Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

CHIÊU


Làm cái gì giờ cũng phải có chiêu, có bài, phối-kết-hợp lại là chiêu bài. He he, nghe có vẻ hơi bị kinh, nhưng đúng thế thật.
Trong kinh doanh là lắm bài nhất. Thuở bình minh của kinh tế thị trường ở xứ ta, khi đó mấy người bán hàng còn chảnh lắm, mặt mũi nặng chình chịch, hằm hè, lườm người này, nguýt người kia... nhìn phát ớn!
Hồi ấy mình ngáo ngơ thấy thằng bạn khoe vừa mua chai dầu gội đầu Pháp, thơm lắm, hơn Camay Thái. Nghe vậy mình âm thầm ra tiệm, rụt rè dăm ba bận mới dám mở lời: Chị ơi có chai dầu gội Pháp...? Chị bán hàng không thèm ngó mặt mình, lẳng ra một chai nằm chềnh ềnh trên mặt bàn, lạnh te hô 6 ngàn. Mình như cua gặp ếch, lúng túng moi mãi mới ra được đủ 6 ngàn. Về nhà mở ra, đúng là dầu gội Pháp, nhưng không phải của Pháp mà tên chai dầu là Pháp.
Bây giờ thì đừng hòng lừa mình kiểu thô thiển như thế! Nhưng chưa hết đâu, người ta vẫn thấy bóng dáng của nó quanh quẩn đâu đây. Ví như trung tâm tiếng Anh thì phải tìm cho nó một cái tên có yếu tố nước ngoài như Việt Mỹ, Việt Úc... thì mới hút học viên.
Tâm lý thích mua rẻ không chỉ của riêng con cháu Vua Hùng mà là của chung loài người. Biết vậy, người ta mới du nhập và chọn lựa những từ ngữ thể hiện rõ nhất hành vi bán đổ bán tháo để dụ khách hàng.
Một trong số đó là XẢ HÀNG. Trong ngôn ngữ tiếng Việt, không có từ nào đắt hơn từ XẢ để thể hiện một cách mạnh mẽ và quyết liệt việc bán tống bán tiễn, bán cho nhanh để thu hồi vốn, được đồng nào hay đồng ấy.
Có nơi còn căng băng rôn THANH LÝ CỬA HÀNG để hướng suy nghĩ của người mua tới việc bán như cho. Có cửa hàng "thanh lý" cả năm chưa hết?!
Có shop cứ hết mùa đông thì đem áo rét ra bán, hết mùa hè thì đem đồ lửng, cộc tay... ra bày la liệt với cái bảng viết nguệch ngoạc cho nó có vẻ chân quê, chất phác: CHUYỂN SANG BÁN QUẦN ÁO XUÂN-HÈ, THANH LÝ ĐỒ MÙA ĐÔNG...Thế là các bố các mẹ nhà ta lao vào như thiêu thân, ai cũng hỉ hả, hào hứng vì thấy có đầy đủ lý do để chứng minh người bán không thể bán đắt, và mình-người mua, chắc chắn mua được món hời. Giời ạ!
Chiêu được đánh giá là tử tế nhất vẫn được chủ cửa hàng áp dụng là GIẢM GIÁ. Họ giảm 50% giá cho mỗi sản phẩm nhưng kỳ thực giá niêm yết đã được tăng lên 50% trước đó.
GIÁ CŨ- GIÁ MỚI cũng bắt mắt người tiêu dùng ham rẻ. Nhân viên bán hàng viết GIÁ CŨ với giá trên trời, sau đó dùng mực đỏ cương quyết gạch ngang một nhát đầy quyết tâm và vô cùng đau đớn. Bên dưới đề GIÁ MỚI, một con số nhỏ tí ti, rất tội nghiệp (so với GIÁ CŨ), tội nghiệp tới mức người mua ngậm ngùi không còn dám trả giá dù trong thâm tâm thấy hình như vẫn...hơi đắt.
Chỗ cơ quan mình có quán nhậu tàm tạm. Mình sang vài bận thành quen. Buổi sau có thằng đệ rủ mình lai rai, mình kéo nó sang đó cho tiện. Khi tính tiền, một em xinh đẹp lại gần lễ phép đưa hoá đơn. Thằng đệ giằng lấy, nói để em. Em phục vụ nhẹ nhàng: Vâng ạ! Anh để anh Phong ký đã ạ.
Mình cầm bút ký cái xoẹt, thằng đệ lác mắt. Chả biết giảm đc nhiêu tiền nhưng giờ hễ có khách nhậu là mình kéo qua đó để đc ... ký😜, để có cơ hội đc chiêm ngưỡng mình là người quan trọng .
Gần nhà mình có cửa hàng tạp hoá bán đủ thứ, từ cái đinh cho tới bánh xà phòng, từ chai rượu cho tới lọ dầu gió. Mình thích ra cửa hàng này vì nó bán đủ thứ gia dụng và vì cô chủ trông cũng xinh xinh, nói năng xởi lởi tươi tắn, trên mặt không bị thích hai chữ QUỐC DOANH-MẬU DỊCH như thuở nào.
Em này có cách tiếp thị bán hàng kiểu nhân chứng sống. Hôm ra mua bánh xà phòng, đang nâng lên đặt xuống thì cô ta nhanh nhảu, nói em toàn dùng loại này. Bữa nọ mua tuýp kem đánh răng Lion - Nhật, em cũng quảng cáo "con em tuyền...ền...ền...n đánh loại này thôi anh ạ".
Tận mắt thấy da em trắng hồng, răng con em trắng bong, mình tin, mua ngay chẳng đắn đo suy tính. Đến cái bận mua bao cao su, em cũng cười tươi, khoe: Cái này hay lắm anh ạ, em dùng suốt, bền...ền...ền...n..lắm!
Mình lặng lẽ nhìn sâu vào mắt em, chậm rãi hỏi lại từng từ, như không tin ở tai mình: Bền...ền...ền...n...n lắm hả em?

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ