Thiếu tay vịn ?
Hôm nay em đọc Dự thảo Hướng dẫn thực hiện khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông (đề ngày 6/6/2016) mà không hiểu nổi! Ngay ở Điều 1, các bác nhà mình đánh đồng học viên giáo dục thường xuyên với học sinh phổ thông. Các bác vi phạm Luật GD nhá! Dù mới chỉ là Dự thảo những cũng cứ bắt giò các bác trên Bộ GD-ĐT chơi!
Khoản 1 Điều 9 của Dự thảo này quy định: "Mọi hình thức kỷ luật học sinh đều được nhà trường thông báo kịp thời bằng văn bản đến cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh để phối hợp quản lý, giáo dục. Nhà trường và giáo viên không được công bố tên của học sinh vi phạm trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh của lớp, của trường"
Nếu các bác ở 49 Đại Cồ Việt mà không thay đổi gì ở điều này thì nhà em đồ rằng lúc thực thi giáo viên sẽ phải lặng lẽ nhét cái quyết định kỷ luật vào cặp cho trò, lấm lét cúi xuống nói thầm vào tai, là con ơi, nhà trường vừa kỷ luật con đấy!
Thực ra thông tư này, cũng như một số chính sách khác của ngành GD đều hướng tới người học, rất nhân văn, thế nhưng thực thi lại chật vật. Em lại đoán mò là do các bác làm chính sách trong phòng lạnh, theo lối copy-paste. Mát mẻ thế mà đọc lại cũng lười! Cái này em chê! Mặt khác do GD có nhiều thông tư, hướng dẫn, quy định quá, các bác không nhớ nổi nên "cái lọ nó đá cái chai". Cái này em chia sẻ! Không nói đểu đâu! Thật! Thề!
Lôi các bác GD ra “nhậu” chơi, để làm cái cớ nói một hiện tượng có thực trong xã hội và tất nhiên cả trong làm chính sách nữa.
Hiện tượng đấy là gì?
Trước đây chúng ta đề cao tập thể, đề cao tính cộng đồng thì nay nồng nhiệt đưa cá nhân lên tận mây xanh. Có những cá nhân chẳng có tí trách nhiệm xã hội nào cũng được tung hô, được quan chức gặp gỡ.
Trước kia nhiều người xem thường sự giàu có, coi sự nghiệp, đức hy sinh, sự cống hiến mới quan trọng, còn làm giàu không phải đích đến được ưu tiên, lý tưởng gạt ra ngoài hai chữ làm giàu. Nhưng nay thì cả xã hội cổ xuý và hô hào làm giàu. Sách dạy làm giàu, bí quyết, kỹ năng kinh doanh…, nhan nhản. Những buổi nói chuyện về làm giàu luôn chật kín người nghe.
Trước đây người ta dạy con lòng yêu thương, vì bè bạn, trọng cái nghĩa cái tình…, thì nay người ta phải dạy con sao cho thật khôn, phải biết tự mình thoát ra khỏi cạm bẫy, chống chọi với hiểm nguy…Và thế là hàng loạt các lớp dạy học khôn ra đời với những cái tên mĩ miều: kỹ năng sống hay học kỳ quân đội.
Trước đây ra đường xức chút nước hoa thì bị kẻ nhòm người ngó, kẻ châm người chọc, nói đồ tiểu tư sản, loại lười lao động… Giờ đổ cả chai Chanel lên người thì càng chứng tỏ đẳng cấp sành điệu.
Nhà em không có ý chê bai, gièm pha những thay đổi này. Những dịch chuyển xã hội nói trên là do nền kinh tế thay đổi, và trên thực tế chúng ta cũng phải thay đổi để hoà mình cùng với thế giới văn minh trong giai đoạn hội nhập và toàn cầu hoá. Một vài thay đổi thực sự cần thiết. Tuy nhiên, trong đời thường và trong xây dựng chính sách, dường như chúng ta đang hốt hoảng chạy từ thái cực này sang thái cực khác? Bước chuyển có vấn đề?
Thiết kế và xây dựng những bước chuyển nói trên là phần việc của người làm chính sách. Nhà em cứ mường tượng bước chuyển này giống cái cầu thang bỗng dưng có một bậc cao hơn (hoặc thấp hơn) khiến em vấp ngã hay bị hụt chân. Khi ấy em chỉ muốn văng tục chửi tụi thợ hồ vụng nghề!
Thực tế thời gian qua đã có những văn bản trái luật, văn bản nọ đá văn bản kia. Có những chính sách vừa ban hành đã bị xã hội cười nhạo. Xây dựng chính sách trong giai đoạn có nhiều thay đổi này phức tạp hay do năng lực hạn chế nên để xuất hiện tình trạng nói trên? Cái ni nhà em chịu!
Những văn bản thể hiện chính sách chỉ là những con chữ vô hồn nhưng nó ảnh hưởng tới công việc, quyết định tới số phận của nhiều người. Vì thế nhà em dù ít học nhưng thấy làm chính sách thì không thể máy móc vay mượn của nước này nước khác một cách lười nhác và cẩu thả.
Những chính sách được sinh ra từ những cái đầu mông lung, trống rỗng, mơ hồ và hoang mang, liều lĩnh chạy từ thái cực này sang thái cực khác, thì sớm muộn cũng chết yểu.
Những chính sách đẻ non để đối phó với dư luận, để trục lợi, để chứng minh người làm chính sách vẫn đủ tư cách lĩnh lương từ ngân sách, thì không những không quản lý được xã hội mà còn gây ra bất ổn, chí ít cũng bị nhà em xem thường.
Cũng có những chính sách đúng, thành công ở một vài khu vực, nhưng căn bản nhất, tổng quát nhất, là nhà em vẫn chưa thấy một tư tưởng, một đường hướng rõ rệt, như cái tay vịn để bấu víu và nương tựa trong suốt hành trình xây dựng chính sách của mình.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ