơi ở của những người giàu; đi 500m thì tới Khu đô thị Việt Hưng, chung cư cho giới trung lưu. Nếu rẽ qua đường tàu thì vào làng tôi, mới lên phố, nơi việc chân lấm tay bùn đang dần bị ghẻ lạnh😖.
Vị trí đắc địa khiến cho ngày càng nhiều người lao động chân tay tụ lại đây tìm việc. Ban đầu họ nói với nhau bằng tiếng dân tộc, rồi sau những ánh mắt tò mò của vài người sở tại, lại thêm những cú rỉ tai, thì thầm, chỉ trỏ của người qua đường khiến cho việc giao tiếp dễ thương ấy dần trở nên miễn cưỡng.
Rồi họ cố bắt chước nói cho thật đúng tiếng phổ thông, gia giảm tiếng lóng cho ra vẻ ta đây. Vài tháng sau có người trong số họ cau mày khó chịu khi bạn mới đến nói bằng ngôn ngữ của dân tộc mình.
Trên các tuyến xe Tây Bắc về xuôi tôi gặp các cô gái đi bán phong lan, bán thuốc lá cây rừng. Khi nghe họ nói bằng tiếng thiểu số, dù đến sớm, vẫn bị lơ xe xếp xuống hàng cuối và ít nhận được sự trân trọng, ưu đãi.
Lần sau, lần sau nữa, họ bỏ tằng cẩu, không mặc váy, cố tập vài ba câu chỏng lỏn, khinh bạc chốn thị thành trước khi bước lên xe. Ngạc nhiên chưa! Sự ưu ái đã quay trở lại?!
Bên Mỹ, nếu bạn thể hiện một hành vi coi thường, chọc ghẹo, cợt nhả…với người béo phì thì bạn bị cảnh sát bắt liền. Nước Mỹ coi những người khổng lồ (béo phì) ấy thuộc đối tượng yếm thế cần bảo vệ.
Một quốc gia văn minh, dân trí cao mà còn phải đưa việc đó vào luật định huống hồ… Họ bảo vệ không phải muốn duy trì bệnh béo phì - quốc bệnh của nước Mỹ- mà tránh đem tới sự tổn thương. Họ muốn một xã hội mà tất cả công dân đều bình đẳng, chan hòa để lao động hiệu quả nhất cho lợi ích nước Mỹ. Nước Mỹ mạnh một phần vì thế?
Những quy định và những lời kêu gọi “bảo tồn, giữ gìn và phát huy” đã quá đủ, không hề thiếu nhưng chưa hiện diện mạnh mẽ trong cuộc sống của chúng ta. Chính vì thế chúng ta đang tự đánh mất hoặc tác động thô bạo để làm mai một nhiều giá trị quý báu của dân tộc.
Sự đa dạng luôn ẩn chứa những vẻ đẹp! Mọi người phải thấy sự đa dạng của bản thân sẽ mở và tạo ra những cánh cửa mới, mà ở đó, chúng có thể tìm thấy sự tương đồng trong xã hội hội nhập ngày nay. Miếng ghép xinh xắn của mỗi cá nhân sẽ tạo nên bức tranh xã hội muôn màu. Không nên tự ti, mặc cảm vì mọi người đều bình đẳng!
Và tất cả chúng ta đều hy vọng một xã hội, nơi danh tính, nguồn gốc xuất xứ… không bị đem ra để cô lập kẻ khác biệt mà để mang mọi người đến gần nhau hơn./.

Bukit Jalil

Mình đến sân vận động Bukit Jalil (Malaysia) năm 2001 nhân sự kiện Seagames 21. Thời đó chưa có Mỹ Đình nên nói chung cảm giác nhìn cái sân bóng lớn thứ 2 trên thế giới và lớn nhất Đông nam á là hơi ngợp. Kể cả giờ có Mỹ Đình với 40.000 chỗ thì cũng không là cái đinh gì so với Bukit Jalil.
Trận đó VN dưới sự dẫn dắt của HLV Dido đã thua Mã 0-2, về nước. Đúng là không hổ danh sân bóng đứng thứ nhì thế giới nằm trong khu liên hợp thể thao thuộc tốp 24. Nhiều đội bóng lạ và ngang cơ với Mã vào đây là bị mất tinh thần trước sức ép quá lớn của sân có sức chứa 90.000 chỗ. Trận đó VN thua toàn diện, đá như bị cóng, bị khớp.
Nhớ mãi hôm đó ngồi trên khán đài cạnh một thằng phóng viên của một đài phát thanh tư nhân thì phải. Nó tường thuật chui trận đấu bằng 2 cái điện thoại cục gạch, thay nhau hoặc hỗ trợ khi mất sóng. Mỗi lần Mã vào nó sướng nó hô mà mình nhòm sang muốn vứt mẹ điện thoại của nó đi cho bõ tức👺. Nhưng cũng may còn giữ tí thể diện quốc gia.
Trên mạng rao rất nhiều các khách sạn gần sân nhưng nói chung không cần thiết ở đó làm gì. Quy hoạch của bạn về giao thông- đô thị khá ổn nên cổng sân ngay bến tàu điện. Hình như có 3 tuyến, tầu sơn 3 màu khác nhau, cứ cầm bản đồ là đi khắp thủ đô Kuala Lumpur.
Anh Huy mù (Quốc Huy- hồi đó đang viết cho Thể thao Tp HCM) ngồi cạnh mình nghe đôi trẻ hôn nhau choét phát ở tận cuối toa bèn ngó mình thở dài, nói đéo biết bao giờ VN mới có được cái tàu như thế này😂!
Thôi, 20 năm rồi, hy vọng tuyển VN hôm nay phớt lờ chảo lửa Bukit Jalil mà đá cho tưng bừng.