Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2016

LÁO! NHƯNG SAO DÁM LÁO?


Nếu như có một cuộc bình chọn về phát ngôn xấc xược nhất trong năm thì phần thắng chắc chắn dành cho ông Chu Xuân Phàm với câu nói: “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy. Cứ chọn đi!”.
Ông Chu đã nói câu này khi nhà máy Formosa xả thải độc ra vùng biển 4 tỉnh miền Trung gây hậu quả khủng khiếp cho môi trường biển.
Câu nói này hỗn xược đến mức chính lãnh đạo nhà máy Formosa cũng thấy không thể chấp nhận mà tức tốc cho ông rời khỏi Việt Nam, đồng thời loan báo ông không phải là người phát ngôn. Thực chất đây là biện pháp xức dầu cho một cú đâm chí tử vào lòng tự trọng của người dân Việt.
Tôi cứ tự hỏi vì sao ông Chu, có vợ là người Việt, sống ở Việt Nam hai chục năm, nên (đồ rằng) có thể coi đất nước này như quê hương thứ hai, vậy mà lại buông một câu cẩu thả và thiếu trách nhiệm đến thế?
Người ta bảo ông xảy miệng. Không! Một người được chọn vào vị trí đối ngoại của một tập đoàn tầm cỡ thế giới, làm trưởng đại diện tại Hà Nội, thì không xảy miệng được!
Người ta bảo ông nóng nảy mất bình tĩnh. Không! Người Á châu có câu: Ngũ thập tri thiên mệnh, tức là người ở tuổi 50 như ông Chu đã thông suốt chân lý của tạo hoá, hiểu cả mệnh trời, sao thiếu bình tĩnh được?
Thế thì tại sao nhỉ?
Nói cho cùng câu nói của Chu đã đạt tới ranh giới cuối cùng của sự coi thường tuyệt đối. Chu coi thường người dân Việt. Nhưng người có vai vế như Chu chẳng biết dân là ai cả mà chỉ biết quan chức. Lẽ nào những quan chức mà Chu tiếp xúc và làm việc không để lại một chút tôn trọng và đáng kính nào hay sao mà lại dám ăn nói lỗ mãng vậy nhỉ?
Thành ngữ có câu: “chơi chó, chó liếm mặt”, “cắm sào sâu khó nhổ”, “há miệng mắc quai” hoàn toàn có thể lý giải được những tình huống như thế này./.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ