Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

VÃI CẢ...CHỊ LÊ BÌNH ƠI!


Khi mình lớn lên thì đã không còn bom rơi đạn nổ. Sự tàn khốc và đớn đau của chiến tranh chỉ còn trên trang sách, qua lời kể và hiện hữu ở những người thân.
Thế nhưng trực tiếp xem bắn súng thì nhiều lần rồi. Mình nhớ nhất cái đận đoàn làm việc của Đài Tiếng nói Việt Nam thăm một đơn vị xe tăng ở chỗ đường lên Tam Đảo -Vĩnh Phúc.
Hôm đó cũng là cuộc thi sát hạch ra trường cho lớp hạ sỹ quan lái xe tăng gì đó nên đoàn mới có cơ hội tới tận thực địa xem các bài bắn đạn thật.

Từ đài quan sát, mình thấy từng nhóm lính đen trũi, người sắt lại, vác từ trong kho ra những quả đạn màu kẽm (mỗi anh vác một quả, mỗi quả gần 30 kí lô) để đưa vào trong xe tăng. Một ông tướng đứng bên cạnh nói, đạn phải nhập đấy, VN chưa sản xuất được, đắt lắm!
Ông tướng không nói với mình mà trò chuyện với Phó TGĐ VOV Đào Duy Hứa. Mình làm báo nên có thói quen lúc vào và ra (đâu đó) thì cứ bám chặt, đứng sát, đi kè... bên quan chức (nhưng lúc ăn tiệc thì chớ). Vì thế mới nghe lỏm được, thấy đây là dịp may, chứ dễ gì được xem nổ cái ĐÙNG hết cả tấn thóc như thế này.
Vì thế mình hào hứng lắm! Bác Hứa vốn kiệm lời, thế mà lúc này cũng nói nói cười cười, ngọ nguậy liên tục như trẻ thơ, nhìn chỗ nọ, nhìn chỗ kia, vẻ bồn chồn, háo hức chẳng kém.
Tiếng máy tăng T54 gầm rú, khói mù mịt, 3 chiếc tăng nhận lệnh chồm lên, vừa hành tiến vừa khai hoả.
Ầm! Ầm! Ầm! Tiếp theo là vài loạt 12li 7 trên tháp pháo xạ kích vào mục tiêu nghe rẹt rẹt như pháo tép.
Đài quan sát bị sóng xung kích làm cho rung rinh. Mình choáng váng, trống ngực đập thình thịch. Thế mới biết vì sao lính mới, lần đầu ra trận cứ khóc hu hu gọi mẹ. Nhìn sang thấy bác Hứa thất thần, mặt xanh như tàu lá. Bác nói khẽ, giọng run run đứt quãng: Thôi, thôi..., về, về đi! Ông tướng kế bên ngạc nhiên: Mới bắn được một loạt mà anh?
Chưa lúc nào mong được thối lui như lúc này. May quá bác Hứa cũng đồng cảnh. Bác hốt hoảng đi như chạy trước khi loạt đạn sau khai hoả. Mình bám theo luôn, nhân tiện quờ tay sờ đũng quần. Bỏ mẹ...! Ướt đầm!
Đấy! Kinh không! Mình ở ngay Tam Đảo nghe pháo tăng nó nện Ầm một phát còn thế ..., không biết tận Syria chị Lê Bình thế nào?
PS: Những ai ở VOV cùng đi lên thăm trường tăng hôm đó xác nhận giúp, không lại bảo mình bốc phét.

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

27/7


Sáng sớm, bước chân ra cổng thấy chị Quế, người đàn bà nghèo sống một mình ở nhà bên, cầm trên tay hai gói thuốc lá Thăng Long. Thấy mình tròn mắt ngạc nhiên, chị cười giả lả, nói hôm nay 27/7...
Chị có người em, lính Trường Sơn, hy sinh ở mặt trận phía Nam. Giấy báo tử vỏn vẹn vài chữ thế thôi nên gia đình đành lấy ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 làm ngày giỗ.
Nhà mình có ông chú ruột, đẳng vợ có ông cậu ruột cũng ra đi trong hoàn cảnh như thế: mất xác và không có ngày hy sinh. Mỗi gia đình đành phải chọn một ngày nào đó, có thể là 27/7 như hôm nay, để làm giỗ.
Không biết có quốc gia nào, có dân tộc nào trên thế giới mà sau khi lập nước có 2 năm (1947) đã phải tổ chức Ngày thương binh như nước ta không? Đấy là còn chưa kể những người Việt nhưng ở phía bên kia...
Cũng hôm nay, nhiều đoàn quan chức rầm rộ, long trọng và thành kính dâng hoa dâng hương lên các đài tưởng niệm, các nghĩa trang liệt sỹ trên cả nước.
Mình đứng từ xa nhìn họ. Họ đang tri ân, tưởng nhớ? Họ cầu mong những linh hồn siêu thoát? Hay họ đang cầu tài cầu lộc cầu cho vinh thân phì gia...? Hay họ đang sám hối cho một vài tội lỗi bé ti ti mà họ vừa gây ra? Làm sao mà biết được! Chỉ thương cho những người đã nằm xuống, thương cho những người như chị Quế phải chạy đôn chạy đáo mua 2 bao thuốc cúng em vào cái ngày 27/7 này

CHUYỂN NGHỀ ĐÂY


Tới nay thì loài người đã trải qua 3 cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ. Đấy là theo SGK trường làng, còn chẳng biết thế giới tính thế nào.
Tính thế nào thì tính nhưng cứ mỗi lần cách mạng KHKT đi qua thì máy móc lại thay thế cơ bắp con người nhiều hơn. Đến nay thì không dừng lại ở cơ bắp-thể lực nữa, máy móc-công nghệ còn can thiệp cả vào trí lực loài người.
Mình thì liều cho Internet (trong đó có mạng xã hội) là cuộc cách mạng KHKTCN lần thứ IV. Vì nó tác động sâu sắc đến đời ống xã hội, làm thay đổi một cách nhanh chóng bộ mặt thế giới...bla ..bla ...bla...
Các cuộc CM công nghệ, ở những mức độ khác nhau, đều khiến cho số việc làm của người lao động bị giảm sút. Song Internet thì ngược lại. Nó đang chuẩn bị cướp nồi cơm của nhà em.
Ông chủ Facebook và Google đang thử nghiệm phủ sóng wifi miễn phí toàn thế giới. Giờ người dân làm báo tuyệt hơn em nhiều. Nhà báo tụi em sắp hết thời rồi.
Phải tìm ngay một nghề! Thời buổi công nghệ, người ta lại thích quay lại với những biện pháp thủ công. Đang tính làm nghề NHẬN THÔNG TẮC TIA SỮA . Các bác thấy thế nào?

Tôi không ngạc nhiên với người Campot

Nói thực tôi không bất ngờ khi thấy gần như tất cả cổ động viên Cam Pốt ủng hộ nhiệt thành cho đội Úc trong trận CK U16 Việt Nam - Úc vừa diễn ra.
CĐV có quyền ủng hộ đội nào họ thích. CĐV cũng thường có tâm lý "phù suy", tức là làm CĐV giúp cho một đội yếu hơn, hoặc ở xa tới, ít fan tham dự. Có thể đây cũng là một lý do. Nhưng Úc không phải là đội yếu. Hơn nữa, tâm lý thông thường thì ở một giải Đông Nam Á, người ĐNA cũng muốn cho một đội của nước thành viên đoạt cúp để thoát ra khỏi vùng trũng của thể thao thế giới chứ?
U16 Cam Pốt vừa thua VN trong trận bán kết trước đó. Tuy nhiên theo tôi, dẫu có chút cay cú, nhưng đây không phải lý do chính khiến cho toàn bộ CĐV Cam Pốt ra mặt cổ vũ cho Australia.
Ở đây có những nguyên nhân thời cuộc. Tôi cứ tự vấn mình liệu có suy diễn, áp đặt không? Câu trả lời là hoàn toàn không.
Một Liên Xô xa xôi, thế mà nay nhắc đến người Nga, hoặc một đội thể thao nào của Nga, thì trong lòng nhiều người Việt vẫn còn nhiều tình cảm quý mến.
Với xứ xở chùa Tháp, xương máu của con em nước Việt đã đổ thành sông thành núi để đẩy lùi chế độ diệt chủng Pôn pốt do Trung Quốc giật dây.
Ai theo dõi thể thao một thời gian dài đều biết, trong rất nhiều giải đấu, thể thao VN đã phải chu cấp từ A đến Z cho thể thao 2 nước láng giềng như thế nào.
Tôi nhắc lại là không hề bất ngờ với sự việc CĐV Cam Pốt ủng hộ đội Úc một cách cuồng nhiệt. Tôi và chắc nhiều người khác nữa phải cám ơn họ. Cảm ơn vì họ đã bộc lộ thái độ để giúp ta thêm một lần nữa phải giật mình, để ta phải chủ động, phải cảnh giác hơn. Lãnh đạo của họ như thế nào mọi người đã biết. Đến nay, thế hệ trẻ của họ cũng đã rất thực dụng. Mình còn khó khăn, chẳng giúp họ đc nhiều, nhưng có thằng khác nó vửt ra cả xếp đô la cơ. Đừng có mơ! Cấp thiết nhất hiện nay là cắm hết mốc ở biên giới Tây Nam!
Nếu Biển Đông xảy ra biến, thằng cha láng giềng to xác kiểu gì cũng kích động gây hấn ở đây để VN buộc phải phân tán lực lượng... Là người từng công tác ở Tây Bắc, vừa rồi lại "nằm vùng" ở miền Tây hơn 2 năm, tôi cược rằng, nếu phức tạp xảy ra thì sẽ xuất hiện ở biên giới Tây Nam (trước) chứ không phải ở Tây Bắc.

Bằng khen là cái đinh

Cách đây mấy năm Vinashine thua lỗ nặng, đến mức lãnh đạo phải ngồi "bóc lịch", thế mà trước đó đảng bộ ở đây vưỡn "trong sạch vững mạnh".
Tưởng sau vụ đó thì việc ban phát, trao tặng cũng kín kẽ và kín đáo hơn, nào ngờ vụ anh Trịnh Xuân Thanh vỡ lở thì thấy mọi sự... vưỡn thế!
Hổi còn ở PVC dù làm sai, lỗ hàng ngàn tỉ... cơ quan anh Thanh, do anh làm CT HĐQT, vẫn được nhận nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương lao động hạng nhất, Huân chương lao động hạng hai, tập thể anh hùng lao động… Cá nhân anh xém chút nữa còn là nghị viên. Đại biểu QH- bất khả xâm phạm cơ mà. Đáng kính lắm! Đáng kính lắm!
Lại có thời, nhiều nhà báo (trong đó có mình) hay kết bài bằng cách dụ người nghe, người xem đi vào phòng truyền thống. Ở đó nhà báo bắt đầu véo von ca:
"Tôi ngước nhìn lên tường và thực không còn tin ở mắt mình! Cờ, bằng khen, giấy khen và huân huy chương đỏ rực! Ở trung tâm phòng truyền thống là danh hiệu cao quý nhất ... Đây là phần thưởng xứng đáng của đơn vị..., ghi nhận sự nỗ lực, sự phấn đấu, sự hy sinh ..."
Đấy! Cứ lôi bằng khen, danh hiệu vào mà tán thì giờ có khi bị người dân cho là tào lao cũng nên.

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

CHIÊU


Làm cái gì giờ cũng phải có chiêu, có bài, phối-kết-hợp lại là chiêu bài. He he, nghe có vẻ hơi bị kinh, nhưng đúng thế thật.
Trong kinh doanh là lắm bài nhất. Thuở bình minh của kinh tế thị trường ở xứ ta, khi đó mấy người bán hàng còn chảnh lắm, mặt mũi nặng chình chịch, hằm hè, lườm người này, nguýt người kia... nhìn phát ớn!
Hồi ấy mình ngáo ngơ thấy thằng bạn khoe vừa mua chai dầu gội đầu Pháp, thơm lắm, hơn Camay Thái. Nghe vậy mình âm thầm ra tiệm, rụt rè dăm ba bận mới dám mở lời: Chị ơi có chai dầu gội Pháp...? Chị bán hàng không thèm ngó mặt mình, lẳng ra một chai nằm chềnh ềnh trên mặt bàn, lạnh te hô 6 ngàn. Mình như cua gặp ếch, lúng túng moi mãi mới ra được đủ 6 ngàn. Về nhà mở ra, đúng là dầu gội Pháp, nhưng không phải của Pháp mà tên chai dầu là Pháp.
Bây giờ thì đừng hòng lừa mình kiểu thô thiển như thế! Nhưng chưa hết đâu, người ta vẫn thấy bóng dáng của nó quanh quẩn đâu đây. Ví như trung tâm tiếng Anh thì phải tìm cho nó một cái tên có yếu tố nước ngoài như Việt Mỹ, Việt Úc... thì mới hút học viên.
Tâm lý thích mua rẻ không chỉ của riêng con cháu Vua Hùng mà là của chung loài người. Biết vậy, người ta mới du nhập và chọn lựa những từ ngữ thể hiện rõ nhất hành vi bán đổ bán tháo để dụ khách hàng.
Một trong số đó là XẢ HÀNG. Trong ngôn ngữ tiếng Việt, không có từ nào đắt hơn từ XẢ để thể hiện một cách mạnh mẽ và quyết liệt việc bán tống bán tiễn, bán cho nhanh để thu hồi vốn, được đồng nào hay đồng ấy.
Có nơi còn căng băng rôn THANH LÝ CỬA HÀNG để hướng suy nghĩ của người mua tới việc bán như cho. Có cửa hàng "thanh lý" cả năm chưa hết?!
Có shop cứ hết mùa đông thì đem áo rét ra bán, hết mùa hè thì đem đồ lửng, cộc tay... ra bày la liệt với cái bảng viết nguệch ngoạc cho nó có vẻ chân quê, chất phác: CHUYỂN SANG BÁN QUẦN ÁO XUÂN-HÈ, THANH LÝ ĐỒ MÙA ĐÔNG...Thế là các bố các mẹ nhà ta lao vào như thiêu thân, ai cũng hỉ hả, hào hứng vì thấy có đầy đủ lý do để chứng minh người bán không thể bán đắt, và mình-người mua, chắc chắn mua được món hời. Giời ạ!
Chiêu được đánh giá là tử tế nhất vẫn được chủ cửa hàng áp dụng là GIẢM GIÁ. Họ giảm 50% giá cho mỗi sản phẩm nhưng kỳ thực giá niêm yết đã được tăng lên 50% trước đó.
GIÁ CŨ- GIÁ MỚI cũng bắt mắt người tiêu dùng ham rẻ. Nhân viên bán hàng viết GIÁ CŨ với giá trên trời, sau đó dùng mực đỏ cương quyết gạch ngang một nhát đầy quyết tâm và vô cùng đau đớn. Bên dưới đề GIÁ MỚI, một con số nhỏ tí ti, rất tội nghiệp (so với GIÁ CŨ), tội nghiệp tới mức người mua ngậm ngùi không còn dám trả giá dù trong thâm tâm thấy hình như vẫn...hơi đắt.
Chỗ cơ quan mình có quán nhậu tàm tạm. Mình sang vài bận thành quen. Buổi sau có thằng đệ rủ mình lai rai, mình kéo nó sang đó cho tiện. Khi tính tiền, một em xinh đẹp lại gần lễ phép đưa hoá đơn. Thằng đệ giằng lấy, nói để em. Em phục vụ nhẹ nhàng: Vâng ạ! Anh để anh Phong ký đã ạ.
Mình cầm bút ký cái xoẹt, thằng đệ lác mắt. Chả biết giảm đc nhiêu tiền nhưng giờ hễ có khách nhậu là mình kéo qua đó để đc ... ký😜, để có cơ hội đc chiêm ngưỡng mình là người quan trọng .
Gần nhà mình có cửa hàng tạp hoá bán đủ thứ, từ cái đinh cho tới bánh xà phòng, từ chai rượu cho tới lọ dầu gió. Mình thích ra cửa hàng này vì nó bán đủ thứ gia dụng và vì cô chủ trông cũng xinh xinh, nói năng xởi lởi tươi tắn, trên mặt không bị thích hai chữ QUỐC DOANH-MẬU DỊCH như thuở nào.
Em này có cách tiếp thị bán hàng kiểu nhân chứng sống. Hôm ra mua bánh xà phòng, đang nâng lên đặt xuống thì cô ta nhanh nhảu, nói em toàn dùng loại này. Bữa nọ mua tuýp kem đánh răng Lion - Nhật, em cũng quảng cáo "con em tuyền...ền...ền...n đánh loại này thôi anh ạ".
Tận mắt thấy da em trắng hồng, răng con em trắng bong, mình tin, mua ngay chẳng đắn đo suy tính. Đến cái bận mua bao cao su, em cũng cười tươi, khoe: Cái này hay lắm anh ạ, em dùng suốt, bền...ền...ền...n..lắm!
Mình lặng lẽ nhìn sâu vào mắt em, chậm rãi hỏi lại từng từ, như không tin ở tai mình: Bền...ền...ền...n...n lắm hả em?

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

Ghi chép trong nghề báo

Hồi còn trực tiếp đi viết bài, có lần lê la ở phòng anh Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin-Bộ GD-ĐT, để chờ phỏng vấn.
Lúc lôi cái máy ghi âm bằng băng cát-sét ra, anh nhìn mình cười tít, nói thế cái con Bình (chị Nguyễn Thị Hoà Bình, GĐ Trung tâm âm thanh) nó sắm cho chúng máy cái máy cổ lỗ sỹ này đấy à? Mình cười. Anh bốc máy bảo, để tao gọi cho con Bình. Trong lúc chờ đầu dây bên kia, anh quay sang giải thích: Chúng tao học ĐHBK cùng nhau.
...
Những hành động như thế, dù thân mật, nhưng có vẻ như đẩy mình xuống vị trí chiếu dưới. Vì thế mình cố tìm lại vị thế của một thằng đi phỏng vấn chứ không đi "ăn trực". Mình bảo: Thôi! Anh lo sắm cho anh Nhân (Nguyễn Thiện Nhân - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) cái Ipad, hay cái Ultrabook để anh đỡ viết tay lúc họp hành đi đã.
...
Nói thế bởi mình với ông Nhân vừa từ Thanh Hoá về. Hôm ở Thanh Hoá, lúc làm việc với tỉnh và với Sở GD-ĐT, ông ghi chép và viết bài phát biểu chỉ đạo ngay tại hội trường. Mình có được bản viết tay ấy mà luận mãi không ra chữ gì, vì quá xấu, chữ cô Hang Le , Trưởng phòng GD còn đẹp hơn!
Nghe thế, anh Ngọc cười cười, mắt vẫn tít lên, nói không bằng viết tay đâu thằng em, viết tay vẫn nhanh hơn, vẫn là vô địch đấy!
Kể câu chuyện này, mình muốn nói với các bạn rằng cái bút -quyển sổ vẫn và mãi mãi gắn liền với nghề của chúng ta. Sổ nhỏ thôi, đút vừa túi áo túi quần là tiện nhất.
Nhớ hồi Hệ hay đi điền dã cho dự án, do ma ma tổng quản Song Phuongcầm đầu. Cái đận làm hội thảo trên Phú Thọ, anh Bách Xuân đem một quyển sổ dầy cộp đặt trên bàn, cả bút đỏ bên trên nữa... rồi ra ngoài hút thuốc vặt.
Một ông không rõ nhân thân từ đâu ngồi vào chỗ của anh Bách, điềm nhiên mở sổ (của anh Bách), cầm bút (của anh Bách), viết vào đó 3 chữ "Ghi chép tốt,10 đ" , rồi lẳng lặng bỏ đi đầy bí hiểm.
Đấy! Một lão trùm về công nghệ thông tin ở VN-cha đẻ của BKED- Quách Tuấn Ngọc khuyên như thế không phải không có cái lý của nó! Rồi đến một kẻ vô danh trong giang hồ cũng khuyến cáo hãy ghi chép (lại còn cho điểm đánh giá nữa mới... hoành) thì còn lý do gì để mà không GHI CHÉP?

Bất thường trong cái bình thường

http://vov.vn/blog/hay-bat-thuong-mot-cach-tich-cuc-530200.vov

Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

Vẻ đẹp của sự cô đơn

http://vov.vn/blog/dung-den-do-khi-nguoi-nguoi-vuot-ve-dep-cua-su-co-don-528639.vov

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2016

Thiếu tay vịn ?


Hôm nay em đọc Dự thảo Hướng dẫn thực hiện khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông (đề ngày 6/6/2016) mà không hiểu nổi! Ngay ở Điều 1, các bác nhà mình đánh đồng học viên giáo dục thường xuyên với học sinh phổ thông. Các bác vi phạm Luật GD nhá! Dù mới chỉ là Dự thảo những cũng cứ bắt giò các bác trên Bộ GD-ĐT chơi!
Khoản 1 Điều 9 của Dự thảo này quy định: "Mọi hình thức kỷ luật học sinh đều được nhà trường thông báo kịp thời bằng văn bản đến cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh để phối hợp quản lý, giáo dục. Nhà trường và giáo viên không được công bố tên của học sinh vi phạm trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh của lớp, của trường"
Nếu các bác ở 49 Đại Cồ Việt mà không thay đổi gì ở điều này thì nhà em đồ rằng lúc thực thi giáo viên sẽ phải lặng lẽ nhét cái quyết định kỷ luật vào cặp cho trò, lấm lét cúi xuống nói thầm vào tai, là con ơi, nhà trường vừa kỷ luật con đấy!
Thực ra thông tư này, cũng như một số chính sách khác của ngành GD đều hướng tới người học, rất nhân văn, thế nhưng thực thi lại chật vật. Em lại đoán mò là do các bác làm chính sách trong phòng lạnh, theo lối copy-paste. Mát mẻ thế mà đọc lại cũng lười! Cái này em chê! Mặt khác do GD có nhiều thông tư, hướng dẫn, quy định quá, các bác không nhớ nổi nên "cái lọ nó đá cái chai". Cái này em chia sẻ! Không nói đểu đâu! Thật! Thề!
Lôi các bác GD ra “nhậu” chơi, để làm cái cớ nói một hiện tượng có thực trong xã hội và tất nhiên cả trong làm chính sách nữa.
Hiện tượng đấy là gì?
Trước đây chúng ta đề cao tập thể, đề cao tính cộng đồng thì nay nồng nhiệt đưa cá nhân lên tận mây xanh. Có những cá nhân chẳng có tí trách nhiệm xã hội nào cũng được tung hô, được quan chức gặp gỡ.
Trước kia nhiều người xem thường sự giàu có, coi sự nghiệp, đức hy sinh, sự cống hiến mới quan trọng, còn làm giàu không phải đích đến được ưu tiên, lý tưởng gạt ra ngoài hai chữ làm giàu. Nhưng nay thì cả xã hội cổ xuý và hô hào làm giàu. Sách dạy làm giàu, bí quyết, kỹ năng kinh doanh…, nhan nhản. Những buổi nói chuyện về làm giàu luôn chật kín người nghe.
Trước đây người ta dạy con lòng yêu thương, vì bè bạn, trọng cái nghĩa cái tình…, thì nay người ta phải dạy con sao cho thật khôn, phải biết tự mình thoát ra khỏi cạm bẫy, chống chọi với hiểm nguy…Và thế là hàng loạt các lớp dạy học khôn ra đời với những cái tên mĩ miều: kỹ năng sống hay học kỳ quân đội.
Trước đây ra đường xức chút nước hoa thì bị kẻ nhòm người ngó, kẻ châm người chọc, nói đồ tiểu tư sản, loại lười lao động… Giờ đổ cả chai Chanel lên người thì càng chứng tỏ đẳng cấp sành điệu.
Nhà em không có ý chê bai, gièm pha những thay đổi này. Những dịch chuyển xã hội nói trên là do nền kinh tế thay đổi, và trên thực tế chúng ta cũng phải thay đổi để hoà mình cùng với thế giới văn minh trong giai đoạn hội nhập và toàn cầu hoá. Một vài thay đổi thực sự cần thiết. Tuy nhiên, trong đời thường và trong xây dựng chính sách, dường như chúng ta đang hốt hoảng chạy từ thái cực này sang thái cực khác? Bước chuyển có vấn đề?
Thiết kế và xây dựng những bước chuyển nói trên là phần việc của người làm chính sách. Nhà em cứ mường tượng bước chuyển này giống cái cầu thang bỗng dưng có một bậc cao hơn (hoặc thấp hơn) khiến em vấp ngã hay bị hụt chân. Khi ấy em chỉ muốn văng tục chửi tụi thợ hồ vụng nghề!
Thực tế thời gian qua đã có những văn bản trái luật, văn bản nọ đá văn bản kia. Có những chính sách vừa ban hành đã bị xã hội cười nhạo. Xây dựng chính sách trong giai đoạn có nhiều thay đổi này phức tạp hay do năng lực hạn chế nên để xuất hiện tình trạng nói trên? Cái ni nhà em chịu!
Những văn bản thể hiện chính sách chỉ là những con chữ vô hồn nhưng nó ảnh hưởng tới công việc, quyết định tới số phận của nhiều người. Vì thế nhà em dù ít học nhưng thấy làm chính sách thì không thể máy móc vay mượn của nước này nước khác một cách lười nhác và cẩu thả.
Những chính sách được sinh ra từ những cái đầu mông lung, trống rỗng, mơ hồ và hoang mang, liều lĩnh chạy từ thái cực này sang thái cực khác, thì sớm muộn cũng chết yểu.
Những chính sách đẻ non để đối phó với dư luận, để trục lợi, để chứng minh người làm chính sách vẫn đủ tư cách lĩnh lương từ ngân sách, thì không những không quản lý được xã hội mà còn gây ra bất ổn, chí ít cũng bị nhà em xem thường.
Cũng có những chính sách đúng, thành công ở một vài khu vực, nhưng căn bản nhất, tổng quát nhất, là nhà em vẫn chưa thấy một tư tưởng, một đường hướng rõ rệt, như cái tay vịn để bấu víu và nương tựa trong suốt hành trình xây dựng chính sách của mình.

LÁO! NHƯNG SAO DÁM LÁO?


Nếu như có một cuộc bình chọn về phát ngôn xấc xược nhất trong năm thì phần thắng chắc chắn dành cho ông Chu Xuân Phàm với câu nói: “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy. Cứ chọn đi!”.
Ông Chu đã nói câu này khi nhà máy Formosa xả thải độc ra vùng biển 4 tỉnh miền Trung gây hậu quả khủng khiếp cho môi trường biển.
Câu nói này hỗn xược đến mức chính lãnh đạo nhà máy Formosa cũng thấy không thể chấp nhận mà tức tốc cho ông rời khỏi Việt Nam, đồng thời loan báo ông không phải là người phát ngôn. Thực chất đây là biện pháp xức dầu cho một cú đâm chí tử vào lòng tự trọng của người dân Việt.
Tôi cứ tự hỏi vì sao ông Chu, có vợ là người Việt, sống ở Việt Nam hai chục năm, nên (đồ rằng) có thể coi đất nước này như quê hương thứ hai, vậy mà lại buông một câu cẩu thả và thiếu trách nhiệm đến thế?
Người ta bảo ông xảy miệng. Không! Một người được chọn vào vị trí đối ngoại của một tập đoàn tầm cỡ thế giới, làm trưởng đại diện tại Hà Nội, thì không xảy miệng được!
Người ta bảo ông nóng nảy mất bình tĩnh. Không! Người Á châu có câu: Ngũ thập tri thiên mệnh, tức là người ở tuổi 50 như ông Chu đã thông suốt chân lý của tạo hoá, hiểu cả mệnh trời, sao thiếu bình tĩnh được?
Thế thì tại sao nhỉ?
Nói cho cùng câu nói của Chu đã đạt tới ranh giới cuối cùng của sự coi thường tuyệt đối. Chu coi thường người dân Việt. Nhưng người có vai vế như Chu chẳng biết dân là ai cả mà chỉ biết quan chức. Lẽ nào những quan chức mà Chu tiếp xúc và làm việc không để lại một chút tôn trọng và đáng kính nào hay sao mà lại dám ăn nói lỗ mãng vậy nhỉ?
Thành ngữ có câu: “chơi chó, chó liếm mặt”, “cắm sào sâu khó nhổ”, “há miệng mắc quai” hoàn toàn có thể lý giải được những tình huống như thế này./.